Đề kiểm tra chất lượng cuối học kì I Tiếng việt lớp 4 - Năm học 2016-2017 - Trường Tiểu học Phình Sáng

doc 8 trang Người đăng dothuong Lượt xem 490Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra chất lượng cuối học kì I Tiếng việt lớp 4 - Năm học 2016-2017 - Trường Tiểu học Phình Sáng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra chất lượng cuối học kì I Tiếng việt lớp 4 - Năm học 2016-2017 - Trường Tiểu học Phình Sáng
Phòng GD&ĐT Tuần Giáo
Trường TH Phình Sáng
Đề chính thức
(Đề kiểm tra có 01 trang)
Đề kiểm tra chất lượng cuối học kì I
Năm học: 2016 – 2017
Môn: Tiếng Việt - Khối 4 (Phần đọc thành tiếng)
Thời gian: Mỗi học sinh đọc từ 2 – 3 phút
Ngày kiểm tra: 22 / 12 / 2016
Đề bài
1. Nội dung kiểm tra
Bài: Vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi (SGK Tiếng Việt 4 - Tập một - Trang 115)
	Đề 1: Đoạn: “Bưởi mồ côi cha  người ta đi tàu ta.”
Bài: Chú Đất Nung (SGK Tiếng Việt 4 - Tập một - Trang 134)
	Đề 2: Đoạn: “Tết trung thu  bẩn hết quần áo đẹp.”
Bài: Cánh diều tuổi thơ (SGK Tiếng Việt 4 - Tập một - Trang 146)
	Đề 3: Đoạn: “Tuổi thơ của tôi  khát vọng.”
2. Hình thức kiểm tra
	- Giáo viên gọi lần lượt từng học sinh theo số thứ tự, bốc thăm rồi đọc thành tiếng trước lớp.
3. Cách đánh giá cho điểm (1 điểm)
	Giáo viên đánh giá cho điểm dựa vào yêu cầu sau:
	- Đọc đúng tiếng, đúng từ: 0,25 điểm (Đọc sai từ 5 tiếng trở lên cho 0 điểm).
	- Ngắt nghỉ hơi đúng dấu câu, sau các cụm từ có nghĩa: 0,25 điểm (Ngắt, nghỉ hơi không đúng từ 5 chỗ trở lên: 0 điểm).
	- Giọng đọc có biểu cảm: 0,25 điểm (Giọng đọc không thể hiện tính biểu cảm cho 0 điểm)
	- Tốc độ đọc 80 tiếng/phút: 0,25 điểm (đọc không đảm bảo tốc độ cho 0 điểm)
	* Lưu ý: Không cho điểm 0 ở bài kiểm tra
------------------------- Hết -------------------------
Phiếu bốc thăm bài đọc thành tiếng
Đề 1: 
Vua tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi
 Bưởi mồ côi cha từ nhỏ, phải theo mẹ quẩy gánh hàng rong từ. Thấy em khôi ngô, nhà họ Bạch nhận làm con nuôi và cho ăn học.
 Năm 21 tuổi, Bạch Thái Bưởi làm thư kí cho một hãng buôn. Chẳng bao lâu, anh đứng ra kinh doanh độc lập, trải đủ mọi nghề: buôn gỗ, buôn ngô, mở hiệu cầm đồ, lập nhà in, khai thác mỏ,  Có lúc mất trắng tay, anh vẫn không nản chí.
 Bạch Thái Bưởi mở công ty đường thuỷ vào lúc những con tàu của người Hoa đã độc chiếm các đường sông miền Bắc. Ông cho người đến các bến tàu diễn thuyết. Trên mỗi chiếc tàu ông dán dòng chữ “Người ta thì đi tàu ta.”
Đề 2:
Chú Đất Nung
 Tết trung thu, cu Chắt được món quà. Đó là một chàng kị sĩ rất bảnh, cưỡi ngựa tía, dây cương vàng và một nàng công chúa mặt trắng, ngồi trong mái lầu son. Chắt còn một đồ chơi nữa là chú bé bằng đất em nặn lúc đi chăn trâu.
 Cu Chắt cất đồ chơi vào cái nắp tráp hỏng. Hai người bột và chú bé Đất làm quen với nhau. Sáng hôm sau, chàng kị sĩ phàn nàn với nàng công chúa:
 - Cu Đất thật đoảng. Mới chơi với nó một tí mà chúng mình đã bẩn hết quần áo đẹp.
Đề 3:
Cánh diều tuổi thơ
 Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.
 Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,  như gọi thấp xuống những vì sao sớm.
 Ban đêm trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên dải Ngân Hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu đấy là khát vọng.
Phòng GD&ĐT Tuần Giáo
Trường TH Phình Sáng
Đề chính thức
(Đề kiểm tra có 01 trang)
Đề kiểm tra chất lượng cuối học kì I
Năm học: 2016 – 2017
Môn: Tiếng Việt – Khối 4 (Bài viết)
Thời gian: 60 phút (không tính thời gian giao đề)
Ngày kiểm tra: 22 / 12 / 2016
Đề bài
1. Chính tả nghe viết (20 phút)
Mùa đông trên rẻo cao
 Mùa đông đã về thực sự rồi. Mây từ trên cao theo các sườn núi trườn xuống, chốc chốc lại gieo một đợt mưa bụi trên những mái lá chít bạc trắng. Hoa rau cải hương vàng hoe, từng vạt dài ẩn hiện trong sương bên sườn đồi. Con suối lớn ồn ào, quanh co đã thu mình lại, phô những dải sỏi cuội nhẵn nhụi và sạch sẽ Trên những ngọn cơi già nua, những chiếc lá vàng cuối cùng còn sót lại đang khua lao xao trước khi từ giã thân mẹ đơn sơ.
 Theo Ma Văn Kháng
2. Tập làm văn (40 phút)
	Tả một đồ dùng học tập hoặc đồ chơi của em.
	Gợi ý: 
	- Đồ dùng học tập hoặc đồ chơi em định tả là gì ?
	- Tả bao quát toàn bộ đồ dùng học tập hoặc đồ chơi, rồi tả những bộ phận có đặc điểm nổi bật ?
	- Tình cảm của em với đồ dùng học tập hoặc đồ chơi của mình.
------------------------- Hết -------------------------
Phòng GD&ĐT Tuần Giáo
Trường TH Phình Sáng
Đề chính thức
(Đề kiểm tra có 02 trang)
Đề kiểm tra chất lượng cuối học kì I
 Năm học: 2016 – 2017
 Môn: Tiếng Việt - Khối 4 (Phần đọc hiểu)
Thời gian: 30 phút (không tính thời gian giao đề)
Ngày kiểm tra: 22 / 12 / 2016
Đề bài
A. Đọc thầm bài văn sau:
Chú Đất Nung
Tết trung thu, cu Chắt được món quà. Đó là một chàng kị sĩ rất bảnh, cưỡi ngựa tía, dây cương vàng và một nàng công chúa mặt trắng, ngồi trong mái lầu son. Chắt còn một đồ chơi nữa là chú bé bằng đất em nặn lúc đi chăn trâu.
Cu Chắt cất đồ chơi vào cái nắp tráp hỏng. Hai người bột và chú bé Đất làm quen với nhau. Sáng hôm sau, chàng kị sĩ phàn nàn với nàng công chúa:
- Cu Đất thật đoảng. Mới chơi với nó một tí mà chúng mình đã bẩn hết quần áo đẹp.
Cu Chắt bèn bỏ hai người bột vào cái lọ thuỷ tinh.
Còn một mình, chú bé Đất nhớ quê, tìm đường ra cánh đồng. Mới đến chái bếp, gặp trời đổ mưa, chú ngấm nước, rét quá. Chú bèn vào bếp, cời đống rấm ra sưởi. Ban đầu thấy ấm và khoan khoái. Lúc sau nóng rát cả chân tay. Chú sợ, lùi lại.
Ông Hòn Rấm cười bảo:
- Sao chú mày nhát thế ? Đất có thể nung trong lửa kia mà !
Chú bé Đất ngạc nhiên hỏi lại:
- Nung ấy ạ ?
- Chứ sao ? Đã là người thì phải dám xông pha, làm được nhiều việc có ích.
Nghe thế, chú bé Đất khong thấy sợ nữa. Chú vui vẻ bảo:
- Nào, nung thì nung !
Từ đấy, chú thành Đất Nung.
	Theo Nguyễn kiên
B. Dựa vào nội dung bài đọc, chọn câu trả lời đúng cho mỗi câu hỏi dưới đây:
Câu 1: Cu Chắt có những đồ chơi gì ?
	A. Đồ chơi là chàng kị sĩ rất bảnh, cưỡi ngựa tía, dây cương vàng.
	B. Đồ chơi là chú bé bằng đất em nặn lúc đi chăn trâu.
	C. Đồ chơi là một chàng kị sĩ cưỡi ngựa rất bảnh, một nàng công chúa ngồi trong lầu son, một chú bé bằng đất.
Câu 2: Chú bé Đất đi đâu và gặp chuyện gì ?
	A. Chú đi chơi với chàng kị sĩ và nàng công chúa.
	B. Chú bé Đất nhớ quê, tìm đường ra cánh đồng. Mới đến chái bếp, gặp trời đổ mưa, chú ngấm nước, rét quá.
	C. Chú đi chơi với ông Hòn Rấm.
Câu 3: Vì sao chú bé Đất quyết định trở thành Đất Nung ?
	A. Vì chú muốn về quê sống.
	B. Vì chú muốn làm bạn với ông Hòn Rấm.
	C. Vì chú muốn được xông pha làm nhiều việc có ích.
Câu 4: Câu: “- Sao chú mày nhát thế ?” được ông Hòn Rấm dùng để làm gì ?
	A. Dùng để hỏi điều chưa biết về cu Đất.
	B. Dùng để khen cu Đất.
	C. Dùng để chê cu Đất.
Câu 5: Danh từ riêng trong câu: “Chắt còn một đồ chơi nữa là chú bé bằng đất em nặn lúc đi chăn trâu.” là từ nào ?
	A. Chắt
	B. Đất
	C. Trâu
Câu 6: Động từ trong câu “Mới chơi với nó một tí mà chúng mình đã bẩn hết quần áo đẹp.” là từ nào ?
	A. Mới
	B. Chơi
	C. Đẹp
Câu 7: Muốn trở thành người có ích chúng ta phải làm gì ?
Câu 8: Tìm tính từ trong câu “Mới chơi với nó một tí mà chúng mình đã bẩn hết quần áo đẹp.” và đặt một câu với một trong các tính từ đó.
------------------------- Hết -------------------------
Phòng GD&ĐT Tuần Giáo
Trường TH Phình Sáng
Đề chính thức
(Đáp án có 02 trang)
Hướng dẫn chấm
bài kiểm tra chất lượng cuối học kì I
Năm học: 2016 – 2017
 Môn: Tiếng Việt – Khối 4
 Ngày kiểm tra: 22 / 12 / 2016
I. Đọc hiểu: (4 điểm)
	Chọn đúng và làm đúng mỗi câu đạt 0,5 điểm
Câu 1: Cu Chắt có những đồ chơi gì ?
	Đáp án C. Đồ chơi là một chàng kị sĩ cưỡi ngựa rất bảnh, một nàng công chúa ngồi trong lầu son, một chú bé bằng đất.
Câu 2: Chú bé Đất đi đâu và gặp chuyện gì ?
	Đáp án B. Chú bé Đất nhớ quê, tìm đường ra cánh đồng. Mới đến chái bếp, gặp trời đổ mưa, chú ngấm nước, rét quá.
Câu 3: Vì sao chú bé Đất quyết định trở thành Đất Nung ?
	Đáp án C. Vì chú muốn được xông pha làm nhiều việc có ích.
Câu 4: Câu: “- Sao chú mày nhát thế ?” được ông Hòn Rấm dùng để làm gì ?
	Đáp án C. Dùng để chê cu Đất.
Câu 5: Danh từ riêng trong câu: “Chắt còn một đồ chơi nữa là chú bé bằng đất em nặn lúc đi chăn trâu.” là từ nào ?
	Đáp án A. Chắt
Câu 6: Động từ trong câu “Mới chơi với nó một tí mà chúng mình đã bẩn hết quần áo đẹp.” là từ nào ?
	Đáp án B. Chơi
Câu 7: Nêu đúng 1 trong 3 ý sau đạt 0,5 điểm
	- Muốn trở thành người có ích chúng ta phải rèn luyện trong thử thách, con người mới trở thành cứng rắn, hữu ích.
	- Muốn trở thành người có ích chúng ta phải vượt qua được thử thách, khó khăn, con người mới mạnh mẽ, cứng cỏi.
	- Muốn trở thành người có ích chúng ta phải được tôi luyện trong gian nan, con người mới vững vàng, dũng cảm, 
Câu 8: (0,5 điểm)
- Tìm được tính từ: bẩn, đẹp.
(0,25 điểm)
- Đặt được câu:
Ví dụ: Đôi dép này đẹp quá.
 Chiếc áo này rất bẩn.
(0,25 điểm)
	* Lưu ý: Tùy bài làm của học sinh mà giáo viên cho điểm cho phù hợp.
II. Chính tả (2 điểm)
	- Viết đúng kiểu chữ viết thường, viết hoa theo đúng quy định, chữ rõ ràng đều nét, liền mạch, đúng cỡ chữ, trình bày sạch sẽ, đúng và đủ nội dung bài viết đạt 2 điểm
	- Bài viết đủ nội dung nhưng một số chỗ viết chưa đúng mẫu, trình bày chưa đẹp đạt 1,5 điểm 
	- Sai 1 đến 3 lỗi chính tả trừ 0,25 điểm. Các lỗi sai giống nhau được tính là một lỗi.
	=> Lưu ý: Tùy bài viết của học sinh, giáo viên có thể cho các mức điểm 1.75 ; 1.5 ; 1 ; 0.75 ; 0.5 ; 0.25
III. Tập làm văn. (3 điểm)
	1. Yêu cầu cần đạt:
	- Viết hoàn thiện một bài văn
	- Bố cục bài rõ ràng, cân đối, chặt chẽ.
	- Dùng từ chính xác, diễn đạt rõ ràng thành câu, rõ ý.
	- Chữ viết đẹp, đúng chính tả, trình bày sạch sẽ.
- Nội dung bài văn phải thể hiện được các ý sau:
	+ Phần mở bài: Nêu được tên đồ dùng học tập hoặc đồ chơi (Có thể mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp).
	+ Phần thân bài: Tả bao quát toàn bộ đồ dùng học tập hoặc đồ chơi ; rồi tả những bộ phận có đặc điểm nổi bật của đồ dùng học tập hoặc đồ chơi.
	+ Phần kết bài: Nêu được tình cảm của mình đối với đồ dùng học tập hoặc đồ chơi của mình. (Có thể kết bài theo kiểu mở rộng hoặc không mở rộng).
	2. Đánh giá:
	- Bài làm đạt được các yêu cầu trên đạt 3 điểm.
	- Bài làm đạt được các yêu cầu trên song phần bố cục của bài chưa thực sự chặt chẽ đạt 2,5 điểm.
	- Bài làm đạt được các yêu cầu trên song phần bố cục của bài chưa thực sự chặt chẽ. Sai từ 3 đến 5 lỗi chính tả. Nội dung bài còn sơ sài đạt 2 điểm.
	* Lưu ý: Tùy mức độ kể, cách diễn đạt về ý của học sinh mà giáo viên cho điểm theo các mức điểm 2.5 ; 2 ; 1.5 ; 1 ; 0.75 ; 0.5 ; 0.25
	=> Chú ý: Chỉ được làm tròn khi cộng điểm tất cả các bài: Đọc thành tiếng, đọc hiểu, chính tả và tập làm văn.
------------------------- Hết -------------------------

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_KIEM_TRA_TIENG_VIET_LOP_4_NAM_20162017.doc