Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Lương Tài (Có đáp án)

doc 5 trang Người đăng duyenlinhkn2 Ngày đăng 05/07/2022 Lượt xem 722Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Lương Tài (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD & ĐT Lương Tài (Có đáp án)
UBND HUYỆN LƯƠNG TÀI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN 
NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn thi: Ngữ văn - Lớp 8
Thời gian làm bài: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (4,0 điểm).
Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim,
Hồn tôi là một vườn hoa lá,
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
 ( "Từ ấy"- Tố Hữu)
Câu 2: (4,0 điểm).
Viết một đoạn văn ( Khoảng 10 đến 12 câu) nêu suy nghĩ của em về câu chuyện sau:
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học. Thư đầu gửi về em viết: Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh, bỏ xa lắc nước mìnhCuối năm viết: Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắmMùa đông sau viết: Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá ồn ào, bụi bặm, nhớ chợ bến xôn xao, lầy lộiBiết bao lần trên phố, em đuổi theo một người Châu Á để hỏi coi có phải người Việt không?
Câu 3: (12,0 điểm): 
Khát vọng tự do là ngọn lửa thiêng tạo nên sức hấp dẫn của nhiều bài thơ trong giai đoạn 1930 - 1945 của văn học nước nhà. 
	Hãy làm sáng tỏ điều đó qua bài thơ "Vọng nguyệt" ("Ngắm trăng" - Hồ Chí Minh) và hai đoạn thơ sau:
 "Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi,
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự".
	(Trích "Nhớ rừng" - Thế Lữ)
Và:	
"Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu"
 (Trích "Khi con tu hú" – Tố Hữu)
---------- Hết ----------
(Đề thi gồm có 01 trang)
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:..............................................; Số báo danh..............
UBND HUYỆN LƯƠNG TÀI
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HSG CẤP HUYỆN 
Năm học 2015-2016
Môn thi: Ngữ văn - Lớp 8
Câu 1: (4.0 điểm)
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những phát hiện và cảm thụ riêng nhưng cần phân tích được hiệu quả nghệ thuật của các phép tu từ cơ bản sau:
Phép tu từ:
+ Biện pháp ẩn dụ ( Hai câu thơ đầu): Hình ảnh nắng hạ, mặt trời dùng để chỉ lí tưởng cộng sản (1,0điểm)
+ Biện pháp so sánh ( Hai câu thơ sau): Tâm hồn nhà thơ giống như một khu vườn tưng bừng sức sống, ngát hương thơm và rộn tiếng chim.(1,0điểm)
Hiệu quả nghệ thuật
+ Với nghệ thuật ẩn dụ kết hợp với các động từ mạnh(bừng, chói), tác giả muốn nói lí tưởng cộng sản giống như một nguồn sáng rực rỡ, chói lòa xua tan những u ám, lạnh lẽo, làm bừng sáng tâm hồn người thanh niên trí thức tiểu tư sản giàu nhiệt huyết nhưng chưa tìm được đường đi trong kiếp sống nô lệ. Cách nói ấy thể hiện thái độ thành kính, ân tình của nhà thơ với Đảng.(1,0 điểm)
+ Với nghệ thuật so sánh, tác giả đã diễn tả niềm vui sướng mãnh liệt của mình khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản. Ánh sáng của lí tưởng cộng sản có sức mạnh kì diệu làm sống dậy, tươi mới lại một thế giới tâm hồn. Niềm vui sống trong lòng nhà thơ như được chắp cánh, nhân lên bội phần.Đây là giây phút thiêng liêng trong cuộc đời Tố Hữu khi nhà thơ được giác ngộ lí tưởng cộng sản.(1,0 điểm)
Câu 2: (4.0 điểm)
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
-Câu chuyện là sự cảm nhận thấm thía của một người con xa xứ về quê hương, Tổ quốc: Lá thư đầu tiên là sự háo hức với sự giàu có, văn minh của nước bạn nên có những nhận định thiên lệch về giá trị của quê hương mình; Lá thư thứ hai đúng đắn hơn trong nhận xét, đánh giá, vẫn khẳng định vẻ đẹp của quê hương bạn nhưng không còn so sánh để tự ti về đất nước, dân tộc mình; Lá thư thứ ba là nỗi nhớ trào dâng, sự cảm nhận thấm thía về giá trị, vẻ đẹp của quê hương.(1,5 điểm)
- Câu chuyện là lời nhắc nhở về tình cảm của mỗi người với quê hương xứ sở: Tình yêu quê hương xứ sở là một tình cảm thường trực trong mỗi con người, nhưng có khi phải đặt trong hoàn cảnh thử thách cụ thể, trải nghiệm qua thời gian mới có thể nhận ra một cách sâu sắc và thấm thía.(1.0 điểm)
- Mỗi người cần cảm nhận được vẻ đẹp và giá trị của quê hương, phải biết yêu thương, trân trọng, tự hào và có ý thức bảo vệ, phát triển quê hương.(1.0 điểm)
- Phê phán những kẻ quay lưng lại với quê hương..... liên hệ... (0,5 điểm)
Câu 3: (12 điểm)
I. Yêu cầu:
1. Về kĩ năng:
1.1 Nắm vững phương pháp làm kiểu bài văn chứng minh.
1.2 Bài viết có bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.
1.3 Diễn đạt lôgic, trong sáng, có chất văn, cảm thụ thơ tinh tế. Lời văn thể hiện được sự sôi nổi, tha thiết của khát vọng con người.
1.4 Chữ viết đẹp, đúng chuẩn chính tả.
2. Về nội dung.
2.1 Đề yêu cầu viết một bài văn chứng minh một vấn đề văn học: khát vọng tự do biểu hiện qua bài thơ "Vọng nguyệt" ( Ngắm trăng- Hồ Chí Minh) và hai đoạn trong các bài thơ đã học: “Nhớ rừng”(Thế Lữ), “Khi con tu hú”(Tố Hữu), 
2.2 Người viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau: có thể phân tích nội dung từng bài để chứng minh vấn đề; cũng có thể tách vấn đề thành từng khía cạnh nhỏ để tập hợp dẫn chứng cùng loại được rút ra từ ba tác phẩm đã học để chứng minh. Nhưng sau khi phân tích chứng minh cần có cái nhìn bao quát chung.
2.3 Khi phân tích để chứng minh cần làm rõ: Những mặt giống nhau và những nét khác nhau trong niềm khát vọng tự do của ba nhà thơ:
Cụ thể: 1/ Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu về khát vọng tự do trong ba tác phẩm....(1 điểm)
 2/ Thân bài: (10 điểm)
* Điểm giống: Cả ba nhà thơ đều tái hiện một cách chân thực nhất về khát vọng tự do của nhân vật trữ tình trước thực tại cuộc sống tù hãm, gian khổ và đơn điệu.... (2 điểm)
* Nét khác biệt:
- Niềm khát khao tự do trong đoạn thơ của bài Nhớ rừng là tâm trạng ngao ngán cuộc sống thực tại, tầm thường giả dối của chúa sơn lâm khi bị sa cơ ( các từ ngữ: nằm dài, lũ người ngạo mạn, ngẩn ngơ, giễu oai linh, sa cơ, nhục nhằn, tù hãm... diễn tả một cách chân thực nhất tâm trạng của vị chúa sơn lâm trong vườn bách thú...). Đó cũng là ước vọng của một lớp thanh niên trí thức yêu nước có tinh thần dân tộc, bất hoà với thực tại ngột ngạt, khát khao tự do; muốn thoát khỏi thực tại tầm thường giả dối tù hãm... (HS trích lược dẫn chứng minh họa khi phân tích). (2 điểm)
- Niềm khát khao tự do trong Khi con tu hú là khát khao phá tan ngục tù để vượt ra khỏi ngục tù tăm tối, trở về với cuộc sống tự do của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Từ khi "nghe hè dậy", tới khi nghe âm thanh của tiếng tu hú kêu ngoài nhà giam. Tiếng chim tu hú như thôi thúc người chiến sĩ cách mạng tháo cũi, sổ lồng trở về để hoạt động cách mạng.... (2 điểm)
- Phân tích tâm trạng của người tù trong 4 câu cuối: (3 điểm)
+ Tâm trạng ngột ngạt, uất ức, đau khổ đến đỉnh điểm( dẫn chứng)
+ Lí giải nguyên nhân dẫn đến tâm trạng đó: Sự khác biệt, sự đối lập giữa thế giới bên ngoài ( do anh tưởng tượng ra) và bên trong nhà lao ( Học sinh chỉ ra sự đối lập ấy).
+ Phân tích ý nghĩa cụm từ “ đạp tan phòng” : vừa thể hiện niềm căm phẫn đối với cuộc sống hiện tại lại vừa thể hiện biết bao nhiêu khát vọng tự do mãnh liệt của anh dồn nén trong đó. Câu cảm thán "Ngột làm sao chết uất thôi!" đã diễn tả sâu sắc tâm trạng người tù cách mạng.... 
+ Phân tích câu cuối của khổ: Tiếng chim tu hú là hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cho cuộc sống tươi đẹp bên ngoài, cho cuộc sống tự do. Vì vậy âm thanh khắc khoải, da diết của nó đã khiến cho người chiến sĩ cách mạng lúc này càng thêm đau khổ và càng khao khát tự do hơn.
 - Niềm khát khao tự do trong bài thơ Ngắm trăng là tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan cách mạng, là khát vọng vượt ngục bằng tinh thần của một vị lãnh tụ cách mạng bị doạ đầy nơi địa ngục trần gian.
- Câu 1- Hoàn cảnh ngắm trăng của Bác: 
+ Hoàn cảnh ngắm trăng của người xưa: lúc thảnh thơi, thư thái, có rượu, có hoa.
+ Bác ngắm trăng trong hoàn cảnh đặc biệt: trong tù, thân thể bị đầy đọa, vô cùng cực khổ lại thiếu cả rượu và hoa- 2 thứ vốn không thể thiếu khi ngắm trăng của các thi nhân.
+ Việc Bác nhớ tới rượu và hoa – 2 thứ vốn không thể có trong chốn lao tù, cho thấy tâm hồn Bác hoàn toàn tự do. Bác đã không hề bị trói buộc, không hề bị vướng bận bởi những ách nặng về vật chất. Mặt khác nó cũng cho thấy Bác mong muốn, thèm khát được thưởng thức trăng một cách trọn vẹn. 
- Câu 2- Tâm trạng của Bác: 
+ Tâm trạng bối rối, xốn xang : “ Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”
+ Tâm trạng ấy chứng tỏ Bác rất yêu trăng. Vì yêu nên mới bối rối, lúng túng như vậy khi không có rượu và hoa để đón trăng cho tươm tất. Mặt khác nó cũng cho thấy cốt cách nghệ sĩ đích thực trong con người Bác: yêu trăng, yêu thiên nhiên, biết phát hiện và rung cảm trước cái đẹp. 
- Câu 3, 4: Cảnh ngắm trăng: 
Nghệ thuật đối lập ("nhân hướng" - "nguyệt tòng") và nhân hóa ("nguyệt tòng song khích khán thi gia") đã cho thấy song sắt của ngục tù chỉ có thể làm đau nhức thể xác của Bác, còn tinh thần Bác vẫn hướng đến vầng trăng tươi đẹp, với tình yêu tha thiết dành cho trăng, Người đã thực hiện một cuộc vượt ngục về tinh thần ra khỏi song sắt nhà lao để tìm đến ngắm vầng trăng sáng đang tỏa mộng giữa trời. 
Còn trăng, cũng vượt qua rào cản là song sắt nhà tù để tìm đến ngắm “ thi gia” trong tù.
Hình ảnh trên đồng thời cũng tạo nên hai thế giới: thế giới bên trong và bên ngoài nhà tù mà song sắt chính là vật ngăn cách. Hs cần chỉ ra sự đối lập tương phản giữa hai thế giới ấy. Từ đó thấy được rằng chính từ cái hiện thực đen tối, tàn bạo ấy, người tù, người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh đã thả tâm hồn mình vượt ra ngoài song sắt nhà tù để tìm đến “ đối diện đàm tâm” với vầng trăng tri âm. 
+ Chỉ ra ý nghĩa của việc sử dụng từ “ thi gia”: Bác đã quên đi thân phận tù nhân của mình, quên đi mình là người tù, quên đi cuộc sống “ khác loài người” ở trong tù.
-> Một lần nữa tỏa sáng khát vọng tự do đến cháy lòng và tình yêu thiên nhiên đến say mê ở Bác. Ý thơ cho thấy một cuộc vượt ngục tinh thần của Bác. Tình yêu thiên nhiên, yêu tự do của Bác đến độ quên mình...
* Đánh giá khái quát, lí giải sự khác nhau: (1 điểm)
3/ kết bài: (1 điểm)
II. Biểu điểm:
1. Điểm 12: Hiểu đề sâu sắc, đáp ứng tốt các yêu cầu.
2. Điểm 8-10: Hiểu đề, đáp ứng phần lớn yêu cầu.
3. Điểm 6: Tỏ ra hiểu đề nhưng nội dung còn sơ sài. Phần chứng minh đôi chỗ dàn trải chưa rõ luận điểm; một số luận cứ chưa thuyết phục, diễn xuôi thơ. Diễn đạt còn mắc nhiều lỗi.
4. Điểm 2- 4 : Hiểu đề lơ mơ. Nội dung quá sơ sài, phương pháp, kĩ năng yếu, chủ yếu diễn xuôi ý thơ. Mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
5. Điểm 0: Bài để giấy trắng hoặc viết những điều không liên quan đến yêu cầu của đề bài.
Chú ý : 
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
- Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có tư duy khoa học, lập luận sắc sảo, có khả năng cảm thụ văn học và tính sáng tạo cao.
- Sau khi chấm xong, điểm toàn bài làm tròn đến 0,25 điểm.

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_mon_ngu_van_lop_8_nam_ho.doc