Họ và tên giáo viên: Đào Thị Liên Trường: Trung học phổ thông Nghĩa Minh SỞ GD & ĐT NAM ĐỊNH ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG 8 TUẦN KÌ II TRƯỜNG THPT NGHĨA MINH Năm học 2015 – 2016 Môn thi: Ngữ Văn lớp 11 ( Thời gian làm bài 90 phút) Phần I: Đọc hiểu ( 3,0 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi: “ Tôi đứng lặng giữa cuộc đời nghiêng ngả Để một lần nhớ lại mái trường xưa Lời dạy ngày xưa có tiếng thoi đưa Có bóng nắng in dòng sông xanh thẳm. Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng Trưởng thành này có bóng dáng hôm qua Nhớ được điều gì được dạy những ngày xa Áp dụng – chắc nhờ cội nguồn đã có. Nước mắt thành công hòa nỗi đau đen đỏ Bậc thềm nào dìu dắt những bước đi Bài học đời đã học được những gì Có nhắc bóng người đương thời năm cũ Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ Để cây đời có tán lá xum xuê Bóng mát dừng chân là một chốn quê Nơi ơn tạ là mái trường nuôi lớn Xin phút tĩnh tâm giữa muôn điều hời hợt Cảm tạ mái trường ơn nghĩa thầy cô!” ( “Lời cảm tạ” - Sưu tầm) Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Tác dụng của việc sử dụng thể thơ đó là gì? (0,5 điểm) Câu 2: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên? (0,5 điểm) Câu 3: Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên? (0,5 điểm) Câu 4: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: “Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng” (0,5 điểm) Câu 5: Anh (chị) hiểu 2 dòng thơ: “Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ/ Để cây đời có tán lá xum xuê” như thế nào? Từ ý thơ này, hãy nêu vai trò của mái trường và thầy cô đối với cuộc đời của mỗi người. (trả lời trong khoảng 5 - 7 dòng) ( 1,0 điểm) Phần II: Làm văn ( 7,0 điểm). Câu 1: ( 3,0 điểm) Suy nghĩ của anh (chị) về thái độ thiếu trung thực trong thi cử của giới trẻ học đường hiện nay. ( viết khoảng 300 từ) Câu 2: (4,0 điểm) Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau: “Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất; Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi. Của ong bướm này đây tuần tháng mật; Này đây hoa của đồng nội xanh rì; Này đây lá của cành tơ phơ phất; Của yến anh này đây khúc tình si; Và này đây ánh sáng chớp hàng mi; Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa; Tháng giêng ngon như một cặp môi gần; Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa: Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.” (Trích “Vội vàng” – Xuân Diệu) -------------------------------HẾT--------------------------------- HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI 8 TUẦN HỌC KÌ II NĂM HỌC 2015-2016 Môn: Ngữ văn lớp 11 Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm) Câu 1: - Bài thơ đươc viết theo thể tự do. - Tác dụng: giúp cho nhà thơ có thể linh hoạt trong kể, tả và bộc lộ cảm xúc mà không bị gò bó bởi những luật lệ nào. Mức tối đa: 0,5 điểm Nêu đủ và đúng 2 ý trên Mức chưa tối đa: 0,25 điểm Nêu đúng 1/2 ý trên Mức 0 điểm: không trả lời hoặc sai hoàn toàn Câu 2 : Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm Mức tối đa: 0,5 điểm Nêu đúng phương thức trên Mức 0 điểm: không trả lời hoặc sai hoàn toàn Câu 3 : Nội dung chính của đoạn thơ trên là: đoạn thơ ghi lại tâm trạng, suy nghĩ của một người học trò khi đã rời xa mái trường với tình cảm yêu thương, trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc. Càng trưởng thành, càng nếm trải những thăng trầm, buồn vui trong cuộc sống, mỗi người lại càng thấm thía hơn tấm lòng bao dung, yêu thương và công lao của thầy cô, mái trường. Mức tối đa: 0,5 điểm Nêu được đầy đủ những nội dung trên, chấp nhận những cách diễn đạt khác nếu hợp lý. Mức chưa tối đa: 0,25 điểm Nếu nêu được một số ý liên quan đến nội dung trên nhưng còn sơ sài. Mức 0 điểm: không trả lời hoặc sai hoàn toàn. Câu 4 : Biện pháp tu từ: ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “tháng ngày ngọt đắng”, tháng ngày là đơn vị chỉ thời gian nhưng lại được cảm nhận bằng vị giác ‘ngọt đắng” , dùng để chỉ những thăng trầm , buồn vui trong cuộc đời. Mức tối đa: 0,5 điểm Nêu đúng biện pháp tu từ trên Mức chưa tối đa: 0,25 điểm Nếu chỉ nêu được là biện pháp tu từ ẩn dụ Mức 0 điểm: không trả lời hoặc sai hoàn toàn Câu 5 : - Hai dòng thơ: “ Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ/ Để cây đời có tán lá xum xuê” thể hiện công lao to lớn của thầy cô với học trò: chăm chút, thắp sáng ước mơ, niềm tin cho học trò bằng cả trái tim yêu thương để từ đây, các em bước vào đời vững vàng, cứng cáp và sẵn sàng cống hiến cho cuộc đời. - Câu trả lời cần nêu được vai trò của thầy cô và mái trường đối với cuộc đời mỗi người: giúp mỗi người thực hiện ước mơ của mình và hoàn thiện bản thân về trí tuệ, nhân cách, tâm hồn..., có thể vững bước vào tương lai. - Mức tối đa: 1,0 điểm Nếu nêu đúng và đủ 2 nội dung trên, chấp nhận những cách trả lời khác nhưng nội dung phải hợp lí, chặt chẽ, có sức thuyết phục. Mức chưa tối đa: 0,5 điểm Nếu trả lời sơ lược, ý còn chung chung, sai lỗi chính tả, diễn đạt... Mức 0 điểm: không trả lời hoặc sai hoàn toàn Phần II : Làm văn (7,0 điểm) Câu 1: (3,0 điểm) • Yêu cầu chung: HS biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. • Yêu cầu cụ thể: a) Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm): - Điểm 0,5: Trình bày đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. - Điểm 0,25: Trình bày đủ 3 phần Mở bài, Thân bài, Kết bài, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên, phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. - Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết bài, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm) - Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: thái độ thiếu trung thực trong thi cử của giới trẻ học đường hiện nay. - Điểm 0,25: xác định vấn đề nghị luận chung chung, chưa hiểu rõ đề. - Điểm 0: Xác định sai vấn đề nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác c) Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể, sinh động. (1,0 điểm) - Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo định hướng sau: + Giải thích hiện tượng: ++ Trung thực: là tôn trọng sự thật, ngay thẳng, thật thà, không gian dối, giả tạo, là có lòng tự trọng khi làm một việc gì đó. ++ Thiếu trung thực trong thi cử: là hiện tượng gian lận trong thi cử, là tìm mọi cách để quay cóp, chép bài của người khác, là các hành vi ném bài hoặc thi hộ cho người khác... + Thực trạng: hiện tượng này còn tồn tại không ít trong các nhà trường, các đơn vị giáo dục... dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. + Tác hại của thiếu trung thực trong thi cử: ++ Kết quả không đúng với lực học, lừa dối chính mình và người khác, chà đạp lên danh dự của bản thân và gia đình. ++ Càng ngày càng chủ quan, xem nhẹ việc học, lười học, ỉ lại vào những mánh khóe gian lận trong thi cử sẽ càng dốt nát hơn và dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn, khiến bản thân có thể trở thành kẻ nô lệ trong tương lai. ++ Những kẻ thiếu trung thực trong thi cử là những kẻ không dám thừa nhận sự yếu kém, thất bại của bản thân. Đó là những con người hèn nhát rất đáng bị xã hội lên án. ++ Thiếu công bằng, tạo ta thành tích giả với nhiều bằng cấp giả khiến xã hội chậm phát triển. + Nguyên nhân: ++ Do lười học, ỉ lại ++ Do ý thức kém, trông chờ vào người khác ++ Do mắc bệnh thành tích, muốn đạt kết quả cao trong các kì thi nhưng bản thân lại không chịu cố gắng, nỗ lực... + Giải pháp: ++ Cần phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ như: tổ chức thi cử nghiêm túc, giám thị và giám khảo gương mẫu; giáo dục lòng tự trọng cho người học; có quy trình tuyển chọn và đào thải khoa học; xử lí nghiêm minh các hành vi gian lận trong thi cử... + Bài học nhận thức và hành động: ++ Cần nhận thức được đức tính trung thực là một đức tính tốt đẹp của con người. ++ HS cần phát huy tính trung thực trong thi cử, phê phán những hành động gian lận trong thi cử. ++ Sống và học tập hết mình để trở thành người kế thừa và góp phần phát triển đất nước. Điểm 0,75: Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu trên , một số luận điểm còn sơ sài, chưa liên kết chặt chẽ. Điểm 0,5: Đáp ứng được nửa các ý trên. Điểm 0,25: Trình bày được môt số ý nhưng còn sơ sài. Điểm 0: Không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. Sáng