Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - Năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Kim An

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1656Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - Năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS Kim An", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi olympic môn: Ngữ văn lớp 7 - Năm học: 2014 - 2015 - Trường THCS  Kim An
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
TRƯỜNGTHCS KIM AN
ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 7
Năm học 2014-2015
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian làm bài :120 phút( Không kể thời gian giao đề)
Câu 1 ( 4 điểm)
 Trong bài thơ “ Bài ca Côn Sơn” Nguyễn Trãi viết:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
 Sau này, trong bài thơ “Cảnh khuya” Hồ Chí Minh viết:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
Em hãy phân tích cái hay của hai nhà thơ lớn trong mỗi lần sử dụng nghệ thuật so sánh tu từ trên.
Câu 2 ( 6 điểm):
 “Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,”
(Theo Lý Lan, Cổng trường mở ra, SGK Ngữ văn7, tập1.NXB Giáo dục)
 Từ hành động người mẹ buông tay con và lời nói của người mẹ nói với con, viết một bài văn ngắn nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa được gợi ra từ những chi tiết trên.
Câu 3 ( 10 điểm): 
 Tinh thần nhân đạo là một trong những chủ đề xuyên suốt trong văn học. Qua những áng văn chương đã học trong chương trình Ngữ Văn 7 hãy làm sáng tỏ nhân định trên.
---------------Hết---------------
( Giáo viên không giải thích gì thêm).
Họ và tên :................................................................Số báo danh :...........................
 PHÒNG GD&ĐT THANH OAI 	 HƯỚNG DẪN CHẤM
 TRƯỜNG THCS KIM AN	 ĐỀ THI OLYMPIC NGỮ VĂN LỚP 7 
Câu 1 (4điểm).
* Yêu cầu về kĩ năng : ( 0,5 đ).
- Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lý : học sinh có thể trình bày thành đoạn văn hoặc có thể viết thành một bài văn ngắn về cái hay trong việc sử dụng nghệ thuật so sánh của hai nhà thơ.
- Hệ thống ý rõ ràng và được triển khai tốt.
- Diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.
* Yêu cầu về nội dung :
 Học sinh trình bày được những ý cơ bản sau:
 - Giới thiệu vài nét về 2 tác giả (0,5 đ)
- Trong văn học kim cổ, các thi nhân luôn đồng điệu tâm hồn ở những cảm hứng rất đẹp với thiên nhiên. Điểm chung của hai nhà thơ là cùng ví âm thanh của tự nhiên với âm thanh của nghệ thuật -> Tài hoa, tinh tế.(0,25 đ )
- Nhưng cá tính và thời đại khiến mỗi nhà thơ lại có một cảm nhận khác nhau trước cùng một đối tượng thiên nhiên.(0,25 đ)
 + Trong câu thơ của Nguyễn Trãi, tiếng suối được so sánh với “tiếng đàn cầm” gợi cho người đọc hình dung tiếng suối chảy du dương, trong trẻo, thánh thót. Mặt khác Nguyễn Trãi viết bài thơ trong hoàn cảnh ở ẩn tại Côn Sơn nên thiên nhiên trong câu thơ này còn thiếu vắng con người và mang vẻ đẹp nguyên sơ. Như vậy nghệ thuật so sánh tu từ ở đây chứa đựng quan điểm mĩ học cổ điển, do đó, cái hay của câu thơ cũng mang màu sắc cổ điển.(1,0 đ)
 + Khác với Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh so sánh tiếng suối với “tiếng hát xa” vọng lại giữa rừng đêm. Ở đây, Bác đã đảo trật tự trong cách so sánh thường gặp trong thơ cổ điển. Do đó cách so sánh của Bác bộc lộ quan điểm mĩ học hiện đại. Cách so sánh ấy, không chỉ làm cho tiếng suối lạnh lẽo, xa xôi, vô hồn, bỗng trở nên sống động, trẻ trung, mà còn làm cho cảnh rừng yên ắng, tĩnh mịch, trở nên có hồn người, xao động. Đêm rừng chiến khu bỗng trở nên gần gũi, thân thương, với con người biết bao, bỗng mang hơi ấm của sự sống con người.Tóm lại, tiếng suối trong thơ Hồ Chí Minh chính là tiếng hát của trái tim người nghệ sỹ yêu đời.(1,0 đ)
 - Hai nhà thơ, hai thời đại, hai hoàn cảnh, hai cá tính. Điều đó dẫn đến hai cách cảm nhận về cùng một đối tượng là tiếng suối chảy trong rừng già. Thật khó để khẳng định cách so sánh nào hay hơn nhưng có thể chắc chắn một điều rằng sự khác biệt đó đã làm nên cái riêng cho mỗi nhà thơ đồng thời làm phong phú, đa dạng hơn cho nền văn học nước nhà.(0,5 đ)
Câu 2 (6 điểm). 
