Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10 THPT năm học 2012 - 2013 đề thi môn: Ngữ Văn

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 2036Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10 THPT năm học 2012 - 2013 đề thi môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi chọn học sinh giỏi  lớp 10 THPT năm học 2012 - 2013 đề thi môn: Ngữ Văn
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2012-2013 
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 
(Dành cho học sinh THPT chuyên) 
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Câu 1 (3,0 điểm).
Nhà văn Nga L. Tôn-xtôi cho rằng: 
Bạn đừng nên chờ đợi những quà tặng bất ngờ của cuộc sống mà hãy tự mình làm nên cuộc sống.
Suy nghĩ của Anh/chị về câu nói trên.
Câu 2 (7,0 điểm).
Có ý kiến cho rằng: 
Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam có không ít những tác phẩm bày tỏ những tình cảm cao đẹp mang khát vọng tình người không nguôi trong cuộc sống.
Anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
-------------Hết-----------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh......; Số báo danh.
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
(Đáp án có 03 trang)
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2012-2013 
ĐÁP ÁN MÔN: NGỮ VĂN
(Dành cho học sinh THPT chuyên)
Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích: 
- Quà tặng bất ngờ cuả cuộc sống: những giá trị vật chất, tinh thần mà người khác trao cho mình; những cơ hội, may mắn bất ngờ do khách quan đem lại.
- Nội dung của câu nói: khuyên con người cần có thái độ sống chủ động, không nên trông chờ vào người khác. Cuộc sống của mỗi người do chính mỗi chúng ta tạo nên.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề:
	- Trong cuộc đời của mỗi người đôi khi sẽ nhận được quà tặng bất ngờ từ cuộc sống. Khi đó ta sẽ có may mắn được hưởng niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời. Không thể phủ nhận ý nghĩa và giá trị của quà tặng bất ngờ mà cuộc sống đem lại cho con người, vấn đề là biết tận dụng, trân trọng quà tặng ấy như thế nào.
- Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng là thảm đỏ trải đầy hoa hồng, cuộc sống là một trường tranh đấu, cuộc sống luôn tiềm ẩn những khó khăn, phức tạp. Muốn cuộc sống của chính mình tốt đẹp thì hãy tự mình làm nên cuộc sống. 
- Nhiều người khi nhận được quà tặng bất ngờ: có tâm lý chờ đợi, ỷ lại, thậm chí phung phí những quà tặng ấy. Phê phán một số người thụ động, thiếu ý chí vươn lên, chỉ chờ đợi những quà tặng bất ngờ mà không tự mình làm nên cuộc sống.
3. Bài học nhận thức, hành động:
- Phải chủ động trang bị kiến thức, rèn luyện cách sống bản lĩnh, có lí tưởng, có ước mơ để làm nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống của chính mình. 
- Phải thấy rằng, cuộc sống là nguyên liệu thô, chúng ta là những nghệ nhân. Nhào nặn nên một tác phẩm tuyệt đẹp hay một vật thể xấu xí tất cả đều nằm trong tay chúng ta.
III. Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. 
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh biết huy động kiến thức tổng hợp về truyện cổ dân gian Việt Nam, lựa chọn những truyện tiêu biểu, phân tích làm rõ những tình cảm cao đẹp mang khát vọng tình người không nguôi trong cuộc sống. 
 Thí sinh có thể lựa chọn dẫn chứng (truyện cổ tích, truyện thơ, truyền thuyết, sử thi). Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau: 
1. Giải thích ý kiến: 
 - Truyện cổ ra đời trong hoàn cảnh xã hội quá độ từ chế độ công xã nguyên thuỷ sang chế độ phong kiến và phát triển mạnh trong xã hội phong kiến. Đó là chế độ xã hội nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhiều mối quan hệ phức tạp, trong đó nổi lên là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa giai cấp thống thống trị và bị trị. Giai cấp bị trị - tác giả của văn học dân gian nói chung, truyện cổ nói riêng luôn sống trong nhọc nhằn, cực khổ, luôn thua thiệt và chịu nhiều bất công. Vì vậy họ gửi gắm trong các câu chuyện cổ những ước mơ khát vọng về cuộc sống tốt đẹp, công bằng. Trong đó có ước mơ về những tình cảm cao đẹp mang khát vọng tình người không nguôi trong cuộc sống. 
 - Truyện cổ dân gian thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người bình dân. Đó là nỗi khát khao mãnh liệt về một cuộc sống đậm tình, nặng nghĩa trong nhiều mối quan hệ: tình người, tình cảm với cha mẹ, tình cảm vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, láng giềng, đôi lứa 
2. Những tình cảm cao đẹp mang khát vọng về tình người không nguôi trong truyện cổ dân gian Việt Nam:
- Tình cảm cha con thắm thiết, cảm động. 
- Tình anh em hòa thuận, keo sơn gắn bó.
- Tình vợ chồng thủy chung son sắt. 
- Khát vọng tình yêu đôi lứa tự do, phóng khoáng, dân chủ, bình đẳng.
	- Ngợi ca tình người, đề cao đạo lí làm người. 
3. Đánh giá:
	- Khát vọng tình người trong truyện cổ dân gian Việt Nam được thể hiện dưới hình thức nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn.
- Khát vọng mãnh liệt về tình người nên người bình dân xưa có thái độ chống đối quyết liệt trước mọi sự ràng buộc tinh thần của lễ giáo phong kiến .
- Khát vọng tình người trong truyện cổ dân gian Việt Nam gửi gắm những bài học triết lý sâu sắc về đạo làm người, về tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình. 
- Tình người là niềm khao khát muôn đời và bất diệt đối với mọi thế hệ, mọi thời đại góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc và sức hấp dẫn của truyện cổ dân gian Việt Nam. Đó cũng là vẻ đẹp mà văn học và người nghệ sĩ chân chính muôn đời tìm kiếm. 
III. Biểu điểm:
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. 
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: 
 - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
 	 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,25 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
----------Hết----------
Bottom of Form

Tài liệu đính kèm:

  • docCHO_DOI_TUYEN_HSG.doc