TRƯỜNG THCS NHÂN SƠN THAM LUẬN VỀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔN TOÁN Kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể hội nghị! Hôm nay, tôi rất vinh dự được thay mặt tổ khoa học tự nhiên trường THCS Nhân Sơn trình bày tham luận về vấn đề nâng cao chất lượng học tập của học sinh, vì chuyên môn của tôi là môn toán nên cũng xin phép hội nghị tham luận về môn này mà thôi. Trước khi vào nội dung cho phép tôi xin được gửi lời chúc sức khỏe tới quý vị đại biểu, chúc hội nghị thành công tốt đẹp. Chất lượng giáo dục luôn luôn là điều trăn trở đối với các nhà quản lý giáo dục nói chung cũng như đối với người giáo viên nói riêng. Chất lượng giáo dục ở trường THCS, trong đó đặc biệt là chất lượng môn toán luôn được quan tâm hàng đầu trong sự chỉ đạo của người cán bộ quản lý nhà trường, của người giáo viên trực tiếp giảng dạy. Làm thế nào để nâng cao chất lượng môn toán ở trường THCS đây là câu hỏi không mới nhưng câu trả lời thì luôn là đề tài “nóng” cho các cán bộ quản lý và giáo viên dạy toán ở trường THCS. Trường ta đang từng bước xây dựng là trường chuẩn quốc gia, hiện tại chất lượng học tập môn Toán chưa thật sự cao, chưa đồng đều, không ổn định. Thực tế là đầu năm học chất lượng rất thấp, cuối năm học chất lượng được nâng lên nhưng sau 2 tháng nghỉ hè tất cả lại quay về điểm xuất phát. Hiện tượng này vẫn lặp đi lặp lại nhiều năm nay nhưng chưa có cách giải quyết hiệu quả. Qua quá trình giảng dạy, học tập và đúc rút kinh nghiệm, tôi mạnh dạn chỉ ra những nguyên nhân và đề ra một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trên như sau: I- Nguyên nhân: * Từ học sinh: - Chất lượng đầu vào thấp. Chẳng hạn một số em đã đậu vào lớp 6 nhưng khả năng đọc, viết, tính toán chưa thành thạo. - Có quá nhiều lỗ hổng kiến thức vì vậy HS dễ chán nản và không ham thích học Toán, tâm lí sợ môn Toán. - Một số em lười học, thiếu sự chuẩn bị chu đáo dụng cụ học tập dẫn tới không nắm được các kĩ năng cần thiết trong việc học và vận dụng vào việc giải quyết các dạng bài tập toán học. - Một số em thiếu tìm tòi, sáng tạo trong học tập, không có sự phấn đấu vươn lên, có thói quen chờ đợi lười suy nghĩ hay dựa vào giáo viên, bạn bè hoặc xem lời giải sẵn trong sách giải một cách thụ động. * Phía giáo viên: (gv dễ mắc phải) - Có thể phương pháp dạy toán chưa có phương phù hợp với các đối tượng học sinh có trình độ khác nhau (có nhiều đối tượng học sinh), chưa thực sự quan tâm đến tất cả học sinh trong cả lớp mà chỉ chú trọng một số em học khá, giỏi; giáo viên chưa thật tâm lý, chưa động viên khéo léo kịp thời đối với những tiến bộ của học sinh dù nhỏ. - Xem nhẹ dẫn đến không khắc sâu kiến thức cơ bản, các kĩ năng cần thiết như: Kỹ năng phân tích, liên kết các các dữ liệu của bài toán, kĩ năng vẽ hình, viết giả thiết, kết luận - Không nắm chắc đối tượng dẫn tới đề cao quá mức đối với học sinh, dẫn tới hiện tượng: Dạy lướt (nghĩ học sinh nắm được rồi), thích chữa bài tập khó bỏ qua bài tập dễ, trung bình, mà không chú ý tới khắc sâu kiến thức cơ bản cho học sinh. - Chưa tạo được không khí học tập thân thiện vì yêu cầu cao của giáo viên. Giáo viên