UBND Huyện hưng hà Phòng giáo dục và đào tạo Đề kiểm tra chất lượng học sinh giỏi huyện năm học 2011-2012 Môn: ngữ văn 9 Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian giao đề) Câu 1: (8,0 điểm) “Đời sống vật chất giản dị càng hoà hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ đã nêu gương sáng trong thế giới ngày nay”. (Trích “Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”- Phạm Văn Đồng). Lối sống văn minh mà em học tập được từ Bác Hồ là gì ? Câu 2: (12,0 điểm) Nhận định về bài thơ “ánh trăng” của Nguyễn Duy, có ý kiến cho rằng: “Bài thơ là một câu chuyện nhỏ nhưng mang ý nghĩa rộng lớn, khái quát về lẽ sống của một thế hệ, đạo lý của một dân tộc.” Bằng hiểu biết về bài thơ “ánh trăng”, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. ---Hết--- Họ và tên thí sinh:Số báo danh UBND Huyện hưng hà Phòng giáo dục và đào tạo hướng dẫn chấm đề kiểm tra chất lượng học sinh giỏi huyện Năm học : 2011 - 2012 Môn: Ngữ Văn 9 ( Hướng dẫn chấm gồm 02 trang) Câu 1: ( 8 điểm) A. Yêu cầu: 1. Về kỹ năng : - Học sinh biết trình bày thành một văn bản nghị luận xã hội hoàn chỉnh với độ dài hợp lý. Bố cục rõ ràng, cách diễn đạt linh hoạt, cảm xúc chân thành. Không mắc các lỗi diễn đạt, lỗi chính tả. 2. Về kiến thức : a, Học sinh chỉ rõ lối sống văn minh của Bác Hồ là sự kết hợp của đời sống vật chất giản dị với đời sống tâm hồn phong phú; lấy dẫn chứng trong đời sống hàng ngày, trong thơ ca của Bác để làm rõ điều đó. Đồng thời cần giải thích rõ tại sao đó là lối sống văn minh ? Vì đó là cuộc sống phong phú, cao đẹp về tinh thần, tình cảm; không nặng về hưởng thụ vật chất... b, Chúng ta cần phải học tập lối sống của Bác như thế nào ? Không nên quá coi trọng vật chất, những cái lợi trước mắt mà cần tạo cho mình một đời sống tâm hồn phong phú, ra sức học tập cống hiến cho đất nước. Cần hoà hợp, dung hoà được sự giản dị trong đời sống sinh hoạt hàng ngày với một tâm hồn đầy ắp tình cảm, lòng yêu thương con người. c, Phê phán thực trạng một bộ phận cá nhân trong nền kinh tế thị trường hiện nay quá dề cao vật chất, bán rẻ lương tâm, coi nhẹ tình cảm. d, Liên hệ với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. B. Cách cho điểm: - Điểm 7- 8: Đảm bảo tốt các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức; có thể mắc một số sai sót nhỏ về chính tả. - Điểm 5-6: Đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng. Bài viết trình bày mạch lạc. - Điểm 3- 4: Hiểu đề, trình bày đảm bảo dúng cách làm về một bài văn nghị luận xã hội nhưng còn chưa thật sâu sắc, mắc một số lỗi cơ bản về diễn đạt. - Điểm 1- 2: Hiểu đề lơ mơ. Lúng túng trong trình bày, chưa xác định rõ nội dung của vấn đề. - Điểm 0 : Bỏ giấy trắng hoặc viết những nội dung không liên quan đến vấn đề. Câu 2 ( 12 điểm) A. Yêu cầu: 1. Về kỹ năng - Học sinh nắm được cách viết một bài văn nghị luận văn học với bố cục hợp lý, kết hợp các thao tác lập luận để làm sáng tỏ vấn đề nêu ra. Bài viết có bố cục rõ ràng, trình bày luận điểm khoa học, diễn đạt mạch lạc, linh hoạt, không mắc các lỗi về dùng từ, đặt câu, lỗi chính tả... 2. Về kiến thức Học sinh căn cứ hiểu biết về tác phẩm “ánh trăng” của Nguyễn Duy, trong chương trình Ngữ văn 9 – THCS để làm rõ nhận định. a. Giải thích : Nhận định của tác giả tập trung vào hai vấn đề: Nghệ thuật của bài thơ (là một câu chuyện nhỏ) và nội dung tư tưởng (mang ý nghĩa rộng lớn, khái quát về lẽ sống của một thế hệ, đạo lý của một dân tộc) b. Chứng minh : Học sinh có thể tập trung làm rõ nhận định qua các khía cạnh tiêu biểu : - Nghệ thuật bài thơ: Thể thơ 5 chữ có ưu thế về kể chuyện (tương tự những bài đã học Đêm nay Bác không ngủ, Ông đồ) mạch tự sự khá rõ theo trình tự thời gian và không gian, có diễn biến, tình huống, kết thúc. Tác giả cũng có dụng ý khi không viết hoa các chữ đầu câu để tạo ra sự liền mạch. Bài thơ ngắn gọn, hàm súc như một câu chuyện ngụ ngôn() - Nội dung tư tưởng: Cần làm rõ mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần của con người với vầng trăng(mà hiểu rộng ra là quá khứ, thiên nhiên, đồng đội là nhân dân đất nước, là những gì thân thuộc, bình dị mà thiêng liêng đã nâng đỡ chở che chúng ta suốt cuộc đời) . “Hoàn cảnh đổi rất có thể là con người đổi, tâm tính đổi”( Nam Cao). Khi đời sống vật chất tốt lên thì con người lại lãng quên vầng trăng tri kỷ ( từ chỗ “tri kỉ, tình nghĩa” trở thành “người dưng”). Đó là thực tế đáng buồn, không phải là hiếm gặp trong đời sống. Tình huống “đèn điện tắt” tạo cho tâm hồn hướng sáng của con người có điều kiện gặp lại cố nhân. Vầng trăng “tròn vành vạnh” và “im phăng phắc”giúp người lính nhận ra chỗ khuyết, chỗ tối, ăn năn, thấm thía bài học về sự ân nghĩa, thuỷ chung. Đó là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là ý nghĩa rộng lớn vượt ra khỏi dung lượng nhỏ của bài thơ. c. Bình luận: - Đặt bài thơ trong hoàn cảnh sáng tác (năm sáng tác 1978; địa điểm sáng tác TP Hồ Chí Minh) để thấy được sáng tạo của Nguyễn Duy và niềm trăn trở của ông. - Đối sánh với các sáng tác cùng thời (có tác giả viết về chiến tranh, có tác giả viết về thiên nhiên, về tình cảm gia đình, về lãnh tụ(), Nguyễn Duy đau đáu viết về thế sự nhân sinh, về đời thường trong cuộc sống. - Đối sánh trong tư duy nghệ thuật: trước viết về người lính bằng cảm hứng ngợi ca; giờ đây cái nhìn và cảm hứng đa chiều, đa diện hơn, thật hơn. B. Cách cho điểm : * 10-12 điểm: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đề bài, làm nổi bật tài năng nghệ thuật của tác giả và nội dung tư tưởng. Văn viêt có cảm xúc, diễn đạt linh hoạt, có thể mắc một số sai sót nhỏ. Giám khảo trân trọng những suy nghĩ sáng tạo của thí sinh. * 7- 9 điểm: Trình bày đảm bảo các ý cơ bản, diễn đạt trôi chảy . * 4- 6 điểm: Tỏ ra hiểu yêu cầu đề bài, nắm được phương pháp làm bài nhưng chưa sâu sắc, còn mắc lỗi về diễn đạt * 1-3 điểm: Bài viết còn sơ sài, lúng túng trong phương pháp nghị luận * 0 điểm: Bỏ giấy trắng hoặc viết những nội dung không liên quan tới yêu cầu đề thi.
Tài liệu đính kèm: