Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2013 - 2014 môn thi: Ngữ văn - Trường THCS Thanh Thùy

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1310Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2013 - 2014 môn thi: Ngữ văn - Trường THCS Thanh Thùy", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2013 - 2014 môn thi: Ngữ văn - Trường THCS Thanh Thùy
Phòng GD&ĐT Thanh Oai
Trường THCS Thanh Thùy
 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
 Năm học 2013- 2014
 Môn thi: Ngữ văn
Thời gian làm bài :150 phút
 (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1(4 đ)
Vân xem trang trọng khác vời ,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang .
Hoa cười ngọc thốt đoan trang ,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da .
 (Trích Truyện Kiều –Nguyễn Du )
 Cảm nhận của em về vẻ đẹp của Thúy Vân qua bốn câu thơ trên. Từ vẻ đẹp của Thúy Vân, em có suy nghĩ gì về vẻ đẹp của người phụ nữ ngày nay so với người phụ nữ xưa ?
Câu 2 ( 4đ)
 HAI BIỂN HỒ
 Người ta bảo ở Palextin có hai biển hồBiển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này.Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống phải cũng bị bệnh. Ai ai cũng đều không muốn sống ở gần đó. Biển hồ thứ hai là Galile. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này
 Nhưng điều kỳ lạ cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan
Nước sông Jorda chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jorda rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
 (Trích “Bài học làm người ”- Nhà xuất bản giáo dục)
 Qua câu chuyện Hai biển hồ trên, đã cho em bài học ý nghĩa nào trong cuộc sống.
Câu 3 (12 đ)
 Cảm nhận của em về hình tượng người chiến sĩ trong hai bài thơ “Đồng chí”(Chính Hữu) và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”(Phạm Tiến Duật).
 .
 ( Đề thi gồm 01 trang )
Duyệt của tổ chuyên môn
Duyệt của BGH
HƯỚNG DẪN CHẤM HỌC SINH GIỎI LỚP 9
 NĂM HỌC 2013-2014
 Môn thi: Ngữ văn
 Câu 1
 Bài làm của học sinh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau
 A.Về nội dung : 
* Cảm nhận được vẻ đẹp của Thúy Vân : Đó là vẻ đẹp đoan trang phúc hậu ,quí phái khác thường: Khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn như mặt trăng, lông mày sắc nét đậm như con ngài, miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong trẻo thoát ra từ hàm răng ngà ngọc, mái tóc đen óng nhẹ hơn mây, làn da trắng mịn màng hơn tuyết. Vẻ đẹp của Thúy vân tạo sự hòa hợp, êm đềm với xung quanh nên nàng sẽ có cuộc đời bình lặng, suôn sẻ. 
- Suy nghĩ về vẻ đẹp của người phụ xưa và nay:
 + Người phụ nữ xưa: Coi trọng “ Công- dung- ngôn- hạnh ”.
 + Người phụ nữ ngày nay :
 - Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ xưa.
 - Trong các cuộc kháng chiến thể hiện vẻ đẹp: Anh hùng- bất khuất- trung hậu đảm đang.
 - Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội : Họ năng động, sáng tạo, quyết đoán có vị thế trong xã hội .v.v.. 
 B. Về hình thức:
Học sinh có thể trình bày và lập luận khác nhau song bài viết phải có kết cấu chặt chẽ, có khả năng cảm thụ tốt, phân tích thỏa đáng làm sáng rõ nội dung yêu cầu của đề bài. Văn viết mạch lạc có cảm xúc.
 Biểu điểm: 
 3,5à4 điểm: Cảm nhận đúng, có ý sâu sắc, tinh tế, diễn đạt tốt.
 2,5à3 điểm: Cảm nhận đúng, khá đầy đủ, sâu sắc, tinh tế, diễn đạt khá.
 1,5à2 điểm: Cảm nhận được nhưng nhìn chung chưa sâu, mắc ít lỗi diễn đạt.
 0,5à1 điểm: Cảm nhận còn hời hợt, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
 0 điểm: Làm lạc đề, bỏ giấy trắng.
