Chuyên đề môn Vật lí – Năm học 2010 - 2011

doc 6 trang Người đăng nguyenlan45 Lượt xem 993Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề môn Vật lí – Năm học 2010 - 2011", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề môn Vật lí – Năm học 2010 - 2011
CHUYÊN ĐỀ VẬT LÝ
“TỔ CHỨC THÍ NGHIỆM THEO NHÓM”
PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ
Vật lý là một bộ môn khoa học thực nghiệm, các định luật và tính chất vật lý được rút ra dựa trên cơ sở tiến hành thí nghiệm. Hơn nữa một trong những nhiệm vụ cơ bản của bộ môn vật lý là “Góp phần giáo dục kỹ thuật tổng hợp cho học sinh làm cho HS nắm những nguyên tắc cơ bản về quá trình sản xuất những nghành chủ yếu, nắm được cấu tạo, hoạt động và rèn luyện kỹ năng sử dụng các dụng cụ vật lý đơn giản, đặc biệt là kỹ năng đo lường, rèn luyện cho học sinh phương pháp thực nghiệm khoa học, biết tiến hành thí nghiệm có kế hoạch, biết xử lý các số liệu thí nghiệm”
Làm các thí nghiệm vật lí ở nhà trường là một trong các biện pháp quan trọng nhất để phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học Vật lí. Điều này quyết định bởi đặc điểm của khoa học Vật lí vốn là khoa học thực nghiệm và bởi nguyên tắc dạy học là nguyên tắc trực quan “học đi đôi với hành”.
Thường thì, do kinh nghiệm sống học sinh đã có một số vốn hiểu biết nào đó về các hiện tượng Vật lí. Nhưng không thể coi những hiểu biết ấy là cơ sở giúp họ tự nghiên cứu Vật lí bởi vì trước một hiện tượng vật lí, học sinh có thể có những hiểu biết khác nhau, thậm chí là sai. Ví dụ: Học sinh nào cũng thấy được mọi vật rơi là do Trái Đất hút, nhưng không ít học sinh lại cho rằng vật nặng thì rơi nhanh hơn vật nhẹ. Vì vậy, khi giảng dạy Vật lí, giáo viên một mặt phải tận dụng những kinh nghiệm sống của học sinh, nhưng mặt khác phải chỉnh lí, bổ sung, hệ thống hoá những kinh nghiệm đó và nâng cao lên mức chính xác, đầy đủ bằng các thí nghiệm Vật lí, nhờ đó mà tránh được tính chất giáo điều, hình thức trong giảng dạy.
Làm các thí nghiệm Vật lí có tác dụng to lớn trong việc phát triển nhận thức của học sinh, giúp các em quen dần với phương pháp nghiên cứu khoa học, vì qua đó các em được tập quan sát, đo đạc, được rèn luyện tính cẩn thận, kiên trì, điều đó rất cần cho việc giáo dục kỹ thuật tổng hợp, chuẩn bị cho học sinh tham gia hoạt động thực tế. Do được tận mắt, tự tay tháo lắp các dụng cụ, thiết bị và đo lường các đại lượng,..., các em có thể nhanh chóng làm quen với những dụng cụ và thiết bị dùng trong đời sống và sản xuất sau này.
Đặc biệt, việc thực hiện các thí nghiệm Vật lí là rất phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lí và khả năng nhận thức của học sinh, đồng thời tạo điều kiện rèn luyện cho học sinh các kỹ năng thực hành và thái độ ứng xử trong thực hành, cần thiết cho việc học tập Vật lí ở các cấp học trên.
Năm học 2010-2011 bản thân được phân công giảng dạy vật lý khối 6, đây là một lớp đầu cấp học, các em hầu như trước đây chưa bao giờ được tiến hành các thí nghiệm
để nghiên cứu kiến thức mới. mặt khác nhằm tạo cho các em khả năng hợp tác trong quá trình học tập, rèn luyện các kỹ năng cơ bản để các em nâng cao chất lượng về học tập, tôi đã chọn đề tài “Dạy học thí nghiệm theo nhóm” để làm chuyên đề của bản thân.
