Đề thi thành lập đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 THCS dự thi cấp tỉnh năm học 2013 - 2014 môn Ngữ Văn

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 3568Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thành lập đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 THCS dự thi cấp tỉnh năm học 2013 - 2014 môn Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi thành lập đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 THCS dự thi cấp tỉnh năm học 2013 - 2014 môn Ngữ Văn
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH THỦY
ĐỀ THI THÀNH LẬP ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS 
DỰ THI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2013 - 2014
Đề chính thức
Môn Ngữ văn
Thời gian: 150 phút, không kể thời gian giao đề.
Đề thi có: 01 trang
Câu 1( 3 điểm):
	Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
(Đồng chí- Chính Hữu)
Em có nhận xét gì về các hình ảnh, các biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ trên? 
Câu 2 (5 điểm):
Bài học giáo dục mà em nhận được từ câu chuyện dưới đây:
Ngọn gió và cây sồi
	Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gẫy các cành cây. Nó muốn mọi cây cối đều phải ngã rạp trước sức mạnh của mình. Riêng một cây sồi già vẫn đứng hiên ngang, không bị khuất phục trước ngọn gió hung hăng. Như bị thách thức ngọn gió lồng lộn, điên cuồng lật tung khu rừng một lần nữa. Cây sồi vẫn bám chặt đất, im lặng chịu đựng cơn giận dữ của ngọn gió và không hề gục ngã. Ngọn gió mỏi mệt đành đầu hàng và hỏi:
	- Cây sồi kia! Làm sao ngươi có thể đứng vững như thế?
	Cây sồi từ tốn trả lời:
	- Tôi biết sức mạnh của ông có thể bẻ gẫy hết các nhánh cây của tôi, cuốn sạch đám lá của tôi và làm thân tôi lay động. Nhưng ông sẽ không bao giờ quật ngã được tôi. Bởi tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi. Nhưng tôi cũng phải cảm ơn ông ngọn gió ạ! Chính cơn điên cuồng của ông đã giúp tôi chứng tỏ được khả năng chịu đựng và sức mạnh của mình.
 (Theo: Hạt giống tâm hồn- Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2011)
Câu 3 (12 điểm): 
Vẻ đẹp của người lao động mới qua hai tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận) và “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long)
 ---- Hết ---- 
Họ tên thí sinh: --------------------------------------------- SBD: ---------
( Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH THỦY
HƯỚNG DẪN CHẤM 
BÀI THI THÀNH LẬP ĐỘI TUYỂN HSG LỚP 9 THCS 
DỰ THI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2013 - 2014
Môn Ngữ văn
Hướng dẫn có: 04 trang
---------------------------------
1- Câu 1( 3 điểm):
A- Yêu cầu về kĩ năng:
- HS biết trình bày thành đoạn văn, hoặc bài văn ngắn có kết cấu chặt chẽ.
- Diễn đạt ý chính xác, rõ ràng; viết câu đúng ngữ pháp, không mắc lỗi dùng từ.
- Có kĩ năng phân tích giá trị biểu đạt và biểu cảm của các hình ảnh thơ, gọi tên chính xác các BPTT, phân tích tác dụng của chúng trong việc thể hiện ý thơ.
B- Yêu cầu về nội dung kiến thức: 
Các nội dung cần đạt
 Điểm
* Giới thiệu: Bài thơ viết về người nông dân đi đánh giặc cứu nước. Đến chiến trường, cùng chung nhiệm vụ, chung lí tưởng; các anh đã trở thành những người bạn thân thiết, hiểu bạn như hiểu mình. 
- Dẫn dắt đến ba câu thơ và nêu vấn đề mà đề bài yêu cầu: giá trị biểu cảm của các hình ảnh: Ruộng nương, gian nhà không...gió lung lay, giếng nước, gốc đa và giá trị biểu đạt của các phép tu từ nhân hóa và hoán dụ.
 0,5
* HS cảm thụ, phân tích được cái hay của những hình ảnh: Ruộng nương, gian nhà không...gió lung lay, giếng nước, gốc đa. 
 - “Tôi” hiểu “anh”- người lính hiểu bạn mình. Đất nước có chiến tranh, “anh” cầm súng lên đường, để lại sau lưng ngôi nhà, công việc đồng áng và những người thân nơi quê hương. Hình ảnh chân thực, xúc động gian nhà không...gió lung lay và hai từ tình thái "mặc kệ" đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn người lính: sẵn sàng hi sinh tình riêng vì nghĩa lớn. 
- Ở chiến trường mà hình dung rõ gió lung lay từng gốc cột nhà mình, mà thấy“Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính” chứng tỏ rằng “anh” yêu quê hương tha thiết.
 1,0
* Những hình ảnh quen thuộc và tiêu biểu của mọi làng quê Việt Nam: giếng nước, gốc đa được nhân hóa, biết nhớ người đi xa. 
- BPTT hoán dụ: giếng nước, gốc đa là biểu tượng của làng quê, là dân làng, là cha mẹ, vợ con, là những người yêu dấu đang ngày ngày nhớ về “anh”, trông mong chờ đợi. 
- Câu thơ hàm súc, giàu hình ảnh, giàu ý nghĩa, thể hiện độc đáo nỗi nhớ của người lính với quê hương....
 1,0
* Khái quát: Ba câu thơ hay, những hình ảnh thơ quen thuộc mà gợi cảm, những BPTT đã góp phần thể hiện chủ đề của bài thơ là ca ngợi tình đồng chí: Đồng chí là thấu hiểu, cảm thông sâu xa tâm tư, nỗi lòng của nhau. Đó là một trong những vẻ đẹp tinh thần của người lính thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
 0,5 
2- Câu 2 (5 điểm): 
A. Yêu cầu về kĩ năng:
- Bài văn có bố cục và cách trình bày hợp lí. 
- Hệ thống luận điểm rõ ràng và được triển khai tốt.
- Diễn đạt mạch lạc; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
B. Yêu cầu về nội dung kiến thức: Cần đảm bảo một số ý cơ bản sau
Các nội dung cần đạt
 Điểm
* Hiểu nội dung, ý nghĩa câu chuyện.
- Ngọn gió: Hình ảnh tượng trưng cho những khó khăn, thử thách, những nghịch cảnh trong cuộc sống.
- Cây sồi: Hình ảnh tượng trưng cho lòng dũng cảm, dám đối đầu, không gục ngã trước hoàn cảnh
 -Ý nghĩa câu chuyện: Trong cuộc sống con người cần có lòng dũng cảm, tự tin, nghị lực và bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn, trở ngại của cuộc sống. 
 2,0
* Bài học giáo dục từ câu chuyện.
 - Cuộc sống luôn ẩn chứa muôn vàn trở ngại, khó khăn và thách thức nếu con người không có lòng dũng cảm, sự tự tin để đối mặt sẽ dễ đi đến thất bại (Một ngọn gió dữ dội băng qua khu rừng già. Nó ngạo nghễ thổi tung tất cả các sinh vật trong rừng, cuốn phăng những đám lá, quật gẫy các cành cây)
- Muốn thành công trong cuộc sống, con người phải có niềm tin vào bản thân, phải tôi luyện cho mình ý chí và khát vọng vươn lên để chiến thắng nghịch cảnh. (Tôi có những nhánh rễ vươn dài, bám sâu vào lòng đất. Đó chính là sức mạnh sâu thẳm nhất của tôi) 
Lưu ý: Học sinh cần có dẫn chứng về những tấm gương dũng cảm, không gục ngã trước hoàn cảnh để lập luận thuyết phục hơn.
 2,0
* Vận dụng bài học giáo dục của câu chuyện: 
 + Không nên tuyệt vọng, bi quan, chán nản trước hoàn cảnh mà phải luôn tự tin, bình tĩnh để tìm ra các giải pháp cần thiết nhằm vượt qua các khó khăn, thử thách của cuộc sống.
+ Biết tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân để luôn có một bản lĩnh kiên cường trước hoàn cảnh và cũng phải biết lên án, phê phán những người có hành động và thái độ buông xuôi, thiếu nghị lực.
 1,0
3- Câu 3 (12 điểm):
A- Yêu cầu về kĩ năng:
- HS có kĩ năng làm bài NLVH tổng hợp, biết kết hợp các phép lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, biết khái quát để làm nổi bật vấn đề.
- Hiểu đúng vấn đề mà đề bài yêu cầu. Lập được các luận điểm phù hợp.
- Biết lựa chọn và phân tích dẫn chứng sao cho làm sáng rõ vấn đề.
- Không sa đà vào tình trạng diễn xuôi ý thơ hoặc kể lại chuyện.
- Văn viết có cảm xúc,diễn đạt trôi chảy; dùng từ, đặt câu chuẩn xác.
- Bố cục bài hoàn chỉnh, chặt chẽ. 
B- Yêu cầu về nội dung kiến thức: 
Các nội dung cần đạt
 Điểm
1. Nêu đúng vấn đề và giới hạn: Vẻ đẹp của người lao động mới trong hai tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận và “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
1,0
2. Hoàn cảnh sáng tác hai tác phẩm: 
- Sau chiến thắng thực dân Pháp, miền Bắc nước ta bắt tay vào công cuộc xây dựng CNXH. Một không khí phấn khởi, hăng say lao động dấy lên khắp mọi nơi để dựng xây cuộc sống mới và chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Niềm vui, niềm tin yêu dào dạt trước cuộc sống mới đang hình thành, đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của văn học lúc bấy giờ. Nhiều nhà thơ đã đi tới các miền đất xa xôi của Tổ quốc: miền núi, hải đảo, nhà máy, nông trường để sống và viết. Các tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá” - Huy Cận (1958), “Lặng lẽ Sa Pa” - Nguyễn Thành Long (1970) đều là kết quả của những chuyến đi thực tế, các tác giả đã trực tiếp chứng kiến cuộc sống của người lao động. Các tác giả đã ngợi ca khí thế lao động hăng say, lòng yêu đời của người lao động mới- những người đã được giải phóng, đang làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và đất nước. Họ thuộc đủ mọi lớp người, mọi lứa tuổi, với những nghề nghiệp khác nhau, làm việc ở những vùng khác nhau nhưng đều có chung những phẩm chất cao đẹp. 
1,5 
3. Hình ảnh người lao động mới: (Đây là phần trọng tâm)
*Công việc, điều kiện làm việc của họ đầy gian khó, thử thách.
- Người ngư dân trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” ra khơi khi thiên nhiên, vũ trụ vào trạng thái nghỉ ngơi. Đánh cá trên biển đêm là một công việc rất vất vả và nguy hiểm...
- Trong “Lặng lẽ Sa Pa”: Anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét. Anh sống một mình, xung quanh anh chỉ có cây cỏ, mây mù lạnh lẽo và một số máy móc khoa học. Cái gian khổ nhất với anh là sự cô độc. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa..dự báo thời tiết”. Công việc ấy đồi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác. Mỗi ngày anh đo và báo số liệu về trạm bốn lần. Nửa đêm, đúng giờ “ốp” dù mưa tuyết, gió rét thế nào thì vẫn phải trở dậy làm việc.
1,5 
* Trong điều kiện khắc nghiệt như vậy nhưng họ vẫn nhiệt tình, hăng say, mang hết sức lực của mình để cống hiến cho Tổ quốc.
- Những ngư dân là những người lao động tập thể. Họ hăm hở: “ Ra đậu dăm xa dò bụng biển/ Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”. Kiên cường, hòa nhập với thiên nhiên bao la với tư thế ngang tầm vũ trụ. Họ làm việc nhiệt tình, hăng say, đầy khí thế. ( Phân tích dẫn chứng)
- Anh thanh niên am hiểu, thành thạo trong công việc. Anh hiểu việc mình làm có ý nghĩa quan trọng: phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu Công việc tuy lặp lại đơn điệu song anh vẫn rất nhiệt tình, say mê, gắn bó với nó, hoàn thành tốt nhiệm vụ. ( Phân tích dẫn chứng)
 3,0 
* Đó là những con người sống có lí tưởng và tràn đầy lạc quan, thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong lao động.
- Người đánh cá ra đi, làm việc và trở về đều trong câu hát. Họ đã thu về thành quả thật tốt đẹp. Hình ảnh thơ cuối bài rạng rỡ niềm vui, niềm hi vọng của người lao động vì một ngày mai “huy hoàng”... 
 ( Phân tích dẫn chứng)
- Người thanh niên trên đỉnh núi cao Yên Sơn thì tâm sự với ông họa sĩ: “Cháu sống thật hạnh phúc”.  Chính từ suy nghĩ : “Mình sinh ra. vì ai mà làm việc?” mà anh đã vượt lên sự cô đơn để gắn bó với công việc thầm lặng. 
 ( Phân tích dẫn chứng)
- Ở Sa Pa, không phải chỉ có anh thanh niên mà còn có cả một thế giới những người lao động “làm việc và lo nghĩ cho đất nước” qua lời anh kể như: anh bạn trên trạm đỉnh Phan- xi- păng, ông kĩ sư vườn rau, đồng chí cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét 
 3,0 
4. Khái quát: 
- Dù ở nơi núi cao hay biển xa nhưng những người lao động vẫn nhiệt tình, âm thầm mang sức lực của mình cống hiến cho Tổ quốc. Người lao động vô danh trong hai tác phẩm đủ mọi thành phần, lứa tuổi , nghề nghiệp... đều là những người nhiệt tình, say mê công việc, sống có lí tưởng. Họ là điển hình cao đẹp của con người lao động mới trưởng thành trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. 
 - Khẳng định thành công của các tác giả trong việc khắc họa hình ảnh người lao động: Các tác giả đã ghi lại hình ảnh họ rất chân thực và sống động trong những trang viết thấm đẫm cảm hứng lãng mạn, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động; bộc lộ niềm vui, niềm tự hào trước đất nước và cuộc sống.
1,0 
5. Nêu cảm nghĩ hoặc liên hệ mở rộng:
- Liên hệ thực tế cuộc sống, văn thơ, những suy nghĩ của bản thân... 
- Mỗi chúng ta cần biết trân trọng những người lao động bình thường trong cuộc sống hàng ngày bởi chính họ đã dựng xây nên cuộc sống tươi đẹp này. Chúng ta học tập được ở họ những phẩm chất đáng quý...
1,0 
* Lưu ý: 
- Ngoài cách triển khai như trên, học sinh có thể lần lượt phân tích theo từng tác phẩm nhưng biết dùng lập luận tổng - phân - hợp ( khái quát rõ vẻ đẹp nói chung của người lao động trong hai tác phẩm rồi mới chứng minh cụ thể, sau đó tổng hợp, nâng cao) để vấn đề được sáng tỏ. 
- Trên đây là những gợi ý và định hướng chung, giám khảo cần vận dụng linh hoạt dựa trên thực tế bài làm của học sinh. Khuyến khích những bài có cảm nhận sâu sắc, có cảm xúc và sáng tạo trong cách viết. 

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_THI_HSG_VAN_9_TT.doc