Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 THPT năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ Văn

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1378Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 THPT năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 THPT  năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ Văn
 SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
ĐỀ ĐỀ XUẤT
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2013-2014 
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 
(Dành cho học sinh THPT không chuyên) 
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Câu 1 (3,0 điểm).
 Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A.Lin – côn viết:
 “ Xin dạy cho cháu biết đến thế giới kì diệu của sách, nhưng cũng để cho cháu đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong nắng, và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh”
 (Ngữ văn 10, tập 2, NXBGD, 2006)
 Suy nghĩ của anh (chị) về đoạn thư trên.
Câu 2 (7,0 điểm).
Đặc điểm nổi bật của tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh: Mọi hình tượng trong tác phẩm thường luôn vận động, hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.
-------------Hết-----------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh......; Số báo danh
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
(Đáp án có 04 trang)
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2013-2014 
ĐÁP ÁN MÔN: NGỮ VĂN
(Dành cho học sinh THPT không chuyên)
Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa đoạn thư:
 - “Dạy cho cháu biết đến thế giới kì diệu của sách”: Biết thu nhận kiến thức từ sách vở, có niềm say mê khám phá thế giới kiến thức phong phú của sách.
 - “Cũng để cho cháu đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống”: chú trọng rèn luyện tâm hồn nhạy cảm, biết quan tâm đến cuộc sống xung quanh, tự mình khám phá ý nghĩa của cuộc sống, vẻ đẹp của thế giới tự nhiên cũng như của con người.
 Đoạn thư là lời tâm sự, mong mỏi của một người cha đối với nhà trường, với các nhà giáo dục: Dạy cho con mình hiểu biết và trân trọng giá trị của sách vở và cuộc sống.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề:
 - Đây là tâm tình của một người cha: thể hiện tình yêu con, mong muốn con trưởng thành.
	- Lời đề nghị của ông với thầy hiệu trưởng, với nhà trường còn thể hiện mong ước của một người yêu thương, quan tâm đến sự phát triển toàn diện nhân cách của thế hệ trẻ.
	- Nội dung lời đề nghị sâu sắc, chính đáng:
 + Không phủ nhận vai trò quan trọng của sách, của kiến thức văn hóa do sách vở mang lại, vì đó là cả một “thế giới kì diệu”, rộng mở. Không có kiến thức văn hóa, con người thiếu nền tảng tri thức.
 + Tuy nhiên, kiến thức cuộc sống thực tiễn của con người cũng quan trọng không kém, bởi đó là “sự bí ẩn muôn thuở” mà con người luôn cần khám phá, hiểu biết. Nó cần thiết và bổ ích cho con người, có tác động tích cực trong việc vun đắp bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu cuộc sống. 
 + Vai trò của người thầy trong việc khơi dậy tinh thần tự học, lòng ham hiểu biết khám phá, chiêm nghiệm và “ lặng lẽ suy tư” trước mọi vấn đề của đời sống của học sinh. Đó là điều quan trọng để học sinh có thói quen quan tâm đến mọi điều trong đời sống.
- Phê phán quan điểm phiến diện: hoặc chỉ thấy vai trò của kiến thức sách vở, hoặc chỉ quan tâm đến thực tiễn.
 3. Bài học nhận thức và hành động: 
- Biết học trong sách vở nhưng cũng cần biết học ở cuộc sống, quan tâm đến đời sống xã hội. Đó là chìa khóa dẫn đến thành công của mỗi con người. 
- Biết yêu cuộc sống, nhận ra vẻ đẹp từ những điều bình dị nhất của vạn vật quanh ta. Học kiến thức song song với rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng tâm hồn. Đó là sự phát triển toàn diện nhân cách của con người.
III. Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. 
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức 
 Thí sinh vận dụng hiểu biết về tập thơ “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, phân tích làm sáng tỏ nét nổi bật trong phong cách của tập thơ là: Mọi hình tượng trong tác phẩm thường luôn vận động, hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm nổi bật được những ý cơ bản sau:
1. Hình tượng thơ trong văn học:
 - Thơ ca là thế giới nghệ thuật ngôn từ được cô đúc, khái quát và nâng lên thành những hình ảnh, hình tượng thơ. Hình tượng không chỉ là một đặc trưng tất yếu của thơ mà còn chịu sự chi phối của cảm quan hiện thực, tư duy nghệ thuật của người nghệ sĩ, chịu sự tác động của những trào lưu, thời kì văn học.
- Người nghệ sĩ không chỉ có khả năng sáng tạo ra các hình tượng thơ mà còn có khả năng làm cho các hình tượng ấy sống động, vận động như một sinh thể nghệ thuật độc lập trong đời sống của tác phẩm.
- Trong “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh đã xây dựng được hệ thống hình tượng vận động hướng tới sự sống, ánh sáng và tương lai. Đây chính là giá trị nghệ thuật của tâm hồn nghệ sĩ – chiến sĩ, tài năng nghệ thuật của một nhà thơ lớn.
2. Sự vận động của hình tượng thơ trong “Nhật ký trong tù”:
a. Hệ thống hình tượng thơ trong “Nhật ký trong tù” là những nét vẽ chân thực, sống động về bức chân dung tinh thần tự họa của Hồ Chí Minh. Mỗi hình tượng thơ là một khía cạnh xây dựng nên hình tượng chính của cả tập thơ là tâm hồn, nhân cách phi thường Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh lao tù. Đây là sự vận động nội tại của người và cảnh.
b. Những biểu hiện cụ thể của của sự vận động hình tượng thơ hướng tới sự sống, ánh sáng và tương lai:
- Vận động là xu hướng chung và thống nhất của toàn bộ tập thơ. Những năm tháng ở trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh bị đọa đày đau khổ. Tuy nhiên nhà tù chỉ có thể giam hãm được thể xác chứ không thể trói buộc được tinh thần của người chiến sĩ – thi sĩ Hồ Chí Minh. Vì vậy mọi suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm của Người đều hướng ra bên ngoài song sắt nhà tù: Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao.
- Hướng về tổ quốc, bộc lộ tấm lòng yêu nước, khát khao tự do, khát khao chiến đấu, cách mạng. (Không ngủ được, Tiếc ngày giờ)
- Hướng về ánh sáng, niềm vui của một nghệ sĩ tài hoa (Ngắm trăng, Chiều tối, Giải đi sớm..)
- Hướng từ sự sống lầm than trong nhà tù, của nhân dân Trung Quốc đến với tương lai, hi vọng vào cuộc sống cách mạng: Cháu bé trong nhà lao Tân Dương; Đánh bạc; Lai tân)
Tóm lại: Hình tượng thơ trong “Nhật ký trong tù” không tĩnh tại mà luôn luôn vận động, hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Đó chính là “tinh thần thời đại” mà Hồ Chí Minh thổi vào tập thơ.
3. Lý giải sự vận động của hình tượng thơ:
- Sự vận động của các hình tượng thơ hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai là hệ quả tất yếu của hoàn cảnh khách quan:
+ Những năm 1942 – 1943, Bác bị giam cầm và đầy đọa dã man trong nhà tù Tưởng Giới Thạch.
+ Suốt 13 tháng lao tù, chờ đợi ngày tự do, Người làm thơ như một hoạt động giải trí đồng thời để tỏ chí và trang trải nỗi lòng.
- Sự vận động của các hình tượng thơ còn là dụng ý của nhà thơ, bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan:
+ “Nhật ký trong tù” chính là cuộc vượt ngục tinh thần của Hồ Chí Minh, vượt lên trên cảnh tăm tối, đau khổ của nhà tù mà hướng đến lý tưởng cách mạng.
+ Một tâm hồn yêu nước thiết tha, khao khát tự do, nhạy cảm trước cái đẹp, thương yêu con người vô hạn như Người luôn hướng tác phẩm của mình đến với những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp, những vẻ đẹp của con người, cuộc sống.
4. Đánh giá:
 - Sự vận động của hình tượng thơ trong “Nhật ký trong tù” thể hiện ý chí, nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan cách mạng, “chất thép” trong con người Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện vẻ đẹp tâm hồn phong phú của Người (khao khát tự do, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, trân trọng vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống con người...)
- Dù biểu hiện dưới hình thức nào, thơ trữ tình hay thơ trào phúng thì các hình tượng thơ trong “Nhật ký trong tù” đều hướng tới các giá trị nhân văn cao đẹp, thể hiện sự hài hòa giữa chất cộng sản và chất nghệ sĩ trong phong cánh nghệ thuật Hồ Chí Minh. Đó là một phương diện quan trọng tạo nên viên ngọc trong kho tàng văn học Việt Nam.
III. Biểu điểm:
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. 
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,25 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
-------------Hết-------------

Tài liệu đính kèm:

  • docLUYEN_DOI_TUYEN.doc