Đề kiểm tra cuối học kì II - Năm học: 2014 - 2015 môn: Ngữ văn lớp 9

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 2449Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra cuối học kì II - Năm học: 2014 - 2015 môn: Ngữ văn lớp 9", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra cuối học kì II - Năm học: 2014 - 2015 môn: Ngữ văn lớp 9
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HUYỆN / THỊ XÃ 
--------------------------------
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
(Đề thi có 01 trang)
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II
NĂM HỌC: 2014-2015
----------------------------
MÔN: Ngữ văn; Lớp: 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(không kể thời gian phát đề)
Câu 1 (1,0 điểm):
Dưới đây là nhận xét về nội dung của tác phẩm thơ mà em đã học trong chương trình Ngữ Văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục:
“Giọng thơ trầm lắng xuống, nhưng nguyện vọng rất thiết tha lại nghèn nghẹn không nói nên lời đang cất lên cái tiếng nói vô thanh của nó. Mà cái nguyện vọng kia mới khiêm nhường, nhỏ bé biết chừng nào? []”
a) Theo em, nhận xét trên phù hợp với nội dung của tác phẩm nào trong các tác phẩm sau: 
- Mùa xuân nho nhỏ.
- Viếng lăng Bác.
- Sang thu.
- Nói với con.
b) Những suy nghĩ và cảm nhận của em (một bài văn ngắn khoảng 10-15 dòng) về vẻ đẹp của hình ảnh “đám mây mùa hạ” trong khổ thơ sau (trích từ bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh).
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
Câu 2 (1,0 điểm):
a) Nêu tên các thành phần biệt lập mà em đã học trong chương trình Ngữ Văn 9, Tập 2.
b) Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5-7 câu) trong đó có sử dụng ít nhất một thành phần khởi ngữ (gạch chân và chú thích). Nội dung của đoạn văn là viết về một trong ba vấn đề sau:
- Ý thức tham gia giao thông người đi đường.
- Ý thức về đức tính trung thực trong học tập và thi cử của người học sinh.
- Ý thức về lòng yêu nước của một công dân.
Câu 3 (3 điểm):
Bài báo “Đừng nhân bản vi-rút sợ hãi” của báo Hoa Học Trò số 1106, ngày 13-4-2013, tác giả An An có đoạn:
“Mạng xã hội là một rừng thông tin. Khi chia sẻ một tin cũng giống như gieo thêm một hạt giống, hãy chọn hạt giống tốt để mà gieo.”
Dựa vào kiến thức xã hội của mình, em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của mình về việc chia sẻ thông tin trên mạng. Qua đó, em hãy đưa ra cách chia sẻ thông tin trên mạng như thế nào là hợp lí theo suy nghĩ riêng của mình.
Câu 4 (5 điểm):
Khát vọng và ước nguyện cống hiến chân thành trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.
-----------------HẾT---------------
Họ và tên thí sinh:
Số báo danh:..
Chữ ký giám thị số 1:
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HUYỆN / THỊ XÃ 
--------------------------------
ĐÁP ÁN
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ II
NĂM HỌC: 2014-2015
----------------------------
MÔN: Ngữ văn; Lớp: 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Hướng dẫn chấm có 04 trang)
HƯỚNG DẪN CHẤM
I. Hướng dẫn chung:
- Đề bài gồm 4 câu: Câu 1 kiểm tra kiến thức về nội dung, ý nghĩa văn bản; kiểm tra kĩ năng phân tích một chi tiết đặc sắc trong văn bản. Câu 2 là bài tập thực hành Tiếng Việt lồng ghép vào đó là nội dung, một vấn đề xã hội. Câu 3 là bài Nghị luận Xã hội; Câu 4 là bài Nghị luận Văn học; kiểm tra sự hiểu biết về vấn đề xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, lập luận.
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Chú ý khuyến khích các bài viết có cảm xúc, có ý riêng, sáng tạo.
- Thí sinh có thể trình bày, triển khai ý theo nhiều cách khác nhau, nếu đáp ứng các yêu cầu vẫn cho đủ điểm.
- Tránh cách đếm ý cho điểm. Khuyến khích các bài làm có chất văn, suy nghĩ sáng tạo mới lạ song không vượt ra nội dung kiến thức và các phạm trù đặc trưng của bộ môn Ngữ Văn.
II. Hướng dẫn cụ thể:
Câu 1 (1,0 điểm):
a. Chỉ ra được tác phẩm có nội dung phù hợp với nhận xét:
Học sinh chỉ ra được hai tác phẩm sau:
- Mùa xuân nho nhỏ. (0,25 điểm)
- Viếng lăng Bác. (0,25 điểm)
b. Viết đoạn văn nêu lên suy nghĩ và cảm nhận về hình ảnh “đám mây mùa hạ” trong bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh:
Đoạn văn cần đạt các yêu cầu sau:
1. Về hình thức:
- Đúng hình thức của đoạn cũng như cách trình bày bài viết: không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp, dùng từ và cách diễn đạt.
- Đảm bảo dung lượng bài viết yêu cầu: 10-15 dòng.
2. Về nội dung:
- Học sinh trình bày bài viết thể hiện được sự am hiểu của mình về chi tiết, hình ảnh đặc sắc trong tác phẩm thơ đã học.
- Đoạn văn có thể gồm nhiều ý:
+ Hình ảnh được cảm nhận tinh tế, kết hợp với trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ.
+ Diễn tả hình ảnh “đám mây mùa hạ” còn sót lại trên bầu trời thu trong xanh, mỏng, kéo dài, nhẹ trôi hững hờ như còn vương vấn, lưu luyến không nỡ rời xa, cảnh có hồn.
+ Đó là hình ảnh gợi rõ cảm giác giao mùa, hạ đã qua mà thu chưa đến hẳn.
*Lưu ý: Chấp nhận những cách diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
v Cách cho điểm:
- Điểm 0,5: Trình bày tốt những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân về chi tiết “đám mây mùa hạ”. Bài viết cho thấy được sự am hiểu kiến thức văn học của học sinh và kĩ năng viết đoạn văn ngắn đảm bảo các yêu cầu về hình thức; có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 0,25: Trình bày khá tốt những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân về một chi tiết “đám mây mùa hạ”. Song, bài viết chưa thật rõ ý hoặc ý chung chung nhưng đảm bảo được một trong hai yêu cầu về kiến thức hoặc kĩ năng. Các trường hợp sau cũng tạm chấp nhận cho điểm:
+ Nội dung bài làm khá tốt; kĩ năng viết đoạn văn tạm chấp nhận.
+ Nội dung hơi lan man nhưng nêu được ý nghĩa khái quát của hình ảnh; kĩ năng làm bài chưa tốt còn mắc một số lỗi về dùng từ, chính tả,
- Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc bài viết cẩu thả, không cho thấy được sự am hiểu về nội dung lẫn kĩ năng làm bài; bài viết lan man, ý không rõ, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.
Câu 2 (1,0 điểm):
a. Nêu tên các thành phần biệt lập đã học trong chương trình Ngữ Văn 9, Tập 2:
Học sinh xác định được yêu cầu đề và nêu tên 4 thành phần biệt lập:
- Thành phần tình thái.
- Thành phần cảm thán.
- Thành phần gọi đáp.
- Thành phần phụ chú.
v Cách cho điểm:
- Điểm 0,5: Nêu đúng chính xác tên của 4 thành phần biệt lập.
- Điểm 0,25: Nêu đúng tên của 2 hoặc 3 thành phần biệt lập.	
- Điểm 0: Nêu sai tên các thành phần; hoặc nêu đúng chỉ 1 tên thành phần; hoặc không trả lời.
b. Viết một đoạn văn ngắn, nội dung viết về một trong các vấn đề đề đưa ra, trong đó có sử dụng thành phần khởi ngữ:
1. Về hình thức:
- Đúng hình thức của đoạn cũng như cách trình bày bài viết: không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp, dùng từ và cách diễn đạt.
- Đảm bảo dung lượng bài viết yêu cầu: 5-7 câu.
2. Về nội dung:
- Học sinh viết một đoạn văn ngắn nội dung chỉ được viết về một trong ba vấn đề mà đề đã đưa ra:
+ Ý thức tham gia giao thông người đi đường.
+ Ý thức về đức tính trung thực trong học tập và thi cử của người học sinh.
+ Ý thức về lòng yêu nước của một công dân.
- Không hạn chế về nội dung bài viết của học sinh, nhưng chủ đề phải bám sát với vấn đề mà học sinh đã lựa chọn. Không vượt ra quá khỏi nội dung bài viết.
 - Trong đoạn văn phải có ít nhất một thành phần khởi ngữ, học sinh phải có gạch chân, chú thích mới đạt yêu cầu.
v Cách cho điểm:
- Điểm 0,5: Nội dung bài viết tốt, kĩ năng đạt yêu cầu. Bài viết đảm bảo được các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Bài viết khá tốt song mắc phải một trong các lỗi dưới đây:
+ Nội dung bài viết lan man, chưa hiểu thấu đáo vấn đề.
+ Mắc từ ba lỗi diễn đạt trở lên.
+ Có thành phần khởi ngữ nhưng chưa gạch chân hoặc chú thích; hoặc xác định sai thành phần (nhưng trong bài làm vẫn có thành phần khởi ngữ).
- Điểm 0: Không làm bài, bỏ giây trắng hoặc mắc một trong các lỗi dưới đây:
+ Chọn 2 hoặc 3 vấn đề để viết:
+ Bài viết không đảm bảo yêu cầu về nội dung lẫn hình thức: Nội dung lan man, vượt ra xa vấn đề đang bàn; bài viết mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả,
+ Bài viết không có sử dụng thành phần khởi ngữ.
Câu 3 (3,0 điểm):
Từ nội dung văn bản và kiến thức xã hội, nêu suy nghĩ của bản thân về việc chia sẻ thông tin trên mạng. Từ đó nêu ra cách chia sẻ thông tin mà theo bản thân học sinh là phù hợp.
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
- Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
- Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận: giải thích, chứng minh, bình luận,
- Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; trình bày bài rõ ràng. 
b. Yêu cầu về kiến thức:
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được một số ý sau: 
+ Thế nào là chia sẻ thông tin?
+ Vì sao người ta chia sẻ thông tin hoặc chia sẻ thông tin nhằm mục đích gì?
+ Hiện trạng: Một số người chia sẻ thông tin sai lệch hoặc tự bịa ra thông tin để trục lợi; 
® Tác hại của việc làm này: Gây hại cho người tiếp nhận thông tin, lòng tin dần bị lung lay,
+ Phê phán: Những kẻ chia sẻ thông tin sai lệch hoặc kêu gọi chia sẻ các thông tin sai lệch ấy
+ Cách chia sẻ thông tin hợp lí của bản thân: Khi chia sẻ thông tin phải hiểu rõ về thông tin đó; thông tin được chia sẻ được dẫn nguồn cụ thể, từ các những trang uy tín, chính xác hoặc đã được kiểm duyệt, 
v Cách cho điểm:
- Giám khảo cho điểm linh hoạt. Chỉ cho điểm tối đa khi bài viết có kết cấu đoạn văn hoàn chỉnh; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả; có thái độ chân thành, nghiêm túc khi bày tỏ ý kiến.
- Điểm 2.5 – 3: Đáp ứng tốt các yêu cầu của đề. Từ việc chia sẻ thông tin trên mạng mà chính bản thân học sinh đã từng làm, học sinh thể hiện tốt sự am hiểu của mình về vấn đề; đưa ra được cách chia sẻ thông tin phù hợp, có sự sáng tạo trong bài viết. Bài viết nêu bật nội dung cần bàn, bố cục sáng rõ, lập luận thuyết phục, diễn đạt lưu loát; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.
- Điểm 1.5 – 2: Đáp ứng cơ bản các yêu cầu của đề. Bài viết nêu được những nội dung chính cần bàn nhưng chưa xuất phát từ kiến thức xã hội; chưa thực sự am hiểu vấn đề nhưng đưa ra được cách chia sẻ thông tin hợp lí; bố cục rõ ràng, lập luận tạm được, còn mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 0.5 – 1: Chưa hiểu đề, bàn luận chung chung về vấn đề; bài viết sơ sài hoặc lan man, bố cục không chặt chẽ, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 0: Bỏ giấy trắng.
Câu 4 (5,0 điểm):
Khát vọng và ước nguyện cống hiến chân thành trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học.
- Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.
- Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Đặc biệt, phải nắm vững thao tác phân tích.
- Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ; trình bày bài rõ ràng.
b. Yêu cầu về nội dung:
1. Mở bài:
- Vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ.
- Đoạn thơ là lời tâm niệm về khát vọng cống hiến của nhà thơ cho dân tộc.
2. Thân bài:
- Ứơc nguyện được sống đẹp, có ích cho đời: Làm con chim hót giữa muôn ngàn tiếng chim; làm một cành hoa giữa vườn hoa rực rỡ; làm một nốt trầm xao xuyến trong bản hòa ca; làm một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân lớn của dân tộc.
- Ứơc nguyện ấy được thể hiện một cách giản dị, khiêm nhường mà chân thành, tha thiết.
- Đó là sự tự nguyện thể hiện lặng lẽ, âm thầm, bất chấp thời gian, bất chấp tuổi tác.
- Niềm khao khát dân hiến và hòa nhập ấy càng có ý nghĩa hơn và xúc động khi là ước nguyện của một người đang nằm trên giường bệnh.
- Hình ảnh thơ giàu sức gợi, sử dụng nhuần nhuyễn các phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ và giọng thơ nhỏ nhẹ, tha thiết đã làm nổi bật ý nghĩa của đoạn thơ.
3. Kết bài:
- Đánh giá chung và nêu suy nghĩ của bản thân về khát vọng cống hiến của nhà thơ, từ đó liên hệ về sự cống hiến của bản thân và của mọi người trong xã hội ngày nay.
v Cách cho điểm:
- Điểm 4 - 5: Đáp ứng tốt các yêu cầu của đề. Hiểu được những nguyện ước chân thành của nhà thơ và có sự trân trọng về những nguyện ước nhỏ bé nhưng vô cùng thiêng liêng ấy. Phân tích kĩ, sâu để nêu bật vấn đề, luận điểm; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc bằng nhiều kiểu câu khác nhau; sử dụng ngôn từ chính xác, có hình ảnh; có thể còn mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ.
- Điểm 2.5 - 3: Đáp ứng cơ bản các yêu cầu của đề. Hiểu được những khát vọng hòa nhập của nhà thơ nhưng phân tích chưa kĩ, chưa biết cách nêu bật luận đề, luận điểm; diễn đạt trung bình; còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1 - 2: Chưa hiểu rõ được những khát vọng của nhà thơ, bài làm sơ sài, chưa nắm vững kĩ năng, sai nhiều lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 0: Bỏ giấy trắng.

Tài liệu đính kèm:

  • docKiem_tra_cuoi_hoc_ki_2_mon_ngu_van_lop_9.doc