Bài dự thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam" - Trường THCS Bình Thanh

doc 10 trang Người đăng duyenlinhkn2 Ngày đăng 26/07/2022 Lượt xem 320Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Bài dự thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam" - Trường THCS Bình Thanh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài dự thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam" - Trường THCS Bình Thanh
BÀI DỰ THI “TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐẶC BIỆT 
VIỆT NAM – LÀO, LÀO – VIỆT NAM
 Họ tên: 
Địa chỉ: Trường THCS Bình Thanh
MỘT SỐ BIỂU HIỆN SINH ĐỘNG CỦA MỐI QUAN HỆ ĐOÀN KẾT, GẮN BÓ, THỦY CHUNG SON SẮT CỦA HAI DÂN TỘC VIỆT NAM - LÀO DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA HAI ĐẢNG, HAI NHÀ NƯỚC TRONG NHỮNG NĂM QUA
Từ khi Đảng Nhân dân cách mạng Lào được thành lập năm 1955, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam càng được phát huy mạnh mẽ và biểu hiện hết sức sinh động trên tất cả các lĩnh vực, không ngừng nâng cao theo sự phát triển của phong trào cách mạng của hai nước. Trong những lúc cam go, gian khổ nhất, cán bộ, đảng viên, quân và dân hai dân tộc vẫn sát cánh bên nhau với nghĩa tình “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng chung và vì nền độc lập tự do của mỗi nước. Trong giai đoạn hoà bình với nhiều điều kiện thuận lợi, hai dân tộc cũng không ngừng vun đắp mối quan hệ đoàn kết, thủy chung, son sắt để cùng nhau tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Bài dự thi này xin nêu một số biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, thủy chung son sắt của hai dân tộc Việt Nam - Lào dưới sự lãnh đạo của hai đảng, hai nhà nước trong những năm qua:
1. Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, quân dân các dân tộc Việt Nam - Lào đoàn kết bên nhau, chung sức, chung lòng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Sau Hiệp định Giơnevơ, theo yêu cầu của Chính phủ Kháng chiến Lào, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định để lại một bộ phận chuyên gia tiếp tục giúp đỡ cách mạng Lào. Tổng số chuyên gia gồm 964 đồng chí. Đây là lực lượng rất quan trọng đối với cách mạng Lào sau ngày đình chiến.
Thực hiện đề án đấu tranh ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ (là căn cứ tập kết của lực lượng cách mạng Lào), được sự chỉ đạo phối hợp của Ban cán sự miền Tây, chuyên gia quân sự Việt Nam đã giúp đỡ bạn xây dựng hai tỉnh thành các khu chiến đấu liên hoàn, đáp ứng tình hình thực tế của từng địa bàn, khả năng tổ chức, quản lý của cán bộ Lào, đồng thời đề phòng chiến sự lan rộng. Trong trường hợp bị chia cắt, từng khu có thể đảm bảo độc lập tác chiến; đồng thời giúp bạn triển khai các mặt công tác chuẩn bị chiến trường, củng cố cơ sở ở các địa phương tạo địa bàn vững chắc, ngăn chặn địch tấn công. Nhờ đó, lực lượng Pathết Lào không chỉ đẩy lùi các đợt tấn công lấn chiếm của quân đội Vương quốc Lào, mà còn mở trận đánh lớn thu thắng lợi, diệt được nhiều địch và mở rộng vùng giải phóng, làm nức lòng nhân dân hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ.
Sau khi thành lập Chính phủ liên hiệp Lào lần thứ nhất, Việt Nam đã nhận đào tạo 330 cán bộ của Pa Thết Lào, nhằm chuẩn bị lực lượng cho phong trào cách mạng cả nước. Bức thư của Ban chỉ đạo Đảng Nhân dân Lào gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định: “Trong kháng chiến cũng như trong đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước, cách mạng Lào luôn được sự giúp đỡ tận tình của cách mạng Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam. Sỡ dĩ cách mạng Lào giành được thắng lợi to lớn đó...cũng do sự đóng góp quan trọng của đồng chí và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã hết lòng giúp đỡ chúng tôi trong mỗi giai đoạn của cách mạng”.
