Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện Ngữ văn 9 - Phòng GD & ĐT Thạch Hà

doc 6 trang Người đăng dothuong Lượt xem 542Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện Ngữ văn 9 - Phòng GD & ĐT Thạch Hà", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện Ngữ văn 9 - Phòng GD & ĐT Thạch Hà
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI HUYỆN LỚP 9
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể giao nhận đề)
Câu 1 (2,0 điểm): Em hãy trả lời các câu hỏi sau:
1. Đây là nhận định về nhà văn nào ?
Là nhà văn hiện thực xuất sắc với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ. 
2. Là nhà văn Đan Mạch nổi tiếng với loại truyện kể cho trẻ em. Nhiều truyện ông biên soạn lại từ truyện cổ tích, nhưng cũng có những truyện do ông hoàn toàn tự sáng tạo ra. Bạn đọc khắp năm châu quen thuộc với nhiều truyện của ông như Nàng công chúa và hạt đậu, Bầy chim thiên nga, Nàng tiên cá 
Hãy cho biết ông là ai ?
3. “Lòng yêu sự sống, niềm khao khát tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đang bị giam cầm trong tù ngục được thể hiện bằng những hình ảnh gợi cảm và thể thơ lục bát giản dị mà tha thiết” là nhận định về bài thơ nào ?
4. Tác phẩm nào được đánh giá là “Thiên cổ kỳ bút” ? 
5. Bà là ai ?
 “Là một nữ sĩ thời cận đại của văn học Việt Nam. Những bài thơ Nôm của bà truyền lại có ít, phần nhiều là thơ tả cảnh, tả tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là người đoan chính, thanh tao, một người có học thức, thường nghĩ tới nhà, tới nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện”.
Câu 2 (3,0 điểm): Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
	“Trên đường hành quân xa
	Dừng chân bên xóm nhỏ
	Tiếng gà ai nhảy ổ
	“Cục cục tác cục ta”
	Nghe xao động nắng trưa
	Nghe bàn chân đỡ mỏi
	Nghe gọi về tuổi thơ” 
	 (Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh) 
Câu 3 (5,0 điểm): 
	“Mỗi người đều có thể trở nên vĩ đại. Chỉ cần trái tim bạn chan chứa lòng khoan dung và tâm hồn bạn luôn tràn ngập tình yêu thương”.
 (Martin Luther King)
	Suy nghĩ của em về ý kiến trên.
	Câu 4 (10,0 điểm): Đề tài người nông dân là đề tài quen thuộc trong văn học Việt Nam 1930-1945, nhưng ở mỗi nhà văn lại có một cách khám phá và thể hiện riêng.
Khám phá và thể hiện riêng của Nam cao viết về đề tài này được thể hiện như thế nào qua truyện ngắn Lão Hạc ? 
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THẠCH HÀ
HƯỚNG DẪN CHẤM
	Câu 1 (2,0 điểm): Mỗi câu trả lời đúng được 0,4 điểm (sai 1 câu trừ 0,5 điểm):
	Câu 1: Nhà văn Nam Cao.
	Câu 2: An-đéc-xen. 
	Câu 3: Bài thơ Khi con tu hú.
	Câu 4: Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.
	Câu 5: Bà Huyện Thanh Quan.
	Câu 2 (3,0 điểm): 
	a. Về kỹ năng: Bài viết diễn đạt trong sáng, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
	b. Về nội dung: 
	- Khái quát về nội dung đoạn thơ: Bài thơ là phút lắng lòng của người chiến sĩ trên chặng đường hành quân mệt mỏi, lúc dừng chân bên xóm nhỏ yên bình, vẳng nghe tiếng gà ai nhảy ổ, đã gợi dậy trong lòng người chiến sỹ cả một trời thương nhớ. (1,0 điểm)
	- Cảm nhận về nội dung và nghệ thuật đoạn thơ: (2,0 điểm)
	+ Đoạn thơ đã diễn tả tinh tế diễn biến cảm xúc trong tâm hồn người chiến sĩ. Tiếng gà nhảy ổ trong buổi trưa thanh vắng, một âm thanh của thực tại, vẳng đến từ nơi nào đó trong xóm nhỏ, đã trở thành âm thanh vọng về từ kí ức, khi người chiến sĩ chìm trong giây phút trầm lắng để thả hồn miên man theo tiếng gọi tuổi thơ.	
	+ Phân tích được hiệu quả của việc sử dụng điệp từ và nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Nghe âm thanh của hiện tại để nhớ về quá khứ. Âm thanh ấy đã làm dịu bớt nắng trưa, xua tan những mệt mỏi và đánh thức những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.
	Câu 3(5,0 điểm): Học sinh viết được bài nghị luận xã hội ngắn. Bài viết được trình bày theo nhiều cách, sau đây là một số gợi ý:
	1. Giải thích câu nói: (1,0 điểm)
	- Có nhiều cách để chúng ta vĩ đại, một trong những cách đó là đong đầy trái tim mình lòng khoan dung và tâm hồn mình tình yêu thương. Khi con người biết sống một cách khoan dung, vị tha, sống bằng tình cảm yêu thương gắn bó sẻ chia với mọi người thì khi đó con người trở nên lớn lao, vĩ đại.
	- Câu nói cũng khẳng định rằng sự lớn lao vĩ đại của mỗi người không phải ở những chiến công, kì tích mà ở ngay những điều giản dị, bình thường nhưng đáng quý.
	2. Bàn luận, mở rộng vấn đề (4,0 điểm)
	- Trong cuộc sống, sự khoan dung, vị tha, sự cảm thông sẻ chia và tình yêu thương là một điều rất cần thiết .
          + Những trái tim "chan chứa lòng khoan dung" và những tâm hồn "tràn ngập tình yêu thương"  sẽ góp phần tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người.
          + Khi sống với người bằng lòng vị tha, sống cùng người bằng tình nhân ái mọi người sẽ thấy thanh thản, thấy tâm hồn mình trong sáng, cao đẹp hơn. Hay nói cách khác, con người "trở nên vĩ đại."
          - Cần phê phán một số người sống hẹp hòi, ích kỉ, vô tâm vô cảm với mọi người xung quanh, không biết cảm thông, tha thứ cho lỗi lầm của người khác khi họ hối hận và sửa chữa lỗi lầm.
         	3. Bài học: (1,0 điểm)
	Câu nói là lời nhắc nhẹ nhàng về giá trị của tình yêu thương và lòng khoan dung trong cuộc sống.  Mỗi người cần nhận thức được ý nghĩa của tình cảm yêu thương, của lòng vị tha khoan dung độ lượng để xây dựng cho mình lối sống đẹp, đầy tình nhân ái.
	Câu 4(8,0 điểm):
I. Yêu cầu về kỹ năng: Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ.
II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau với suy nghĩ độc lập, sáng tạo. Sau đây là một số gợi ý:
1. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, giới hạn vấn đề: Truyện ngắn Lão Hạc là một trong những tác phẩm thành công viết về đề tài người nông dân, một đề tài quen thuộc trong văn học hiện thực phê phán Việt Nam 1930-1945. Tuy nhiên, nhà văn lại có cách khám phá và thể hiện riêng. (0,5 điểm)
2. Khái quát vài nét về đề tài: 
Đề tài người nông dân được xem là đề tài quen thuộc gắn liền với nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng như Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Tuy đề tài không mới nhưng bằng tâm hồn, tài năng và sự sáng tạo của mỗi tác giả đã đem đến cho đề tài này sự phong phú, đa dạng về chủ đề, cảm hứng tư tưởng về con người cũng như sự khám phá và phát hiện mới về hình tượng nghệ thuật. Nhờ đó, đời sống văn học luôn luôn vận động và phát triển tạo nên những giá trị mới góp phần hình thành nên phong cách của mỗi tác giả. (0,5 điểm)
	3. Những khám phá, thể hiện riêng: (6,0 điểm)
	3.1. Tóm lược nội dung tác phẩm.
	3.2. Biểu hiện: 
	- Nam Cao đã khơi vào "nguồn chưa ai khơi" trong hiện thực lúc bấy giờ về người nông dân Việt Nam. Ông không chỉ dừng lại nói về nỗi khổ vật chất mà tập trung khám phá vẻ đẹp tâm hồn. Nhà văn đã khám phá được ở những người nông dân khốn khổ, đó là những con người nhân hậu, biết suy nghĩ, hành động, biết yêu thương, biết trăn trở để giữ gìn phẩm giá của mình. Ông đã đẩy nối bi thảm của những người cùng khổ đến tận cùng và cũng từ đó, thắp sáng lên những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn họ.
	+ Đó là tình yêu thương nhân ái, đức hy sinh cao cả của người cha, là lòng tự trọng của một con người trong hoàn cảnh vật lộn với cái đói. (Học sinh phân tích các dẫn chứng về tình cảnh khốn khổ của Lão Hạc). Lão Hạc chết là để bảo toàn danh dự và nhân cách, để giữ trọn tình yêu cho con, thanh thản ra đi sau những gửi gắm về mảnh vườn, tiền cưới vợ cho con, tiền gửi hàng xóm lo ma chay cho mình. 
	+ Lão Hạc còn là người rất nhân hậu. Lão đã khóc hu hu, đã xót xa đến tột cùng khi phải bán con chó, lương tâm lão bị dày vò, cắn rứt chỉ vì trót lừa một con chó.
	- Nam Cao thể hiện một cái nhìn đầy yêu thương và tình cảm trân trọng đặc biệt với người nông dân, tác giả xây dựng nhân vật bằng nỗi xót xa nhưng vẫn đầy kiêu hãnh và tự hào. 
	- Bên cạnh những khám phá và thể hiện mới mẻ về chủ đề, cảm hứng, tư tưởng và quan điểm, Nam Cao còn mang đến cho người đọc những phát hiện mới mẻ, hấp dẫn, độc đáo về hình thức nghệ thuật. Với truyện ngắn Lão Hạc, ông đã là bậc thầy trong nghệ thuật kể chuyện, xây dựng tình huống truyện, nghệ thuật khắc họa hình tượng nhân vật 
	2.3. Khái quát, mở rộng: 	 (1,0 điểm)
	Từ một đề tài tưởng chừng như quen thuộc nhưng bằng tài năng và tâm hồn của người nghệ sỹ, Nam Cao đã đem đến cho văn học một tiếng nói riêng, một góc nhìn riêng để đưa tác phẩm Lão Hạc trở thành một tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán.
	Để mỗi tác phẩm thực sự có những khám phá và cách thể hiện riêng, mỗi nghệ sĩ phải có vốn hiểu biết, tình cảm, cảm xúc và cái nhìn sâu sắc đối với cuộc sống, đồng thời phải hướng người đọc đến những nội dung, tư tưởng cao đẹp, mới mẻ và phải được chuyển tải qua những hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ. Từ đó cũng đặt ra vai trò, trách nhiệm cho người đọc là cần biết khám phá và phát hiện ra những giá trị mới mẻ, độc đáo mà người nghệ sỹ giới thiệu trong tác phẩm đó.
Lưu ý: 
Hướng dẫn chấm chỉ nêu những ý cơ bản, giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc, cẩn trọng và tinh tế đánh giá bài làm học sinh trong tính chỉnh thể, trân trọng các bài viết có ý riêng, sáng tạo thể hiện tố chất của học sinh giỏi (kiến thức chắc, năng lực cảm thụ sâu sắc, tinh tế, kỹ năng làm bài tốt). 
Có thể thưởng điểm cho các bài viết sáng tạo song không vượt quá khung điểm của mỗi câu theo quy định
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THẠCH HÀ

Tài liệu đính kèm:

  • docDEDA_THI_HSG_huyen_Thach_Ha_Lop_9_mon_Ngu_Van_20162017.doc