Phòng GD &ĐT Thanh Oai Trường THCS Nguyễn Trực-KB ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 Năm học 2014-2015 Môn Ngữ văn Thời gian làm bài: 150 phút(Không kể thời gian giao đề) Câu 1: (4,0 điểm) Trình bày sự cảm nhận của em về hình ảnh cánh buồm trong những câu thơ sau: Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió ( Quê hương – Tế Hanh ) và Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng ( Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận ) Câu 2: (4,0 điểm) Suy nghĩ của em về câu chuyện sau: “Sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản (Ngày 11/3/2011), tại một trường tiểu học, người ta tổ chức phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong những người xếp hàng, tôi chú ý đến một em nhỏ chừng chín tuổi, trên người chỉ mặc một bộ quần áo mỏng manh. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt em thì chắc chẳng còn thức ăn nên đến gần và trò chuyện với em. Em kể thảm họa đã cướp đi những người thân yêu trong gia đình: cha, mẹ và đứa em nhỏ. Em bé quay người lau vội dòng nước mắt. Thấy em lạnh, tôi cởi chiếc áo khoác choàng lên người em và đưa khẩu phần ăn tối của mình cho em:“Đợi tới lượt cháu chắc hết thức ăn rồi, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, cháu ăn đi cho đỡ đói”. Cậu bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó, nhưng thật bất ngờ, cậu mang khẩu phần ít ỏi ấy đi thẳng đến chỗ những người đang phân phát thực phẩm, để túi thức ăn vào thùng rồi quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao cháu không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời:“Bởi chắc còn có nhiều người bị đói hơn cháu. Cháu bỏ vào đó để cô chú phát chung cho công bằng.” (Dẫn theo báo Dân trí điện tử) Câu 3 : ( 12 điểm ) Nói về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, người ta hay nhắc đến bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son” Có mối liên tưởng nào giữa bài thơ “Bánh trôi nước” với hai tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và “Truyện Kiều” (qua các đoạn trích đã học) của Nguyễn Du? Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của em. Hết Hướng dẫn chấm Câu 1 : (4 điểm) Yêu cầu : * Về nội dung : Học sinh cảm nhận hình ảnh cánh buồm trong những câu thơ trên : - Được miêu tả theo cách so sánh (bài Quê hương) và ẩn dụ (bài Đoàn thuyền đánh cá) . - Cánh buồm thiêng liêng khi so sánh với "mảnh hồn làng"và thơ mộng khi là "buồm trăng" (Học sinh phân tích ) . - Cánh buồm gắn với cuộc sống, công việc của người dân chài, mang vẻ đẹp tâm hồn người dân chài : Cần cù, dũng cảm, phóng khoáng và có chút thơ mộng lãng mạn . * Về hình thức : Bài viết có bố cục đầy đủ rõ ràng : MB-TB-KB . Đảm bảo sự phân tích chặt chẽ trong bài viết . * Biểu điểm : - Điểm 4 : Đáp ứng tất cả các yêu cầu trên, không mắc lỗi . - Điểm 3 : Đáp ứng 2/3 yêu cầu, còn mắc một số lỗi . - Điểm 2 : Đủ 1/2 yêu cầu , còn mắc một số lỗi diễn đạt . - Điểm 1: Đạt dưới 1/2 yêu cầu, mắc nhiều lỗi . Câu 2: (4,0 điểm) I. Yêu cầu: 1. Về kĩ năng: - Thí sinh thể hiện tốt kĩ năng làm văn nghị luận xã hội. - Bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả. 2. Về kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau song cần đảm bảo các ý cơ bản sau: * Nêu được ý nghĩa của câu chuyện: - Thể hiện tình yêu thương ấm áp, sự đồng cảm, sẻ chia giữa những con người đang ở trong hoàn cảnh éo le. Điều này có thể thấy qua nghĩa cử cao đẹp của nhân vật “tôi” đối với em nhỏ cũng như suy nghĩ, việc làm đáng trân trọng của em bé bất hạnh. * Bàn luận về vấn đề tình yêu thương giữa con người với con người trong cuộc sống: - Trong cõi đời, tình yêu thương giữa con người với con người là một giá trị cao quý, là điều cần thiết mà ai cũng phải hướng tới. - Trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, lòng nhân ái càng cần thiết để sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh. - Phê phán những kẻ sống vô cảm, ích kỉ, thờ ơ với cộng đồng. * Rút ra bài học. - Mỗi người cần biết sống yêu thương, gắn bó, có trách nhiệm với cộng đồng; đặc biệt là cần quan tâm, giúp đỡ những kiếp đời kém may mắn. II. Cách cho điểm - Điểm 4:Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, văn viết giàu hình ảnh, bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả. - Điểm 3:Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, văn viết giàu hình ảnh, có thể mắc một vài lỗi về diễn đạt, chính tả. - Điểm 2 : Đáp ứng 1/2 yêu cầu,mắc lỗi diễn đạt và chính tả . - Điểm 1:Bài viết còn sơ sài, diễn đạt chưa tốt sai nhiều lỗi chính tả. - Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề. *Lưu ý: Thí sinh có thể có những suy nghĩ, kiến giải khác với đáp án; nếu hợp lí, lập luận chặt chẽ, giám khảo vẫn linh hoạt cho điểm. Câu 3: (12 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng: - Có kĩ năng nghị luận về một vấn đề văn học( trình bày thành hệ thống luận điểm, phân tích- tổng hợp, so sánh- đánh giá); lập luận chặt chẽ, thuyết phục. - Bố cục hợp lí, rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. - Văn viết trong sáng, có cảm xúc. 2. Yêu cầu về kiến thức: Bài viết có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng đại thể có các ý cơ bản sau: a. Luận điểm 1: Giới thiệu giá trị nội dung bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương: Trong hoàn cảnh bị phụ thuộc, người phụ nữ vẫn khẳng định vẻ đẹp hình thức lẫn vẻ đẹp tâm hồn của mình, đặc biệt là “tấm lòng son”. Từ hình ảnh trên gợi những liên tưởng về người phụ nữ trong hai tác phẩm “Chuyên người con gái Nam Xương” và “Truyện Kiều”. b. Luận điểm 2: Những người phụ nữ ấy có tài sắc vẹn toàn nhưng đều là nạn nhân của xã hội phong kiến (giá trị hiện thực). - Vũ nương đẹp người đẹp nết, hiếu thảo, đảm đang nhưng phải chịu bao bất công, oan khuất (dẫn chứng – phân tích). - Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng đành sống kiếp trôi nổi, đoạn trường. (dẫn chứng – phân tích). - Họ luôn bị ràng buộc trong lễ giáo phong kiến, chịu sự áp chế bất công của chế độ “trọng nam khinh nữ”, của thế lực đồng tiền (dẫn chứng – phân tích – đánh giá). c. Luận điểm 3: Trong hoàn cảnh đó, mỗi tác phẩm là lời khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ với những ước mơ, khát vọng chân chính (giá trị nhân đạo). - Họ luôn tìm cách đấu tranh vượt thoát khỏi hoàn cảnh của số phận để khẳng định phẩm chất trong sạch, khẳng định “tấm lòng son” của mình (dẫn chứng – phân tích). - Họ luôn khao khát về hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình; ước mơ công lý, công bằng xã hội (dẫn chứng – phân tích – đánh giá). 3. Biểu điểm: - Điểm 11 - 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên; văn viết giàu hình ảnh; phân tích, chứng minh sâu sắc, diễn đạt tốt, chữ viết rõ ràng. - Điểm 9 - 10: Bài viết đã đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên nhưng có chỗ chưa sâu sắc. - Điểm 7 - 8: Bài viết đáp ứng 2/3 yêu cầu , có lỗi diễn đạt - Điểm 5 - 6: Bài viết đáp ứng 1/2 yêu cầu của đề bài nhưng mắc nhiều lỗi diễn đạt. - Điểm 3 - 4: Bài viết lộn xộn, bố cục chưa rõ ràng, mắc nhiều lỗi dùng từ và diễn đạt. - Điểm 1 - 2: Nội dung bài viết quá sơ sài, lan man chưa có trọng tâm. - Điểm 0 hoàn toàn lạc đề .
Tài liệu đính kèm: