Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học: 2015 - 2016 môn: Ngữ văn - trường THCS Kim An

doc 3 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1664Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học: 2015 - 2016 môn: Ngữ văn - trường THCS Kim An", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học: 2015 - 2016 môn: Ngữ văn - trường THCS Kim An
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS KIM AN
ĐỀ THI CHỌN HSG LỚP 9 CẤP HUYỆN
Năm học: 2015 - 2016
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 150 phút
Câu 1 (4.0 điểm)
Viết đoạn văn ngắn trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp hai câu thơ:
                                      Cỏ non xanh tận chân trời,
                             Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
                                  (Nguyễn Du, Truyện Kiều - SGK Ngữ văn 9, tập 1)
Câu 2 (6 điểm):
Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.
 Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về tính tự lập của các bạn học sinh hiện nay.
Câu 3 ( 10 điểm)
 Trong cuộc sống sôi động hàng ngày, có những con người làm những công việc thật bình dị, thầm lặng nhưng chính họ lại là những tấm gương cho ta học tập.
	 Hãy kể về một người như vậy.
Người kiểm tra Người ra đề Xác nhận của BGH
 Nguyễn Thị Nhất
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM ĐỀ THI HSG HUYỆN 
Môn: Ngữ văn lớp 9
Câu 1. (4.0 điểm)
Yêu cầu về hình thức:
- Thí sinh có thể viết 1 đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày cảm nhận về vẻ đẹp hai câu thơ. 
- Diễn đạt lưu loát, đúng chính tả.
2. Yêu cầu về nội dung:
	- Thí sinh chỉ ra được đó là một bức họa thiên nhiên mùa xuân tuyệt đẹp: Vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết, tươi mới, tràn trề sức sống của mùa xuân đã lan tỏa, thấm sâu khắp không gian từ mặt đất, bầu trời đén cỏ cây, hoa lá ( 1 điểm)
- Vẻ đẹp quyến rũ ấy được thể hiện bằng thiên tuyệt bút của Nguyễn Du với ngôn ngữ giàu sức gợi tả và đầy biểu cảm: Màu sắc tương phản mà hài hòa; không gian rộng lớn khoáng đạt; đường nét thanh tú, uyển chuyển; đặc biệt cách dùng từ sáng tạo “trắng điểm” đã gợi tả một cách thần tình sức sống của mùa xuân, vẽ nên một bức tranh xuân “đượm vẻ thiên nhiên” vô cùng diễm lệ, tươi sáng( 2 điểm)
 - Hai câu thơ đã thể hiện tâm hồn nhạy cảm của đại thi hào Nguyễn Du trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đồng thời truyền niểm say mê, khao khát yêu đời, yêu cuộc sống đến cho người đọc. (1điểm) 
Câu 2 (6 điểm)
Yêu cầu về hình thức: 
	- Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội, bài có 3 phần, bố cục chặt chẽ, mạch lạc, diễn đạt trôi chảy.
	2. Yêu cầu về nội dung:
	Thí sinh cần làm được các ý cơ bản sau:
+ Giải thích: Tự lập: là khả năng tự đứng vững và không cần sự giúp đỡ của người khác.(1 điểm)
+ Khẳng định: Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. (1 điểm)
 + Tác dụng của người có tính tự lập: Trong học tập, người học sinh có tính tự lập sẽ có thái độ chủ động, tích cực, có động cơ và mục đích học tập rõ ràng, đúng đắn. Từ đó, nó sẽ giúp cho học sinh tìm được phương pháp học tập tốt. Kiến thức tiếp thu được vững chắc. Bản lĩnh được nâng cao. (1 điểm) 
+ Tác hại của người không có tính tự lập: Hiện nay, nhiều học sinh không có tính tự lập trong học tập. Họ có những biểu hiện ỷ lại, dựa dẫm vào bạn bè, cha mẹ. Từ đó, họ có những thái độ tiêu cực : quay cóp, gian lận trong kiểm tra, trong thi cử; không chăm ngoan, không học bài, không làm bài, không chuẩn bị bài. Kết quả: những học sinh đó thường rơi vào loại yếu, kém cả về hạnh kiểm và học tập. (1 điểm)
+ Bài học: Học sinh cần phải rèn luyện tính tự lập trong học tập vì điều đó vừa giúp học sinh có thái độ chủ động, có hứng thú trong học tập, vừa tạo cho họ có bản lĩnh vững chắc khi tiếp thu tri thức và giải quyết vấn đề. Tự lập không phải là cô lập, không loại trừ sự giúp đỡ chân thành, đúng đắn của bạn bè, thầy cô khi cần thiết, phù hợp và đúng mức. (1 điểm)
 Tính tự lập trong học tập là tiền đề để tạo nên sự tự lập trong cuộc sống. Điều đó, là một yếu tố rất quan trọng giúp cho học sinh có được tương lai thành đạt. Tính tự lập là một đức tính vô cùng quan trọng mà học sinh cần có, vì không phải lúc nào cha mẹ, bạn bè và thầy cô cũng ở bên cạnh họ để giúp đỡ họ. Nếu không có tính tự lập, khi ra đời học sinh sẽ dễ bị vấp ngã, thất bại và dễ có những hành động nông nỗi, thiếu kiềm chế. (1 điểm) 
Câu 3 ( 10 điểm)
1. Yêu cầu về hình thức: 
 	- Kiểu đề: Tự sự kết hợp với bộc lộ cảm xúc.
	- Bài có bố cục 3 phần, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, đúng chính tả.
	2. Yêu cầu về nội dung:
* Định hướng : đề bài hướng tới 2 ý :
+ Con người làm công việc thầm lặng, bình dị
+ Họ chính là tấm gương cho ta học tập.
(Có thể lựa chọn : bác công nhân, bác lao công, anh bộ đội đã hết nghĩa vụ quân sự, người làm vườn...)
* Thí sinh có thể viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Dẫn dắt, giới thiệu về con người định kể. 
- Kể sơ qua về họ : hoàn cảnh quen biết, gặp gỡ, tuổi tác, ngoại hình, gia đình.
- Kể về công việc thầm lặng, bình dị của họ.
- Kể về những gì ta học tập được từ họ.
( Có thể viết về một tình huống cụ thể hoặc những tình huống đời thường khiến ta thấy cảm phục họ).
- Liên hệ đến bản thân. Suy nghĩ đến cách đánh giá về một con người.
	Thang điểm :
- Điểm 9,10: đáp ứng được tất cả những yêu cầu trên, văn viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát, lời văn trong sáng, đúng chính tả.
- Điểm 7,8: đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên, diễn đạt lưu loát, sai ít lỗi chính tả.
- Điểm 5,6: đáp ứng được 1/2 yêu cầu trên, diễn đạt tương đối lưu loát, sai ít lỗi chính tả.
- Điểm 3,4: Chưa nắm chắc nội dung yêu cầu của đề, phân tích còn nhiều hạn chế, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả.
- Điểm 1,2: Không hiểu đề, sai lạc cả về nội dung và phương pháp./.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_dap_an_HSG_van_9_nam_2015_KA.doc