Mặc dù Chính phủ liên hiệp với mục tiêu đem lại hòa bình cho nước Lào đã được thành lập nhưng đế quốc Mỹ và tay sai vẫn ra sức thi hành chính sách khủng bố đối với cán bộ cách mạng và những người có tư tưởng hòa bình, tiến bộ. Nhiều cán bộ và thường dân Lào ở các tỉnh biên giới chạy sang Việt Nam lánh nạn. Để tạo điều kiện giúp cách mạng Lào, ngày 13-12-1958, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra Chỉ thị 120-CT/TW, nêu rõ: Hết lòng giúp đỡ cho số cán bộ và thường dân Lào vì tránh khủng bố mà chạy sang biên giới ta về mọi mặt tinh thần, vật chất theo khả năng của ta. Nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng này, tại Quảng Trị, khi Tỉnh ủy Savẳnnakhệt phải sang đóng ở A Vao (Hướng Hoá), bạn được Tỉnh ủy Quảng Trị, nhân dân các dân tộc Hướng Hoá bảo vệ, cung cấp lương thực, thực phẩm suốt trong thời gian lực lượng Pathet Lào bị bọn phản động Phu Mi và Cà Tày (thân Mỹ) trở mặt phá bỏ Hiệp định Giơnevơ, truy lùng, khủng bố. Quảng Trị đã trở thành căn cứ địa, hậu phương vững chắc của tỉnh bạn. Ở Thái Nguyên, trong lúc tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, học sinh Lào ở đây vẫn được cung cấp đủ tiêu chuẩn phụ cấp. Những việc làm tình nghĩa này càng làm cho quan hệ vừa là đồng chí vừa là anh em giữa hai Đảng, hai dân tộc thêm keo sơn, gắn bó.
Về quân sự, Việt Nam không chỉ sát cánh bên bạn trong thời kỳ đầu củng cố, phát triển lực lượng, xây dựng hậu cứ, cung cấp vũ khí, quân trang mà còn phối hợp với bộ đội PaThết Lào đánh địch giành thắng lợi oanh liệt. Từ ngày 18- 8 đến 15-9-1959, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với các đơn vị PaThết Lào mở đợt hai hoạt động trong mùa mưa. Trong đợt hoạt động này, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam (chủ yếu là lực lượng quân khu 4 tác chiến ở các tỉnh Xiêng Khoảng, Liên huyện 90 và Khăm Muộn) đã vận dụng nhiều hình thức tác chiến linh hoạt như phục kích, tập kích, bao vây, bắn tỉa, địch vận, phá hoại cầu đường, đốt kho tàng địch, đánh cứ điểm bằng đặc công kết hợp hoả lực...Đi đôi với tác chiến, các đơn vị tình nguyện Việt Nam đã tích cực giúp Lào củng cố cơ sở, phát động nhân dân ủng hộ kháng chiến, tham gia các lực lượng dân quân tự vệ chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng. Các đơn vị tình nguyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng PaThết Lào và nhân dân địa phương đánh 40 trận, giải phóng thêm 13 điểm. Sau đợt hoạt động này, các tiểu đoàn 1, 2, 4 PaThết Lào được lệnh rút ra hoạt động ở biên giới Việt - Lào, sau đó sang tập trung ở huyện Yên Lập (Phú Thọ) để chấn chỉnh lực lượng. Theo yêu cầu của Trung ương Neo Lào Hắc Xạt, Bộ Quốc phòng Việt Nam giúp xây dựng tiểu đoàn 1 và 2 PaThết Lào thành hai tiểu đoàn chủ lực mạnh, quân số mỗi tiểu đoàn từ 650 đến 700 chiến sĩ; đồng thời bổ sung vũ khí, trang bị và cử các tổ chuyên gia giúp hai tiểu đoàn về quân sự, chính trị và chuyên môn kỹ thuật.
Khi cuộc kháng chiến của hai dân tộc ngày càng phát triển, các trận đánh phối hợp giữa quân tình nguyện Việt Nam với bộ đội PaThết Lào ngày càng có quy mô lớn hơn, nhịp nhàng và chặt chẽ hơn. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), Việt Nam đã chi viện pháo binh cho PaThết Lào, đồng thời tăng cường hoạt động uy hiếp Thà Khẹc, giúp bạn bảo vệ thủ đô Viêng Chăn trước sự tấn công của địch. Cuối năm 1960, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bạn giải phóng Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, nối liền với Sầm Nưa, tạo căn cứ địa vững chắc để Chính phủ hợp pháp của Hoàng thân Xuvănna Phuma đặt trụ sở chính thức ở Khăng Khay (Xiêng Khoảng).
Trên cơ sở thoả thuận giữa hai Đảng, ngày 9-1-1961, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam xác định nhiệm vụ quốc tế của chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Lào trong 5 năm 1961-1965 là: Giúp đỡ các lực lượng vũ trang cách mạng Lào về chuyên gia quân sự, đào tạo cán bộ; củng cố, xây dựng vùng giải phóng và phát triển lực lượng vũ trang của bạn; khi bạn có yêu cầu, tổ chức bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu với bộ đội bạn.
Trung ương Đảng hai nước cũng xác định: Lực lượng PaThết Lào cần phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam, kiên quyết đập tan các hoạt động phiêu lưu quân sự của địch, giữ vững vùng giải phóng và các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng Lào trong mọi tình huống.
Căn cứ nhiệm vụ trên, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định biên chế thời chiến cho Sư đoàn 325, Lữ đoàn 341, Trung đoàn 224 thuộc Quân khu 4; Lữ đoàn 316, Lữ đoàn 335 và Trung đoàn 148 thuộc Quân khu Tây Bắc, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào.
Trên tinh thần đó, các trận đánh phối hợp giữa hai bên ngày càng đạt hiệu quả cao, thu thắng lợi giòn giã trên các chiến trường như cuộc tiến công giải phóng đường 8, giải phóng huyện Xê Pôn (Savẳnnakhệt), đẩy lùi các đợt tấn công của địch vào Xiêng Khoảng. Tiêu biểu là chiến dịch Nặm Thà năm 1962, do Bộ tư lệnh chiến dịch Nặm Thà trực tiếp chỉ huy với sự tham gia của các tướng lĩnh Việt Nam - Lào. Chiến dịch Nặm Thà đã làm xoay chuyển tình thế có lợi cho cách mạng Lào, có ý nghĩa quan trọng về quân sự và chính trị. Liên quân Lào - Việt không chỉ tiêu diệt được một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch vừa mới xây dựng, mà còn giáng đòn mạnh về chính trị, đánh vào âm mưu của Mỹ và chính quyền tay sai Phumi Nôxavẳn, làm cho tinh thần đội quân đánh thuê thêm hoang mang, dao động. Uy tín của Neo Lào Hắc Xạt, quân đội PaThết Lào được nâng cao, khu giải phóng mở rộng thành căn cứ liên hoàn đến tận biên giới Trung Quốc.
Sau Hiệp định Giơnevơ về Lào năm 1962, thực hiện cam kết của mình, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam và đại bộ phận chuyên gia quân sự về nước. Thời gian này, Chính phủ liên hiệp Lào đã lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, tuy vậy, Hoàng thân Xuvanuvông vẫn khẳng định: Người bạn cùng sống chết, chung một chiến hào với ta chỉ có Việt Nam.
Năm 1963, tình hình cách mạng Lào gặp khó khăn do đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai lật lọng âm mưu xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ. Trước yêu cầu của bạn, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam lại cử chuyên gia và quân tình nguyện sang giúp đỡ. Điều đáng trân trọng, biểu hiện tình cảm thủy chung giữa quân và dân hai nước là đoàn chuyên gia Việt Nam phần lớn là các đồng chí đã từng hoạt động, chiến đấu trên đất bạn thời gian trước.
Cuối năm 1964, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào mở “cuộc vận động thu phục phỉ” nhằm ổn định vùng giải phóng. Việt Nam đã giúp Lào các sản phẩm thiết yếu như muối, vải, quần áo, thuốc men; đồng thời tại Lào, các đơn vị tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã sát cánh cùng quân, dân Lào triển khai có hiệu quả cuộc vận động trên. Nhiều ổ phỉ lâu đời bị giải tán, tạo sự ổn định mọi mặt cho các vùng giải phóng.
Từ năm 1965, liên minh chiến đấu Việt - Lào sát cánh bên nhau đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam và chiến lược “chiến tranh đặc biệt” tăng cường của đế quốc Mỹ tại Lào.
Trước tình hình đế quốc Mỹ đánh phá vùng giải phóng Lào quyết liệt, đồng thời mở các chiến dịch ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường Hồ Chí Minh; dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào không quản gian khổ, hy sinh chiến đấu anh dũng, kiên cường cùng quân, dân Lào bảo vệ vùng giải phóng, tuyến hành lang chiến lược và mở các chiến dịch tấn công địch giành thắng lợi to lớn. Có những cuộc chiến đấu diễn ra gay go, ác liệt, lực lượng tuy mỏng nhưng quân tình nguyện Việt Nam vẫn đặt lên trên hết nhiệm vụ bảo vệ nhân dân các bộ tộc Lào. Năm 1969, quân tình nguyện Việt Nam cùng Pa Thết Lào tổ chức chiến dịch phản công cuộc hành quân Cù Kiệt đánh ra Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng của địch. Tại khu vực điểm cao 1505, Lạt Huồng, sau khi địch dùng trực thăng đổ quân xuống chiếm Phu Tôn, Cang Xẻng - Phu Hủa Xàng, chúng dùng cối 106,7 ly và pháo 105mm từ trung tâm Cánh đồng Chum bắn phá ác liệt các điểm cao xung quanh. Tiểu đoàn 924 thuộc Trung đoàn 866 quân tình nguyện Việt Nam đã kiên quyết giữ vững cao điểm 1505, Bạn Thặm, đồng thời giúp nhân dân và cơ quan bạn sơ tán ra khỏi khu vực. Tuy lực lượng chiến đấu có hạn nhưng các đại đội vẫn cử ra một số tổ công tác để hướng dẫn và giúp dân sơ tán. Trong bom đạn ác liệt, bộ đội tình nguyện đã chiến đấu quên mình, giúp đỡ nhân dân, nhường áo xẻ cơm, sẵn sàng xông pha vào những nơi nguy hiểm để bảo vệ nhân dân. Ở xưởng may của tỉnh Xiêng Khoảng, khi địch càn đến gần, anh chị em công nhân được lệnh di chuyển nhưng có một chị tàn tật không đi được phải bò vào rừng lán nạn. Biết tin đó, tổ công tác của trong đoàn đã vào rừng tìm kiếm, cứu được chị đưa về nơi sơ tán an toàn. Trong những ngày ác liệt này, bộ đội Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở Đảng, chính quyền đưa hơn 16.000 dân và gia đình cán bộ sơ tán qua Mường Xéng, Kỳ Sơn (Nghệ An). Nhân dân Nghệ An nhiệt tình đón tiếp, nhường áo xẻ cơm, cùng nhân dân Lào xây dựng nhà cửa, bệnh xá, trường học, ổn định cuộc sống nơi sơ tán. Những tấm gương sáng, quên mình của bộ đội tình nguyện, sự đón tiếp tận tình của nhân dân Nghệ An trong những ngày gian khó này đã góp phần làm cho tình đoàn kết chiến đấu của quân dân Việt Nam - Lào càng thêm keo sơn, gắn bó.
