Đề và đáp án thi thử học sinh giỏi Ngữ văn lớp 6

doc 5 trang Người đăng dothuong Lượt xem 639Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề và đáp án thi thử học sinh giỏi Ngữ văn lớp 6", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề và đáp án thi thử học sinh giỏi Ngữ văn lớp 6
Câu 1: 
	“ Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông. Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập xuôi ngược, thế là bao nhiêu cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng, két ở các bãi sông xơ xác tận đâu cũng bay cả về vùng nước mới để kiếm mồi. Suốt ngày, họ cãi cọ om bốn góc đầm, có khi chỉ vì tranh một mồi tép, có những anh Cò gầy vêu vao ngày ngày bì bõm lội bùn tím cả chân mà vẫn hếch mỏ, chẳng được miếng nào. Khổ quá, những kẻ yếu đuối, vật lộn cật lực thế mà cũng không sống nổi. Tôi đứng trong bóng nắng chiều tỏa xuống ánh nước cửa hang mà suy nghĩ việc đời như thế.”
	 (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
	Đọc kĩ đoạn văn và thực hiện các yêu cầu dưới đây:
a. Xác định các từ láy trong đoạn văn.
b. Xác định các thành phần câu trong câu văn sau: 
“Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông.”
c. Chỉ ra các cụm từ có trong câu sau: "Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập xuôi ngược, thế là bao nhiêu cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng, két ở các bãi sông xơ xác tận đâu cũng bay cả về vùng nước mới để kiếm mồi"
d. Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn là gì? Việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật ấy tạo nên một khung cảnh như thế nào?
Câu 2: Nghĩ về người bà yêu quí của mình, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã viết :
 Tóc bà trắng tựa mây bông
 Chuyện bà như giếng cạn xong lại đầy .
 Hãy cho biết: phép so sánh được sử dụng trong hai dòng thơ trên giúp em thấy rõ hình ảnh người bà như thế nào ?
Câu 3: Sau khi kết nghĩa anh em, Mèn đã có dịp tâm sự với Trũi về những ngày ra sống độc lập và câu chuyện về bài học đường đời đầu tiên của mình.
 Hãy nhập vai Mèn kể lại cho Trũi nghe.
Câu 1: (2,0 điểm)
Cho đoạn trích sau đây:
	“Một hôm, Mã Lương vẽ con cò trắng không mắt. Vì một chút sơ ý, em đánh rơi một giọt mực xuống bức tranh. Giọt mực rơi đúng chỗ mắt cò. Thế là cò mở mắt, xòe cánh, bay đi. Chuyện làm chấn động cả thị trấn. Mấy kẻ mách lẻo đến tố giác với nhà vua. Vua phái triều thần đến đón Mã Lương về kinh đô. Mã Lương không muốn đi, nhưng họ tìm đủ cách dụ dỗ, dọa nạt để bắt em về hoàng cung.”
 (Cây bút thần)
Tìm các cụm danh từ có trong đoạn trích.
Điền các cụm danh từ đã tìm được vào mô hình cụm danh từ.
Câu 2: (2,0 điểm)
	Cách miêu tả sau đây của nhà văn Tô Hoài có gì đặc sắc?
 “Cái anh chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê.”
 (Trích: “Dế mèn phiêu lưu kí” – Tô Hoài)
Câu 3: (6,0 điểm)
 Sau đây là các nhân vật chính, những chi tiết cơ bản, tình huống của một câu chuyện:
Một cô bé đi xe đạp vào chợ mua rau. Cô dừng trước hàng rau và hỏi mua. Bà cụ bán rau khen cô bé xinh. Cô bé tỏ thái độ khó chịu và trả tiền. Bà cụ đưa lại tiền thừa, cô bé này ngúng nguẩy nguýt dài rồi đạp xe đi.
Em hãy căn cứ vào các yếu tố trên để kể thành một câu chuyện hoàn chỉnh (theo ngôi kể thứ nhất). Từ câu chuyện trên em rút ra bài học gì?
Câu 1: (2,0 điểm)
Các cụm danh từ tìm được và điền vào mô hình cụm danh từ: 
Phần trước
Phần trung tâm
Phần sau
Một
một
một
cả
mấy 
hôm
con cò 
chút
giọt mực
thị trấn
kẻ
trắng không mắt
sơ ý
mách lẻo
Câu 2: (2,0 điểm)
Đoạn văn thể hiện tài năng quan sát, so sánh, nhận xét, liên tưởng trong miêu tả nhân vật của Tô Hoài: Tái hiện hình ảnh ốm yếu, tội nghiệp của Dế Choắt qua cái nhìn của Dế Mèn (0,5 điểm)
Nét đặc sắc thể hiện ở các chi tiết sau:
+ So sánh “người gầy gò và dài lêu nghêu” với dáng "gã nghiện thuốc phiện” làm nổi bật dáng hình xiêu vẹo, lờ đờ, bệ rạc của Dế Choắt (0,5 điểm)
+ Hình ảnh “đôi cánh ngắn củn” được so sánh như “người cởi trần mặc áo gilê”: Đã gầy gò, liêu xiêu, lại cởi trần mặc áo gilê (áo chỉ dùng khoác bên ngoài áo dài) thì đủ để tạo thành một bức tranh biếm họa rất khôi hài: Thân hình trơ xương, thảm hại. (1,0 điểm).
Câu 3: (6,0 điểm)
Đây là kiểu bài tự sự sáng tạo:
Học sinh dựa vào các dữ kiện đã cho để xây dựng thành một câu chuyện hợp lí. Các yếu tố đã cho khá đầy đủ về nhân vật, tình tiết. Các em phải tưởng tượng: miêu tả, bổ sung chi tiết, liên kết các sự kiện lại để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Học sinh có thể có các cách kể khác nhau nhưng phải làm nổi bật được nội dung theo hướng: Nhân vật “tôi” - người kể - chứng kiến, ghi lại câu chuyện xảy ra giữa bà cụ bán rau và cô gái đi xe đạp. Ở đây muốn phê phán thái độ khinh người, thiếu lễ độ của cô gái. Từ câu chuyện này các em rút ra cho mình bài học về ứng xử trong giao tiếp: Phê phán thói vô lễ, lạnh lùng, coi thường người khác; biết thông cảm với hoàn cảnh và tôn trọng người trên; phải lịch sự trong giao tiếp.
Dựa vào kĩ năng và nội dung đạt được của học sinh mà GV chiết điểm cho hợp lí. Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Câu 1: Tiếng Việt (2 điểm)
a, Đoạn thơ sau sử dụng biện pháp tu từ gì ? Phân tích tác dụng mà biện pháp tu từ đó mang lại:
	Quê hương là chùm khế ngọt
	Cho con trèo hái mỗi ngà
	Quê hương là đường đi học
	Con về rợp bướm vàng bay. (Quê hương - Đỗ Trung Quân)
b, Trong những câu sau, câu nào là câu tồn tại.
	Mùa thu đã tới rồi. Từ trên bầu trời xuất hiện những áng mây lơ lửng. Từng đàn cò trắng nhẹ bay như trôi trên bầu trời tĩnh mịch. Không còn cái nắng gay gắt của mùa hạ nữa. Những chiếc lá trên cây đã bắt đầu lìa cành tìm về với cội. Trên mặt ao lăn tăn những gợn sóng. Đâu đó vẳng lại những tiếng sáo diều ngân nga tha thiết. Khung cảnh êm đềm của mùa thu gợi cho ta bao nhiêu kỉ niệm về một thời thơ ấu.
Câu 2: (2 điểm) 
	Buổi trưa, không một sợi gió, mẹ vơ lấy cái nón cũ, bước vào trong nắng ra đồng... Hãy viết đoạn văn tả lại cảnh đó. 
Câu 3: (6 điểm)
	Những câu chuyện về mẹ luôn là những câu chuyện cảm động. Em hãy kể lại một câu chuyện cảm động về mẹ của em.
HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1: Tiếng Việt (2 điểm)
	a, - Đoạn thơ sử dụng biện pháp tu từ so sánh. (0,25 đ)
	 - Nhờ biện pháp tu từ so sánh trên mà người đọc cảm nhận quê hương không trừu tượng xa lạ (0,25 đ) mà trở nên gần gũi, thân thiết với tuổi thơ (0,25 đ) cũng qua biện pháp tu từ so sánh trên mà người đọc cảm nhận tình yêu quê hương của tác giả chân thành, mộc mạc (0.25 đ) 
	b, - Học sinh xác định đúng các câu tồn tại trong đoạn văn: 
	+ Từ trên bầu trời xuất hiện những áng mây lơ lửng.
	+ Trên mặt ao lăn tăn những gợn sóng.
	+ Đâu đó vẳng lại những tiếng sáo diều ngân nga, tha thiết.
	 Học sinh xác định đúng 3 câu ghi 1 điểm, 2 câu ghi 0,5 điểm, 1 câu ghi 0,25 điểm, (xác định sai không trừ điểm).
Câu 2: (2 điểm)
	- Đề yêu cầu viết đoạn văn tả cảnh: mẹ ra đồng vào buổi trưa nắng, nóng. Đoạn văn phải đảm bảo các yêu cầu sau: tả khung cảnh chung (không gian, thời gian, nắng, gió, người mẹ bước ra đồng) đồng thời người viết bộc lộ thái độ, cảm xúc về sự vất vả của mẹ.
	- Đoạn văn thể hiện được kĩ năng tưởng tượng, kĩ năng so sánh và kĩ năng nhận xét khi viết văn miêu tả. Người viết có ý thức dùng những từ ngữ giàu hình ảnh và có sức biểu cảm lớn. Biết sử dụng linh hoạt những kiểu câu khác nhau.
	* Biểu điểm: Đảm bảo các yêu cầu trên (2 đ), đảm bảo yêu cầu về nội dung nhưng còn mắc vài lỗi nhỏ (1,5 đ), đoạn văn đảm bảo tả được cảnh, biết tưởng tượng, so sánh nhưng chưa thể hiện thái độ, cảm xúc trước cảnh. (1 điểm), tả được cảnh nhưng thiếu tưởng tượng, so sánh, thiếu cảm xúc (0,5 đ).
Câu 3: (6 điểm)
	1/ Yêu cầu: 
	a, Yêu cầu nội dung: kể lại câu chuyện cảm động về mẹ của chính em.
	b, Yêu cầu về cách kể:
	+ Kể chuyện của chính mình nên phải tự nhiên, chân thật, cảm động. 
	+ Dùng ngôi kể thứ nhất. 
	+ Phải đảm bảo bố cục của một bài văn tự sự.
	+ Lời văn kể phải mạch lạc, linh hoạt, sinh động và giàu cảm xúc.
	+ Chú ý đến lỗi diễn đạt và chính tả.

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_THI_THU_HSG_NGU_VAN_6.doc