* Yêu cầu về kĩ năng : ( 1,5 đ).
 - Triển khai thành một bài văn nghị luận ngắn.
 - Cảm nhận những giá trị nghệ thuật , nội dung của chi tiết.
 - Lời văn diễn đạt linh hoạt, trình tự ý rõ ràng, đảm bảo tính lô gic
 - Không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.
* Yêu cầu về nội dung : ( 4,5 đ).
 Học sinh cần cảm nhận được những khía cạnh sau:
 - Hành động “ mẹ buông tay con” : Mẹ không dẫn con đi tiếp mà buông tay con . Là một cử chỉ nhẹ nhàng, âu yếm. Cử chỉ tuy rất giản dị nhưng nó là cả một sự mong ước lớn lao của người mẹ dành cho con. Mẹ mong con ngay cả trong bước đi đầu tiên để bước vào thế giới của tri thức, con cũng phải đi bằng chính đôi chân của mình, phải đối diện với thực tế bằng ý chí và nghị lực của bản thân. Điều đó có nghĩa là người mẹ muốn con phải có ý thức tự lập.(1,5đ)
 - Lời nói của người mẹ có ý nghĩa thật sâu sắc: Lời nói như một lời động viên, khích lệ tinh thần cho đứa con bé bỏng khi lần đầu tiên bước chân đến trường. Lời nói ấy còn thể hiện những mong ước cho con: Mong con được tiếp nhận những điều bổ ích từ thế giới của tri thức, của tình bạn, của tình thầy trò. Trường học sẽ giúp con lớn lên về tâm hồn và trí tuệ.(1,5đ)
-> Người mẹ có tấm lòng yêu thương con sâu sắc. Những điều người mẹ dành cho con chính là một sự nâng bước, định hướng cho con những gì tốt đẹp nhất. Bởi tự bước đi trên đôi chân của mình con sẽ tự tin, chủ động trước mọi thử thách trong cuộc sống và những gì đón nhận được từ trường học sẽ giúp con có một hành trang vững chắc để bước vào đời.(1,5đ)
Câu 3 (10 điểm). 	
*Yêu cầu về kỹ năng.(1,0đ)
- Xác định đúng kiểu bài nghị luận chứng minh,giải thích.
- Bài viết có bố cục rõ ràng, có luận điểm,luận cứ, luận chứng phù hợp.
- Trình bày sạch đẹp, câu chữ rõ ràng, hành văn giàu cảm xúc, trôi chảy.
*Yêu cầu về nội dung.(9,0đ)
A, Mở bài (1,0đ) Dẫn dắt vào vấn đề hợp lí.
 - Trích dẫn được nội dung cần chứng minh ở đề bài và nhận xét về tính đúng đắn của nhận xét trên.Tinh thần nhân đạo là một trong những chủ đề xuyên suốt trong văn học và điều đó thật đúng, trong chương trình Ngữ Văn 7 đã thể hiện rất rõ vấn đề trên.
B, Thân bài (7,0đ)
 *Giải thích được thế nào là tinh thần nhân đạo trong văn học?
 - Đó chính là tinh thần nhân ái, là sự xót thương, lòng đồng cảm, là thái độ chở che bênh vực cho những số phận con người bất hạnh, là tấm lòng “Thương người như thể thương thân” .(0,5đ)
 - Luận điểm: Tinh thần nhân đạo được thể hiện trên những khía cạnh: Đó là sự xót thương đồng cảm, sẻ chia với số phận đau khổ; là sự lên án tố cáo những thế lực bất công chà đạp lên quyền sống của con người; là những ước mơ khát vọng về một xã hội công bằng bác ái, tôn trọng phẩm giá của con người.(0,5đ)
* Ca dao , dân ca đã nói lên tiếng nói đồng cảm, tiếng kêu than của người dân lao động, vất vả lam lũ nhưng lại có cuộc sống thật cơ cực, lầm than.
 Đó là thân phận nhỏ bé qua hình ảnh ẩn dụ trong ca dao nhan dân đã gửi gắm tiếng kêu than như thân phận cái kiến, cái bống, con cuốc, con tằm(0,5đ)
 “ Thương thay thân phận con tằmDầu kêu ra máu có người nào nghe.” Hình ảnh người lao động hiện lên thật vất vả, khổ cực, họ lại bị bóc lột, bị chèn ép .Đó là nỗi thương cảm, xót xa cho số phận của những người dân lao động quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mà họ lại chẳng được hưởng bất kì chút thành quả nào.(0,5đ)
 - Tiếng nói thương cảm cho số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ còn chịu nhiều bất công, oan trái. Họ có số phận lênh đênh chìm nổi, không có quyền quyết định số phận cuộc đời của mình. Họ thật nhỏ bé, đáng thương trong xã hội phong kiến còn nhiều định kiến:
 “ Thân em .Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”. Hình ảnh trái bần vừa chua, chát giống như cuộc đời người phụ nữ xưa vậy họ luôn chịu tủi nhục trước xã hội, trước cuộc đời. Số phân của họ thật đáng thương luôn lênh đênh chìm nổi vô định, không biết hướng nào, không biết lưu lạc, tấp vào đâu bởi số phận của họ, cuộc đời họ không do họ quyết định mà do định kiến xã hội quyết định.Tác giả dân gian đã cảm thương cho số phận cuộc đời người phụ nữ để nói lên cuộc đời thân phân họ mà khi người đọc đọc lên đều thấy xót thương đồng cảm. (0,5đ)
 - Tiếng kêu, lên án, tố cáo xã hội bất công bằng “ Cho ao kia cạn cho gầy cò con”, đó là bản án cho giai cấp thống trị tàn ác, vơ vét, bóc lột dân lành.(0,5đ)
*Thơ Nôm Trung đại Việt Nam và thơ Đường cũng phản ánh rất rõ điều này 
 - Bài thơ “ Bánh trôi nước” là hình ảnh, thân phận người phụ nữ. Những định kiến xã hội, và lễ giáo phong kiến đã tước đi quyền tự do hạnh phúc, buộc họ phải sống lệ thuộc vào người khác . Đó chính là nỗi thương cảm cho số phận người phụ nữ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.(0,5đ)
 - Tiếng nói đau thương khi chiến tranh phi nghĩa xảy ra làm tan nát hạnh phúc lứa đôi vợ phải xa chồng, nỗi buồn, sự chia li không đáng có.( Sau phút chia ly)(0,5đ)
 - Hay còn là ước mơ nhân ái cho những kẻ sĩ trên thế gian này có được ngôi nhà rộng muôn ngàn gian. Ước mơ thật giản dị và cao đẹp biết chừng nào: “ ước được nhà rộng muôn ngàn gian..nắng mưa chẳng nũng, vững vàng như thạch bàn.”(0,5đ)
 - Bài ca nhà tranh bị gió thu phá lên án, tố cáo xã hội loạn lạc, chiến tranh đã gay lên sự thất học, hỗn láo của lũ trẻ đáng ra phải biết lễ nghĩa học hành.(0,5đ)
 * Truyện ngắn hiện đại “Sống chết mặc bay” cũng mang nội dung nhân đạo sâu sắc
 - Đó là tiếng kêu thương cho số phận người dân lao động. Qua tác phẩm “ Sống chết mặc bay” Phạm Duy Tốn đã nói lên nỗi đau khổ, tình cảnh đáng thương của những người dân đang trong tình cảnh đê vỡ bằng những lời biểu cảm trực tiếp của tác giả . Đằng sau lời biểu cảm là tiếng nấc nghẹn ngào cùng với dòng nước mắt xót thương của nhà văn đối với số phận bi thảm của người dân thấp cổ bé họng.(1,0đ)
 - Sống chết mặc bay đã tố caó kẻ cầm quyền vô nhân tính , bỏ mặc sự sống chết của dân lành (dẫn chứng) (1,0)
C, Kết bài (1,0đ)
- Đánh giá khái quát vấn đề 
- Bộc lộ suy nghĩ cảm nhận của người viết về vấn đề trên. 
* Giáo viên căn cứ vào bài viết của học sinh để cho điểm.
Kim An, ngày 13 tháng 01 năm 2015
Xác nhận của tổ KHXH	 Người ra đề
	 Nguyễn Thị Tú Uyên
Xác nhận của Ban giám hiệu

Tài liệu đính kèm:

  • docDe Olympic van 7 2014 2015 Kim An.doc