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là minh chứng vô cùng sống động về mối quan hệ Việt - Lào thắm thiết, ruột thịt. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng hai nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, đồng bào các bản, làng, mường Việt Nam và Lào trên địa bàn dự kiến sẽ diễn ra chiến dịch đã tham gia hết sức hăng hái vào mọi công việc chuẩn bị. Ngày ngày, trên khắp những nẻo đường hành quân, nhân dân Quảng Trị cùng nhân dân các bộ tộc Lào không quản mưa rừng, thác lũ sát cánh cùng các đơn vị bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong bạt núi, mở đường, đào đắp, vận chuyển hàng vạn mét khối đất đá, xây dựng cầu cống; truy bắt lực lượng thám báo địch bảo vệ sự an toàn và bí mật cho chiến dịch; tích cực tham gia xây dựng các trận địa bắn máy bay và vận chuyển các loại vũ khí, đạn dược, hàng hóa vào các vị trí tập kết đúng kế hoạch. Xe trâu, xe bò, xe đạp thồ...là cả gia tài đối với đồng bào nơi đây nhưng khi cách mạng cần, bà con sẵn sàng đóng góp để phục vụ yêu cầu vận chuyển đạn được, quân trang, quân nhu...Những chàng trai, cô gái Vân Kiều, Pa Cô và các bộ tộc Lào cùng trang lứa với sức trẻ và lòng nhiệt huyết cách mạng đã đưa năng suất gùi thồ lên 90-100kg mỗi chuyến. Nhiều người tuy sức khoẻ yếu hay vừa chữa lành vết thương vẫn xung phong đi phục vụ chiến dịch; có em nhỏ mới 13-14 tuổi đã tình nguyện đóng góp sức mình vào việc khuân vác, chặt cây ngụy trang mặt đường, làm liên lạc... Đang làm nương rẫy, dân bản thấy bộ đội hành quân liền tìm cách gây tiếng ồn để át tiếng động của các đoàn quân, tránh sự phát hiện của thám báo địch. Thi thoảng, người dân ra bờ suối vắng thấy những vết chân bộ đội in trên cỏ ướt đã bảo nhau lùa trâu, bò ra để xáo trộn, xoá đi. Một số đồng bào bị địch bắt, chúng dụ dỗ, mua chuộc hay tra tấn dã man, vẫn kiên quyết không khai báo, sắt son một lòng một dạ trung thành với cách mạng.
Khi chiến dịch diễn ra ác liệt, trước yêu cầu phục vụ chiến trường, bà con dân tộc Việt Nam và Lào nơi đây tiếp tục tự nguyện phối hợp với cùng các lực lượng vận tải tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ bộ đội. Có những đoạn đường địch đánh phá dữ dội suốt ngày đêm, nhưng từng đoàn người gùi lương, tải đạn vẫn không ngừng toả đi các hướng về nơi bộ đội đang chờ. Nhiều nơi, đồng bào tự nguyện chỉ ăn củ mài và rau rừng, dành cho các chiến sĩ những hạt gạo, lát sắn, củ khoai cuối cùng để “ăn no mà đánh thắng giặc Mỹ”.
Từng đoàn dân công là con em các dân tộc ngày đem gùi lương, tải đạn ra chiến trường, rồi lại tham gia vận chuyển thương binh về tuyến sau. Nhiều thôn, bản thành lập các đội đi tìm kiếm chôn cất cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Bom đạn địch chà xát, tàn phá nhà cửa, nương rẫy nhưng không thể nào làm phai nhạt tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc, tình quân dân thắm thiết, thủy chung. Đó là nhân tố làm nên chiến thắng đường 9 - Nam Lào vang dội của quân và dân hai nước.
Tinh thần đoàn kết, tình cảm thủy chung, gắn bó keo sơn của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Việt Nam với dân tộc Lào anh em đã được Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu rõ: Nhiều đồng chí Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Sầm Nưa, Cánh đồng Chum...Nhiều cán bộ Việt Nam đã sang Lào hoạt động từ lúc cách mạng mới bắt đầu cho đến khi tóc đã bạc, coi nhân dân Lào như nhân dân của mình, coi sự nghiệp cách mạng Lào như sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đối với Việt Nam, sự hết lòng yêu quý, giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào luôn là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội tình nguyện và các chuyên gia Việt Nam. Đặc biệt, nhân dân Lào đã cùng chia sẻ với nhân dân Việt Nam trước bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, tạo mọi điều kiện để bộ đội Việt Nam mở đường Trường Sơn và mở các chiến dịch lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là biểu hiện vô cùng sinh động mối quan hệ đoàn kết, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
Tháng 9-1959, theo yêu cầu của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập đoàn 959 chuyên gia giúp Lào ở mặt trận Hạ Lào. Cũng trong thời gian này, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đoàn 559 với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vật chất, đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam, đồng thời vận chuyển vào bảo đảm hậu cần cho đoàn 959 chuyên gia ở Lào và vận chuyển vật chất giúp bạn Lào.
Khi phát hiện ra tuyến đường vận tải chiến lược quan trọng này, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã kết hợp các lực lượng không quân, bộ binh với phương tiện chiến tranh hiện đại liên tục đánh phá. Các đơn vị vận tải bị kẹt lại, không qua được đường 9. Trước tình hình đó, trên cơ sở quan hệ truyền thống vốn có giữa hai dân tộc, yêu cầu khách quan cần gấp rút chi viện cho chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia, hai Đảng, hai Chính phủ thống nhất mở thêm đường phía Tây Trường Sơn chạy trên đất Lào. Từ tháng 4-1961, dưới sự giúp đỡ của các đơn vị tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng Lào đã mở nhiều đợt hoạt động quân sự ở miền Trung và Hạ Lào, giải phóng một vùng rộng lớn từ Căm Cớt, Lắc Xao đến Mường Phìn, Sê Pôn, Bản Đông, nối đường 12 với đường 9, nhanh chóng tạo thành một hành lang dài và rộng theo chiều Đông - Tây. Toàn bộ 6 mường của Lào ở Bắc và Nam đường số 9 được giải phóng.
Năm 1963, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục đưa quân bao vây, đồng thời đánh phá quyết liệt tuyến vận tải phía đông Trường Sơn. Trước tình hình đó, được sự lãnh đạo của hai Đảng, quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa Thết Lào quyết định mở chiến dịch 128 giải phóng toàn bộ vùng cao nguyên Trung Lào có biên giới chung với Việt Nam dài trên 700km. Thắng lợi của chiến dịch 128 đã tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển toàn bộ đường vận tải sang hướng Tây trên đất Lào.
Trong quá trình này, bộ đội tình nguyện, đoàn chuyên gia cố vấn Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thường xuyên phối hợp với quân khu Trung - Hạ Lào, Đảng bộ và chính quyền 7 tỉnh có đường Hồ Chí Minh xuyên qua tổ chức khảo sát địa hình, phối hợp mở đường và chiến đấu bảo vệ căn cứ và tuyến đường chiến lược, tổ chức đánh địch tại chỗ, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện để tuyến đường được mở rộng và phát triển.
Để có con đường chiến lược với hơn 20.000km, các chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong và nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào đã đổ bao mồ hôi, xương máu, của cải và hàng ngàn người đã ngã xuống để xây dựng, bảo vệ và vận chuyển hàng hóa, nhân lực phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ của hai nước Việt - Lào.
Đối với cách mạng và nhân dân Lào, từ khi mới hình thành cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh đi qua 17 mường (huyện) ở Trung và Nam Lào với tổng chiều dài hàng ngàn km. Trong 16 năm (1959-1975), đế quốc Mỹ đã rải xuống các cánh rừng dọc tuyến đường hàng triệu tấn bom các loại, hàng ngàn tấn chất độc hóa học và nhiều thiết bị điện tử tinh vi nhằm phát hiện, ngăn chặn lực lượng vận tải chiến lược. Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Nam Việt Nam, Lào, Campuchia còn sử dụng lực lượng lớn quân đội và vũ khí đánh vào các vùng thuộc hành lang của tuyến đường, quy mô lớn nhất là chiến dịch Lam Sơn 719 với 20.000 quân Sài Gòn cùng sự yểm trợ của 9.000 quân Mỹ, 2.000 máy bay các loại đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào. Riêng năm 1969, máy bay Mỹ đã đánh phá hàng nghìn trận vào 180 bản làng của đồng bào các dân tộc Lào dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, thiêu hủy 845 nóc nhà, giết hại 482 người, làm bị thương 344 người, phá 337 nương rẫy. Bất chấp sự hủy diệt tàn bạo và những âm mưu thâm độc của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo

Tài liệu đính kèm:

  • docbai_du_thi_tim_hieu_lich_su_quan_he_dac_biet_viet_nam_lao_la.doc