Bài dự thi Em yêu lịch sử Việt Nam Họ và tên : Dương Xuân Hùng Lớp : 8A Trường : THCS Bắc Hồng Huyện : Đông Anh Tỉnh : Hà Nội Bài làm Câu 1: Xin chào tất cả các quý khách có mặt trên chuyến xe ngày hôm nay! Chúng tôi vui mừng được đón quý khách tham gia chương trình du lịch văn hóa mang tên “Hà Nội, những dấu ấn vàng son”.Đầu tiên tôi xin tự giới thiệu, tôi là Xuân Hùng, hướng dẫn viên công ty X. Như trưởng đoàn đã giới thiệu quý khách ở trên. Điểm du lịch đầu tiên của chúng ta hôm nay là phố cổ Hà Nội Như chúng ta đã biết, phố cổ Hà Nội là một nơi mang đậm nét sầm uất hoài cổ của đô thị xưa. Và nó làm ta nhớ đến những vần thơ trữ tình của Dương Quảng Hàm, trong cuốn Việt Nam thi văn hợp tuyển: Rủ nhau chơi khắp Long Thành Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai ... Thưa quý khách, khu “Hà Nội 36 phố phường” là một cách gọi không chính xác của khu phố cổ, vì 36 phố phường là một cách gọi ước lệ khu vực đô thị cổ, nằm bên trong và bên ngoài cả khu phố cổ. Đây là một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở ngoài hoàng thành Thăng Long. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Ngày nay khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Khu Phố cổ Hoàn Kiếm là nơi hội tụ 36 phố phường có bề dày gần một ngàn năm lịch sử của một khu đô thị buôn bán sầm uất. Khu phố mang đậm trong mình những dấu vết lịch sử. Các phố mang tên các mặt hàng được sản xuất hoặc bày bán ở đó: phố Hàng Bông, phố Hàng Gai, phố Lò Rèn, phố Hàng Đường, Mạng lưới đô thị phản ánh cơ cấu tổ chức thành thị cổ xưa gồm 36 phường nghề . Cơ cấu này về mặt không gian và xã hội là hiện thân của một di sản phi vật chất đặc biệt, duy trì các nghề cổ và giới thiệu nhiều hoạt động mang tính chất truyền thống tại các khu phố. Vì vậy, khu đô thị rất náo nhiệt với việc các thợ thủ công làm việc hay bán hàng trên phố hay trong các nhà hàng nhỏ, người bán hàng với nhiều loại mặt hàng và các cửa hàng được bày bán trên vỉa hè. Không những vậy, vẫn còn một di sản giàu kiến trúc đang tồn tại. Nhiều ngôi nhà cổ như những ngôi nhà ở có nhiều giá trị, đình, đền thờ và nhiều ngôi chùa đã minh chứng cho điều đó. Kiến trúc của khu phố cổ được thể hiện đặc biệt qua 3 phong cách: cách xây dựng theo kiểu truyền thống của Việt Nam hoặc Trung Quốc, kiến trúc thuộc địa kiểu Pháp và phong cách nghệ thuật trang trí. Phố cổ Hà Nội - nơi mà từng chút rêu phong lặng lẽ nằm lại ở những ngách nhỏ nắng không rọi tới, nơi hàng ngày vẫn chật ních những người xe qua lại mà không lưu lại chút nào dấu chân của khách bộ hành. Người Hà Nội vẫn tự hào về những con phố nao nao nỗi nhớ ấy, như một chút dư vị được chắt lọc, còn lắng lại của một "Hà Nội ngây ngất nắng. Một Hà Nội run run heo may" đã bắt đầu vươn mình thay đổi từng ngày. Khu phố cổ Hà Nội đã được hình thành từ thời Lý – Trần vào thế kỉ X, khi vua Lý Cổng Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên kinh thành là Thăng Long. Vị trí phố cổ Hà Nội nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Năm1995, nhà nước qui hoạch lại, khu phố cổ Hà Nội có phạm vi được xác định: phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm với tổng diện tích khoảng 100 ha, gồm 76 tuyến phố thuộc 10 phường: phường Hàng Đào, Hàng Bạc, , Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. Tổng thể khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo với khối không gian nhỏ bé, hình thức kiến trúc mặt đứng, những tuyến phố nhỏ hẹp, nối sát nhau, có thể đi thông từ phố nọ sang phố kia mà ca dao đã từng viết: " Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ". Một đặc trưng nữa của khu phố cổ Hà Nội là kiến trúc nhà cổ và nhà hình ống, với các lớp mái ngói "lô xô "nghiêng rêu phong, cổ kính, mặt tiền là cửa hàng buôn bán, tạo nên một tổng thể cảnh quan kiến trúc đặc trưng của đô thị cổ tiêu biểu với kiến trúc truyền thống của người Việt đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra còn đan xen những biệt thự theo kiến trúc Châu Âu được người Pháp xây dựng từ thế kỉ 19, tạo cho kiến trúc phố cổ càng thêm đa dạng. Do phố cổ Hà Nội tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, nên hình thành những phố nghề đặc trưng mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Sản phẩm được buôn bán đã trở thành tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước như Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối... Ngày nay, sau hàng thế kỉ, phố cổ Hà Nội không còn bán chỉ bán những mặt hàng đặc trưng như trước trừ Hàng Mã, Hàng Đồng, Hàng tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc, cộng với việc nhiều khách sạn lớn, nhỏ mọc lên đáp ứng nhu cầu du lịch khiến phố cổ phần nào mất dần nét đẹp cổ kính ấy. Cảnh quan phố cổ Hà Nội hài hòa với nhà ở, đường phố đan xen công viên, vườn hoa, hồ nước mang lại không khí trong lành, thơ mộng cho không gian phố cổ. Phố cổ Hà Nội còn hấp dẫn chúng ta bởi những giá trị văn hoá chứa đựng trong khoảng 100 công trình kiến trúc lâu đời gồm đình, đền, chùa, hội quán. Đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm là điển hình trong các di tích lịch sử và văn hoá, được coi là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long. Người dân phố cổ phần lớn làm nghề kinh doanh. Cuộc sống của họ đầy náo nhiệt, đầy sức sống, không ngừng chuyển động nhưng cũng rất nên thơ. Cứ vào dịp cuối tuần, khi màn đêm buông xuống, tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân kết nối với chợ đêm Đồng Xuân đã tạo thành một không gian đi bộ phố cổ về đêm dài gần 3km. Đây thực sự đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, khai thác được nét văn hóa phố cổ đồng thời tạo điều kiện cho du khách khám phá Hà Nội về đêm. Hòa vào dòng người đi bộ trong không gian phố cổ và mua sắm hàng lưu niệm, hàng tiêu dùng tại chợ, hoặc thưởng thức ẩm thực đặc trưng của người Hà Nội mới cảm nhận được sức hấp dẫn của chợ đêm và phố cổ về đêm. Song ngay cạnh những dãy hàng náo nhiệt, ta vẫn cảm nhận được một đêm phố cổ trầm mặc qua những căn nhà nhỏ lô xô nằm nép mình vào nhau gợi lên cảm giác xa xưa, hoài cổ. Nói về giá trị văn hóa và du lịch, phố cổ Hà Nội chính là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội lớn của thủ đô. Từ lâu, phố cổ Hà Nội đã là lựa chọn của nhiều du khách trong nước và quốc tế , khi tới thăm Thủ đô. Trong con mắt của hầu hết du khách, phố cổ Hà Nội là di sản hiếm có, là một thực thể sống còn sót lại qua thử thách của thời gian, thăng trầm lịch sử đáng tự hào. So với phố cổ Hội An - vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa, là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế. Phố cổ Hà Nội là một di sản kiến trúc quí báu mang đậm bản sắc truyền thống văn hoá của dân tộc, là niềm tự hào và xứng đáng tượng trưng cho cốt cách linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, là tấm gương phản chiếu lịch sử, kiến trúc và đời sống đô thị Hà Nội qua các thời kỳ. Do đó cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống đô thị hiện đại. Trải qua bao thời gian và những đổi thay, nhưng phố cổ vẫn giữ được nét trầm mặc, vẻ cổ xưa như đã đóng rễ ấy. Đơn giản vì những trầm mặc mông lung đã trở thành điều tuyệt diệu của cuộc sống này. Đến độ, có nhộn nhịp và tấp nập, vẫn cảm thấy yên bình, có xô bồ và nhốn nháo, nhưng lại là điểm tựa vững chắc. Tựa như ngả lòng vào những ấm áp đã ủ kỹ nghìn năm, cho ta càng yêu thêm những con phố nghìn năm tuổi.Và tôi chắc rằng các bạn cung có suy nghĩ giống tôi vậy. Và cuối cùng chúng ta đã tham quan xong nơi này. Qua hành trình khám phá lần này tôi mong các bạn sẽ hiểu thêm được một nét đep riêng của Hà Nội-phố cổ.Chúc các bạn vui vẻ mạnh khỏe và có ấn tượng tốt với tour du lịch lần này.Và bây giờ chúng ta sẽ đi đến địa điểm tiếp theo!... Câu 2 Những thắng lợi tiêu biểu của Lực lượng Vũ trang (LLVT) Thủ Đô từ khi thanh lập đến nay: * Ngày 19/8/1945 các đội tiền thân của LLVT Thủ đô đã làm nòng cốt cho các tầng lớp nhân dân Hà Nội tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Hà Nội. * Ngày 19/10/1946, Chiến khu XI - Tổ chức hành chính quân sự thống nhất của các LLVT Thủ đô Hà Nội được thành lập trên cơ sở Khu đặc biệt Hà Nội. * Sau khi được thành lập, ngày 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chấp hành quyết định của Thường vụ Trung ương Đảng, quân và dân Chiến khu XI với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã nổ súng mở đầu cho toàn quốc kháng chiến và từ đó kiên cường chiến đấu giam chân địch trong Thành phố suốt 60 ngày đêm (vượt gấp đôi chỉ tiêu Trung ương giao), tiêu hao, tiêu diệt lớn sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. * Làm nòng cốt cho nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh vũ trang góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Một số chiến công tiêu biểu: - Trận đánh sân bay Bạch Mai: Diễn ra vào đêm ngày 17 và dạng sáng ngày 18/01/1950. Trong trận đánh này, ta tổ chức lực lượng tập kích vào sân bay của địch, lực lượng gồm 32 chiến sỹ được lựa chọn từ Tiểu đoàn 108. Kết quả, ta phá hủy 25 máy bay các loại, 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí và nhiều trang bị của địch. Đây là một trận đánh điển hình về việc dùng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ để đánh các mục tiêu lớn của địch. Trận đánh để lại nhiều kinh nghiệm và thiết thực góp phần vào việc hình thành lối đánh đặc công của quân đội ta sau này. - Trận đánh ở Khu Cháy (Ứng Hòa): Diễn ra vào hai ngày 18 và 19/6/1951. Lực lượng của ta gồm 2 Đại đội của Tỉnh đội Hà Đông phối hợp với lực lượng chủ lực của Tiểu đoàn 122/Đại đoàn 320 và lực lượng du kích của địa phương. Lực lượng của địch khoảng 10 Tiểu đoàn với nhiều xe cơ giới và súng các loại. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, ta tiêu diệt gần 3 Đại đội địch, bắt 200 tên và thu nhiều vũ khí. Với chiến công ở Khu Cháy, quân và dân Hà Đông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, động viên. - Trận đánh sân bay Gia Lâm: Sân bay Gia Lâm là một sân bay lớn của miền Bắc Đông Dương, từ sân bay này, nhiều loại máy bay của địch đi ném bom bắn phá hậu phương của ta và tiếp tế cho các mặt trận của chúng. Sân bay được bảo vệ với lực lượng lên đến 2.000 tên cùng hệ thống đồn bốt, hàng rào thép gai, bãi mìn dày đặc xung quanh. Lực lượng ta tham gia trận đánh gồm 16 đồng chí có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu được tuyển chọn từ Đại đội 8. Trận đánh diễn ra vào đêm ngày 3 và dạng sáng ngày 4/3/1954, với chiến thuật tập kích sau đó nhanh chóng rút lui an toàn, ta đã phá hủy 18 máy bay địch, đốt phá một kho xăng, một nhà sửa chữa máy bay và tiêu diệt 16 tên. Trận đánh sân bay Gia Lâm là trận đánh tiêu biểu dùng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ, với lối đánh táo bạo, bất ngờ thọc sâu, đánh hiểm, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trận đánh cũng đã góp phần gây nhiều khó khăn cho địch trong việc tiếp tế, ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. * Ngày 10/10/1954, LLVT Thủ đô đã góp phần tích cực cùng với bộ đội chủ lực tiến hành tiếp quản Thủ đô bảo đảm tuyệt đối an toàn, nhanh chóng tiếp quản toàn bộ Thành phố Hà Nội, bao gồm hàng loạt các căn cứ quân sự cùng 129 công sở, xí nghiệp, bệnh viện, trường học được giữ nguyên vẹn. * LLVT Thủ đô phối hợp với các lực lượng đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Đặc biệt là trong chiến dịch 12 ngày đêm, từ 18/12/1972 – 30/12/1972. Trong chiến dịch này, đế quốc Mỹ đã huy động tối đa sức mạnh không lực Hoa Kỳ đánh phá hủy diệt Hà Nội. Chúng sử dụng 444 lần chiếc B52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật, trong đó có hàng trăm lần chiếc F111, ném khoảng 10.000 tấn bom đạn xuống 4 thị trấn, 39 phố, 67 xã và 4 khu vực đông dân Không khuất phục, quân dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ với lực lượng Phòng không, Không quân quốc gia kiên cường, dũng cảm chiến đấu bắn rơi 32 máy bay, trong đó có 25 chiếc máy bay B52, 2 F111 và 5 máy bay chiến thuật. Chiến thắng của quân dân Hà Nội đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, làm tiêu tan huyền thoại sức mạnh không lực Hoa Kỳ. Hà Nội không trở về “thời kỳ đồ đá” mà trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, buộc đế quốc Mỹ ký kết Hiệp định Pa-ri “Về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam”, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam, tạo nên thời cơ chiến lược cho cách mạng Việt Nam tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. +Cảm nghĩ về chiến thắng Cách mạng Tháng 8 Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang đã được tiến hành đúng thời cơ, vào đúng thời điểm hoạt động cách mạng sôi sục của giai cấp công nhân, nông dân, người lao động Việt Nam phát triển cao nhất và trở thành cao trào mạnh mẽ. Đó cũng là kết quả của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam để giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Xô viết đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, nhân dân Việt Nam bước sang trang sử mới, hướng tới mục tiêu cao đẹp về một đất nước hòa bình, độc lập, không còn chế độ người bóc lột người. Cách mạng tháng Tám đã cho ta thấy một sự vĩ đại. Đó là sự dũng cảm anh dũng của lực lượng vũ trang Hà Nội nói riêng hay của nhân dân Việt Nam nói chung. Nó mang rất nhiều giá trị tinh thần cho cuôc đấu tranh vĩ đại của nhân dân ta sau này để từ đó giành được độc lập cho chúng ta đến bây giờ. + Câu chuyện của nhân chứng lịch sử: Là một nhà nhiếp ảnh có tài, cuộc đời đã dẫn Vũ Năng An qua những khúc quanh của định mệnh để rồi trở thành một nhân chứng của lịch sử, của cách mạng. Mỗi lần đến thăm ông, nhắc lại những gì đã qua, ông thường nói với tôi: “Đời tôi may mắn được chứng kiến ghi lại những sự kiện trọng đại, được gần với những nhân vật lớn của thế kỷ XX... những gì tôi ghi lại được, chính là một phần của câu chuyện lớn...”