Câu 2 
Bài làm đáp ứng được những yêu cấu sau:
 A.Về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần phải triển khai các ý cơ bản sau:
 -Từ một câu chuyện (rút ra bài học từ cuộc sống) học sinh trình bày suy nghĩ về một vấn đề tư tưởng đạo lý- mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống. Hạnh phúc không phải chỉ là nhận lấy mà còn là biết cho đi. Người hạnh phúc nhất ở trên đời là người biết đem đến cho người khác nhiều hạnh phúc nhất. Trong cuộc sống phải luôn biết chia sẻ với người khác. Nếu biết sống vì người khác thì cuộc đời chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nhiều lần, cuộc đời sẽ có ý nghĩa thêm bội phần. Có người nói "người ta kính trọng bạn không phải những gì bạn nhận được. Sự kính trọng là phần thưởng dành cho những gì mà bạn cho đi". Với đề bài này HS trước hết cần giải thích – phân tích để làm rõ bài học giáo dục được gửi gắm trong câu này.
B. Hiểu được ý nghĩa của câu chuyện:
 Nghĩa đen theo nghĩa khoa học:
 + Biển Chết là do vị trí hồ không thuận lợi xung quanh không có kênh rạch hay lối thoát nên nước từ thượng nguồn đổ về đây bị ứ đọng dần dần tích tụ lượng muối lớn, làm cho nồng độ muối trong nước quá cao.
 + Nước quá mặn nên không sinh vật nào sống được nên dẫn đến hoang vu thiếu sự sống.
 + Biển hồ Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
C. Bài học rút ra từ câu chuyện. 
 Câu chuyện đã đem đến bài học thật ý nghĩa trong cuộc sống:
- Trong cuộc sống hằng ngày, con người có những mối quan hệ, những giao tiếp, những sinh hoạt luôn “ trao” và “ nhận”. Xã hội sẽ không tồn tại nếu thiếu quá trình này.
- Hãy biết chia sẻ để nó lan tỏa và biến thành niềm vui
- Biển chết: như một biểu tượng cho một loài người ích kỷ, thiếu đi lòng vị tha nhân hậu chỉ biết sống cho riêng mình.
- Biển Galile: sống vì người khác, mở rộng bàn tay cho và nhận (dẫn chứng từ thực tế cuộc sống ).
 à Khẳng định cách nhìn, thái độ sống, chi phối hoàn cảnh sống, tác động đến các mối quan hệ xung quanh (dẫn chứng- phân tích-so sánh, đối chiếu ).
 à Cuộc sống cần có sự đồng cảm ( hãy dang rộng đôi tay với những nạn nhân bị chất độc màu da cam; đồng bao miền Trung đang bị thiên tai bão lụt)
* Bài học cho bản thân.
 + Cách ứng xử và thái độ đối với những người xung quanh.
 + Cách ứng xử, cho và nhận đối với cuộc đời.
 Biểu điểm :
- Điểm 3,5à4:
 Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bài viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát.
- Điểm 2,5à3:
 Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, có lập luận tương đối chặt chẽ, có sự vận dụng thành công thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt.
- Điểm 1,5à2:
 Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, lập luận chưa chặt chẽ, có thể còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
 - Điểm 0,5à1:
 Chưa nắm vững yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được 1/2 yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc lỗi chính tả và diễn đạt.
 - Điểm 0: Để giấy trắng.
 Câu 3 
A. Yêu cầu về hình thức:
 - xây dựng bài văn bố cục ba phần rõ ràng .
 - Vận dụng các thao tác lập luận phân tích, bình giảng, so sánh đánh giá, tổng hợp vấn đề. Hệ thống luận điểm phải rõ ràng, chặt chẽ ,lô gic.
- Dùng từ đặt câu chính xác, diễn đạt trong sáng, giàu cảm xúc.
 B. Yêu cầu về nội dung:
a. Cảm nhận về hình tượng anh bộ đội cụ hồ trong hai tác phẩm :
 * Cảm nhận nét giống nhau về hình tượng người lính của hai tác phẩm:
+ Hình ảnh người chiến sĩ trong hai bài thơ đều xuất thân từ những người Việt Nam yêu nước. Sinh ra lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lược nên họ có nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập dân tộc, được giác ngộ sâu sắc lí tưởng cách mạng.
+ Trong chiến đấu họ phải đối mặt với những khó khăn gian khổ, thiếu thốn nhưng họ vẫn vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ. Phẩm chất của người chiến sĩ được tôi luyện trong kháng chiến. Giữa họ có những tình cảm tốt đẹp, bền chặt của tình đồng chí, đồng đội. Đó là những nét bản chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng Việt nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
* Nét đặc sắc riêng:
 - Tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu:
Nội dung:
- Người lính trong buổi đầu chống thực dân Pháp, xuất thân từ nông dân nghèo ở những miền quê khác nhau. Tác phẩm lí giải tình đồng chí, đồng đội nảy sinh trên cơ sở cùng cảnh ngộ, cùng lí tưởng chiến đấu, cùng chia sẻ gian khó, thiếu thốn. Các anh thấu hiểu tâm tư tình cảm của nhau, có những nỗi nhớ quê hương sâu nặng tha thiết.
Nghệ thuật:
- Bài thơ mang vẻ đẹp giản dị, ngôn ngữ mộc mạc, giọng điệu thủ thỉ tâm tình, cảm xúc dồn nén, sử dụng cấu trúc song hành. Tác phẩm có nhiều chi tiết phản ánh hiện thực mà vẫn đậm chất lãng mạn.
- Tác phẩm:” Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
Nội dung:
- Những người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mỹ ác liệt. Bài thơ làm nổi bật tư thế hiện ngang, tinh thần dũng cảm chấp nhận những khó khăn với ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam của người chiến sĩ lái xe . Họ có nét tinh nghịch, trẻ trung, vô tư lạc quan, hồn nhiên sôi nổi. Cả tập thể chiến sĩ lái xe coi nhau như một gia đình.
 Nghệ thuật:
- Bài thơ đậm chất văn xuôi mà vẫn rất thơ, tạo nên một lối thơ mới giàu hiện thực, trẻ trung. Nhà thơ xây dựng hình tượng những chiếc xe không kính là một nét đặc sắc để khắc hoạ vẻ đẹp tâm hồn, ý chí người chiến sĩ lái xe.
- Nguyên nhân có sự khác nhau: Do hoàn cảnh lịch sử chi phối cách phản ánh cuộc sống chiến tranh, đồng thời do cách cảm nhận và tài năng thể hiện ở mỗi nhà thơ cũng như sự đòi hỏi sáng tạo của văn học. Tuy nhiên giữa hai thế hệ người chiến sĩ vẫn có tính nối tiếp và kế thừa. 
 b. Từ cảm nhận về hình tượng người chiến sĩ trong hai bài thơ, học sinh có thể liên hệ tới Đại tướng Võ Nguyên Gíap đã lành đạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ và hình tượng người lính ngày nay: Những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ vùng biển đảo thân yêu của tổ quốc..
 Thang điểm:
- Điểm 12: Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu nêu trên; văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng; bài viết thể hiện được sự sáng tạo, cảm thụ riêng biệt. 
- Điểm 10: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu nêu trên; văn viết chưa thật sâu sắc nhưng phải đủ ý; diễn đạt trong sáng. 
- Điểm 8,0: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề, chọn và phân tích được một số dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Diễn đạt rõ ý. 
- Điểm 6,0: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề, phân tích dẫn chứng chưa sâu sắc; còn mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 4,0: Chưa hiểu rõ đề, nội dung sơ sài, ít dẫn chứng, còn nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu đề, nội dung sơ sài hoặc không nêu được ý; diễn đạt yếu; mắc nhiều lỗi ngữ pháp, dùng từ.
Điểm 0: Sai lạc cả về nội dung và phương pháp.
 * Lưu ý: Điểm tổng của toàn bài là tổng điểm của từng câu không làm tròn.
Duyệt của tổ chuyên môn
Duyệt của BGH

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_THI_HSG.doc