Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2015 - 2016 môn Ngữ văn - Trường THCS Phương Trung

docx 6 trang Người đăng haibmt Lượt xem 6454Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2015 - 2016 môn Ngữ văn - Trường THCS Phương Trung", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2015 - 2016 môn Ngữ văn - Trường THCS Phương Trung
 PHÒNG GD& ĐT THANH OAI ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
TRƯỜNG THCS PHƯƠNG TRUNG Năm học 2015-2016
 Môn Ngữ văn
 Thời gian làm bài: 150 phút
 (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (4,0 điểm)
 Viết về cảnh đất trời mùa xuân trong bốn câu thơ mở đầu của đoạn trích “Cảnh ngày xuân “ (Truyện Kiều – Nguyễn Du), có ý kiến cho rằng: Từ cặp lục bát thứ nhất sang cặp lục bát thứ hai có sự biến đổi của mạch thơ; riêng cặp lục bát thứ hai đã thể hiện tài tình nghệ thuật “thi trung hữu họa”.
 Em hãy viết đoạn văn trình bày ý kiến của mình về nhận xét trên.
Câu 2: (6 điểm)
"Người thợ làm bút chì nâng niu sản phẩm của mình trước khi cho nó vào hộp: 
- Có năm điều con cần phải nhớ trước khi ta để con bước vào thế giới hỗn độn ngoài kia - Ông nói với bút chì - Lúc nào con cũng phải nhớ và không bao giờ được quên những điều ấy, khi đó, con mới trở thành một cây bút chì đẹp nhất, hiểu không?
 - Thứ nhất, con luôn có thể tạo ra những thứ rất vĩ đại, nhưng chỉ khi nào con nằm trong tay một ai đó. 
 - Thứ hai, con phải liên tục chịu đựng những sự gọt giũa rất đau đớn, nhưng hãy nhớ, tất cả đau đớn ấy chẳng qua là để làm cho con đẹp hơn mà thôi.
- Tiếp theo, con phải nhớ lúc nào con cũng có thể sửa chữa những lỗi mà con ghi ra.
- Và một điều nữa, hãy biết phần quan trọng nhất trên cơ thể của con chính là phần ruột, phần bên trong chứ không phải là lớp vỏ ngoài.
- Cuối cùng, con, bút chì, phải để lại vết chì của con trên bất cứ bề mặt nào mà con được sử dụng để viết, và phải liên tục viết, bất kể chuyện khó khăn gì, được không?"...
	 	 (Trích câu chuyện: "Ngụ ngôn bút chì")
 Suy nghĩ của em về lời dặn dò của người thợ làm bút chì trong đoạn truyện trên.
Câu 3: (10 điểm)
 Những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp qua truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim 
 .Hết.
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1: (4,0 điểm)
* Hình thức: (1điểm)
Bài viết trình bày dưới hình thức một đoạn văn, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi dùng từ, diễn đạt
* Nội dung : (3 điểm) cần đạt được các ý sau:
- Đồng ý với nhận xét trên: 0,25 đ
- Sự biến đổi của mạch thơ: 1đ
+ Hai câu đầu gợi dòng chảy thời gian bất tận, nhịp thơ êm xuôi:“Ngày xuân con énngoài sáu mươi”. Hình ảnh “con én đưa thoi”(nhân hóa, ẩn dụ) vừa gợi không gian,vừa ngụ ý mùa xuân qua nhanh.                                                                          
+ Hai câu tiếp theo, mạch thơ dừng lại, mở ra một không gian mênh mông, không còn 
ranh giới giữa trời và đất: “ Cỏ non xanh tận chân trờimột vài bông hoa”          
- Nghệ thuật “Thi trung hữu họa” ở cặp thơ thứ hai: 1,5 đ
Bức họa mùa xuân tuyệt đẹp được vẽ lên với đường nét, chi tiết hết sức tinh tế: Thảm cỏ
non tươi xanh mơn mởn trải rộng tới tận chân trời là gam nền cho bức tranh xuân. Trên nền xanh non ấy điểm xuyết vài bông hoa lê trắng muốt. Hai màu: xanh, trắng là những gam màu sáng tươi dịu mát, tôn nhau lên, màu trắng hoa lê làm cỏ như xanh hơn gợi sức sống tràn đầy và sắc trắng của hoa càng trở nên thanh khiết trên nền cỏ xanh mịn. Màu sắc ở đây có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu.                      
Cách dùng từ “trắng điểm” (chứ không phải là điểm trắng)-> đảo ngữ, giúp ta nhận ra tín hiệu của mùa xuân ở vẻ đẹp ẩn chìm mà sống động của tạo vật vốn vô tri vô giác.                      
Có thể liên hệ đến câu thơ cổ của Trung Quốc: “ Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa”.
- Khả năng rung động tinh tế của thi nhân trước cái đẹp của mùa xuân . 0,25 đ
  ( Không cho điểm tối đa những bài viết không trình bày đúng hình thức của một đoạn văn).
Câu 2: (6 điểm) 
Về nội dung: Đáp ứng một số ý sau:
* Giải thích ý nghĩa của câu chuyện: (1 điểm)
Đoạn trích chủ yếu xoay quanh lời dặn dò của người thợ với chiếc bút chì. Lời dặn dò rất chân tình phù hợp đặc điểm của chiếc bút chì như: dùng để viết, muốn đẹp và sử dụng tốt phải thường xuyên gọt nhọn; cấu tạo có hai phần gồm phần gỗ bên ngoài chỉ để bảo vệ còn phần lõi chì bên trong mới quan trọng nhất dùng để viết; bút chì có thể viết lại những dòng khác nếu viết chưa tốt và viết đến khi thân bút không còn, lõi chì hết vv Từ lời dặn dò chân tình, tha thiết trên, ta thấy thấp thoáng bóng dáng của chính mỗi người trong những yêu cầu mà người thợ khuyên bút chì làm. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở nghĩa đen mà hàm nghĩa ẩn dụ sâu sắc gửi đến người đọc bài học về sống đẹp, sống có ý nghĩa.
 * Đánh giá, bàn luận về ý nghĩa lời dặn dò của người thợ: ( 3,5 điểm)
- Đây là lời khuyên đúng đắn, sâu sắc, bổ ích và rất thiết thực, phù hợp với mọi người với mọi thời đại (0,5 điểm)
- Phân tích và nêu biểu hiện của lời khuyên; lấy dẫn chứng minh hoạ trong cuộc sống, trong thơ văn: (có 5 ý, mỗi ý 0,5 điểm) (2,5 điểm)
	+ Con người luôn phải khiêm tốn. Dù mình có niềm tin trong cuộc đời mình có thể thành đạt, có thể sống trong hào quang nhưng phải luôn tâm niệm một điều thành công ấy có sự dìu dắt, giúp đỡ, động viên, có ánh mắt khích lệ, tin yêu của biết bao người thân xung quanh ta như chiếc bút chì nó có thể tạo ra những tác phẩm kiệt tác nhưng phải nằm trong tay của một con người tài năng. Bởi vậy chúng ta luôn phải khiêm nhường, một mình ta không thể tạo nên thành công. 
	+ Con người phải trải qua thử thách, phải đối mặt với bao thất bại khi đó mới trưởng thành, lớn khôn. Chính những cọ xát, trải nghiệm trong gian lao, vất vả ta mới rút cho mình bài học quý báu, mới đứng vững trước bao cạm bẫy của cuộc đời, để sống đẹp hơn, tốt hơn (dẫn chứng) 
	+ Con người luôn có thể sữa chữa được lỗi lầm trong quá khứ do mình gây ra với điều kiện mình nhận rõ những khuyết điểm ấy và luôn có niềm tin để sữa chữa làm lại từ đầu. (dẫn chứng)
	+ Giá trị lớn nhất, tài sản quý nhất của con người không phải là vỏ bọc hình thức bên ngoài mà chính là ở trí tuệ, tâm hồn, trái tim, nhân cách bên trong
	+ Dù bất kể khó khăn gì, con người cũng phải sống hết mình, làm việc hết mình để lại dấu ấn riêng của mình trong tâm hồn, trái tim người khác. (dẫn chứng)
Phản bác, lật ngược vấn đề cần nghị luận: (0,5 điểm)
Nếu không có những đức tính trên, con người sẽ trở thành những kẻ khoe khoang, thiếu bản lĩnh, thiếu tự tin, thiếu kinh nghiệm sống, không biết đề cao giá trị bên trong mà chỉ xem trọng vỏ bọc bên ngoài; dễ ngã gục trước khó khăn, thử thách Cuộc đời sẽ trôi đi vô vị, tẻ nhạt
* Bài học được rút ra : (0,5 điểm)
 + Luôn xác định đúng mục đích sống tốt đẹp cho chính mình từ lòng khiêm tốn; dũng cảm đối mặt với khó khăn thử thách; biết vươn dậy sau khi ngã; biết cống hiến, sống hết mình; biết nâng niu vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn bên trong... 
2. Về hình thức: ( 1,0 điểm)
 Học sinh biết cách làm kiểu bài nghị luận. Bài viết có bố cục chặt chẽ. Biết vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận phù hợp.
Lưu ý: Vì đây là đề mở nên các ý trên chỉ là định hướng, giám khảo cần linh hoạt khi chấm, khuyến khích những bài viết có tính sáng tạo, thuyết phục
Câu 3: (10 điểm)
I. Yêu cầu chung
* Hình thức: Đúng thể văn nghị luận, bố cục rõ ràng, kết cấu hợp lí, bài viết không sai lỗi chính tả, lỗi dùng từ
* Nội dung: Cần làm rõ các nội dung sau:
 - Đề yêu cầu phân tích một nhận xét : Những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Cái tình cảm có tính chất chung được nhà văn biểu hiện rất sinh động cụ thể trong nhân vật ông Hai. Vì thế cần phân tích tình yêu làng thắm thiết thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến ở nhân vật ông Hai.
 - Nhưng truyện thuộc loại có cốt truyện tâm lí, nhân vật ít hành động, chủ yếu biểu hiện nhân vật qua các tình huống bên trong nội tâm nhân vật. Do đó phải phân tích kĩ diễn biến tâm trạng ông Hai trong tình huống nghe tin làng theo giặc. Từ đó làm nổi rõ đặc điểm tính cách yêu làng, yêu nước của nhân vật.
 - Do yêu cầu của đề, cách viết nên có sự phân tích chung, rồi đi sâu vào nhân vật ông Hai, sau đó nhấn mạnh và khẳng điịnh sự gắn bó giữa tình yêu làng có tính truyền thống với những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam trong sự giác ngộ cách mạng.
 - Dựa vào đoạn trích là chủ yếu, nhưng để phân tích được trọn vẹn, có thể trình bày lướt qua về nhân vật ở những đoạn khác.
II. Yêu cầu cụ thể
 A- Mở bài:
 - Kim Lân thuộc lớp các nhà văn đã thành danh từ trước Cách mạng Tháng 8 – 1945 với những truyện ngắn nổi tiếng về vẻ đẹp văn hoá xứ Kinh Bắc. Ông gắn bó với thôn quê, từ lâu đã am hiểu người nông dân. Đi kháng chiến, ông tha thiết muốn thể hiện tinh thần kháng chiến của người nông dân
 - Truyện ngắn Làng được viết và in năm 1948, trên số đầu tiên của tạp chí Văn nghệ ở chiến khu Việt Bắc. Truyện nhanh chóng được khẳng định vì nó thể hiện thành công một tình cảm lớn lao của dân tộc, tình yêu nước, thông qua một con người cụ thể, người nông dân với bản chất truyền thống cùng những chuyển biến mới trong tình cảm của họ vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
 B- Thân bài
 1. Truyện ngắn Làng biểu hiện một tình cảm cao đẹp của toàn dân tộc, tình cảm quê hương đất nước. Với người nông dân thời đại cách mạng và kháng chiến thì tình yêu làng xóm quê hương đã hoà nhập trong tình yêu nước, tinh thần kháng chiến. Tình cảm đó vừa có tính truyền thống vừa có chuyển biến mới.
 2. Thành công của Kim Lân là đã diễn tả tình cảm, tâm lí chung ấy trong sự thể hiện sinh động và độc đáo ở một con người, nhân vật ông Hai. ở ông Hai tình cảm chung đó mang rõ màu sắc riêng, in rõ cá tính chỉ riêng ông mới có.
 a. Tình yêu làng, một bản chất có tính truyền thông trong ông Hai.
 - Ông hay khoe làng, đó là niềm tự hào sâu sắc về làng quê.
 - Cái làng đó với người nông dân có một ý nghĩa cực kì quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần.
 b. Sau cách mạng, đi theo kháng chiến, ông đã có những chuyển biến mới trong tình cảm.
 - Được cách mạng giải phóng, ông tự hào về phong trào cách mạng của quê hương, về việc xây dựng làng kháng chiến của quê ông. Phải xa làng, ông nhớ quá cái không khí “đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá”; rồi ông lo “cái chòi gác, những đường hầm bí mật,” đã xong chưa?
 - Tâm lí ham thích theo dõi tin tức kháng chiến, thích bình luận, náo nức trước tin thắng lợi ở mọi nơi “Cứ thế, chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí, cả súng cũng vậy, hôm nay dăm khẩu, ngày mai dăm khẩu, tích tiểu thành đại, làm gì mà thằng Tây không bước sớm”.
 c. Tình yêu làng gắn bó sâu sắc với tình yêu nước của ông Hai bộc lộ sâu sắc trong tâm lí ông khi nghe tin làng theo giặc.
 - Khi mới nghe tin xấu đó, ông sững sờ, chưa tin. Nhưng khi người ta kể rành rọt, không tin không được, ông xấu hổ lảng ra về. Nghe họ chì chiết ông đau đớn cúi gầm mặt xuống mà đi.
 - Về đến nhà, nhìn thấy các con, càng nghĩ càng tủi hổ vì chúng nó “cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi”. Ông giận những người ở lại làng, nhưng điểm mặt từng người thì lại không tin họ “đổ đốn” ra thế. Nhưng cái tâm lí “không có lửa làm sao có khói”, lại bắt ông phải tin là họ đã phản nước hại dân.
 - Ba bốn ngày sau, ông không dám ra ngoài. Cái tin nhục nhã ấy choán hết tâm trí ông thành nỗi ám ảnh khủng khiếp. Ông luôn hoảng hốt giật mình. Không khí nặng nề bao trùm cả nhà.
 - Tình cảm yêu nước và yêu làng còn thể hiện sâu sắc trong cuộc xung đột nội tâm gay gắt: Đã có lúc ông muốn quay về làng vì ở đây tủi hổ quá, vì bị đẩy vào bế tắc khi có tin đồn không đâu chứa chấp người làng chợ Dầu. Nhưng tình yêu nước, lòng trung thành với kháng chiến đã mạnh hơn tình yêu làng nên ông lại dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Nói cứng như vậy nhưng thực lòng đau như cắt.
 - Tình cảm đối với kháng chiến, đối với cụ Hồ được bộc lộ một cách cảm động nhất khi ông chút nỗi lòng vào lời tâm sự với đứa con út ngây thơ. Thực chất đó là lời thanh minh với cụ Hồ, với anh em đồng chí và tự nhủ mình trong những lúc thử thách căng thẳng này:
 + Đứa con ông bé tí mà cũng biết giơ tay thề: “Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm!” nữa là ông, bố của nó.
 + Ông mong “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”.
+ Qua đó, ta thấy rõ:
Tình yêu sâu nặng đối với làng chợ Dầu truyền thống (chứ không phải cái làng đổ đốn theo giặc).
Tấm lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng với kháng chiến mà biểu tượng của kháng chiến là cụ Hồ được biẻu lộ rất mộc mạc, chân thành. Tình cảm đó sâu nặng, bền vững và vô cùng thiêng liêng : có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai.
 d. Khi cái tin kia được cải chính, gánh nặng tâm lí tủi nhục được trút bỏ, ông Hai tột cùng vui sướng và càng tự hào về làng chợ Dầu.
 - Cái cách ông đi khoe việc Tây đốt sạch nhà của ông là biểu hiện cụ thể ý chí “Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước” của người nông dân lao động bình thường.
 - Việc ông kể rành rọt về trận chống càn ở làng chợ Dầu thể hiện rõ tinh thần kháng chiến và niềm tự hào về làng kháng chiến của ông.
 3. Nhân vạt ông Hai để lại một dấu ấn không phai mờ là nhờ nghệ thuật miêu tả tâm lí tính cách và ngôn ngữ nhân vật của người nông dân dưới ngòi bút của Kim Lân.
 - Tác giả đặt nhân vật vào những tình huống thử thách bên trong để nhân vật bộc lộ chiều sâu tâm trạng.
 - Miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại.
 Ngôn ngữ của Ông Hai vừa có nét chung của người nông dân lại vừa mang đậm cá tính nhân vật nên rất sinh động.
 C- Kết bài:
 - Qua nhân vật ông Hai, người đọc thấm thía tình yêu làng, yêu nước rất mộc mạc, chân thành mà vô cùng sâu nặng, cao quý trong những người nông dân lao động bình thường.
 - Sự mở rộng và thống nhất tình yêu quê hương trong tình yếu đất nước là nét mới trong nhận thức và tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kháng chiến chống Pháp đã chú trọng làm nổi bật. Truyện ngắn Làng của Kim Lân là một trong những thành công đáng quý.
 THANG ĐIỂM
Điểm 9 – 10: Đảm bảo các ý cơ bản, bố cục hợp lí, luận điểm rõ ràng, lời văn trong sáng, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi ngữ pháp, chỉnh tả, diễn đạt tốt, bộc lộ năng lực cảm thụ, biết cách tổ chức bài văn nghị luận
Điểm 7 – 8: Đảm bảo phần lớn ý cơ bản, ít mắc lỗi diễn đạt, chính tả
Điểm 5 – 6: Đảm bảo ý cơ bản, còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả
Điểm 3 – 4: Bài sơ sài, diễn đạt còn vụng, nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt
Điểm dưới 3: Bài quá sơ sài, mắc nhiều lỗi, không biết viết bài văn nghị luận.
 .Hết.
 XÁC NHẬN CỦA BGH Tổ chuyên môn Người ra đề 

Tài liệu đính kèm:

  • docxDe_dap_an_HSG_van_9_nam_2015_PT.docx