Kỳ thi chọn hsg lớp 10 THPT năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ Văn

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 3095Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi chọn hsg lớp 10 THPT năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi chọn hsg lớp 10 THPT năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ Văn
 SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
ĐỀ ĐỀ XUẤT
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2013-2014 
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 
(Dành cho học sinh THPT không chuyên) 
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Câu 1 (3,0 điểm).
 Suy nghĩ của anh (chị) về câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.
Câu 2 (7,0 điểm).
 Nét độc đáo trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du qua các tác phẩm đã được học.
-------------Hết-----------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh......; Số báo danh
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
(Đáp án có 04 trang)
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2013-2014 
ĐÁP ÁN MÔN: NGỮ VĂN
(Dành cho học sinh THPT không chuyên)
Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:
a. Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ:
- Đi một ngày đàng: Gắn bó với đời sống thực tế, trải nghiệm qua thực tế.
- Học: Tiếp thu tri thức, hình thành các kĩ năng.
- Một sàng khôn: Những hiểu biết để con người trở nên khôn ngoan, tiến bộ.
Nội dung câu tục ngữ: gắn bó với thực tế dù trong thời gian ngắn (một ngày đàng) nhưng con người sẽ thu lượm được khối lượng kiến thức rất lớn (một sàng khôn), những kiến thức, những trải nghiệm thực tế ấy sẽ giúp con người trưởng thành lên. Câu tục ngữ khẳng định tầm quan trọng của kiến thức thực tế đối với con người.
b. Bàn luận, mở rộng vấn đề:
- Câu tục ngữ hoàn toàn đúng đắn bởi thực tiễn đời sống là một trường học lớn, bao gồm những sự vật, sự việc, con người với tất cả tính cụ thể, sinh động và phức tạp của nó; những quan hệ, biến cố, những gì đang tồn tại và diễn ra trong tự nhiên và xã hội có quan hệ với đời sống con người. Khi gắn bó với thực tế, con người có những cảm nhận về cuộc sống một cách cụ thể, trực tiếp và chân thực nhất, đồng thời có cơ hội được trải nghiệm, kiểm nghiệm năng lực sống, rèn luyện những kĩ năng sống cần thiết để vững vàng đối mặt với thực tế vô cùng phức tạp, đa dạng. Thực tiễn đời sống chính là môi trường để con người được rèn luyện, nâng cao kiến thức và bản lĩnh để trở nên hiểu biết và vững vàng hơn.
- Khẳng định vai trò quan trọng của việc học trong thực tế không có nghĩa là phủ nhận vai trò của việc học trong sách vở. Biết kết hợp tốt hai phương thức đó sẽ là con đường dẫn tới thành công.
- Phê phán những người chưa thấy được tầm quan trọng của việc học trong thực tế.
3. Bài học nhận thức và hành động: 
- Con người muốn tiến bộ, trưởng thành thì ngoài kiến thức thu nhận được từ sách vở cần phải tích cực thâm nhập thực tế đời sống, tìm tòi kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành.
- Biết lấy kiến thức từ sách vở để soi chiếu vào thực tế, xử lý các vấn đề của thực tế.
Lưu ý: Trong quá trình bàn luận, thí sinh cần phân tích được những dẫn chứng cụ thể để chứng minh.
III. Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Hành văn trong sáng, mạch lạc. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. 
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa nắm chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức 
 Thí sinh vận dụng hiểu biết về chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, phân tích làm sáng tỏ những nét mới trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du (so với các tác phẩm trước và cùng thời), chủ yếu thể hiện ở tác phẩm “Độc Tiểu Thanh Ký” và “Truyện Kiều”. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm nổi bật được những ý cơ bản sau:
1. Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học:
- Nhân đạo là đạo lí hướng tới con người, vì con người; là tình yêu thương giữa người với người. 
- Trong tác phẩm văn học, tư tưởng nhân đạo là tình cảm, thái độ của nhà văn đối với cuộc sống con người thể hiện ở lòng xót thương những con người bất hạnh; phê phán những thế lực bạo tàn áp bức, chà đạp con người; trân trọng những phẩm chất và khát vọng tốt đẹp của con người, đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người... 
- Cảm hứng nhân đạo cùng với cảm hứng yêu nước là hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nền văn học Việt Nam. Về cơ bản có những biểu hiện chung song ở mỗi thời kì, giai đoạn, do hoàn cảnh lịch sử xã hội, do ý thức hệ tư tưởng của các nhà văn khác nhau nên có những biểu hiện riêng. Bằng việc thể hiện cảm hứng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ qua các sáng tác, Nguyễn Du đã làm nên tên tuổi một đại thi hào của dân tộc.
2. Nét độc đáo trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du:
- Lên tiếng bênh vực quyền sống của con người - những văn nghệ sĩ. 
Tình thương của Nguyễn Du bao trùm lên tất thảy mọi kiếp người (Văn tế thập loại chúng sinh), nhưng ông đặc biệt quan tâm đến đối tượng văn nghệ sĩ. Ông đã thấy ý nghĩa xã hội của người nghệ sĩ, người cống hiến cho cuộc đời những giá trị tinh thần tốt đẹp. Vì vậy ông không chỉ quan tâm, đồng cảm với những nạn nhân của xã hội phong kiến theo nghĩa những người đói cơm rách áo cần được chăm lo bảo vệ như các nhà văn khác mà còn biết thương yêu, trân trọng những chủ nhân của những giá trị văn hóa tinh thần. Khi chủ nhân là người phụ nữ thì sự đồng cảm của nhà thơ lại càng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Điều này thể hiện rõ nhất qua bài thơ chữ Hán “Độc Tiểu Thanh kí”. Ở bài thơ này, Nguyễn Du vừa khóc cho người vừa khóc cho mình. Đây là nét mới mang tinh thần nhân bản của thời đại cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, thời đại con người không chỉ ý thức về nhân phẩm, về tài năng cá nhân mà còn thức tỉnh nỗi đau của chính mình. Tự thương cũng là nét mới trong tinh thần nhân bản của Nguyễn Du vì đó chính là sự tự ý thức, là bằng nước mắt mà thấm in bản ngã của mình để chống lại sự chi phối của quan niệm phi ngã, vô ngã thời trung đại.
- Khẳng định con người thức tỉnh, con người ý thức.
+ Nhân vật Thúy Kiều là con người của thời đại đã có ý thức sâu sắc, phong phú về đau khổ cũng như khát vọng của mình. Trong đoạn Trao duyên (trích “Truyện Kiều”), Thúy Kiều hi sinh chữ tình vì chữ hiếu, Kiều đã ứng xử như văn hóa thời trung đại đòi hỏi. Nhưng Thúy Kiều không muốn nêu gương về đạo nghĩa. Ngoài hạnh phúc gia đình, nàng còn sống với khát tình yêu tuổi trẻ; ngoài tình thương với cha mẹ và hai em, nàng còn tình yêu với chàng Kim. Kiều thiết tha với tình yêu riêng tư, đó là biểu hiện sâu sắc quyền sống cá nhân của con người. Do đó, Thúy Kiều của Nguyễn Du gần với con người thực, con người tự nhiên chứ không đơn giản chỉ là tấm gương đạo lí, biểu trưng đạo đức một chiều như nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân.
+ Nhà thơ đã để cho nhân vật sống trong đau khổ thật của hiện tại, hơn là việc ru ngủ trong hạnh phúc siêu hình. Dùng cái chết với mong muốn kiếp sau được đoàn tụ với Kim Trọng cũng chỉ là giấc mộng mong manh: Thấy hiu hiu gió thì hay chị về. Ước mơ bao hàm tuyệt vọng, vì sự hiển hiện ấy nếu có cũng chỉ là hạnh phúc siêu hình, chỉ là một ảo ảnh. Một cuộc trở về mà không có gặp gỡ: Dạ đài cách mặt khuất lời. Cái hạnh phúc “nguyện ước ba sinh” của nhà Phật đưa ra để an ủi con người mà thực chất lại vò xé lòng người trong bi kịch nặng nề, vì làm gì có sum họp khi nàng đã là người của cõi chết, âm dương cách trở? Thúy Kiều đã trở về với hiện tại phũ phàng ở cuối đoạn trích: Bây giờ trâm gãy, gương tan/Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân. Kiều ý thức rất rõ về khía cạnh hiện sinh, cái “bây giờ”, “trâm gãy, gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “nước chảy hoa trôi”. Thúy Kiều đã được giải phóng khỏi những quan niệm tôn giáo về hạnh phúc. Nàng là “con người được thức tỉnh, dù chỉ là để khổ đau” (Đặng Thanh Lê). Đó cũng là chiều sâu và tầm cao tư tưởng nhân văn Nguyễn Du.