chưa phối kết hợp tốt với gv chủ nhiệm và phụ huynh học sinh * Nguyên nhân khác : + Sự quan tâm của một số phụ huynh đối với việc học của con em mình còn hạn chế. Đặc biệt, có những phụ huynh của những em học sinh yếu không bao giờ kiểm tra sách vở của các em, phó thác việc học tập của các em cho nhà trường. + Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với internet với các dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn đã lôi cuốn các em. + Do chương trình vẫn trên đà hoàn thiện,chưa chỉnh chu, làm cho học sinh bị nhồi nhét kiến thức, không vận dụng được kiến thức vào bài tập. II. Đề xuất giải pháp: Theo tôi một HS muốn học tốt cần phải đáp ứng các yêu cầu sau: Yêu thích môn học, học tập chăm chỉ, có động cơ, mục đích học tập và ý thức phấn đấu trong lớp, tích cực lắng nghe thầy cô giảng bài và đóng góp xây dựng bài. Để làm đc điều này giáo viên phải khéo léo phối hợp nhiều biện pháp, chẳng hạn như: - Giáo viên dạy phải kết hợp chặt chẽ với GVCN và phụ huynh học sinh để hướng dẫn, uốn nắn các em kịp thời (thông tin với phụ huynh qua điện thoại, gặp phụ huynh). Động viên, khích lệ với những tiến bộ dù nhỏ của các em. - Tổ chức cho học sinh giúp đỡ lẫn nhau trong học tập: học nhóm, phân công bạn khá giỏi giúp đỡ bạn yếu kém. Không lấy điểm số làm áp lực với các em, tạo điều kiện để các em mạnh dạn thể hiện bản thân, luôn tạo không khí học tập vui vẻ, thân thiện. - GV khi lên lớp cần chú trọng nhiều đến việc chuẩn bị nội dung. Đối với các tiết bài tập giải kỹ từng bài tập ở nhà, xem kỹ các trường hợp có thể xảy ra. Để từ đó tìm ra thuật Toán đơn giản, giúp HS từng bước nắm được kiến thức và có hứng thú học tập. - Trong cách dạy, chúng ta dạy từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp dựa trên chuẩn kiến thức không cần phải bổ sung, nâng cao đối với HS yếu kém; cần giúp HS nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm của từng bài. - Nắm thật sát năng lực học tập của từng học sinh, của từng lớp để từ đó phân loại và đổi mới phương pháp dạy học thích hợp. - Khai thác triệt để các sai lầm, thiết sót của HS trong quá trình giải toán, nhất là các tiết luyện tập, tiết trả bài kiểm tra; hướng dẫn, phân tích giúp HS phát hiện sai lầm và hướng giải quyết để khắc phục dù những sai lầm nhỏ nhất. - Thường xuyên liên hệ toán học với thực tế, ứng dụng CNTT vào các giờ dạy, kết hợp các trò chơi toán học vào bài dạy để tăng tính hứng thú của học sinh, tạo sự phấn khởi và niềm tin trong học Toán. - Cuối năm học các giáo viên trong nhóm toán thống nhất nội dung ôn tập trong hè cho học sinh, đầu năm học có kiểm tra đánh giá nhằm khắc phục tình trạng học sinh lãng quên kiến thức trong thời gian nghỉ hè. Nhà trường tìm biện pháp để tổ chức tốt hơn hoạt động ôn tập trong hè cho học sinh, để đây là một hoạt động thường xuyên và là sự mong đợi của học sinh và phụ huynh trong hè. Trên đây là những ý kiến của bản thân tôi với mong muốn góp một phần nhỏ vào việc nâng cao chất lượng môn Toán của trường ta. Rất mong sự góp ý của các thầy cô giáo và quý vị đại biểu. Tôi xin cảm ơn! Nhân Sơn, ngày 20 tháng 9 năm 2015 HÀ VĂN VƯƠNG
Tài liệu đính kèm: