Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 (Vòng 2) - Năm học 2014-2015 - Phòng GD & ĐT Thanh Oai

pdf 6 trang Người đăng dothuong Lượt xem 589Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 (Vòng 2) - Năm học 2014-2015 - Phòng GD & ĐT Thanh Oai", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 (Vòng 2) - Năm học 2014-2015 - Phòng GD & ĐT Thanh Oai
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
(Vòng 2)
Năm học: 2014 – 2015
Môn: Ngữ văn
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 1 trang).
Câu 1 (6 điểm)
Văn hào vĩ đại người Nga Macxim Gorki từng phát biểu: "Chi tiết nhỏ
làm nên nhà văn lớn". Hãy phân tích chi tiết "chiếc bóng" trong tác phẩm
"Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ để làm rõ điều đó.
Câu 2 (4 điểm)
Trong bài “Vì sao tôi viết tiểu thuyết”, Lỗ Tấn nói: “Mỗi khi tôi chọn đề tài,
tôi đều chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật, với mục đích lôi hết bệnh
tật của họ ra, làm cho mọi người chú ý và tìm cách chạy chữa”.
Em hiểu ý kiến của nhà văn như thế nào?
* Lưu ý: Bài viết không quá một trang giấy thi.
Câu 3 (10 điểm)
Viết về mẹ, Chế Lan Viên gửi gắm:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”.
(Con cò)
Nguyễn Duy tâm sự:
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa).
Nguyễn Khoa Điềm cũng đã từng tự bạch:
“Và chúng tôi một thứ quả trên đời.
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”.
(Mẹ và quả)
Nhưng B.Babbles lại nói: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm
chỗ dựa cho con cái mà là làm chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết”.
Cảm nhận của anh (chị) về người mẹ qua các ý kiến trên? Từ đó, trình
bày những suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của người mẹ.
HẾT.
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH OAI
( ĐỀ CHÍNH THỨC)
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN THANH OAI
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
(Vòng 2)
Năm học: 2014 – 2015.
Môn: Ngữ văn.
Câu 1 (6 điểm):
Yêu cầu chung:
* Hình thức (1 điểm):
- Học sinh biết vận dụng kiến thức và kĩ năng nghị luận để suy nghĩ trình bày
về một vấn đề trong tác phẩm văn học. Đó là vai trò của một chi tiết nghệ thuật
trong một tác phẩm văn học.
- Bài viết lập luận chặt chẽ. Văn viết mạch lạc, trong sáng; chuyển ý linh hoạt,
không mắc các lỗi.
* Về nội dung kiến thức (5 điểm):
a. Nêu được vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn học (1 điểm):
- Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất tạo nên tác phẩm (...), để
làm nên một chi tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm
hứng và tài năng nghệ thuật.
- Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù: Tầm vóc của người nghệ sỹ có thể
được làm nên từ những yếu tố nhỏ nhất. Nhà văn lớn có khả năng sáng tạo
được những chi tiết nhỏ nhưng giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong
việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật không chỉ là
yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật
về con người, về cuộc đời...của nhà văn, nơi kí thác niềm ưu tư, trăn trở của
nhà văn trước cuộc đời. Nhà văn chỉ thực sự là “người thư kí trung thành của
thời đại” (H.Balzac) khi anh ta có khả năng làm sống dậy cuộc đời trên trang
sách bắt đầu từ những chi tiết nhỏ. Lựa chọn chi tiết để xây dựng nên tác phẩm
nghệ thuật không chỉ thể hiện bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn bộc
lộ tài năng, tầm vóc tư tưởng của người cầm bút.
b. Đánh giá giá trị của chi tiết "chiếc bóng" trong "Chuyện người con gái Nam
Xương" (4 điểm):
* Giá trị nội dung (2 điểm):
- "Chiếc bóng" tô đậm thêm nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò
người vợ, người mẹ. Đó là nỗi nhớ thương, sự thuỷ chung, ước muốn đồng nhất "xa
mặt nhưng không cách lòng" với người chồng nơi chiến trận; đó là tấm lòng người
mẹ muốn khỏa lấp sự trống vắng, thiếu hụt tình cảm người cha phải xa nhà đi chinh
chiến trong lòng đứa thơ.
- "Chiếc bóng" là một ẩn dụ cho số phận mỏng manh của người phụ nữ
trong chế độ phong kiến coi trọng nam quyền. Họ có thể gặp bất hạnh dù
nguyên nhân gây ra là vô lý. Với chi tiết này, người phụ nữ hiện lên là nạn
nhân của bi kịch xã hội.
- "Chiếc bóng" còn xuất hiện ở cuối tác phẩm "Rồi trong chốc lát, bóng
nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất khắc hoạ sâu thêm giá trị hiện
thực và nhân đạo của tác phẩm.
- Chi tiết này còn là bài học về hạnh phúc muôn đời: Một khi đánh mất
niềm tin, hạnh phúc chỉ còn là chiếc bóng hư ảo.
* Giá trị nghệ thuật (2 điểm):
- Tạo kịch tính, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm: Chi tiết "chiếc bóng"
tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút cho truyện, tạo lên mâu thuẫn bất ngờ, hợp
lý:
+ Bất ngờ: Một lời nói của tình mẫu tử lại bị chính đứa con ngây thơ đẩy
vào vòng oan nghiệt; chiếc bóng của tình chồng nghĩa vợ, thể hiện nỗi khát
khao đoàn tụ, sự thuỷ chung son sắt lại bị chính người chồng nghi ngờ vợ
"thất tiết" ...
+ Hợp lý: chế độ nam quyền cùng với cảnh ngộ chia ly bởi chiến tranh
là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất hạnh của Vũ Nương.
- Tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện. Chi tiết này còn là sự sáng
tạo của Nguyễn Dữ (so với chuyện cổ tích, "Miếu vợ chàng Trương") tạo nên
vẻ đẹp lung linh cho tác phẩm và một kết thúc tưởng như có hậu nhưng lại
nhấn mạnh hơn bi kịch của người phụ nữ.
Biểu điểm:
- Điểm 5, 6: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có rõ khả năng hiểu đề, tư
duy tốt, văn viết giàu cảm xúc. Diễn đạt trong sáng, mạch lạc. Chữ viết sạch
đẹp, không mắc các lỗi.
- Điểm 3, 4: Bài viết đáp ứng cơ bản các yêu cầu về nội dung song còn thiếu
chặt chẽ trong lập luận và chưa thật cảm xúc.
- Điểm 2: Hiểu đề nhưng vận dụng thao tác nghị luận chưa thuần thục. Diến
đạt đôi chỗ chưa thật trong sáng; còn mắc một vài lỗi chính tả hoặc dùng từ.
- Điểm 1: Chủ yếu là kể lại truyện; lập luận chưa chặt chẽ, thiếu rõ ràng. Mắc
một số lỗi dùng từ, viết câu, chính tả.
- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
Câu 2 (4 điểm):
1. Giải thích (2 điểm).
“Mỗi khi chọn đề tài”  Mục đích sáng tác văn chương.
“Chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật”  Tác phẩm phải
thấm nhuần giá trị hiện thực.
“Lôi hết bệnh tật của họ ra, làm cho mọi người chú ý và tìm cách chạy
chữa) -> Dùng văn chương làm vũ khí cải tạo xã hội.
=> Quan điểm sáng tác nghệ thuật tiến bộ của Lỗ Tấn: Nghệ thuật phải
góp phần xây dựng và cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống trở lên tốt đẹp hơn.
2. Phân tích, chứng minh bằng các tác phẩm nghệ thuật mà HS biết (1
điểm).
3. Mở rộng vấn đề (1 điểm):
- Có được cái nhìn đúng đắn về sức mạnh của văn chương nói riêng và
nghệ thuật nói chung trong cải tạo và xây dựng xã hội.
- Có được khát vọng góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.
Câu 3 (10 điểm)
1. Yêu cầu chung:
- Thấy được sự thể hiện phong phú về vai trò của người qua các ý thơ và
nhận định.
- Thấy được vai trò quan trọng của người mẹ trong cuộc đời mỗi con
người.
II. Yêu cầu cụ thể:
HS có thể có nhiều cách triển khai bài làm, nhưng cuối cùng hướng tới
các ý cơ bản sau:
1. Trình bày được cảm nhận về giá trị nội dung, nghệ thuật của các dẫn
chứng đã nêu trong đề bài (4 điểm).
- Câu thơ của Chế Lan Viên:
+ Điệp từ ngữ cặp hình ảnh ''mẹ, con'' ''vẫn'', lời thơ lục bát mang âm
hưởng lời ru, chất triết lý nhưng trữ tình thiết tha
+ Hai câu thơ ngắn vừa thể hiện cảm xúc về tình mẹ của nhà thơ vừa thể
hiện sự trải nghiệm để rút ra quy luật tình cảm của muôn đời con luôn cần có
mẹ, mẹ luôn dõi theo con, mẹ là nguồn sức mạnh đỡ nâng tâm hồn con. Hai
câu thơ không chỉ khái quát ý nghĩa của tình mẫu tử giản dị gần gũi, cao cả
thiêng liêng, bất diệt mà còn tô đậm tiếng lòng thiết tha của mẹ đối với con,
niềm xúc động dâng trào của con đối với mẹ. Sự cảm nhận trải nghiệm của nhà
thơ cũng là sự đồng vọng của muôn người trong cuộc đời khi thấu nhận tình
yêu bao la của mẹ đối với con bất chấp mọi biến thiên của cuộc đời
- Câu thơ của Nguyễn Duy:
+ Câu thơ tài hoa, đặc biệt là ở thể lục bát phảng phất phong vị ca dao
nhưng vẫn mang đậm chất triết lý ở các cặp ý đối nhau “đi trọn kiếp” với
“không đi hết”, “kiếp con người” với “lời mẹ ru”
+ Vẻ đẹp của hai câu thơ thể hiện ở cảm xúc vừa lắng đọng, vừa thiêng
liêng nhưng thật triết lý. “Mấy lời mẹ ru” là biểu tượng cho tình cảm yêu
thương vô bờ mà mẹ dành cho con. Cách nói “đi trọn kiếpvẫn không đi
hết” khẳng định tình mẫu tử là vô cùng thiêng liêng, cao cả; là vô cùng, vô
tận, không gì có thể đền đáp hết được.
- Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm:
+ Sự sâu sắc của tứ thơ kết hợp với những cách thể hiện và ngôn từ độc
đáo tạo nên một chất suy tưởng riêng.
+ Hai câu thơ cuối đầy ẩn ý, vừa là sự băn khoăn về trách nhiệm của bản
thân, vừa là sự lo lắng về một điều tất yếu: “bàn tay mẹ mỏi” mang nhiều hàm ý. Có
lẽ đó là điều đau xót nhất đối với mỗi người con, và càng đau xót hơn khi con vẫn
còn là một thứ quả non xanh thì mẹ đã đi xa rồi. Những câu thơ là sự thức tỉnh trong
tâm thức nhà thơ và người đọc.
- Câu nói của B.Babbles:
+ Cách nói ngắn gọn, hàm súc, mang tính triết lý cao.
+ Vai trò và cách dạy con đúng đắn của người mẹ để con tự lập trong
cuộc sống.
2. Khẳng định cách nhìn về người mẹ không mâu thuẫn nhau (2 điểm):
- Những lời thơ về hình ảnh người mẹ là lời tự bạch của chủ thể trữ tình
(người con), là lời tự thú chân thành và cảm động của đứa con về sự lớn lao của
tình mẫu tử trước bước đi lặng lẽ mà cũng thật nghiệt ngã của thời gian. Đồng
thời, đây cũng là tiếng lòng, tấm lòng của con hướng về mẹ. Trong tình mẫu tử
bao la vĩ đại kia, đứa con nào cũng chỉ là “một thứ quả non xanh” được chở che,
nâng niu trong bàn tay mẹ, đứa con nào dù lớn đến đâu cũng “không đi hết mấy
lời mẹ ru” “vẫn là con của mẹ”
- Lời nói của B.Babbles lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục
con cái biết sống chủ động, tích cực, không dựa dẫm. Người mẹ luôn dang rộng
vòng tay để che chở, yêu thương nhưng cũng cần dạy con không ỷ lại, biết tự
đứng và bước đi bằng chính đôi chân của mình, tức là làm cho “chỗ dựa ấy trở
nên không cần thiết”
3. Nêu dẫn chứng chứng minh (2 điểm): Lúc bạn vừa lẫm chẫm tập đi,
mẹ buông tay không giữ bạn để mong bạn có thể đi vững hơn. Mẹ luôn là
người giúp ta giải quyết khó khăn nhưng một lúc nào đó chúng ta sẽ phải tự
làm lấy. Nếu ta vấp ngã, mẹ sẽ chỉ cho ta những chỗ sai để ta tự đứng lên trên
đôi chân của mình. Sau mỗi lần như vậy, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học
cho bản thân. Để rồi sau này, trên đường đời dài rộng, nhiều chông gai sẽ có
nhiều lần ta chùn bước bàn tay mẹ sẽ không chìa ra để kéo ta dậy mà đến lúc
đó chúng ta sẽ tự biết phải làm thế nào. Ngay trong cuộc sống hàng ngày cũng
vậy, từ những việc nhỏ nhặt mẹ cũng dạy cho ta làm từ nhỏ để chúng ta quen
dần với việc tự lập
4. Mở rộng (2 điểm):
- Việc làm để đền đáp công ơn cha mẹ: Muốn giúp mẹ, muốn học cách
tự lập...
- Phê phán những biểu hiện, những thái độ, hành vi chưa đúng với đạo lí
làm con của một số người trong cuộc sống hiện nay.
- Giá trị của vấn đề trong cuộc sống hiện tại
- Liên hệ, mở rộng đến những tình cảm gia đình khác.
- Kết luận vấn đề: Nhưng dù sao thì tình yêu thương mà mẹ dành cho
chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi. Một bài học quý giá học được ở Chế Lan
Viên, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm và B. Ba-let.
* Lưu ý: Chỉ đạt điểm tối đa khi bài viết có cảm xúc, bố cục chặt chẽ, diễn đạt
tốt, không mắc lỗi diễn đạt, đúng quy định về số trang.
THANG ĐIỂM
- Điểm 9-10: Đảm bảo ý cơ bản, bố cục hợp lí, luận điểm rõ ràng, văn phong
trong sáng, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi ngữ pháp, chính tả, diễn đạt, năng
lực cảm thụ tốt, có khả năng khái quát mở rộng sâu vấn đề, biết tổ chức bài văn
nghị luận.
- Điểm 7-8: Đảm bảo ý cơ bản, bố cục hợp lí, luận điểm rõ ràng, văn phong
trong sáng, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi ngữ pháp, chính tả, diễn đạt, bộc lộ
năng lực cảm thụ, biết tổ chức bài văn nghị luận.
- Điểm 5-6: Đảm bảo ý cơ bản, bố cục hợp lí, luận điểm rõ ràng, biểu cảm, chữ
viết rõ ràng, không mắc lỗi ngữ pháp, chính tả, diễn đạt, biết tổ chức bài văn
nghị luận.
- Điểm 3-4: Đảm bảo phần lớn ý cơ bản, ít mắc lỗi diễn đạt, chính tả
- Điểm 1-2: Bài sơ sài, diễn đạt vụng, nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt
- Điểm 0: Bài quá sơ sài/lạc đề, cẩu thả, mắc nhiều lỗi về chính tả, ngữ pháp,
không biết viết bài văn nghị luận.
Lưu ý: Đây là bài thi phát hiện HS năng khiếu nên khuyến khích các em trên
cơ sở ý cơ bản, có những phát hiện riêng, độc đáo. Tuy nhiên sự sáng tạo phải
có logic, có sức thuyết phục

Tài liệu đính kèm:

  • pdfHSG_van_9.pdf