+ Con người thức tỉnh, dù chỉ là thức tỉnh trong nỗi khổ đau ấy còn tiếp tục được thể hiện trong nhiều giai đoạn thăng trầm của cuộc đời Thúy Kiều, ngay cả khi nàng trở thành gái lầu xanh, bị vùi dập ở nơi nhơ nhớp nhất. Ở đoạn “Nỗi thương mình”, chúng ta thấy một cô Kiều biết tự ý thức về phẩm giá, nhân cách bản thân, tự ý thức về quyền sống của mình: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khẳng định ý thức cá nhân trong bối cảnh văn học trung đại, khi vấn đề cá nhân, quyền sống của mỗi cá thể còn ít được nhắc đến, chúng ta có thể thấy chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du nhiều khi đã vượt thoát khỏi khoảng trời trung đại chật hẹp để vươn tới tầm nhân loại bao la.
- Trân trọng nhân cách, phẩm giá đối với một kỹ nữ: Nhiều nhà nho cùng thời hoạc thuộc thế hệ sau Nguyễn Du đã có cái nhìn lên án Thúy Kiều là “tà dâm” chính là bời những năm tháng nàng phải sống nơi lầu xanh. Nguyễn Du không né tránh hiện thực tủi hổ đó trong cuộc đời đau khổ của Thúy Kiều, ông đã miêu tả rất chân thực. Nhưng gửi gắm trong từng câu chữ vẫn là thái độ trân trọng, cảm thông, vẫn là sự bênh vực cho nhân cách, phẩm giá của người kỹ nữ tài hoa bạc mệnh như Kiều. Những câu thơ như: Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đườngchất chứa, đong đầy nỗi niềm trắc ẩn, xót thương.
Sau 15 năm lưu lạc, Nguyễn Du vẫn nhìn nàng Kiều là một người trinh trắng: Như nàng lấy hiếu làm trinh
3. Nguyên nhân
- Thời đại Nguyễn Du với những biến cố thăng trầm là nguyên nhân chính dẫn đến sự chìm nổi của bao số phận, trong đó có cả số phận long đong mười năm lưu lạc của chính bản thân Nguyễn Du.
- Những năm tháng qua khứ vàng son, sống trong gia đình người anh trai là Nguyễn Khản, được chứng kiến biết bao số phận đau khổ, bi kịch của những người ca nhi, kĩ nữ giữa chốn phong lưu, xa hoa.
- Hơn tất cả là tấm lòng, trái tim người nghệ sĩ luôn tha thiết với con người, cuộc đời với những giá trị nhân văn, là “tấm lòng hiểu thấu nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân) của Nguyễn Du.
4. Đánh giá, nâng cao:
 - Nguyễn Du đã vượt qua những ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo, vượt khỏi chỗ đứng giai cấp mình để vươn tới khẳng định giá trị tự thân của con người.
 - Nét mới mẻ trong chủ nghĩa nhân đạo thể hiện tầm vóc tư tưởng, biểu hiện của “sức cảm thông lạ lùng” của nhà thơ đối với con người.
 - Chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ, độc đáo trong sáng tác thơ văn của Nguyễn Du chính là một trong những ngọn nguồn làm nên sức sống lâu bền cho văn chương bậc đại thi hào dân tộc.
III. Biểu điểm:
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. 
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,25 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
-------------Hết-------------

Tài liệu đính kèm:

  • docLUYEN_DOI_TUYEN.doc