Bài giảng Bài 16 : Sóng. Thủy triều. Dòng biển

docx 4 trang Người đăng TRANG HA Lượt xem 1690Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Bài giảng Bài 16 : Sóng. Thủy triều. Dòng biển", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài giảng Bài 16 : Sóng. Thủy triều. Dòng biển
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC KÌ I MÔN ĐỊA LÍ
Bài 16 : Sóng. Thủy triều. Dòng biển :
1. Sóng biển :
- Khái niệm : Sóng biển là một hình thức dao động của nước biển theo chiều thẳng đứng.
- Nguyên nhân : chủ yếu tạo nên sóng là gió. Gió càng mạnh thì sóng càng to, mặt biển càng nhấp nhô ; những phần tử nước biển chuyển động lên cao, khi rơi xuống va đập vào nhau, vỡ tung tóe ra tạo thành bọt trắng, đó là sóng bạc đầu.
- Sóng thần là sóng thường có chiều cao khoảng 20 – 40m, truyền theo chiều ngang với tốc độ có thể tới 400 – 800 km/h. Khi vào bờ sóng thần có sức tàn phá ghê gớm. Nguyên nhân gây ra sóng thần chủ yếu là do động đất, ngoài ra còn do núi lửa phun ngầm dưới đáy biển hoặc bão.
2. Thủy triều :
- Khái niệm : Thủy triều là hiện tượng dao động thường xuyên, có chu kì của các khối nước trong các biển và đại dương. 
- Nguyên nhân : do ảnh hưởng sức hút của Mặt Trăng, Mặt Trời.
- Triều cường : khi Mặt Trăng, Mặt Trời, Trái Đất nằm thẳng hàng thì dao động thủy triều lớn nhất.
- Triều kém : khi Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời nằm vuông góc với nhau thì dao động thủy triều nhỏ nhất.
3. Dòng biển :
- Các dòng biển nóng thường phát sinh ở hai bên Xích đạo, chảy về hướng tây, gặp lục địa chuyển hướng chảy về phía cực.
- Các dòng biển lạnh thường xuất phát từ khoảng vĩ tuyến 30 - 40º thuộc khu vực gần bờ đông của các đại dương rồi chảy về phía Xích đạo, hợp với dòng biển nóng tạo thành những vòng hoàn lưu của các đại dương ở từng bán cầu. Ở vĩ độ thấp hướng chảy của các vòng hoàn lưu ở bán cầu Bắc theo chiều kim đồng hồ, ở bán cầu Nam theo chiều ngược lại.
- Ở bán cầu Bắc còn có những dòng biển lạnh xuất phát từ vùng cực men theo bờ Tây các đại dương chảy về phía Xích đạo.
- Ở vùng gió mùa thường xuất hiện các dòng biển đổi chiều theo mùa.
- Các dòng biển nóng và lạnh đối xứng nhau qua bờ các đại dương.
* Vào các ngày có dao động thủy triều lớn nhất, ở Trái Đất sẽ thấy Mặt Trăng : Trăng tròn hoặc không trăng.
* Vào các ngày có dao động thủy triều lớn nhất, ở Trái Đất sẽ thấy Mặt Trăng : Trăng khuyết.
* Ở vùng chí tuyến, bờ nào của lục địa có khí hậu ẩm, mưa nhiều, bờ nào của lục địa có khí hậu khô ? Tại sao? Ở vùng chí tuyến, bờ đông của lục địa có khí hậu ẩm, mưa nhiều vì ảnh hưởng của dòng biển nóng, bờ Tây của lục địa có khí hậu khô vì ảnh hưởng của dòng biển lạnh.
* Ở vùng ôn đới, bờ đại dương nào có khí hậu lạnh, ít mưa, bờ lục địa nào có khí hậu ấm áp, mưa nhiều ? Ở vùng ôn đới, bờ Đông của đại dương có khí hậu lạnh, ít mưa vì ảnh hưởng của dòng biển lạnh, bờ Tây của đại dương có khí hậu ấm áp, mưa nhiều do ảnh hưởng của dòng biển nóng.
Bài 21 : Quy luật địa đới và quy luật phi địa đới :
1. Quy luật địa đới :
* Khái niệm : Quy luật địa đới là sự thay đổi có quy luật của tất cả các thành phần địa lí và cảnh quan theo vĩ độ (từ Xích đạo đến cực).
* Nguyên nhân : do Trái Đất có hình cầu dẫn đến góc nhập xạ của tia sáng mặt trời, nguồn năng lượng của tia sáng mặt trời đến bề mặt đất giảm dần từ Xích đạo về hai cực hình thành quy luật địa đới.
* Biểu hiện của quy luật địa đới :
- Sự phân bố các vòng đai nhiệt trên Trái Đất : Sự hình thành các vòng đai nhiệt trên Trái Đất không chỉ phụ thuộc vào lượng bức xạ mặt trời tới bề mặt đất, mà còn phụ thuộc vào các nhân tố khác. Vì thế ranh giới các vòng đai nhiệt được phân biệt theo các đường đẳng nhiệt. Từ Bắc cực đến Nam cực có bảy vòng đai nhiệt sau :
+ Vòng đai nóng nằm giữa hai đường đẳng nhiệt năm +20ºC của hai bán cầu (khoảng giữa hai vĩ tuyến 30ºB và 30ºN)
+ Hai vòng đai ôn hòa ở hai bán cầu nằm giữa các đường đẳng nhiệt năm +20ºC và đường đẳng nhiệt +10ºC của tháng nóng nhất.
+ Hai vòng đai lạnh ở các vĩ độ cận cực của hai bán cầu, nằm giữa đường đẳng nhiệt +10ºC và 0ºC của tháng nóng nhất.
+ Hai vòng đai băng giá vĩnh cửu bao quanh cực, nhiệt độ quanh năm đều dưới 0ºC.
- Các đai khí áp và các đới gió trên Trái Đất :
+ Có 3 đai khí áp thấp (1 đai ở Xích đạo và 2 đai ở ôn đới).
+ Có 4 đai khí áp cao ở chí tuyến và cực.
+ Có 6 đới gió : 2 đới gió Mậu dịch, 2 đới gió Tây ôn đới, 2 đới gió Đông cực.
- Các đới khí hậu trên Trái Đất : Khí hậu được hình thành bởi bức xạ mặt trời, hoàn lưu khí quyển và mặt đệm. Song, các nhân tố này đều thể hiện rõ quy luật địa đới, vì thế chúng đã tạo ra các đới khí hậu. Mỗi bán cầu có 7 đới khí hậu : Xích đạo, cận xích đạo, nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới, cận cực, cực.
- Các nhóm đất và các kiểu thảm thực vật : 
+ Có 10 nhóm đất : Băng tuyết ; đất đài nguyên ; đất pốt dôn ; đất nâu, xám rừng lá rộng ôn đới ; đất đen, hạt dẻ thảo nguyên, đồng cỏ núi cao ; đất đỏ nâu rừng và cây bụi lá cứng ; đất đỏ vàng cận nhiệt ẩm ; đất xám hoang mạc, bán hoang mạc ; đất đỏ, nâu đỏ xavan ; đất đỏ vàng (feralít), đen nhiệt đới.
+ Có 10 kiểu thảm thực vật : Hoang mạc lạnh ; đài nguyên ; rừng lá kim ; rừng lá rộng và rừng hỗn hợp ôn đới ; rừng cận nhiệt ẩm ; rừng và cây bụi lá cứng cận nhiệt ; hoang mạc, bán hoang mạc ; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao ; xavan, cây bụi ; rừng nhiệt đới, xích đạo.
2. Quy luật phi địa đới :
* Khái niệm : Quy luật phi địa đới là quy luật phân bố không phụ thuộc vào tính chất phân bố theo địa đới của các thành phần địa lí và cảnh quan.
* Nguyên nhân : Do nguồn năng lượng bên trong Trái Đất tạo nên. Nguồn năng lượng này đã tạo ra sự phân chia bề mặt Trái Đất thành lục địa, đại dương và địa hình núi cao.
* Biểu hiện của quy luật :
- Quy luật đai cao :
+ Khái niệm : Quy luật đai cao là sự thay đổi có quy luật của các thành phần tự nhiên theo độ cao địa hình.
+ Nguyên nhân : Do sự giảm nhanh nhiệt độ theo độ cao cùng với sự thay đổi về độ ẩm và lượng mưa ở miền núi.
