Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Thanh Mai

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1130Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Thanh Mai", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Thanh Mai
PHÒNG GD &ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS THANH MAI
ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 8
 Năm học 2014-2015
Môn: Ngữ văn
 Thời gian làm bài:120 phút 
 (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (4 điểm) Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau: 
 “ Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
 Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
 Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
 Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”
 (Quê hương - Tế Hanh)
Câu 2:( 6 điểm): Suy nghĩ của em về ý nghĩa giáo dục của câu chuyện sau:
 Chuyện kể, một danh tướng có lần đi ngang qua trường học cũ của mình, liền ghé vào thăm. Ông gặp lại người thầy từng dạy mình hồi nhỏ và kính cẩn thưa:
Thưa thầy, thầy còn nhớ con không? Con là
Người thầy giáo già hoảng hốt:
Thưa ngài, ngài là...
Thưa thầy, với thầy, con vẫn là đứa học trò cũ. Con có được những thành công hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào...
Câu 3:( 10 điểm) 
 Nhận xét về hai bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ và “Khi con tú hú “ của Tố Hữu, có ý kiến cho rằng : 
Cả hai bài thơ đều thể hiện lòng yêu nước và niềm khao khát tự do cháy bỏng của tầng lớp thanh niên trí thức. Tuy nhiên thái độ đấu tranh cho tự do ở mỗi bài lại hoàn toàn khác nhau. 
Bằng hiểu biết của mình về hai bài thơ, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
--------------------------------------------Hết----------------------------------------------------
PHÒNG GD &ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS THANH MAI
 HƯỚNG DẪN CHẤM 
 ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 8
 Môn: Ngữ văn
 Năm học 2014-2015
Câu 1 : ( 4 điểm) 
- Yêu cầu chung: HS cảm nhận được cái hay, cái đẹp của đoạn thơ, trình bày dưới dạng một đoạn văn hoặc bài văn ngắn.
- Yêu cầu về nội dung: HS nêu được các ý cơ bản sau : 
+ Đoạn thơ trên trích trong văn bản  “Quê hương” của Tế Hanh, diễn tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi với sự liên tưởng độc đáo của tác giả. ( 0,5đ)
+ Biện pháp so sánh con thuyền như con tuấn mã cùng với những động từ phăng, vượt gợi lên hình ảnh con thuyền đang băng mình ra khơi thật dũng mãnh, làm chủ biển khơi bao la. Đó cũng chính là sức sống, khí thế của dân trai tráng – những con người hăng say lao động, tự tin, kiêu hãnh giữa biển cả, đất trời. ( 1 đ)
+ Hình ảnh cánh buồm căng gió biển khơi được so sánh độc đáo, bất ngờ, gợi nhiều liên tưởng thú vị.(1 đ)
+ Nghệ thuật ẩn dụ (mảnh hồn làng) cánh buồm trở thành biểu tượng của làng chài.(0,5đ)
+ Nghệ thuật nhân hóa (Rướn) cho thấy cánh buồm như có hồn, sức sống riêng. (0,5đ)
+ Đó là tình yêu quê hương của tác giả (1 đ)
Câu 2:( 6 điểm)
*Yêu cầu về kĩ năng:(1 điểm)
- Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lí. 
- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
- Diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.
*Yêu cầu về nội dung: (5 điểm)
- Tóm tắt mẩu chuyện: (1 điểm)
 + Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa người học trò cũ và người thầy giáo già.
 + Câu chuyện đã thể hiện thái độ kính trọng thầy giáo cũ của một danh tướng.
Ý nghĩa câu chuyện: (2 điểm)
+ Câu chuyện ca ngợi lòng biết ơn vô hạn của danh tướng với thầy giáo cũ. Mặc dù giờ đây, vị danh tướng đó có địa vị, tiền tài cao hơn thầy rất nhiều nhưng trước thầy giáo cũ ông vẫn xưng hô rất khiêm nhường và cho rằng: “Con có được những thành công hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào”.
+ Câu chuyện có giá trị tôn vinh nghề dạy học, một công việc đã đem đến cho đất nước những con người tài ba, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
+ Câu chuyện còn là lời nhắc nhở thấm thía với những kẻ vong ơn bội nghĩa “khỏi rên quên thầy” hay “Khỏi vòng cong đuôi” trong xã hội.
Bài học rút ra cho bản thân: (2 điểm)
+ Cần biết ơn và kính trọng thầy cô trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dù sau này trở thành người tài giỏi, địa vị cao sang cũng luôn luôn nhớ ơn và kính trọng thầy cô giáo, những người đã từng dạy dỗ dìu dắt em trong suốt cuộc đời.
+ Biết ơn thầy cô, không phải ta cứ đem quà tặng vật chất hay tiền bạc đến tặng thầy cô mà chỉ cần có những cử chỉ, lời nói lễ phép, kính trộng đối với thầy cô là đủ. Đó là món quà quí giá nhất tặng thầy cô. 
Câu 3 :( 10 điểm) 
- Yêu cầu về kĩ năng : ( 1đ) 
 + Đúng kiểu văn nghị luận, sử dụng hợp lí các thao tác chứng minh, giải 
 thích.
 + Văn viết lưu loát, không mắc lỗi chính tả
 + Khuyến khích những bài có sự sáng tạo, giàu cảm xúc
- Yêu cầu về nội dung : ( 9 điểm)
1, Mở bài. 
- Giới thiệu khái quát bối cảnh Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945 : Dân tộc ta chìm trong ách nô lệ của thực dân Pháp, nhiều thanh niên, trí thức tâm huyết với non sông đất nước đều khao khát tự do.(0,5đ)
- Bài thơ Nhớ rừng ( Thế Lữ) Khi con tu hú ( Tố Hữu) đều nói lên điều đó.(0,25đ)
- Trích ý kiến... (0,25đ)
2, Thân bài: 
- HS giải thích được thế nào là lòng yêu nước ? Thường được định nghĩa là tình yêu và sự tận tâm với đất nước và lí tưởng của đất nước.Trong từng thời kì lịch 
 sử lòng yêu nước có những biểu hiện khác nhau.(0,5đ)
+ Trong hai văn bản thì lòng yêu nước là ý thức đấu tranh và khao khát tự do mãnh liệt.(0,5đ)
Lần lượt làm rõ hai luận điểm sau :
* Luận điểm 1 : Cả hai bài thơ đều thể hiện lòng yêu nước và niềm khao khát tự do cháy bỏng :
- Vì yêu nước nên mới thấy hết nỗi tủi cực của cuộc sống nô lệ ( d/c : Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt...), mới uất ức khi bị giam cầm ( d/c Ngột làm sao, chết uất thôi..) (1đ).
- Không chấp nhận cuộc sống nô lệ, luôn hướng tới cuộc sống tự do : 
+ Trong bài Nhớ rừng : Con hổ nhớ về cuộc sống tự do nơi núi rừng đại ngàn : Những đêm trăng đẹp, những ngày mưa, những bình minh, những buổi chiều.. Con hổ lúc mơ màng như một thi sĩ, lúc lại như bậc đế vương đầy quyền uy.(d/c)(1,25đ)
+ Trong bài Khi con tu hú : Người thanh niên yêu nước tuy thân bị tù đày nhưng vẫn tâm hồn hướng ra ngoài song sắt để cảm nhận bức tranh mùa hè rực rỡ sắc màu, rực rỡ âm thanh, đấy hương vị ngọt ngào...(d/c)(1,25đ)
* Luận điểm 2 : Thái độ đấu tranh tự do khác nhau.
- Nhớ rừng là tiếng nói của một tầng lớp thanh niên có tâm sự yêu nước, đau đớn về thân phận nô lệ nhưng chưa tìm được con đường giải thoát...(1đ)
- Khi con tu hú là tiếng nói của một chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, biết rõ con đường cứu nước là gian khổ nhưng vẫn kiên quyết theo đuổi, tin ở tương lai chiến thắng của cách mạng, đất nước sẽ độc lập, dân tộc sẽ tự do,...(1đ)
3, Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của hai bài thơ.(0,5đ) 
- Trân trọng nỗi niềm yêu nước sâu kín. Đó là nỗi đau nhức nhối vì thân phận nô lệ, khơi dậy niềm khao khát tự do và nhớ tiếc thời oanh liệt của dân tộc.(0,5đ)
- Tiếng nói khao khát tự do, ý thức đấu tranh giành tự do mạnh mẽ trong Khi con tu hú có tác dụng tích cực đối với thanh niên đương thời.(0,5đ)
* Lưu ý : Cách cho điểm 
- Điểm 9- 10 bài đạt xuất sắc các yêu cầu trên, phân tích đủ các mặt nội dung và nghệ thuật, có nhiều sáng tạo, không mắc lỗi diễn đạt, không có lỗi chính tả.
- Điểm 7-8 bài có đủ nội dung, còn mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 5-6 bài đủ nội dung nhưng còn sơ sài, còn lỗi hình thức.
- Điểm 3-4 bài đạt nửa nội dung, còn lỗi về hình thức.
- Điểm 1-2 bài có nội dung mờ nhạt, còn nhiều lỗi về hình thức.
 Thanh Mai, ngày 09 tháng 01năm 2015 
 Người soát đề Người ra đề
 Vũ Đình Công Phạm Thị Hà

Tài liệu đính kèm:

  • docOlympic van 8 20142015TM.doc