tạo (0,5 điểm): Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm...), thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm) - Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Câu 2: (4,0 điểm) • Yêu cầu chung: HS biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. • Yêu cầu cụ thể: a) Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm): - Điểm 0,5: Trình bày đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. - Điểm 0,25: Trình bày đủ 3 phần Mở bài, Thân bài, Kết bài, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên, phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. - Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết bài, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): - Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận vẻ đẹp đoạn thơ: “Tôi muốn tắt nắng đi...Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.” của nhà thơ Xuân Diệu. - Điểm 0,25: Xác định vấn đề nghị luận chung chung, chưa hiểu rõ đề. - Điểm 0: Xác định sai vấn đề nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. c) Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể, sinh động. (2,0 điểm) - Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo định hướng sau: + Giowi thiệu về tác giả XD, bài thơ “ Vội vàng”, trích dẫn đoạn thơ “Tôi muốn...mới hoài xuân” + Bốn câu thơ đầu: ++ Nội dung: nêu ước muốn kì lạ của người nghệ sĩ “tắt nắng, buộc gió” với mục đích giữ lại sắc màu, cản lại mùi hương, đừng cho lan tỏa, “bay đi”. Đó là những ước mơ kiểu Đôn-ki-hô-tê điên rồ, không bao giờ thực hiện được. Mục đích và ước muốn đều rất thực. Đó là tâm lí sợ thời gian trôi, muốn níu kéo thời gian, muốn tận hương mãi mãi hương vị, sắc màu của cuộc sống. ++ Nghệ thuật: thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn như lời khẳng định, giãi bày cô nén cảm xúc và ý tưởng của nghệ sĩ. Cái tôi cá nhân bộc lộ trực tiếp tự tin và tự tôn qua điệp ngữ “tôi muốn”. + Chín câu thơ tiếp: Cảm nhận thiên đường mặt đất: “Của ong bướm...mới hoài xuân.”: ++ Câu thơ kéo dài, mở rộng thành 8 chữ để dễ dàng vẽ bức tranh cuộc sống thiên đường ngay trên mặt đất này. ++ Điệp từ “này đây” như trình bày, mời gọi người quan sát, thưởng thức. Điệp từ “của” có vẻ hơi tây, mới lạ so với câu thơ truyền thống. ++ Những hình ảnh đẹp đẽ, tươi non, trẻ trung của thiên nhiên: “đồng nội xanh rì”, “cành tơ phơ phất”, “ong bướm”, “hoa lá”...cảnh thật cuộc sống nhưng qua cảm xúc mới mẻ của nhà thơ đã biến thành tuần tháng mật, thành cảnh vật chốn thần tiên. Cảnh vật ấy lại được nhà thơ gợi tả và hình dung trong mối quan hệ như với người yêu, người đang yêu... tràn trề hạnh phúc. ++ Hình ảnh so sánh mới mẻ và độc đáo “tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, dùng hình ảnh cụ thể của cơ thể người trẻ tuổi (cặp môi gần) để sánh với đơn vị thời gian trừu tượng (tháng giêng ngon) gợi cảm giác liên tưởng, tưởng tượng mạnh mẽ về tình yêu đôi lứa, về hạnh phúc tuổi trẻ...Đây là một trong những câu thơ hay nhất, mới nhất của Xuân Diệu trước Cách mạng. ++ Hai câu thơ cuối đoạn: tâm trạng đầy mâu thuẫn nhưng vẫn thống nhất của tác giả: sung sướng nhưng vội vàng, muốn sống nhanh , sống gấp, tranh thủ thời gian. Câu thơ cắt đôi là chịu ảnh hưởng của thơ Pháp thể hiện tâm trạng nêu trên. +Đánh giá: giá trị nội dung và nghệ thuật đoạn thơ, đánh giá tài năng thơ Xuân Diệu. Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Điểm 1,5 đến 1,75: Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu trên, một số luận điểm còn sơ sài, chưa liên kết chặt chẽ. Điểm 1,0 đến 1,25: Đáp ứng được nửa các ý trên. Điểm 0,5 đến 0,75: Trình bày được một số ý nhưng còn sơ sài. Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. d) Sáng tạo (0,5 điểm): Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm...), thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm) - Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Lưu ý: + Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu. + Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục + Không cho điểm cao với những bài viết chỉ nêu chung chung, sáo rỗng. + Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
Tài liệu đính kèm: