Nghĩ thêm về vấn đề ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

docx 6 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1944Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Nghĩ thêm về vấn đề ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghĩ thêm về vấn đề ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Nghĩ thêm về vấn đề ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Nghiên cứu Truyện Kiều, các nhà khoa học luôn ý thức đó là một tác phẩm kể chuyện bằng thơ. Là một truyện kể, những yếu tố như tình tiết, cốt truyện, nhân vật... dĩ nhiên đóng vai trò quyết định sự thành công của tác phẩm. Thoát thai từ một cốt truyện tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, nhưng Nguyễn Du đã có những đột phá ở phương thức tự sự và nghệ thuật xây dựng nhân vật, khiến Truyện Kiều vượt xa tầm vóc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân như nhiều ý kiến đã khẳng định.
Về bút pháp xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều, bên cạnh những đặc sắc của việc kết hợp giữa ước lệ và tả thực trong miêu tả ngoại hình, nghệ thuật phân tích tâm trạng, tả cảnh ngụ tình,... một số nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý vấn đề lời nói nhân vật. Người ta khẳng định, qua lời nói, các nhân vật trongTruyện Kiều bộc lộ tâm lý, tính cách rõ nét. Có nghĩa, thao tác cá biệt hóa đã được Nguyễn Du thực hiện rất thành công, và đó là dấu hiệu vượt thời đại của một thiên tài văn học.
Khảo sát lời nhân vật trong Truyện Kiều một cách kỹ lưỡng, có hệ thống, phải kể đến Phan Ngọc trong công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985). Tác giả dành hẳn mục Ngôn ngữ nhân vật trong chương IV của chuyên luận để bàn về vấn đề này. Ông đã nêu một số luận điểm rất mới, có giá trị kích thích sự suy nghĩ và đối thoại của người đọc.
Trước hết, Phan Ngọc cho rằng, “ngôn ngữ nhân vật với tư cách là một phạm trù mỹ học, là một chuyện khác hẳn cái ta vẫn gọi là ngôn ngữ nhân vật: nó là một phạm trù mới hẳn, chỉ ra đời ở châu Âu khi có chủ nghĩa hiện thực, và chỉ ra đời ở Việt Nam khi có Nguyễn Du. Nếu ta chấp nhận cách phân biệt giữa lời nói với ngôn ngữ trong ngôn ngữ học, ta có thể nói rằng, trước Nguyễn Du chỉ có lời nói (parole) của các nhân vật, mà chưa có ngôn ngữ (langue) của các nhân vật” ([1]). Đây là một khái quát rất táo bạo, thậm chí đến mức cực đoan – điều ta quen gặp trong một số công trình và bài viết của Phan Ngọc – nhằm đề cao Nguyễn Du ở một khía cạnh cụ thể. Nhưng điều khó thuyết phục có lẽ là ở việc sử dụng khái niệm ngôn ngữ (langue) và lời nói (parole) trong hệ thống các thuật ngữ mà F. de Saussure đề xuất([2]). Kể từ khi có mặt trong công trình Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Saussure đến nay,  hai thuật ngữ này được dùng phổ biến và đã có nội hàm xác định. Cấp cho ngôn ngữ (langue) một nội hàm mới như cách làm của Phan Ngọc là hơi lạ, nếu không nói là tùy tiện. Đóng góp của nhà văn tài năng trong địa hạt miêu tả ngôn ngữ nhân vật trước hết phải thể hiện ở nghệ thuật cá biệt hóa, tức là phải xây dựng được lời nói của con người cụ thể, là “con người này” như cách nói của Hê-ghen, chứ không phải là thứ ngôn ngữ chung chung. Ở đây, hình như nhà nghiên cứu rơi vào mâu thuẫn: một mặt, ông dùng khái niệm ngôn ngữ (langue) - vốn để chỉ những quy luật chung, mang tính xã hội của ngôn ngữ - để đánh giá sự biến đổi về chất trong lời nhân vật của Nguyễn Du; mặt khác, ông cho rằng, qua lời nói nhân vật trong Truyện Kiều, ta biết được tâm lý, giáo dục, thân phận, giai cấp, nghề nghiệp, động cơ, những khuyết điểm và những ưu điểm của anh ta([3])– tức là những gì đối lập với khái niệm ngôn ngữ mà ông vừa dùng. Phan Ngọc rất có lý trong việc khám phá những mới mẻ ở lời nhân vật trongTruyện Kiều, nhưng lại bất cập ở việc sử dụng khái niệm để định danh những nội dung mới mẻ đó.
Để chứng minh cho luận điểm nêu trên, Phan Ngọc đã phân tích một trường hợp tiêu biểu: lời nhân vật Sở Khanh nói với Thúy Kiều. Ông cho rằng, Nguyễn Du đã vận dụng từ chương học rất nhuần nhuyễn. Sở Khanh như nhại lại lời của Kim Trọng cho ra vẻ một văn sĩ nho nhã, nhại lời Từ Hải để ra vẻ một người tri kỷ với Kiều và vẻ một anh hùng sẵn sàng cứu mỹ nhân. Nhưng thực chất hắn chỉ là một tên lưu manh “Bạc tình nổi tiếng lầu xanh”, cho nên khi cần, hắn bỏ hết mặt nạ để hiện nguyên hình: “Nọ nghe rằng có con nào ở đây”, và còn hung hăng giở thói côn đồ với người đẹp([4]). Từ những phân tích cụ thể đó, Phan Ngọc cho rằng, lời Sở Khanh thực sự là một kiểu ngôn ngữ, khác hẳn với khái niệm lời nói(parole) – tức lời nói cá nhân trong giao tiếp.
Việc thẩm bình của Phan Ngọc về các lớp ý nghĩa trong ba lượt lời của Sở Khanh, qua đó, khẳng định những thành công đột xuất của tác giả Truyện Kiều ở nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ nhân vật là rất tinh tế và có cơ sở. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong đời sống, con người không bao giờ nói với nhau một cách có vần có điệu với những quy định chặt chẽ về âm luật. Trong những tác phẩm tự sự kiệt xuất, các nhà văn luôn phấn đấu làm sao để nhân vật của họ ăn nói “thực” như con người ngoài đời. Khẳng định trước hết như vậy để thấy, cái tài của Nguyễn Du ở đây là, bằng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ sinh hoạt trong dạng thức tự nhiên nhất của nó, ông vẫn khiến người đọc có cảm giác lời ấy, giọng ấy tất phải thoát ra từ miệng lưỡi của Sở Khanh – một tên ma cô lọc lừa có hạng. Đó chính là điều mà ngày nay ngữ dụng học gọi là “chiến lược giao tiếp”, tức là sự tính toán trong nói năng nhằm đạt được hiệu quả cao nhất theo ý đồ của chủ ngôn. Muốn lừa gạt Kiều, Sở Khanh nhất định phải chiếm được lòng tin của nàng, cho nên không cách nào hữu hiệu hơn những gì hắn đã công phu “bài binh bố trận” qua lời nói. Tính cách của Sở Khanh không chỉ bộc lộ trong sự lật lọng, xảo trá, đê tiện (qua lời thuật chuyện), mà còn ở những phương tiện ngôn từ mà hắn sử dụng. Nguyễn Du đã đạt trình độ rất cao trong việc cá biệt hóa lời nhân vật, mặc dù ông phải sáng tạo trong khuôn khổ hết sức gò bó, ngặt nghèo.
Vậy, Nguyễn Du đã thực hiện thao tác cá biệt hóa bằng cách nào?
Trong tiểu luận Thơ là gì?, Phan Ngọc khẳng định: ngôn ngữ thơ đối lập với ngôn ngữ sinh hoạt đến mức khó chịu. Thơ là hình thức ngôn ngữ có tổ chức “quái đản” bậc nhất. Quái đản vì đó là thứ ngôn ngữ chịu sự quy định nghiêm ngặt về số âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm, luật...([5]). Từ luận điểm này, ta suy ra, trong đời sống hàng ngày, không ai nói năng như các nhân vật trong Truyện Kiều. Người ta không bao giờ giao tiếp với nhau bằng lục bát. Do vậy, đừng mong tìm thấy ở ngôn ngữ đối thoại trong Truyện Kiều sự chân thực, sinh động, mang hơi thở đời sống theo kiểu ngôn ngữ nhân vật của văn xuôi nghệ thuật. Ở truyện ngắn hoặc tiểu thuyết hiện đại, các nhà văn rất quan tâm nhận xét, miêu tả đặc điểm lời nói gắn với tính cách từng nhân vật (giọng ồm ồm, giọng the thé, ăn nói chao chát chỏng lỏn, giọng đay nghiến,...). Điều tưởng đơn giản này thực chất là một bước tiến trong nhận thức của nhà văn về vấn đề “lời người khác” – yếu tố tạo nên tính khách quan trong sáng tạo nghệ thuật. TrongTruyện Kiều, những yếu tố này không hề xuất hiện, có nghĩa, nhà thơ khước từ một phương tiện rất hữu hiệu trong nghệ thuật cá biệt hóa lời nhân vật. Điều này chắc chắn bị quy định bởi cách tổ chức ngôn ngữ của tác phẩm: Truyện Kiều là một truyện thơ.
Viết một truyện kể bằng thơ, trong rất nhiều công việc, Nguyễn Du luôn luôn chỉ “múa một tay” (một tay bị trói vào tính điển phạm, ước lệ, một tay là sự tìm tòi riêng của ông), nhưng ông vẫn múa rất khéo. Đó là một luận điểm được Phan Ngọc nêu ở công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Theo chúng tôi, cái “khéo” của Nguyễn Du thể hiện trước hết ở những chỗ ông khai thác một số yếu tố phụ trợ trong lời dẫn thoại. Ngoài những mô thức quen thuộc như: rằng, nàng rằng, chàng rằng, sư rằng, Từ rằng, sinh rằng(Nàng rằng:“khoảng vắng đêm trường/ Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”), Nguyễn Du còn dùng lời văn miêu tả cử chỉ của nhân vật làm lời dẫn thoại, chẳng hạn: khóc, cười, gật đầu, khấu đầu, lạy, khen, kêu ca, thở than, chào thưa(Nghĩ mình túng đất sẩy chân/ Thế cùng nàng mới xa gần thở than: “Thiếp như con én lạc đàn/ Phải cung giờ đã sợ làn cây cong...”). Cái “khéo” còn bộc lộ ở cách sử dụng lớp từ ngữ sinh hoạt rất đắc địa để lời nhân vật toát ra ngữ khí riêng. Chẳng hạn, khi biết Mã Giám Sinh đã “nước trước bẻ hoa”, Tú Bà tất phải tuôn ra những lời lẽ đầy nộ khí, với những từ ngữ chỉ quen dùng trong những cuộc đối thoại của loại con buôn đặc biệt:
                                    “Bảo rằng đi dạo lấy người,
            Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
                                    Tuồng vô nghĩa ở bất nhân,
                        Buồn tình trước đã tần mần thử chơi.
                                    Màu hồ đã mất đi rồi,
                        Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma...”([6])
Nhưng, cái “khéo” đáng nói nhất của Nguyễn Du là ở những chỗ ông dùng những câu tục ngữ, thành ngữ trong lời thoại của nhân vật. Chính những “cấu kiện đúc sẵn” trong kho tàng dân gian được nhà thơ sử dụng rất đắt đã khiến cho lời nhân vật có sắc thái riêng biệt, không giống với lời nói của bất cứ nhân vật nào khác. Điển hình nhất là ở màn báo ân báo oán. Sau những lời trịnh trọng nói với Thúc Sinh về ân nghĩa sâu nặng của chàng, Thúy Kiều lập tức đổi giọng khi nói về những oán hận ngút trời với vợ chàng là Hoạn Thư:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
                        Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
                                    Kiến bò miệng chén chưa lâu
                        Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.
Chỉ qua bốn câu lục bát cũng có thể thấy thành ngữ có vai trò như thế nào trong việc thể hiện một Thúy Kiều ghê gớm, không ngại phô ra tính cách đáo để của mình, trái ngược về sự hình dung của độc giả về một nàng Kiều nói năng nhã nhặn, tế nhị. Lời đối thoại ấy tất phải xuất hiện trong ngữ cảnh ấy. Điều mà Nguyễn Du chiêm nghiệm: Thôn ca sơ học ma tang ngữ (Ta đã bắt đầu học tiếng hát của người trồng dâu) chính là từ những thao tác này chăng?
Thúy Kiều
Tuy nhiên, cá biệt hóa lời nhân vật không hẳn là một ưu thế của Nguyễn Du, cũng chưa phải là chỗ thể hiện những phẩm chất thẩm mỹ ưu trội của lớp ngôn ngữ này trong Truyện Kiều. Dễ thấy, trong tất cả các lượt lời của các nhân vật, những lời thoại giàu tính cá biệt hóa chủ yếu là ở những nhân vật phản diện. Có lẽ vì điều này mà một số nhà nghiên cứu đánh giá cao nghệ thuật điển hình hóa của Nguyễn Du (trong đó ngôn ngữ nhân vật đóng vai trò không nhỏ) thể hiện qua những nhân vật phản diện tiêu biểu như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến... Bên cạnh một số lời thoại đặc sắc toát lên cá tính của nhân vật, rất nhiều lời thoại chỉ đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của biến cố, sự kiện, hoặc kể lại một chuyện của quá khứ, thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật,... Và đặc biệt, lời nhân vật góp phần quan trọng thể hiện tính thơ của tác phẩm.
Việc thể hiện tính thơ qua lời đối thoại hoặc độc thoại nội tâm của nhân vật xuất phát từ phương pháp tự sự của Nguyễn Du. Phương pháp ấy, theo Trần Đình Sử, là “một hình thức kể chuyện mang điểm nhìn bên trong của nhân vật, và một người kể mới mang giọng điệu kể bộc lộ thái độ, tình cảm trực tiếp của người kể như là người trong cuộc. Đó là phương pháp kể chuyện chưa từng có trong tiểu thuyết tài tử giai nhân mà Nguyễn Du vay mượn, cũng như chưa có trong truyền thống truyện Nôm trước đó”([7]).
Phương pháp tự sự này chi phối nhiều phương diện trong ngôn ngữ Truyện Kiều. Nó tạo ra hiện tượng “thẩm thấu” lẫn nhau giữa lời kể và lời nhân vật, khiến nhiều khi hai lớp ngôn ngữ này khá tương đồng về nhiều mặt. Ngôn từ văn học trung đại vốn mang tính nghi thức([8]). Trong Truyện Kiều, tính nghi thức trở thành “mẫu số chung” của lời nhân vật và lời kể. Quan sát một đoạn trong lời kể giới thiệu về Kim Trọng:
                                    Nguyên người quanh quất đâu xa,
                              Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
                                    Nền phú hậu, bậc tài danh,
                        Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
                                    Phong tư tài mạo tót vời,
                        Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa...
và lời Kim Trọng khi tỏ lòng với Thúy Kiều:
                                    Rằng: “Từ ngẫu nhĩ gặp nhau,
                        Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn.
                                    Sương mai tính đã rũ mòn,
                        Lần lừa ai biết có còn hôm nay !
                                    Tháng tròn như gửi cung mây,
                        Trần trần một phận ấp cây đã liều !
                                    Tiện đây xin một đôi điều,
                        Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng ?
ta thấy thật khó chỉ ra sự khác biệt về sắc thái phong cách giữa chúng. Đó đều là thứ ngôn ngữ đầy kiểu cách, dùng nhiều định ngữ nghệ thuật và từ ngữ thi ca, thể hiện sự tôn kính, tôn xưng đối tượng được nói tới.
Trong lời nhân vật của Truyện Kiều thậm chí còn xuất hiện nhiều điển tích, điển cố không khác gì ở lời kể - một điều tối kỵ đối với nghệ thuật tự sự hiện đại. Những “ấp cây”, “lối vào Thiên Thai”, “trên bộc trong dâu”, “Thôi Trương”, “Mái Tây”, “gieo thoi”, “sân Lai”... là các điển tích, điển cố được dùng trong lời thoại của Thúy Kiều, Kim Trọng [Xem thêm Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều]([9]). Trong tiểu thuyết hay truyện ngắn hiện đại, nếu các nhân vật đối đáp với nhau bằng những câu đầy điển tích, điển cố, ngôn ngữ ấy sẽ trở nên rất kịch, thậm chí gây cảm giác khôi hài.
Giống như nhiều tác phẩm truyện thơ trung đại, Truyện Kiều có mật độ rất cao các câu có sử dụng phép tiểu đối. Thường, tiểu đối rất đắc dụng trong lời kể chuyện. Nhưng trong lời thoại của nhân vật Truyện Kiều, chúng cũng thường xuyên xuất hiện:
                                    - “Kể từ khi gặp chàng Kim
                        Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”...