PHẦN II: MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN.
♦ Một số giải pháp chung về “Thí nghiệm theo nhóm”
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của thí nghiệm Nhóm, bản thân tôi luôn cố gắng thực hiện tốt các nội dung sau:
1- Chuẩn bị tốt nội dung bài giảng 
2. Chuẩn bị tốt dụng cụ thí nghiệm , đảm bảo đủ vể số lượng, chất lượng. Điều này đòi hỏi giáo viên cần nghiên cứu kĩ chương trình các bài có thí nghiệm ngay từ đầu năm học, xác định cần dụng cụ gì, số lượng bao nhiêu, còn thiếu những gì để có kế hoạch giải quyết trong năm bằng cách mua thêm hoặc tự làm hoặc hướng dẫn học sinh tự làm.
2. Trình tự tổ chức một thí nghiệm theo nhóm:
Quá trình tổ chức hoạt động thí nghiệm theo nhóm có thể chia thành 3 giai đoạn( 3 bước) sau: 
- Làm việc chung cả lớp, giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm.
- Làm việc theo nhóm.
- Làm việc chung với cả lớp, trình bày kết quả của mỗi nhóm và đánh giá kết quả 
Bước 1: Làm việc chung cả lớp, giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm
Giai đoạn này thực hiện chung với cả lớp bao gồm các hoạt động chính sau đây:
GV nêu vấn đề, xác định mục đích yêu cầu của thí nghiệm, xác định nhiệm vụ nhận thức cho học sinh.
Chia nhóm, giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm.
GV tổ chức cùng HS xác định phương án thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm, cách bố trí và tiến hành thí nghiệm (GV chỉ rõ những vấn đề cần lưu ý đối với HS trong quá trình thí nghiệm).
Bố trí địa điểm làm việc cho mỗi nhóm.
Bước 2: Làm việc theo nhóm
Trong nhóm phân công nhiêm vụ cho từng thành thành viên của nhóm:
 + Trưởng nhóm: có vai trò quản lý chỉ đạo điều khiển hoạt động của nhóm.
 + Thư ký: Ghi chép lại kết quả các công việc của nhóm sau khi có sự thống nhất của cả nhóm.
 + Báo cáo viên: Thay mặt nhóm để báo cáo kết quả.
 + Các thành viên khác có trách nhiệm tham gia tích cực mọi hoạt động của nhóm.
Thảo luận kế hoạch và cách thức làm việc của nhóm.
Tiến hành thực hiện nhiệm vụ:
 + Sắp xếp, bố trí thí nghiệm.
 + Tiến hành thí nghiệm.
 + Thảo luân ghi kết quả, thông tin cần báo cáo.
- Thu xếp đồ dùng thiết bị, chuẩn bị báo cáo kết quả làm việc trước lớp.
Bước 3: Trình bày kết quả của mỗi nhóm và đánh giá kết quả 
Đại diện của mỗi nhóm trình bày kết quả của nhóm trước toàn lớp.
GV tổ chức cho cả lớp nhận xét, đánh giá kết quả và rút ra kết luận.
♦ Một số giải pháp cho bài dạy thực hiện chuyên đề
Hôm nay, bản thân được vinh dự thực hiện chuyên đề vật lý cấp huyện với bài dạy “ lực đàn hồi” - Vật lý 6. Bản thân xin đưa ra một số giải pháp với chuyên đề Thí nghiệm theo nhóm cho bài dạy như sau:
Trong bài dạy này HS cần thực hiện thí nghiệm nhóm để khảo sát Biến dạng đàn hồi và độ biến dạng của lò xo, bản thân tôi sẽ thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Làm việc chung cả lớp, giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm
GV nêu vấn đề, xác định mục đích yêu cầu của thí nghiệm: thí nghiệm nhằm nhận biết thế nào là biến dạng đàn hồi của một lò xo và độ biến dạng của lò xo.
