Phân tích Cái đẹp trong văn của nhà thơ Thạch Lam

docx 36 trang Người đăng dothuong Lượt xem 2090Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Phân tích Cái đẹp trong văn của nhà thơ Thạch Lam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phân tích Cái đẹp trong văn của nhà thơ Thạch Lam
CÁI ĐẸP TRONG VĂN THẠCH LAM 
Với nhà văn Thạch Lam (1910-1942), vẻ đẹp là một cái gì chỉ hiện ra mong manh thấp thoáng nên dễ bị bỏ qua. Ông viết: "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường...". Cái đẹp trong văn Thạch Lam là cái đẹp cổ điển: đẹp và buồn. 
Không phải nhà văn tiền chiến nào cũng thích nói đến cái đẹp. Đọc các truyện ngắn truyện dài của Nguyễn Công Hoan hay cả loạt phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng, người ta thấy cái đẹp hầu như vắng mặt. Có vẻ nó giống như một thứ hàng xa xỉ, không dây dưa gì đến cuộc đời nhếch nhác này, và để được chân thành trong câu chuyện, tác giả ngầm bảo ta rằng, tốt hơn hết là không nên nhắc tới nó làm gì (!?)
Ở một ngòi bút như Thạch Lam (cũng như ở Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh...) thì tình hình hoàn toàn ngược lại. Từ những bài báo nhỏ đến những truyện ngắn cô đọng, viết văn với Thạch Lam đồng nghĩa với việc săn sóc tới cái đẹp, và nhắc nhở về sự có mặt của nó với mọi người. Ông nói tới vẻ đẹp trong thiên nhiên: buổi trưa vắng vẻ ở một làng quê hay ban mai yên ả ở một xóm nhỏ trung du (Dưới bóng hoàng lan, Nắng trong vườn). Ông nói tới vẻ đẹp hồn hậu trong xúc động đơn sơ của một thanh niên lần đầu làm cha, hoặc cái cảm giác lạ lùng của mấy em nhỏ trong một ngày chớm rét (Đứa con đầu lòng, Gió đầu mùa). Đối với những con người khiêm nhường mà cuộc sống bị đè nặng bởi những lo toan hàng ngày, Thạch Lam biết tìm ra những nét tính cách cao quý, nó là nhân tố làm cho người ta tồn tại và nhờ vậy, lại toát lên một vẻ đẹp riêng (Nhà mẹ Lê, Tối ba mươi). Một nét quán xuyến trong cách nhìn đời của Thạch Lam: tác giả luôn luôn mách thầm với chúng ta rằng vẻ đẹp là một cái gì chỉ hiện ra mong manh thấp thoáng nên dễ bị bỏ qua. Ông viết trong Theo dòng: "Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ, tìm cái đẹp kín đáo bị che lấp trong sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức".
Quan niệm cổ điển và một thoáng gặp gỡ Đông - Tây
Năm 1940, khi Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được in ra lần đầu, Thạch Lam sớm có bài giới thiệu quyển sách trên báo Ngày nay (số ra 15-6-1940). Bài báo đáng được lưu ý, không phải chỉ vì nó đã nói đúng về Nguyễn Tuân mà còn là một dịp để Thạch Lam tự bộc lộ. Chỉ trong khuôn khổ chưa đầy 1.000 chữ, ông đã năm lần nhắc tới cái đẹp và những từ ngữ ông dùng để đi kèm chính là những thuộc tính mà theo ông có liên quan tới cái đẹp chân chính. Đó là vẻ nên thơ, sự cao quý, cái có ý nghĩa, rồi cả sự khoáng đạt và một chút nồng nàn. Cũng có đến mấy lần ông nhắc lại hương vị cũ kỹ và nhẫn nại của một sự hy sinh, hoặc tâm tình yêu mến dĩ vãng, tiếc thương và muốn trở lại những vẻ đẹp đã qua.
Cũng từ đây, người ta đọc ra một quan niệm về cái đẹp mà tác giả Gió đầu mùa theo đuổi. Trưởng thành từ một cốt cách học trò, người viết văn này dễ rung động với những gì thấp thoáng, dịu nhẹ. Ông tỏ ra xa lạ với những vẻ đẹp chói chang, quyến rũ, hoặc là cái lối có gì mang bày hết cả ra ngoài, phô phang lộ liễu. Hình ảnh mà ông thích nhất là bông mai trong trắng. Trong sự kín đáo và ẩn nhẫn biết điều, vẻ đẹp ông hay nói tới thường hàm chứa một sức sống tiềm tàng. Một quan niệm như thế phải nói là có nhiều chất cổ điển. Giữa thế kỷ của văn minh công nghiệp trong cái thời mà máy móc và các mốt thời trang bắt đầu du nhập và ngày càng bành trướng trong xã hội, văn chương Thạch Lam có vẻ là một thứ dòng nước ngược đưa người ta trở lại với quan niệm về cái đẹp của phương Đông hoặc gần gũi hơn, trong cách hiểu về cái đẹp thường thấy ở ông cha ta. Vậy đâu là tác động của yếu tố thời đại đến ngòi bút này? Thực ra ở đây yếu tố thời đại vẫn có, nhưng cách ảnh hưởng của nó tới Thạch Lam lại có những nét đặc trưng riêng. Nên nhớ là giữa nền văn hóa Pháp được du nhập vào Việt Nam lúc ấy và văn hóa phương Đông cổ truyền không phải chỉ có khác biệt mà còn có nhiều nét chung. Văn hóa cổ điển Pháp cũng nổi tiếng vì sự trong sáng, sự tinh tế và tinh thần nhân bản. Thứ nữa khi tiếp nhận nền văn hóa này, lớp người như Khái Hưng, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu hoặc Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... đã đứng vững trên mảnh đất quê hương ruột thịt. Trong sách vở mà nhà trường dạy họ cũng như trong những quyển sách họ đọc ở ngoài đời có những lời lẽ khuyên họ phải biết trở về với cội nguồn dân tộc. Về phần mình, trong sáng tác văn chương, Thạch Lam sớm tự xác định cho mình một con đường riêng. Ông cho rằng, có một công việc mà một ngòi bút tự trọng nên đảm nhận, đó là làm sống lại cái đẹp, cái thực vốn là những tính cách cố hữu trong nền văn hóa cổ truyền. Người và cảnh ông miêu tả vì vậy thường có thêm chiều sâu trong thời gian. Cái đẹp được ông chắt chiu gạn lọc. Tuy không nói ra trực tiếp, nhưng từ những gì ông tha thiết, thấy toát lên một lời giáo huấn kín đáo: nếu không được trân trọng giữ gìn, cái đẹp vốn đã mong manh sẽ tan mất đi và chúng ta sẽ mãi mãi sống trong bơ vơ tiếc xót.
Nỗi buồn giấu kín
Nhưng có lẽ đặc tính đáng nhớ nhất của cái đẹp trong văn Thạch Lam ấy là nó thường được miêu tả với một nỗi buồn sâu xa. Cảm giác chính còn lại trong người đọc sau khi đọc nhiều trang sách, từ Gió đầu mùa đến Sợi tóc, là một cuộc đời mờ mờ xám xám. Hãy nhớ lại Cô hàng xén, thiên truyện bao quát gần hết cuộc đời của một con người. Những phiên chợ quê nhiều mầu sắc, thoáng qua rất nhanh, cùng với những năm tháng tuổi trẻ, ấp ủ nhiều hy vọng của người con gái chăm chỉ và giàu tình thương gia đình. Rồi cái khía cạnh người ta nhớ hơn cả khi nghĩ tới Tâm, ấy là con đường từ chợ về nhà vắng vẻ, cùng những lo âu đè nặng tâm hồn cô trong cuộc sống hàng ngày. Ngòi bút Thạch Lam thường tỏ ra có sự nhạy cảm lạ lùng với những gì đã an bài hoặc những nếp sống đã trở thành mòn mỏi. Một buổi tối phố huyện, nhà cửa như thiếp dần đi trong ánh sáng những ngọn đèn dầu leo lét. Những điệu hát xẩm vẳng lên trong một xóm nghèo. Mấy bức tranh dân gian mầu sắc đạm bạc. Cảnh tết sơ sài ở một xóm nhỏ ngoại thành... Thạch Lam bằng lòng chấp nhận cuộc sống như nó đang có, nhưng vẫn không thôi tự nhủ lẽ ra nó phải khác kia, làm sao nó lại chỉ như chúng ta đang thấy! Một cảm giác bao trùm còn lại: Đời đẹp và buồn. Và nhờ gắn với cái buồn, cái thực, mà vẻ đẹp trong văn Thạch Lam lại có được sự sống riêng. Nó trở nên bền chắc. Nó không lẫn đi giữa những vẻ đẹp nhạt nhèo mà những cây bút tầm thường mang ra để an ủi bạn đọc. Cái thuở thanh bình xa vắng tác giả Gió đầu mùa hay nói tới giờ đã qua đi từ lâu, song sống trong tấp nập ồn ào, các thế hệ đến sau vẫn có thể tìm thấy ở cái vẻ đẹp cổ điển mà Thạch Lam hay nói tới một sự đồng cảm. Cổ điển ở đây đồng nghĩa với sống mãi.