                                    - “Mai sau dù có bao giờ,
                        Đốt lò hương ấy, so tơ phím này”...
                                    - Vì ai ngăn đón gió đông,
                        Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi”...
Dù là ở lời kể chuyện hay ở lời nhân vật, tiểu đối đều góp phần tạo nên cái thi vị rất đặc trưng của hệ hình ngôn ngữ nghệ thuật thời trung đại: trọng sự hài hòa, đăng đối, nhịp nhàng. Những trường hợp trên cho thấy có sự nhòe mờ ranh giới giữa lời kể chuyện và lời nhân vật trong Truyện Kiều.
Để hiểu rõ hơn chất thơ trong ngôn ngữ nhân vật Truyện Kiều, ta hãy quan sát thêm một trường hợp: lời Vương Quan giải thích cho Thúy Kiều về lai lịch nấm mồ hoang lạnh bên đường giữa tiết thanh minh:
                             “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi
                                    Nổi danh tài sắc một thì,
                            Xôn xao ngoài cửa kém gì yến oanh.
                                    Kiếp hồng nhan có mong manh.
                  Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương.
Có người khách ở viễn phương,
                       Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
                         Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ !
Buồng không lạnh ngắt như tờ,
                           Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Khóc than khôn xiết sự tình,
                       Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
Đã không duyên trước chăng là,
                         Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
Sắm sanh nếp tử xe châu,
                      Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa.
Trải bao thỏ lặn ác tà,
                      Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm !
Đặt trong mạch truyện, lời thoại trên đây cho ta biết một số thông tin về cuộc đời của một kỹ nữ tài sắc mà bạc mệnh. Tuy nhiên, những thông tin trần thuật cần thiết dường như bị mờ đi bởi chất trữ tình đậm đặc trong đó. Chất trữ tình ấy được tạo nên bởi sự phối hợp nhuần nhuyễn các yếu tố đặc trưng của nghệ thuật biểu cảm trong thơ trung đại, nhất là sự xuất hiện dày đặc từ ngữ thi ca và phép ẩn dụ (ca nhi, tài sắc, yến oanh, hồng nhan, cành thiên hương, viễn phương, thuyền tình, trâm gãy bình rơi, nếp tử xe châu, thỏ lặn ác tà...). Đặc biệt, đọc đoạn thoại, ta thấy lời kể khách quan của người thuật chuyện bỗng nhiên “tắt tiếng” bởi lời than lâm li của người trong cuộc (khách làng chơi thương hoa tiếc ngọc):
                                 “Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
     Đã không duyên trước chăng là,
                                 Thì chi chút ước gọi là duyên sau”.
Việc không phân định ranh giới giữa lời kể và lời nhân vật như trường hợp vừa nêu, tự sự học ngày nay gọi là lời nửa trực tiếp – một kỹ thuật chắc chắn Nguyễn Du chưa từng biết đến khi viết Truyện Kiều. Cũng như ở đoạn tả cảnh Tú Bà “vùi hoa dập liễu”, trong lời kể chuyện bỗng chen vào một lời than rất bi thiết:
                                    “Thịt da ai cũng là người
                        Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau”.
Sự lộ diện hình tượng tác giả trong trường hợp này không khác gì ở đoạn kể của Vương Quan. Ta bắt gặp sự đồng điệu giữa tấm lòng của Vương Quan (người kể) với tâm tình của người trong cuộc (khách làng chơi). Nhưng thực chất, đó cũng là một cách Nguyễn Du tỏ bày cảm xúc của mình trước một “phận đàn bà” “đau đớn” (điều ông từng thốt lên trong Truyện Kiều và trong Văn tế thập loại chúng sinh). Nói cách khác, đó là một cách “làm thơ” của Nguyễn Du trong khuôn khổ một truyện kể. Đọc đoạn thoại của Vương Quan, ta có cảm giác như được đọc một bài thơ. Thêm một bằng chứng cho thấy, nhiều lúc ở lời nhân vật trong Truyện Kiều, “chất thoại” nhường chỗ cho “chất thơ”, mạch tự sự bị lấn át bởi mạch trữ tình. Phẩm chất thẩm mỹ này không dễ tìm thấy ở lời nhân vật trong các truyện thơ thời trung đại.
.................

Tài liệu đính kèm:

  • docxNgon_ngu_nhan_vat_trong_Truyen_Kieu.docx