Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12 - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh

doc 7 trang Người đăng dothuong Lượt xem 688Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12 - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12 - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Bắc Ninh
UBND TỈNH BẮC NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2015- 2016
Môn: Ngữ văn - Lớp 12 
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 24 tháng 3 năm 2016
===========
Câu 1. (4,0 điểm)
 Hãy làm rõ chất “chân quê” và tinh thần Thơ mới thể hiện trong đoạn thơ sau:
	Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
	Một người chín nhớ, mười mong một người.
	Gió mưa là bệnh của giời,
	Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
 (Tương tư - Nguyễn Bính) 
Câu 2. (6,0 điểm)
Trong lời tựa cuốn tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen McCullough có viết:
Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại Ít ra là truyền thuyết nói như vậy.
Anh (chị) hãy viết bài văn (khoảng 600 từ) trình bày cảm nhận, suy nghĩ của mình về đoạn văn bản trên.
Câu 3. (10,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng:
Tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi trong giai đoạn văn học 1945-1975 luôn đan xen hài hòa tạo nên tình yêu cao đẹp của con người Việt Nam.
Qua Đất Nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm) và Sóng (Xuân Quỳnh), anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
====== Hết======
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
UBND TỈNH BẮC NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HƯỚNG DẪN CHẤM
 ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
NĂM HỌC 2015- 2016
Môn: Ngữ văn - Lớp 12
(Hướng dẫn chấm có 06 trang)
Câu 1. (4,0 điểm)
 Hãy làm rõ chất chân quê và tinh thần Thơ mới thể hiện trong đoạn thơ sau:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ, mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
 Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”
 (Tương tư - Nguyễn Bính)
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Đảm bảo một văn bản nghị luận ngắn có bố cục rõ ràng, hợp lí; tổ chức sắp xếp ý một cách lôgic, chặt chẽ; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không mắc lỗi chính tả, dùng từ 
II. Yêu cầu về kiến thức 
 1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.(0,5 điểm)
 	 - Nguyễn Bính là một trong những đại diện tiêu biểu của phong trào Thơ mới với nét phong cách nổi bật “chân quê”.
	- Tương tư là bài thơ đặc sắc, thể hiện rõ nét phong cách ấy của tác giả đồng thời thể hiện được tinh thần của Thơ mới.
 2. Giải thích sơ lược “chất chân quê và tinh thần Thơ mới”.(0,5 điểm) 
 	 - “Chất chân quê” là nét riêng của thơ Nguyễn Bính. Đó là cái gốc, là bản sắc văn hoá của con người Việt Nam. Chất “chân quê” ấy được biểu hiện ở giọng quê, tình quê, hồn quê, thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc... 
	 - “Tinh thần Thơ mới” trong thơ Nguyễn Bính chính là tiếng nói, là khát vọng của một cái tôi cá thể tràn đầy cảm xúc, cảm giác. 
3. Biểu hiện của chất chân quê và tinh thần Thơ mới trong đoạn thơ.(2,5 điểm) 
a. Chất chân quê.(1,5 điểm) 
	- Thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc; cách biểu đạt đậm chất dân gian qua hệ thống ngôn từ giản dị, mộc mạc, sử dụng hoán dụ, nhân hóa và thành ngữ “chín nhớ mười mong”... Tất cả gợi lên được phong vị chân quê, hồn quê của người Việt bao đời nay.
	- Hình ảnh thôn Đoài, thôn Đông gợi ra một không gian làng quê cổ xưa và thân thuộc của xứ Bắc.
	- Lối nói vòng vo, bóng gió có duyên, giọng điệu kể lể phù hợp với việc bộc bạch nỗi tương tư của nhân vật trữ tình - một chàng trai quê.
b. Tinh thần Thơ mới.(1,0 điểm)
	- Tiếng nói của nhân vật trữ tình “tôi” là tiếng nói dõng dạc của cái tôi cá nhân, cá thể không còn là tiếng nói của cái “ta” gắn với bổn phận, trách nhiệm. Cái “tôi” bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên, chân thành, mãnh liệt. 
	- Lời tỏ bày của chàng trai không chỉ duyên dáng, tế nhị mà còn thông minh, táo bạo. Từ thuộc tính của tự nhiên, chàng trai khẳng định thuộc tính của trái tim mình và bật lên thành lời yêu thương “tôi yêu nàng”.
