Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 7 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Lương Tài (Có đáp án)

doc 5 trang Người đăng duyenlinhkn2 Lượt xem 580Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 7 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Lương Tài (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 7 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Lương Tài (Có đáp án)
UBND HUYỆN LƯƠNG TÀI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN 
NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn thi: Ngữ văn 7
Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1 : (4,0 điểm)
Cho đoạn thơ sau:
                            “Mẹ gom lại từng trái chín trong vườn
                             Rồi rong ruổi trên nẻo đường lặng lẽ
                             Ôi, những trái na, hồng, ổi, thị.
                             Có ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu!”
                                                                      (Lương Đình Khoa)
 Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của đoạn thơ trên.
Câu 2: (4,0 điểm)
 Mở đầu bài thơ "Người đi tìm hình của nước", nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
 "Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
 Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
	Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
	Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre
	Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ
	Sóng dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
	Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
	Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương..."
 (Trích "Người đi tìm hình của nước" - Chế Lan Viên)
a. Đoạn thơ trên viết về sự kiện nào trong cuộc đời của Bác Hồ? Lúc đó Bác có tên là gì?
b. Trong đoạn thơ có ba từ đồng nghĩa. Em hãy chỉ ra ba từ đó. Có thể dùng một từ được không? Vì sao tác giả lại dùng như vậy ?
 Câu 3: (12,0 điểm) 
	Phát biểu cảm nghĩ của em về cảnh sắc thiên nhiên và tâm hồn của các nhà thơ trong hai bài thơ: “Bài ca Côn Sơn” của Nguyễn Trãi và “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh (SGK Ngữ văn 7- NXBGD).
---------- Hết ----------
(Đề thi gồm có 01 trang)
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:..............................................; Số báo danh..............
 UBND HUYỆN LƯƠNG TÀI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HSG CẤP HUYỆN 
Năm học 2015-2016
Môn thi: Ngữ văn 7
Câu 1 : (4,0 điểm)
1, Yêu cầu về kỹ năng: (1,0 điểm)
Học sinh trình bày dưới dạng đoạn văn cảm thụ. Có cảm xúc, có chất văn. Biết lựa chọn những chi tiết hình ảnh hay, đặc sắc để cảm nhận. Dùng từ đặt câu đúng, diễn đạt trong sáng và giàu sức biểu cảm.
2, Yêu cầu về kiến thức: (3,0 điểm)
Cụ thể:
a. Học sinh nêu được ý nghĩa những chi tiết nghệ thuật sau: (2,0 điểm)
- “rong ruổi”: từ láy gợi hình ảnh mẹ với gánh hàng trên vai trên chặng đường dài, gợi cuộc đời mẹ nhiều bươn trải, lo toan ...
 - “Nẻo đường lặng lẽ”: liên tưởng đến hình ảnh con đường vắng lặng một mình mẹ cô đơn với gánh hàng để kiếm sống nuôi con.
- “ôi”, từ cảm thán : bộc lộ một cảm xúc vừa ngỡ ngàng,vừa thán phục
- Nghệ thuật liệt kê: na, hồng, ổi, thị=> những món quà quê hương được chắt chiu từ bàn tay mẹ qua bao tháng năm.Vị ngọt từ những loài quả được kết tinh từ những giọt mồ hôi rơi, từ bàn tay khéo léo, từ đức tảo tần hi sinh của mẹ.
b. Khái quát nội dung đoạn thơ: (1,0 điểm)
 Đoạn thơ cho thấy:
-  Vẻ đẹp thầm lặng của một bà mẹ chắt chiu, lam lũ, giàu đức hi sinh.
-  Sự cảm thông sẻ chia của đứa con với nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ.
Câu 2: (4,0 điểm)
a. Đoạn thơ viết về sự kiện Bác Hồ rời xa Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911) (1,0 điểm)
Lúc đó Người có tên là Nguyễn Tất Thành. (1,0 điểm)
b. Trong đoạn thơ có ba từ đồng nghĩa: Đất nước, quê hương, xứ sở. 
(0,5 điểm)
 Không thể dùng một từ được vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến vần điệu, diễn đạt.... của câu thơ. (0,5 điểm)
 Ngoài ra việc sử dụng ba từ đồng nghĩa có giá trị làm tăng tính biểu cảm, sức gợi của lời thơ, người đọc thêm xúc động thấm thía những hy sinh của Bác Hồ cho nền độc lập tự do của dân tộc.... (1,0 điểm)
Câu 3: (12,0 điểm)
A- Mở bài :
 Giới thiệu cảm xúc về cảnh sắc thiên nhiên và tâm hồn của các nhà thơ qua“Bài ca Côn Sơn” của Nguyễn Trãi và “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh. 
B- Thân bài 
 - Trình bày những cảm xúc, liên tưởng, tưởng tượng và suy ngẫm của mình về cảnh sắc thiên nhiên ở bài thơ “Bài ca Côn Sơn” của Nguyễn Trãi và bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh:
 + Đọc bài thơ “Bài ca Côn Sơn” của Nguyễn Trãi ta như lạc vào Côn Sơn một nơi thiên nhiên đẹp đẽ, nên thơ, khoáng đạt, dịu mát, cảnh đẹp như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình; ta như được thưởng thức âm thanh trầm bổng du dương của tiếng đàn cầm là tiếng suối chảy rì rầm, bất tận ngày đêm không ngớt.Ta như được ngồi trên chiếu thảm rêu phơi trên đá, êm đềm, dịu mát. Dưới bạt ngàn rừng thông, rừng trúc, ta tìm nơi mát mẻ ta nằm chơi, ngâm thơ nhàn nhã  Cảnh Côn Sơn thiên nhiên kì thú, nên thơ làm sao. Cảnh sắc thiên nhiên là suối, đá, thông, trúc nhưng sao ta thấy gần gũi và thân thương đến thế. Nó là tiếng đàn muôn điệu, là nơi con người gần gũi, giao hoà, là nơi con người thả hồn mình cùng những vần thơ.
 + Đến với bài thơ “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh, ta cũng đến với đêm trăng nơi chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng cảnh cũng thật đẹp tươi, thơ mộng. Ta cũng được thưởng thức cảnh đêm trăng xuân đầy sức sống. Nó cũng làm cho tâm hồn ta thư thái. Cảnh không lạnh lẽo, vắng vẻ nữa. Cảnh núi rừng ở đây không có đá, rêu, thông trúc nhưng ta được thưởng ngoạn ánh trăng mênh mang từ sông nước đến trời mây. Cảnh đêm khuya giữa núi rừng Việt Bắc mà thật thơ mộng, quyến rũ hồn người. Nhưng nổi bật trong cảnh đêm xuân thơ mộng ấy là cảnh con người - những người chiến sĩ đang toạ đàm quân sự. Thiên nhiên ở đây không chỉ làm cho con người thư thái, thảnh thơi như trong “Bài ca Côn Sơn” mà là làm đẹp cho những người chiến sĩ đang hoạt động vì dân, vì nước mà tiêu biểu là Bác Hồ. Chính vì vậy người đọc không thể quên được hình ảnh ánh trăng ngân đầy thuyền, một hình ảnh đầy chất lãng mạn càng làm cho cảnh và con người đẹp hơn.
 - Trình bày những cảm xúc, liên tưởng, tượng tượng và suy ngẫm của mình về tâm hồn của các nhà thơ ở hai bài thơ này:
 + Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình về tâm hồn của nhà thơ - thi sĩ Nguyễn Trãi trong bài “Bài ca Côn Sơn” đã chủ động đến với thiên nhiên hoà mình vào thiên nhiên và yêu thiên nhiên tha thiết nhưng cũng đầy khí phách, bản lĩnh kiên cường, phong thái ung dung, tự tại. Ta trân trọng tâm hồn thanh cao, trong sạch, ngay thẳng, kiên cường qua cách xưng hô, giọng điệu, hành động và những hình ảnh thiên nhiên.
 + Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình về tâm hồn của nhà thơ - chiến sĩ Hồ Chí Minh trong bài “ Rằm tháng giêng”: Cảm mến trước tâm hồn nhạy cảm yêu cảnh thiên nhiên, tâm hồn nghệ sĩ, yêu vẻ đẹp đầy chất quyến rũ của đêm trăng sông nước nơi chiến khu. Với tình yêu ấy, nhà thơ đã thổi hồn vào cảnh khuya của núi rừng Việt Bắc, làm cho nó hiện lên thật gần gũi, sống động, thân thương. Đó cũng chính là lòng yêu quê hương, đất nước tha thiết, nó thể hiện chất nghệ sĩ của tâm hồn Hồ Chí Minh. Nhưng cái đẹp trong tâm hồn Người không phải chỉ là tâm hồn thanh cao, trong sạch của một ẩn sĩ với thú lâm tuyền như Nguyễn Trãi mà càng say mê yêu mến cảnh Việt Bắc bao nhiêu thì Người càng lo lắng việc quân sự, sự nghiệp kháng chiến bấy nhiêu. Hai nét tâm trạng ấy thống nhất trong con người Bác thể hiện sự hài hoà giữa tâm hồn nghệ sĩ và người chiến sĩ. Ánh trăng ngân đầy thuyền như ngân lên tình yêu quê hương, đất nước của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.
Đánh giá chung: Cả hai nhà thơ đều bộc lộ một hồn thơ yêu thiên nhiên, vui sống giữa thiên nhiên  Tuy nhiên ở mỗi nhà thơ lại có cách thể hiện khác nhau. Với Nguyễn Trãi, thiên nhiên Côn Sơn là nơi ông hưởng thú về nhàn, lánh đục tìm trong, còn Hồ Chí Minh, thiên nhiên là điểm tựa để Người làm cách mạng  
C- Kết bài: Nhấn mạnh lại cảm xúc và suy ngẫm của mình về cảnh sắc thiên nhiên và tâm hồn của các nhà thơ.
(1,0 điểm)
(2,0 điểm)
(2,0 điểm)
(2,0 điểm)
(2,0 điểm)
(2,0 điểm)
(1,0 điểm)
 * Lưu ý: Giám khảo cần linh hoạt khi đánh giá, ghi nhận sự sáng tạo của học sinh.

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_mon_ngu_van_lop_7_nam_ho.doc