+ Biểu hiện : Sự phân bố của các vành đai đất và thực vật theo độ cao.
- Quy luật địa ô :
+ Khái niệm : Quy luật địa ô là sự thay đổi có quy luật của các thành phần tự nhiên và cảnh quan theo kinh độ.
+ Nguyên nhân : Do sự phân bố đất liền và biển, đại dương làm cho khí hậu ở lục địa bị phân hóa từ đông sang tây, càng vào trung tâm lục địa, tính chất lục địa của khí hậu càng tăng. Ngoài ra còn do ảnh hưởng của các dãy núi chạy theo hướng kinh tuyến.
+ Biểu hiện : Sự thay đổi các kiểu thảm thực vật theo kinh độ.
è Các quy luật địa đới và phi địa đới không tác động riêng lẻ mà diễn ra đồng thời và tương hỗ lẫn nhau. Tuy nhiên, mỗi quy luật lại đóng vai trò chủ chốt trong từng trường hợp cụ thể, chi phối mạnh mẽ chiều hướng phát triển của tự nhiên.
Bài 24 : Phân bố dân cư. Các loại hình quần cư và đô thị hóa :
1. Phân bố dân cư :
* Khái niệm : Phân bố dân cư là sự sắp xếp dân số một cách tự phát hoặc tự giác trên một lãnh thổ nhất định, phù hợp với điều kiện sống và các yêu cầu của xã hội.
- Mật độ dân số : Số dân cư trú, sinh sống trên một đơn vị diện tích (thường là km²). Đơn vị tính mật độ dân số là người/km².
- Công thức : Số dânDiện tích lãnh thổ (người/km²)
* Đặc điểm :
- Mật độ dân số trung bình trên thế giới là 48 người/km².
- Phân bố dân cư có sự biến động theo thời gian : Sự phân bố dân cư có sự khác nhau qua các thời kì.
+ Thời kì 1650 – 2005 so với dân cư trên toàn thế giới : tỉ trọng của dân cư châu Á, châu Mĩ tăng ; tỉ trọng của dân cư châu Âu, châu Phi giảm ; Dân cư châu Đại Dương chiểm tỉ trọng nhỏ.
- Phân bố dân cư không đều trong không gian : Sự phân bố dân cư không đều giữa các khu vực trên thế giới.
+ Dân cư tập trung đông : Tây Âu, Nam Âu, Đông Nam Á,
+ Dân cư tập trung thưa thớt : Trung Phi, Bắc Mĩ, Nam Mĩ, châu Đại Dương,
* Các nhân tố ảnh hưởng đến phân bố dân cư : Phân bố dân cư là một hiện tượng xã hội có tính quy luật do tác động tổng hợp của hàng loạt nhân tố, trong đó nguyên nhân quyết định là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tính chất của nền kinh tế, sau đó mới đến các nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, lịch sử khai thác lãnh thổ, chuyển cư,
2. Đô thị hóa :
* Khái niệm : Đô thị hóa là một quá trình kinh tế - xã hội mà biểu hiện của nó là sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.
* Đặc điểm :
- Xu hướng tăng nhanh dân số thành thị.
+ Dân cư đô thị có xu hướng tăng nhanh từ 13,6% năm 1900 đến năm 2005 là 48%.
+ Dân cư nông thôn giảm mạnh từ 84,6% năm 1900 còn 52% năm 2005.
- Dân số tập trung vào các thành phố lớn và cực lớn : Số lượng các thành phố có số dân trên 1 triệu người ngày càng nhiều. Hiện nay trên thế giới có trên 270 triệu thành phố từ 1 triệu dân trở lên, 50 thành phố có số dân từ 5 triệu trở lên.
+ Nơi có tỉ lệ dân thành thị cao nhất (trên 70%) : châu Mĩ, châu Đại Dương, Tây Âu, Liên bang Nga,
+ Nơi có tỉ lệ dân thành thị thấp nhất (dưới 25%) : một số nước ở châu Phi, Đông Á, Đông Nam Á,
- Phổ biến rộng rãi lối sống thành thị trong dân cư : Quá trình đô thị hóa làm cho lối sống của dân cư nông thôn nhích gần lối sống thành thị về nhiều mặt.