TRUYỆN NGẮN THẠCH LAM – ĐẶC ĐIỂM KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT
Người đọc đến với Thạch Lam, họ quên và hầu như không cần thiết xem ông là nhà văn lãng mạn hay hiện thực mà điều hấp dẫn đối với họ là toàn bộ bức tranh nhân gian của ông với sự hiện diện của đủ mọi hạng người, đặc biệt là những con người nghèo khổ. Ngày nay, khi lý thuyết về sự tiếp nhận văn học được vận dụng để nghiên cứu những vấn đề như bản chất, đặc trưng, chức năng, cấu trúc của tác phẩm... mà phía người đọc ngày càng phát hiện ra, trong khi phía người sáng tác có lúc không giải thích được thì vấn đề tìm hiểu tác phẩm Thạch Lam càng có ý nghĩa, giúp chúng ta phát hiện thêm những phẩm chất mới của một nhà văn đa tài này. Với ý nghĩa ấy, chúng tôi chỉ xin nêu ra một đặc điểm nổi bật trong thi pháp truyện ngắn của Thạch Lam. Đó là đặc điểm không gian nghệ thuật-một mặt quan trọng để nhà văn thể hiện tư tưởng và quan niệm nghệ thuật về con người.
Thạch Lam quan tâm hàng đầu đến không gian hiện thực hằng ngày (L’espace reél quotidien). Ông ít tô vẽ và cách điệu nó, bởi vì, như ông nói: “Cái đẹp man mác trong vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật”. Chính vì thế, không gian hiện thực hằng ngày trong tác phẩm Thạch Lam là một xóm chợ, một ngõ hẻm, một ga xép, một phố huyện nghèo nàn hoặc một con đường làng vùng nông thôn nào đó. Ở đây, các nhân vật của ông bị tù túng, luẩn quẩn với những đói nghèo, lo âu, dằn vặt thường nhật. Họ luôn bị ám ảnh bởi miếng cơm, manh áo hoặc day dứt với những bi kịch tinh thần.
Có thể thấy hầu hết truyện ngắn của Thạch Lam đều sử dụng không gian hiện thực hằng ngày làm môi trường cho nhân vật hoạt động. Nhưng không gian hiện thực ở đây được bó hẹp lại trong không gian đời tư, không gian cá nhân chứ không phải trong không gian xã hội rộng lớn, nên không gian càng dồn nén, thu nhỏ, đông lại, càng hiu hắt hơn. Chính không gian hẹp đó, nhân vật bộc lộ bản chất, hành vi, suy nghĩ của mình một cách cụ thể, chân thật nhất-và khi họ thấy bất lực trước hoàn cảnh thì lập tức ngôn ngữ độc thoại, ngôn ngữ giấc mơ hiện ra, khi ấy không gian hồi tưởng xuất hiện. Không gian hẹp mà Thạch Lam quan tâm miêu tả giúp cho nhân vật tự vấn, tự ý thức để đối chiếu, so sánh niềm vui, nỗi buồn của mình trong từng thời gian một cách cụ thể. Dung (truyện ngắn “Hai lần chết”) hiểu rõ nỗi bất hạnh của mình, cứ sau mỗi lần vùng vẫy, ước mơ thì lại bị nhấn chìm xuống đáy, nhưng khổ nỗi, không thể chết được, dù toại nguyện mà lại cứ phải sống trong buồn đau, trói buộc.
Từ không gian hiện thực trên, đã kéo theo một đặc điểm khác trong quan niệm về không gian nghệ thuật của Thạch Lam. Đó là không gian hòa quyện thời gian (L’espace et le temps s’entremèlent). Chính kiểu không gian này giúp nhà văn lý giải một cách biện chứng quá trình phát triển tính cách nhân vật và biểu hiện tập trung tư tưởng nghệ thuật của mình. Bằng tài năng quan sát tinh tế và biết phát hiện ở một tọa độ không gian-thời gian hỗ tương hợp lý, Thạch Lam đã đặt không gian hiện thực hằng ngày trong sự kết hợp hòa quyện chặt chẽ của thời gian tương ứng. Do vậy, thời gian đã thành ngôn ngữ, thành môi trường cộng hưởng để nhân vật hoạt động. Chính kiểu không gian hòa quyện thời gian đã làm cho tình huống dồn nén, gấp gáp, đẩy số phận bi kịch của nhân vật vào con đường cùng, và quá trình tiếp theo được diễn ra bằng tiếng than, tiếng kêu thất thanh hòa lẫn tiếng khóc hờn giận là điều không thể khác trong kết thúc truyện ngắn của Thạch Lam. Trong truyện ngắn “Cô hàng xén”, bên cạnh cảnh náo nhiệt của buổi chợ mà Tâm ngày nào cũng chứng kiến, còn lại là tâm trạng. Tâm ra về trên con đường làng lúc đêm tối “sương mù ảm đạm phủ cả cánh đồng và gió lạnh nổi lên, lòng se mệt”, khiến Tâm mơ hồ, miên man nghĩ về em, về mẹ và những nỗi niềm riêng tư, uẩn khúc. Chính không gian và thời gian tối đen thăm thẳm ấy giúp Tâm hiểu được cuộc đời mình như “một tấm vải thô”, ngày nào cũng như ngày nào và “nàng phải chạy vào cái khoảng tối dày đặc ấy để trốn cái tai ương mà nàng sắp đón nhận”.
Một kiểu không gian khác trong toàn bộ tác phẩm Thạch Lam là không gian bi kịch sau bi kịch (L’espace dramaitque posterieur). Mới nhìn tưởng như là nhà văn tàn nhẫn với con người nhưng thực ra ông là nhà văn hiện thực nghiêm ngặt và nhân đạo. Bởi vì sau bi kịch ấy là tiếng lòng, tiếng gọi khẩn thiết đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người. Nỗi đau đời của Thạch Lam nằm sau câu chữ, sau hình tượng. Ông tỉ mỉ và chính xác đến tận cùng, không ngần ngại chỉ ra cái bi kịch nhân gian và đẩy nó lên đỉnh điểm. Có thế, mới thấy cái giới hạn mà bước nhảy vọt sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Bước nhảy vọt sang một hoàn cảnh tốt đẹp hơn sẽ diễn ra khi nào? Chưa bao giờ Thạch Lam nói ra điều ấy. Bi kịch của Dung trong truyện ngắn "Hai lần chết" càng bi kịch hơn dẫu nàng đã quyết định kết liễu cuộc đời để được giải thoát. Nhưng có được đâu, nước mắt tủi buồn lăn trên má khi “Dung ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này, về nhà chồng, mới hẳn là chết đuối, chết không bấu víu vào đâu được”.
Chính không gian bi kịch sau bi kịch đã làm xuất hiện nhiều kiểu không gian phát sinh khác: không gian hồi tưởng, không gian khát vọng trong tác phẩm của Thạch Lam. Bao giờ cũng thế, khi hiện tại xấu xa, mù mịt thì con người thường quay về với quá khứ để so sánh, đối chiếu và mơ ước tương lai (dẫu tương lai ấy chưa thể có). Diên (truyện ngắn “Trong bóng tối buổi chiều”) trong căn phòng chật chội, tối tăm tưởng chừng nghẹt thở, chàng đã hồi tưởng đến “cánh đồng ruộng quê hương đầy ánh sáng ban mai”, nhưng rồi cái quá khứ ấy không khỏa lấp được nỗi buồn và sự nghèo hèn của anh trong hiện tại “Diên thấy tủi thân rớm nước mắt”, anh “nấc lên một tiếng rồi cúi đầu chạy trốn trong bóng tối của buổi chiều vừa xuống”.
Thạch Lam là nhà văn nhân đạo chủ nghĩa. Ông không thể không an ủi và mong muốn con người được sung sướng và hạnh phúc. Lòng nhân ái ấy bàng bạc trong tác phẩm của ông, hé ra một chút ánh sáng và hy vọng cho con người, dù mong manh. Trong không gian trầm mặc, u tối, tiếng tàu xình xịch với hồi còi inh ỏi (truyện ngắn "Hai đứa trẻ"), tiếng tre kĩu kịt ngỡ là tiếng chim trong đêm mưa (truyện ngắn "Tiếng chim kêu"), tiếng rao đêm của anh xích lô vắng khách (truyện ngắn "Điều ân hận")... Đó chính là không gian khát vọng, không gian nhân bản mà tác giả thấp thoáng nhìn thấy và đưa vào tác phẩm như một thủ pháp nghệ thuật, tạm gọi thủ pháp “Soupape de Sureté” (xả hơi an toàn) để tạo cho không gian không khí êm dịu, đỡ ngột ngạt, căng thẳng và tạo niềm vui an ủi con người. Đó là điều mà Thạch Lam hằng tâm niệm: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.
PGS, TS HỒ THẾ HÀ
PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG ĐỢI TÀU TRONG TRUYỆN NGẮN HAI ĐỨA TRẺ - THẠCH LAM
1. Giới thiệu khái quát về tác giả Thạch Lam và truyện ngắn Hai đứa trẻ: tình huống đợi tàu là tình huống độc đáo của tác phẩm.
2. Khái quát về tình huống trong truyện ngắn
– Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó.
– Tình huống truyện (có tính độc đáo, chủ chốt) được diễn đạt bằng nhiều cách nói khác nhau, đó là tình thế xảy ra chuyện; là lát cắt của đời sống, là khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra đậm đặcvàý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
=> Như vậy có thể hiểu tình huống là một sự kiện đặc biệt trong đó chứa đựng một tình thế bất thường của quan hệ đời sống
– Truyện ngắn được coi là thành công khi xây dựng được tình huống độc đáo, có tính then chốt làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
– Tiếp nhận truyện ngắn, người đọc nắm được tình huống then chốt là nắm được chìa khoá mở cửa vào thế giới nghệ thuật.
3. Xác định tình huống truyện Hai đứa trẻ:
– Truyện Hai đứa trẻ là truyện cốt truyện rất mờ nhạt, thay vào đó là dòng nội tâm, thế giới tâm hồn của nhân vật.Vì vậy hành động nhân vật, sự kiện trong tác phẩm không nhiều. Cũng chính vì vậy mà chi tiết, sự kiện được nhà văn xây dựng trong tác phẩm là hết sức chọn lọc và giàu ý nghĩa.
– Sự kiện được tái hiện đậm nét, chiếm dung lượng nhiều nhất trong tác phẩm chính là cuộc đợi tàu của hai đứa trẻ trên phố huyện nghèo. Nó gắn với  nội tâm, tình cảm của nhân vật. Đây có thể coi là tình huống chủ chốt của tác phẩm bởi vì đó là một sự kiện đặc biệt trong đó chứa đựng một tình thế bất thường của quan hệ đời sống.
4: Phân tích tình huống
a. Hoàn cảnh của tình huống (diện mạo của tình huống):
+ Thạch Lam đưa người đọc về không gian phố huyện nghèo, buồn tẻ, chiều tàn, ngày tàn, phiên chợ tàn, đồ vật tàn và những kiếp người tànđêm tối âm u, vây phủ nhịp sống đơn điệu, quẩn quanh buồn tẻ, lặp đi lặp lại.
+ Giữa không gian ấy, hai đứa trẻ (An và Liên) là 2 đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, giàu mơ ước, thèm được chơi, thèm được ăn những thức quà ngon lạ, thèm một không gian mới lạ và sôi động, rực rõ. Nhưng chúng không được thoả nguyện bao giờ, vì gia cảnh khó khăn, chúng phải lao động kiếm sống, trông hàng giúp mẹ. Đáng thương nhất là chúng luôn nhớ về quá khứ tươi đẹp, hạnh phúc (đối lập với hiện tại nghèo nàn, buồn tẻ), và chúng chỉ có thể ngồi yên trong bóng tối để mơ ước và nghĩ về quá khứ ngày một xa xôi ấy mà thôi.
b, Tính chất của tình huống:
–  Cuộc đợi tàu lạ lùng : Lạ vì chúng đợi tàu chẳng phải vì một mục đích nào thiết thực (không bán hàng, không đón ai, không có người thân nào của chúng trên đoàn tàu ấy) chúng đợi tàu chỉ để nhìn đoàn tàu. Lạ vì không thiết thực mà ngày nào chúng cũng cố đợi.Chừng như chưa được nhìn đoàn tàu thì chúng chưa được sống trọn vẹn một ngày.
– Cuộc đợi tàu đầy tâm trạng
+ Đợi tàu là sống lại kỷ niệm: chuyến tàu ở Hà Nội về, gặp được chuyến tàu là hai đứa trẻ được sống lại quá khứ. Một quá khứ có thực mà Liên từng được sống một tuổi thơ vui tươi sung sướng. Khi đoàn tàu đi vụt qua, “Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo.“
+ Đợi tàu là mơ ước một thế giới khác với thực tại: Đoàn tàu đi đến đâu, mang theo ánh sáng và âm thanh, lấp lánh và rầm rộ; âm thanh khỏe khoắn sôi động, ánh sáng rực rõ, mạnh mẽ. Nó là biểu tượng đầy sức sống, đối lập hoàn toàn với phố huyện đầy bóng tối, buồn tẻ như đang mòn mỏi, chết dần.Đợi tàu là niềm niềm khao khát sống, khao khát đổi đời.
– Cuộc đợi tàu đáng thương: Hai đứa trẻ có tuổi thơ ngắn ngủi, sớm phải nếm trải thiếu thốn, lam lũ, nhọc nhằn. Đoàn tàu trở thành niềm vui duy nhất của chúng. Chúng chưa kịp vui thì đoàn tàu đã mất hút vào bóng tối, mang theo luôn vào bóng tối những mơ tưởng của Liên. Đến từ Hà nội, đến từ một tuổi thơ đã mất, đoàn tàu là một tia hồi quang cho lũ trẻ được nhìn lại tuổi thơ tươi vui trong chốc lát. Đoàn tàu chỉ giúp chúng thoả mãn thị giác rồi chúng lại bị ném vào thực tại không gian phố huyện tù đọng với ngọn đèn nhỏ leo lét. Ngọn đèn nhỏ bé chập chờn đi vào giấc ngủ của Liên.
5: Ý nghĩa của tình huống : thể hiện tấm lòng và tài năng Thạch Lam:
– Thông điệp giàu đầy tính nhân văn mà nhà văn muốn gửi gắm: Phải thay đổi hoàn cảnh để cứu lấy con người. Hãy cho những đứa trẻ một cuộc sống khác xứng đáng với con người hơn, một cuộc sống mà con người có quyền sống trong hi vọng, chứ không phải đang tàn đi trong vô vọng.
– Nét độc đáo của ngòi bút truyện ngắn Thạch Lam.
NGHỆ THUẬT TƯƠNG PHẢN TRONG TRUYỆN NGẮN HAI ĐỨA TRẺ - THẠCH LAM 
Mở bài :
– Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm (0.5 điểm)
– Nêu vấn đề nghị luận
Truyện ngắn của Thạch Lam có một phong cách riêng. Đó là những truyện ngắn dường như không có cốt truyện, hoặc cốt truyện thường đơn giản nhưng lại hấp dẫn và gợi lên trong người đọc nhiều suy nghi. Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn rất tiêu biểu cho phong cách của Thạch Lam .Tác phẩm thành công trong việc sử dụng nghệ thuật tương phản .
Nghệ thuật tương phản trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” Thạch Lam
Thân bài :
1. Nêu khái niệm nghệ thuật tương phản:
Là một bút pháp mang đậm dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn. Các nhà văn thường vận dụng thủ pháp này để tô đậm sự đối lập gay gắt giữa các hiện tượng, sự vật, từ đó làm nổi bật tư tưởng, chủ đề tác phẩm (0.5 điểm)
2

Tài liệu đính kèm:

  • docxThach_Lam.docx