. Vũ Năng An sinh ra ở tỉnh Nam Định năm 1916. Ông mồ côi mẹ năm 10 tuổi. Nhiều năm liền chàng trai trẻ Vũ Năng An nuôi ý nghĩ cần phải rời khỏi gia đình, tìm một nơi độc lập để sống và một việc để làm, tạo dựng cuộc sống riêng. Năm 16 tuổi, Vũ Năng An trốn nhà xuống Hải Phòng xin thi vào Trường Kỹ nghệ. Năm đó ông thi hỏng vì môn kỹ thuật không đạt yêu cầu. Vũ Năng An đành trở về nhà nhưng ý chí thay đổi cuộc sống bế tắc, tù đọng thì vẫn sôi sục trong tâm hồn người trai trẻ đầy sôi nổi và khát vọng. Đêm 30 Tết năm 1937, biết hôm sau có chuyến tàu xuyên Đông Dương chạy qua Nam Định, không đợi đến sáng hôm sau cùng vui tết với gia đình, Vũ Năng An tự nhủ: “Phải rời xa thành Nam, không thể sống như thế mãi”. Rồi anh mua vé lên tàu vào Tuy Hòa, từ đó bắt xe ôtô đi tiếp vào Sài Gòn. Cũng tại đây anh may mắn gặp được Géo Thơm. Chính Géo Thơm đã dạy anh nghề chụp ảnh và nhận anh vào làm tại hiệu ảnh của mình. Vũ Năng An nhanh chóng bộc lộ những dấu hiệu của một tài năng nhiếp ảnh lớn được các bậc đàn anh nể trọng. Và một lần tình cờ chụp ảnh cho vợ chồng ông Phó Giám đốc tàu Armis. Mối lương duyên ấy đã đưa Vũ Năng An vào một hành trình mới. Ông chủ tàu Armis trầm trồ khen Vũ Năng An chụp đẹp và bảo rằng với tay nghề của mình, Vũ Năng An có thể sang làm việc tại Pháp. Anh được nhận xuống tàu và làm một hành trình 2 tháng liền trên đại dương. Cuối cùng thì tàu cũng cập cảng Marseille. Trong thời gian làm việc tại Pháp, chàng trai trẻ Vũ Năng An đã lăn lộn trong nhiều cảnh sống và có thêm nhiều hiểu biết. Và cũng trong hoàn cảnh xa đất nước ấy, anh đã có dịp nhìn nhận lại mình. Từ tuổi thơ cay đắng đến cảnh sống thiếu quê hương nơi đất khách quê người đã bùng cháy lên trong Vũ Năng An tình yêu Tổ quốc và sự thông cảm sâu sắc với số phận người cùng khổ. Năm 1939 anh quyết định về nước, cố gắng làm một cái gì đó có ích cho đời. Trước đó, từng chứng kiến cảnh các chiến sỹ cách mạng bí mật xuất dương trên tàu Armis, ý thức cách mạng đã thấm dần vào Vũ Năng An. Ông còn có hai người bạn bí mật hoạt động cho Đảng Cộng sản Việt Nam, đã rủ ông tham gia viết báo trong lớp. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 chuẩn bị nổ ra đã tạo điều kiện để Vũ Năng An trở thành một nghệ sỹ nhiếp ảnh cách mạng và một nhân chứng lịch sử. Từ 17/8/1945, Việt Minh đã chính thức mời Vũ Năng An chụp ảnh cho cách mạng. Ngày 19/8/1945, cùng với không khí cuồn cuộn đấu tranh của cuộc Tổng khởi nghĩa, theo lệnh Việt Minh, nhân dân Hà Nội vùng lên giành chính quyền. Buổi sáng hôm đó, nhà văn Nguyên Hồng đến gặp Vũ Năng An với tâm trạng vô cùng phấn chấn: - Đi! Đi chụp ảnh nhân dân chiếm Phủ Khâm sai. Vũ Năng An cầm máy chạy về phía Phủ Khâm sai. Và may mắn sao, ông đã chụp được một trong những bức ảnh lịch sử vào loại tiêu biểu nhất, ghi lại cái thời khắc thiêng liêng của Cách mạng Tháng Tám - thời khắc nhân dân ta tiến vào sào huyệt của kẻ thù, đập tan bộ máy thống trị hơn 80 năm của thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phong kiến cai trị suốt 1.000 năm, xây dựng chế độ Cộng hoà dân chủ. Những bức ảnh đó thật giá trị đến ngày nay Câu 3 Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình. Các bằng chứng lịch sử mà Việt Nam đã thu thập được rất phong phú, mặc dù như đã nói, do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một là, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hai là, nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn Tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844 - 1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)... đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này. Ba là, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816 khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Cũng cần nói thêm là trong một thời gian khá dài, người Việt Nam luôn coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một dải đảo dài hàng vạn dặm trên Biển Đông, nên gọi là Vạn Lý Trường Sa, hay Đại Trường Sa, Bãi Cát Vàng... Trên thực tế, các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này đều có nhiều hành động liên tục cử người ra cai quản, khai thá
Tài liệu đính kèm: