Kì thi chọn học sinh giỏi trường khối 11 môn thi: Ngữ văn - Năm học: 2014 – 2015 - Trường THPT Quỳnh Lưu Ii

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1315Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kì thi chọn học sinh giỏi trường khối 11 môn thi: Ngữ văn - Năm học: 2014 – 2015 - Trường THPT Quỳnh Lưu Ii", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kì thi chọn học sinh giỏi trường khối 11 môn thi: Ngữ văn - Năm học: 2014 – 2015 - Trường THPT Quỳnh Lưu Ii
TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU II
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRƯỜNG KHỐI 11
Môn thi: Ngữ văn - Năm học: 2014 – 2015
Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề
Câu 1: Đọc – hiểu (3.0 điểm)
“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ: từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ trệt trên nền trời.
Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran từ ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.”
(Hai đứa trẻ - Thạch Lam)
a (1.5 điểm): Nêu những thành công về mặt nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam trong đoạn văn trên?
b (1.5 điểm): Bức tranh quê hương hiện lên như thế nào dưới ngòi bút Thạch Lam ở đoạn văn trên?
Câu 2: Nghị luận xã hội (3.0 điểm)
Bóng nắng, bóng râm
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con.
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, đi nhanh lên, kẻo nắng đến bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội?
Trời vẫn nắng, vẫn râm ...
... Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên!
Câu chuyện nhỏ trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về những bài học trong cuộc sống?
Câu 3: Nghị luận văn học (4.0 điểm)
Trong bài thơ “Con cò”, Chế Lan Viên đã viết:
“Lớn lên, lớn lên, lớn lên ...
Con làm gì?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn ...”
Theo em, vì sao trong lời ru thấm hơi xuân ấy, người mẹ lại mong con con lớn lên làm thi sĩ? Từ mong ước của người mẹ trong bài thơ, em có suy nghĩ gì về vai trò của văn chương trong việc bồi đắp tâm hồn con người?
Hết
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm)
Họ và tên thí sinh:  Số báo danh: .
Chữ kí của giám thị 1: . Chữ kí của giám thị 2: ...
TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU II
ĐÁP ÁN CHÍNH THỨC
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TRƯỜNG KHỐI 11
Môn thi: Ngữ văn - Năm học: 2014 – 2015
Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề
HƯỚNG DẪN CHẤM THI
(Bản hướng dẫn này gồm 04 trang)
A- YÊU CẦU CHUNG:
- Học sinh có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức biểu cảm, ít mắc lỗi chính tả. 
- Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí và có sức thuyết phục.
- Tổng điểm toàn bài là 10.0 điểm, giáo viên có thể chiết điểm đến 0.25 điểm.
B- YÊU CẦU CỤ THỂ:
Câu 1: Đọc – hiểu (3.0 điểm)
a (1.5 điểm):
- Đoạn văn là một biểu hiện rõ nét cho phong cách truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam – truyện không có cốt truyện, mỗi truyện như là “một bài thơ trữ tình đượm buồn đầy xót thương”
- Trong đoạn văn, tác giả đặc biệt thành công trong việc sử dụng những câu văn xuôi với nhiều vần bằng êm dịu, nhẹ nhàng, giàu nhịp điệu, uyển chuyển, tinh tế như những câu thơ man mác; thủ pháp so sánh, nhân hóa, các từ láy và cấu trúc câu hỏi tu từ: “Liên không hiểu sao ...... của ngày tàn”
- Tất cả các thủ pháp nghệ thuật trên đã góp phần diễn tả thành công bước đi chậm chạp của thời gian, sự chiếm lĩnh dần dần của bóng tối trên phố huyện nghèo và những xao động tế vi, thầm kín của nhân vật Liên trong cảnh ngày tàn.
b (1.5 điểm):
- Những câu văn êm dịu, nhẹ nhàng, giàu nhịp điệu, uyển chuyển, tinh tế như những câu thơ man mác, gợi dậy được cái hồn của cảnh vật, cái thần thái của thiên nhiên, cái hồn cốt của cảnh sắc nước Việt.
- Nhà văn Thạch Lam bằng tài năng và tấm lòng nhạy cảm của mình, đã miêu tả thành công “một bức họa đồng quê” quen thuộc, gần gũi và gợi cảm. Một bức tranh quê hương bình dị mà không kém phần thơ mộng, mang cốt cách Việt Nam. Đó là khung cảnh phố huyện yên tĩnh, thanh bình, thơ mộng nhưng buồn bã, đầy hiu hắt. Trên cái nền khung cảnh ấy là hình ảnh cô bé Liên, một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, biết thấm thía nỗi buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn, thời khắc của bóng tối ngự trị, của sự tàn lụi bao trùm lên cuộc sống con người và cảnh vật ...
Câu 2: Nghị luận xã hội (3.0 điểm)
a) Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, có sự vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác nghị luận như: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ  Kết cấu bài làm chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; dẫn chứng tiêu biểu, giàu sức thuyết phục. Ưu tiên những bài viết thể hiện dẫn chứng từ trải nghiệm của chính bản thân 
b) Yêu cầu về kiến thức:
Đây là dạng đề mở, học sinh có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau miễn là hợp lí và có sức thuyết phục, trên cơ sở hiểu đúng nội dung câu chuyện và yêu cầu của đề. Sau đây chỉ là một hướng tiếp cận:
1) Hiểu nội dung câu chuyện:
- Cuộc đời như một con đê dài hun hút và mỗi người đều phải đi trên con đê của riêng mình. Con đê đó có khi nắng, khi râm, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đi qua những “bóng nắng, bóng râm” đó để đi trọn con đường của mình.
- Bóng nắng: Tượng trưng cho những trở ngại, khó khăn, những thách thức và cả những thất bại mà con người có thể gặp phải trong cuộc sống.
- Bóng râm: Tượng trưng cho những điều thuận lợi, những cơ hội, những thành công, những bằng phẳng trong cuộc đời.
- Cả hai điều này đến đan xen và tất cả chúng ta đều phải đón nhận nó.
- Mộ mẹ cỏ xanh: Hãy biết yêu thương, trân trọng những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là những người thân yêu, ruột thịt khi họ hãy còn hiện hữu.
=> Câu chuyện khuyên con người trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực hết mình. Khi thất bại, không cúi đầu mà phải biết nỗ lực phấn đấu vươn lên. Còn khi thành công, chúng ta không dược chủ quan, tự mãn mà phải nắm bắt cơ hội để thành công hơn nữa. Và trong cõi đời này, hãy biết trân trọng, yêu quý những người xung quanh khi họ hãy còn hiện hữu!
2) Bài học về tư tưởng lối sống rút ra:
a) Có cái nhìn biện chứng về cuộc đời:
- Cuộc đời là một hành trình dài đang hướng tới một bến đời bình an với những cơ hội, những thách thức liên tiếp nhau.
- Trong cuộc sống, phải nhận thức được đâu là những khó khăn thử thách và những thuận lợi đối với mình. Đó là cách nhìn nhận biện chứng về cuộc đời để có quan niệm và cách sống phù hợp.
b) Có thái độ sống đúng đắn:
- Không nên thụ động trước những biến cố xảy ra trong cuộc sống.
- Luôn sống hết mình. Xem như việc được sinh ra ở đời này là một niềm hạnh phúc: Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương 
- Vì sao phải sống nhanh: Cuộc đời ngoài kia trôi đi hối hả, không chờ đợi ai. Nhất là trong cuộc sống hiện đại, công nghệ số hiện nay, nếu không biết tận dụng nó, ta sẽ là kẻ trắng tay, chí ít cũng để dở dang nhiều dự tính. Bời thế, mỗi chúng ta cũng phải sống sao cho trọn vẹn sự có mặt của chúng ta trên cõi đời này. 
- Thế nào là sống nhanh lên: Nghĩa là trân trọng từng, giây phút của cuộc đời, tăng cường độ sống cho một khoảng thời gian ngắn nhất. Sống khẩn trương, làm việc một cách có ích, không nên sống hoài, sống uổng cho những mục đích, những dự định vô bổ. Sống có ý nghĩa đối với mình và những người xung quanh, chứ không phải sống nhanh là sự sống vội, sống thử như một bộ phận thanh niên hiện nay đang chạy theo.
- Sống nhanh để làm gì: Sống nhanh để được nhận yêu thương và trao yêu thương; sống nhanh để tận hưởng thiên đường ngay trên mặt đất; sống nhanh để làm người công dân tốt, để cống hiến nhiều hơn cho nhân loại này. 
- Biết sống yêu thương và chia sẻ với những con người xung quanh.
*Lưu ý: Đối với mỗi luận điểm, thí sinh cần lấy được các dẫn chứng tiêu biểu, có sức thuyết phục để chứng minh.
3) Bình luận mở rộng:
- Cơ hội và thách thức, hạnh phúc và khổ đau, thuận lợi và khó khăn ... chia đều cho mỗi người. Hãy coi mỗi thuận lợi và khó khăn đó là một phần của cuộc sống, là một chặng đường ta đi qua. Bình thản đón nhận nó và sống thật có ích, sống hết mình, bởi cuộc sống không chờ đợi, cũng bởi hạnh phúc có thể nằm ngay trong khổ đau. Và hạnh phúc hay khổ đau phụ thuộc vào cách nhìn, vào thái độ sống của chúng ta.
- Hình thành kĩ năng sống: Sống có ích, tận hiến, tận hưởng từng phút giây, biết yêu thương những người xung quanh, không sống lãng phí thời gian hay sống một cách hời hợt, vô bổ.
c) Cách cho điểm:
- Điểm 3: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc, giàu hình ảnh, dẫn chứng tiêu biểu, có sức thuyết phục.
- Điểm2: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, có cảm xúc, có sức thuyết phục.
- Điểm 1: Đáp ứng được một nửa yêu cầu của đề, bố cục mạch lạc, hành văn rõ ràng, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm dưới 0: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, mắc nhiều lỗi về diễn đạt; không làm câu 2
Câu 3: Nghị luận văn học (4.0 điểm)
a) Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, vận dụng kiến thức về lí luận văn học và các kĩ năng, thao tác nghị luận để làm sáng tỏ nội dung lời thơ của Chế Lan Viên. Kết cấu bài làm chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b) Yêu cầu về kiến thức:
- Học sinh có thể có nhiều cách diễn đạt, suy nghĩ khác nhau song cần hợp lí, chặt chẽ, có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý: 
1) Vì sao người mẹ lại mong con mình lớn lên làm thi sĩ?
- Vì muốn làm thi sĩ để mang lòng từ tâm như một thứ hương hoa thuần khiết dâng cho cõi đời, để lưu giữ cái đẹp, cội nguồn nhân bản cho cuộc đời.
- Làm thi sĩ để cánh cò trong trắng của con lại bay hoài trong cõi thơ mênh mông, đánh thức những xao động tế vi và ngọt ngào của tâm hồn con người, của tâm hồn nhân loại.
- Mẹ mong con làm thi sĩ là để thoát khỏi những toan tính trần tục để hướng vào thế giới nội tâm của tâm hồn.
- Nếu con không thể trở thành một nhà thơ thì mẹ cũng mong con sẽ có trái tim của một thi sĩ đích thực ...
2) Từ mong ước của người mẹ trong bài thơ, suy nghĩ về vai trò của văn chương trong việc bồi đắp tâm hồn con người:
- Nếu các bộ môn Khoa học tự nhiên như Toán, Lí, Hóa ... bồi đắp cho con người trí tuệ thì văn chương lại bồi đắp cho tâm hồn con người:
+ Giúp con người biết yêu cái tốt, cái thiện, cái cao cả; căm ghét cái xấu xa, cái ác, cái thấp hèn ...
+ Biết đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau của đồng loại
+ Biết nuôi dưỡng ước mơ và hi vọng sống tốt đẹp
+ Biết phê phán, đấu tranh, loại bỏ sự bất công, ngang trái, chà đạp lên nhân phẩm và quyền sống con người
+ Biết sống có lòng tin, lòng tốt và lòng yêu thương con người trong cuộc sống ....
*Lưu ý: Đối với mỗi luận điểm, thí sinh cần lấy được các dẫn chứng tiêu biểu, có sức thuyết phục để chứng minh.
- Nói tóm lại, văn chương chân chính sẽ làm cho tâm hồn con người phong phú hơn, tinh tế hơn, sâu lắng hơn, nhân bản hơn và giúp con người hướng thiện, góp phần cho cuộc đời này ngày càng trở nên tươi đẹp hơn.
 c) Cách cho điểm:
- Điểm 4: Hiểu sâu vấn đề, khai thác ý phong phú, đúng hướng; trình bày mạch lạc, dẫn chứng hợp lí, rõ ràng, thuyết phục, có sáng tạo; hành văn trong sáng, có cảm xúc, hình ảnh. 
- Điểm 3: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, dẫn chứng hợp lí.
- Điểm 2: Khai thác ý khá tốt, giải quyết được 2/3 yêu cầu về nội dung. Diễn đạt mạch lạc, hành văn ít mắc lỗi.
- Điểm 1: Khai thác được khoảng ½ yêu cầu về nội dung, diễn đạt được.
- Điểm 0: Chưa hiểu đề, còn non kém về nhiều mặt, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt hoặc không làm câu 3.
Hết.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG_xem_duoc.doc