* Ảnh hưởng của đô thị hóa dến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường :
- Tích cực :
+ Góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.
+ Làm thay đổi sự phân bố dân cư và lao động, thay đổi các quá trình sinh, tử và hôn nhân ở các đô thị.
- Tiêu cực :
+ Nếu không xuất phát từ công nghiệp hóa, không phù hợp, cân đối với quá trình công nghiệp hóa, thì việc chuyển cư ồ ạt từ nông thôn ra thành phố sẽ làm cho nông thôn mất đi một phần lớn nhân lực.
+ Nạn thiếu việc làm, nghèo nàn ở thành phố ngày càng phát triển, điều kiện sinh hoạt ngày càng thiếu thốn, môi trường bị ô nghiễm nghiêm trọng, từ đó dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội.
Bài 27 : Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố nông nghiệp. Một số hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp.
1. Vai trò và đặc điểm của nông nghiệp :
- Vai trò : Có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội loài người, không ngành nào có thể thay thế được
+ Cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người.
+ Đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.
+ Sản xuất ra những mặt hàng có giá trị xuất khẩu, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ.
- Đặc điểm :
+ Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu và không thể thay thế.
+ Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các cây trồng và vật nuôi.
+ Sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ.
+ Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
+ Trong nền kinh tế hiện đại, nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa.
2. Các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển và phân bố nông nghiệp :
* Tự nhiên :
- Đất (quỹ đất, tính chất đất, độ phì) : ảnh hưởng đến quy mô sản xuất, năng suất, cơ cấu và sự phân bố của động vật nuôi, phải sử dụng hợp lí và tiết kiệm đất, duy trì và nâng cao độ phì của đất.
- Khí hậu – nước (chế độ nhiệt, ẩm, mưa ; các điều kiện thời tiết ; nước trên mặt, nước ngầm) : ảnh hưởng đến khả năng xen canh, tăng vụ, thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
- Sinh vật (loài cây, con ; đồng cỏ ; nguồn thức ăn tự nhiên) :
+ Là cơ sở tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi.
+ Ảnh hưởng đến khả năng xen canh, tăng vụ, thời vụ, ảnh hưởng đến sự phát triển chăn nuôi, cơ cấu vật nuôi.
è Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên là tiền đề cơ bản để phát triển và phân bố nông nghiệp.
* Kinh tế - xã hội :
- Dân cư – lao động : vừa là lực lượng sản xuất trực tiếp vừa là nguồn tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng tới cơ cấu và sự phân bố cây trồng, vật nuôi.
- Sở hữu ruộng đất : quan hệ sở hữu Nhà nước, tập thể, tư nhân về ruộng đất.
- Tiến bộ khoa học – kĩ thuật trong nông nghiệp (cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa, cách mạng xanh và công nghệ sinh học) : nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng, chủ động trong sản xuất.
- Thị trường tiêu thụ (trong nước, ngoài nước) : ảnh hưởng tới giá cả nông sản, điều tiết sản xuất và hướng chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp.
3. Một số hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp :
* Trang trại :
- Trang trại là hình thức sản xuất cơ sở trong nông nghiệp, được hình thành và phát triển trong thời kì công nghiệp hóa, thay thế cho kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc.
- Mục đích : sản xuất hàng hóa với cách tổ chức và quản lí sản xuất tiến bộ dựa trên chuyên môn hóa và thâm canh.
* Vùng nông nghiệp :
- Vùng nông nghiệp là hình thức cao nhất của tổ chức lãnh thổ nông nghiệp. Đây là những lãnh thổ sản xuất nông nghiệp tương đối đồng nhất về các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội.
- Mục đích : Phân bố hợp lí cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng chuyên môn hóa nông nghiệp.
* Tại sao đối với nhiều nước đang phát triển, đông dân, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu ?
- Nông nghiệp không cần trình độ cao.
- Nông nghiệp cung cấp lương thực cho nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
- Cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.
- Hạn chế tối đa việc nhập khẩu lương thực từ các nước khác, đồng thời hướng ra xuất khẩu để thu về nguồn ngoại tệ lớn.
- Tạo việc làm cho hơn 40% lao động trên toàn thế giới.
- Góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, xã hội.

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_cuong_on_tap.docx