Chia nhóm, giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm: GV chia lớp thành 5 nhóm thí nghiệm
GV đưa ra phương án thí nghiệm, cho HS nêu dụng cụ thí nghiệm, cách bố trí và tiến hành thí nghiệm (GV chỉ rõ những vấn đề cần lưu ý đối vói HS trong quá trình thí nghiệm về cách bố trí thước đo, cách đo dọc và ghi kết quả chính xác......).
Tổ chức phân chia thành các nhóm, bố trí địa điểm làm việc cho mỗi nhóm: Phân chia 2 bàn học thành 1 nhóm thí nghiệm.
Bước 2: Làm việc theo nhóm
Trong nhóm phân công nhiêm vụ cho từng thành thành viên của nhóm: Các nhóm tự phân trưởng nhóm, thư ký và báo cáo viên.
Các nhóm thảo luận kế hoạch và cách thức làm việc của nhóm.
Tiến hành thực hiện nhiệm vụ:
+ Sắp xếp, bố trí thí nghiệm.
+ Tiến hành thí nghiệm:( Theo hình vẽ 9.1 SGK)
Đo chiều dài tự nhiên của lò xo là l0.
Móc 1 quả nặng (50g), đo chiều dài lúc bị biến dạng l1, bỏ quả nặng ra, đo chiều dài của lò xolúc đó là l01
Móc 2 quả nặng (50g), tương tự đo l2 và l02
Móc 3 quả nặng (50g), tương tự đo l3 và l03
Giáo viên theo dỏi và uốn nắn HS trong quá trình thí nghiệm
+ Thảo luân ghi kết quả thông tin cần báo cáo.
- Thu xếp đồ dùng thiết bị, chuẩn bị báo cáo kết quả làm việc trước lớp.
Bước 3: Trình bày kết quả của mỗi nhóm và đánh giá kết quả 
Gv thu báo cáo thí nghiệm của các nhóm HS.
GV tổ chức cho cả lớp nhận xét, đánh giá kết quả và rút ra kết luận.
III- MỘT SỐ THUẬN LỢI VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ:
Thuận lợi:
 - Bản thân đã được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng hội thảo chuyên đề hàng năm để nâng cao về mặt nhận thức, kiến thức, kỹ năng về ĐMPPDH nói chung và quá trình dạy học thí nghiệm vật lý nói riêng.
 - Việc dạy học bằng thí nghiệm vật lý tạo cho HS có hứng thú trong học tập, yêu thích bộ môn hơn.
 - Đồ dùng thiết bị phần nào đã đáp ứng đồng bộ cho quá trình giảng dạy.
 - Học sinh lĩnh hội kiến thức chủ động.
Khó khăn:
 - Về cơ sở vật chất, hiện tại Nhà trường đang thiếu phòng học bộ môn, phòng thiết bị quá chật hẹp chính vì vậy khâu chuẩn bị đồ dùng của GV mất nhiều thời gian, hơn nữa phải di chuyển đồ dùng từ lớp nay sang lớp khác.
 - Việc bố trí bàn học, số lượng học sinh / lớp đông nên việc thực hiện hoạt động nhóm còn nhiều bất cập.
 - Đồ dùng thiết bị dạy học qua thời gian nhiều năm sử dụng, chất lượng kém nên hư hỏng nhiều, độ chính xác của đồ dùng không cao.
 - Sự phối hợp của các thành viên trong hoạt động nhóm và việc phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong nhóm chưa được HS chú ý. 
 - Kỹ năng thực hành thí nghiệm của HS đặc biệt là khối 6 còn yếu nên ảnh hưởng thời lượng của tiết dạy.
	Trên đây là phần báo cáo của bản thân về chuyên đề Thí nghiệm nhóm, chắc không tránh khỏi nhiều thiếu sót. Kính mong quý thầy cô giáo, quý đồng nghiệp góp ý bổ sung để chuyên đề hoàn thiện hơn.
Hải chánh, ngày 15 tháng 10 năm 2010
 Giáo viên
 Nguyễn Thị Quỳnh Như

Tài liệu đính kèm:

  • docCD ly.doc