4. Đánh giá chung.(0,5 điểm)
	 - Đoạn thơ thể hiện được tài năng Nguyễn Bính: Vừa chân quê, hồn hậu vừa mới mẻ. Chất “chân quê” và “tinh thần” Thơ mới hòa quyện làm nên nét riêng trong phong cách thơ Nguyễn Bính.
	 - Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta làm thức dậy hồn xưa đất nước và góp phần làm nên diện mạo phong phú đa dạng của phong trào thi ca thời đại.
Câu 2. (6,0 điểm)
Trong lời tựa cuốn tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Colleen McCullough có viết:
Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại Ít ra là truyền thuyết nói như vậy.
Anh (chị) hãy viết bài văn (khoảng 600 từ) trình bày cảm nhận, suy nghĩ của mình về đoạn văn bản trên.
I. Yêu cầu về kĩ năng.
	- Học sinh biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề xã hội thông qua ý nghĩa của một văn bản văn học.
	- Bài viết có bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ.
	- Diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, sáng tạo, giàu chất văn
II. Yêu cầu về kiến thức.
	Đề bài có tính chất gợi mở vì vậy thí sinh có thể bộc lộ quan điểm của mình theo những cách khác nhau nhưng cần hợp lý, chặt chẽ và thuyết phục. Về cơ bản cần đạt được một số ý chính sau:
1. Cảm nhận câu chuyện về loài chim trong truyền thuyết và rút ra thông điệp thẩm mĩ. (1,5 điểm)
	- Truyền thuyết kể về một loài chim “chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian”. Khi nó cất tiếng hót cũng đồng nghĩa với việc nó phải từ bỏ sự sống. Hình ảnh trung tâm ấy đã khiến ta liên tưởng đến quy luật cuộc đời: trong cuộc sống, những điều tốt đẹp nhất không phải bao giờ ta cũng dễ dàng có được mà phải trả giá bằng sự hi sinh, cống hiến.
	- Cái chết của con chim ấy thật đau đớn, đẹp đẽ và bi tráng. “Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi”. Nhưng tiếng hót của nó cũng thật vô giá “tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười”. Điều đó chứng tỏ rằng khi chúng ta càng biết chấp nhận khó khăn gian khổ, những đau đớn về thể xác và tinh thần, vượt lên sóng gió cuộc đời bằng ý chí, nghị lực, niềm đam mê, khát khao cống hiến thì khi đó những thành quả ta có được càng trở nên đẹp đẽ, có giá trị`.
	- Thông điệp mà truyền thuyết gửi đến người đọc là ý nghĩa sau cùng được gửi gắm trong những lời văn “Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”. Những gì tốt đẹp nhất ở đây phải chăng là những giá trị vật chất và tinh thần mà con người luôn khát khao hướng tới. Trong cuộc sống để có được “những gì tốt đẹp nhất” chúng ta phải biết chấp nhận đối diện và vượt qua những khó khăn, gian khổ, đớn đau thậm chí hi sinh.
2. Bàn luận mở rộng vấn đề. (3,5 điểm)
	- Cuộc sống luôn tồn tại những trạng thái đối cực: niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau, thành công và thất bại...Tuy nhiên, con người luôn có khát vọng hướng tới những điều tốt đẹp. Đó là sự đủ đầy về vật chất, thành công trong sự nghiệp, có được những giá trị tinh thần cao quý: tình bạn, tình yêu, sự bình yên, hạnh phúc, hòa bình 
	- Những điều tốt đẹp nhất ấy rất có giá trị trong cuộc sống con người nhưng không dễ dàng có được. Bạn đừng nên chờ đợi những món quà bất ngờ của cuộc sống mà hãy tự mình làm nên cuộc sống.
	- Để có được những điều tốt đẹp nhất ấy, con người phải trải qua những “nỗi đau khổ vĩ đại”, nghĩa là biết dũng cảm đương đầu với khó khăn, gian khổ, biết chấp nhận hi sinh. Bởi lẽ sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ hi sinh, trên đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy.
	- Loài chim trong truyền thuyết lựa chọn cái chết đau đớn để lại cho đời tiếng hót trong veo - tài sản lớn nhất, quý giá nhất của nó. Những điều tốt đẹp nhất ấy đôi khi không phải cho chính mình mà còn mang đến cho cuộc đời, cho nhân loại. Vì thế, truyền thuyết giáo dục chúng ta về tinh thần hi sinh cao thượng. Trong cuộc sống, nơi nào có một người chiến thắng, nơi đó có một người thua cuộc. Nhưng người biết hi sinh vì người khác luôn luôn là người chiến thắng. Và tìm thấy niềm vui của mình trong niềm vui của người khác đó chính là bí mật của hạnh phúc.
	- Phê phán những người sống nhút nhát, ích kỷ, cá nhân; những kẻ không biết trân quý sự hi sinh của người khác.
3. Bài học nhận thức và hành động.(1,0 điểm)
	- Bài học nhận thức: thấy được giá trị của những điều tốt đẹp trong cuộc sống; cần biết khao khát đam mê, đương đầu với giông tố cuộc đời và sẵn sàng cho đi, hi sinh, cống hiến (Tôi thà làm ngôi sao băng rực rỡ còn hơn làm một hành tinh vĩnh cửu nhưng mờ nhạt và tôi muốn mỗi nguyên tử của tôi bốc cháy trong ánh sáng chói lọi – G. Lơnđơn); trân trọng giá trị của sự hi sinh; lên án lối sống tầm thường, hèn nhát, ích kỉ 
	- Bài học về hành động: không ngừng nỗ lực xây dựng ước mơ tốt đẹp, sự đam mê cho mình và cho mọi người bằng những hành động cụ thể (đặc biệt là thế hệ trẻ).
Lưu ý: Mỗi luận điểm cần có dẫn chứng minh họa cụ thể
III. Biểu điểm.
- Điểm 5- 6: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên; văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3- 4: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Giám khảo có thể chấm theo ý: điểm nội dung kết hợp với hình thức.
Ý 1: 1,5 điểm.
Ý 2: 3,5 điểm.
Ý 3: 1,0 điểm
Câu 3. (10,0 điểm)
Có ý kiến cho rằng:
Tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi trong giai đoạn văn học 1945-1975 luôn đan xen hài hòa tạo nên tình yêu cao đẹp của con người Việt Nam.
Qua Đất Nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm) và Sóng (Xuân Quỳnh), anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
I. Yêu cầu về kĩ năng:
 	Thí sinh biết cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, lời văn trong sáng; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp. 
II. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những nội dung sau:
1. Giới thiệu vấn đề (1,0 điểm)
- Tình yêu là đề tài muôn thuở của thơ ca và là nguồn cảm hứng bất tận của văn học qua các thời kì. Điểm sáng nổi bật trong đề tài tình yêu là sự hòa quyện giữa tình yêu lứa đôi với tình yêu đất nước.
- Khẳng định sự thống nhất hòa hợp của tình yêu lứa đôi với tình yêu đất nước trong thơ ca giai đoạn 1945- 1975 và nêu giới hạn vấn đề qua Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Sóng của Xuân Quỳnh. 
2. Khái quát chung (1,0 điểm) 
	- Thơ ca giai đoạn 1945-1975 có nhiều sáng tác đặc sắc về đề tài đất nước như Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Mũi Cà Mau của Xuân Diệu, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? của Chế lan Viên... Các sáng tác kể trên đều có sức sống lâu bền bởi những đóng góp riêng độc đáo. Đoạn trích Đất Nước (trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm là một minh chứng điển hình. Tác phẩm được hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971 với mục đích viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước và sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược.
	- Xuân Quỳnh viết Sóng vào năm 1967 trong chuyến đi thực tế tại vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968). Sóng là một bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh thuở ban đầu, giai đoạn đầu. Đó là lời tự bạch của một trái tim phụ nữ đang yêu nồng nàn, tha thiết, thủy chung như nhất và khao khát bất tử cùng tình yêu.
3. Chứng minh tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi luôn đan xen hài hòa tạo nên tình yêu cao đẹp của con người Việt Nam qua Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh).(7,0 điểm)
a. Đoạn thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm (3,5 điểm)
* Từ nhiều bình diện: không gian địa lí, thời gian lịch sử, bề dày văn hóa, cốt cách tâm hồn dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm đã làm sáng lên tư tưởng cốt lõi Đất Nước Nhân Dân đồng thời gửi gắm một tình yêu sâu sắc, mãnh liệt đối với đất nước.(2,0 điểm)
- Tình yêu đất nước gắn liền với những gì bình dị, thân thuộc, gắn bó trong cuộc sống hàng ngày; tình cảm gia đình, tình yêu nguồn cội (Cái kèo, cái cột, hạt gạo, miếng trầu, gừng cay, muối mặn, bà, cha mẹ, dân mình ...)
- Tình yêu đất nước gắn liền với tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh sắc quê hương, đất nước từ những không gian hẹp cho đến không gian rộng lớn, từ những cảnh sắc đời thường cho tới những di tích, danh thắng trên khắp mọi miền (nơi anh đến trường, nơi em tắm, nơi dân mình đoàn tụ, núi Vọng Phu, Hòn Trống Mái, Núi Bút, non Nghiên, Cửu Long giang ...)
- Tình yêu đất nước gắn liền với niềm tự hào về lịch sử, truyền thống cha ông, vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn, cốt cách dân tộc thấm nhuần nhận thức Nhân Dân – chủ thể sáng tạo, giữ gìn và bảo vệ đất nước qua trường kì lịch sử (truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết vua Hùng và ngày Giỗ Tổ, sự hóa thân của nhân dân vào hình sông dáng núi, nhân dân sáng tạo và truyền lại cho thế hệ sau những giá trị vật chất và tinh thần, những con người vô danh đã hi sinh để bảo vệ đất nước “Họ đã sống và chết, giản dị và bình tâm / Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”). Tình yêu đất nước còn được thể hiện trong việc vận dụng hiệu quả, sáng tạo chất liệu văn hóa, văn học dân gian: tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích...
- Tình yêu đất nước gắn liền với ý thức trách nhiệm với tổ quốc, tinh thần đoàn kết sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của dân tộc (Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời ...)
* Tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi đan xen hài hòa tạo nên tình yêu cao đẹp của con người Việt Nam trong Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. (1,5 điểm)
- Chủ thể trữ tình trong Đất Nước là tiếng lòng của người con trai nói với người con gái, một người yêu nói với một người yêu, người chồng nói với người vợ nên lời trái tim chạm đến trái tim đọng lại tâm hồn và xốn xang nơi xúc cảm. Giọng điệu tâm tình thủ thỉ, vì thế triết luận về đất nước mà không khô khan, triết luận về đất nước mà vẫn đậm đà chất trữ tình.
- Đất Nước hiện lên vừa lớn lao, cao cả vừa bình dị gần gũi, Đất Nước có trong anh, trong em, trong mỗi chúng ta, trong mỗi kỉ niệm của tình yêu đôi lứa... : 	Trong anh và em hôm nay 
	Đều có một phần Đất Nước
Sự sống của mỗi cá nhân luôn là sự thể hiện cụ thể sinh động hình ảnh của Đất Nước trong mọi giá trị, mỗi con người Việt Nam luôn thừa hưởng, tiếp nối và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần, vật chất của cộng đồng từ hạt gạo ta ăn, ngôi nhà ta ở, ngôn ngữ ta trò chuyện tâm tình, những đạo lí nghĩa tình khi ứng xử... 
	- Cá nhân có mối quan hệ chặt chẽ gắn bó máu thịt với đất nước, hài hòa, gắn kết giữa tôi và ta, riêng và chung, cá nhân và cộng đồng:
	Khi hai đứa cầm tay
	Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
	Khi chúng ta cầm tay mọi người
	Đất Nước ven tròn to lớn
Hình ảnh cầm tay là sự biểu hiện cụ thể của mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng. Tiếp nhận những giá trị bền vững thiêng liêng trong đời sống tinh thần, tình cảm mấy nghìn năm của Đất Nước, tình yêu lứa đôi của anh và em luôn hài hòa nồng thắm thủy chung son sắt gắn kết với tình cảm cộng đồng tạo nên sự vẹn tròn to lớn. Tương lai hạnh phúc của lứa đôi nằm trong tương lai hạnh phúc của Đất Nước: 
	Mai này con ta lớn lên
	Con sẽ mang Đất Nước đi xa
b. Sóng của Xuân Quỳnh (3,5 điểm)
	* Sóng của Xuân Quỳnh tô đậm nét đẹp tình yêu đôi lứa.(2,5 điểm) 
	Hình ảnh trung tâm của bài thơ là sóng và vì thế mạch thơ cũng giống như từng lớp sóng trào dâng. Ngoài ra, sóng còn ẩn dụ cho tình yêu, nỗi nhớ của em - của nhân vật trữ tình. Sóng và em hợp thành cặp hình ảnh song hành, quấn quýt, soi chiếu vào nhau tô đậm vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam khi yêu với tất cả sắc thái, cung bậc. Bài thơ thể hiện tiếng nói của một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, nhiều lo âu và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.
- Sóng thể hiện tiếng nói tình yêu của một cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt.
	+ Cái tôi khát vọng được sống đúng với cá tính của mình, được thấu hiểu và được yêu thương nên đã dấn thân vào hành trình gian truân tìm kiếm hạnh phúc. Cái tôi còn khát vọng khám phá bản chất, nguồn gốc của tình yêu để rồi nhận ra rằng tình yêu là quyến rũ, thiêng liêng và không thể nào lí giải.
	+ Cái tôi mang nỗi nhớ nồng nàn da diết, nỗi nhớ ấy vượt qua mọi khoảng cách không gian, mọi giới hạn thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi cả trong tiềm thức, cõi vô thức và hiện hữu trong mỗi giấc mơ.
	+ Cái tôi khát vọng và tin tưởng tình yêu chung thủy vượt qua những biến động của cuộc sống, những thăng trầm của cuộc đời để đến được bến bờ hạnh phúc.
- Sóng thể hiện tiếng nói tình yêu của một cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người.
	+ Cái tôi bằng sự chiêm nghiệm của một trái tim đa cảm và sự từng trải đã sớm nhận ra nghịch lí: đời người là ngắn ngủi so với thời gian vô thủy vô chung, khát vọng tình yêu là không cùng mà kiếp sống của mỗi người là hữu hạn.
	+ Cái tôi tìm cách hóa giải nghịch lí và nỗi day dứt ấy bằng khát vọng hóa thân vào sóng hòa nhập vào biển lớn tình yêu để đạt đến sự đồng cảm, thấu hiểu tuyệt đích, để mãi mãi còn được yêu thương và dâng hiến.
* Tình yêu đất nước và tình yêu lứa đôi đan xen hài hòa tạo nên tình yêu cao đẹp của con người Việt Nam trong Sóng của Xuân Quỳnh (1,0 điểm)
	- Sóng được viết vào một ngày cuối năm (29/12/1967) khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt. Thi phẩm trở thành đóa hoa thơ nở dọc chiến hào, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt, khát vọng hạnh phúc, tình yêu bất diệt của tuổi trẻ Việt Nam những năm chống Mĩ.
	- Tình yêu của cái tôi trữ tình trong Sóng luôn có sự hòa hợp, đan xen giữa tình yêu lứa đôi với tình yêu đất nước. Đó là khát vọng cháy bỏng đem tình yêu của cái tôi cá nhân hòa trong biển lớn tình yêu cuộc đời để tình yêu ấy trở nên bất tử.
	Làm sao được tan ra
	Thành trăm con sóng nhỏ
	Giữa biển lớn tình yêu
	Để ngàn năm còn vỗ.
4. Đánh giá chung. (1,0 điểm)
	- Sóng của Xuân Quỳnh và Đất nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm đều là những bản tình ca, hòa quyện đậm đà tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa. 
	- Thơ Việt Nam 1945 – 1975 tập trung khắc họa hình ảnh con người với những phẩm chất tốt đẹp, đời sống cá nhân gắn bó chặt chẽ với đời sống dân tộc. Đó là khả năng khám phá, tái hiện đời sống con người qua những trang thơ. Điều đó đã được nhà nghiên cứu Vũ Duy Thông khẳng định: “Thơ từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975 vẫn là nguồn năng lượng quý giá, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách Việt Nam hôm nay và những thế hệ mai sau”.
III. Biểu điểm:
- Điểm 9-1

Tài liệu đính kèm:

  • docVan 12 đại tr¢.doc