Đề và đáp án thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 - Bài số 1 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Tĩnh Gia

doc 5 trang Người đăng dothuong Lượt xem 913Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề và đáp án thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 - Bài số 1 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Tĩnh Gia", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề và đáp án thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn 9 - Bài số 1 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD & ĐT Tĩnh Gia
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HSG CẤP TỈNH
 TĨNH GIA Năm học 2016 - 2017
 ĐỀ CHÍNH THỨC
 Môn: Ngữ văn 9 – Bài số 1
 Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (2 điểm).
 Phát hiện và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
“Cái cò... sung chát đào chua...
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Bao giờ cho đến mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho đến tháng năm
mẹ ta trải chiếu ta nằm đếm sao”
 (Trích: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy)
Câu 2 (6 điểm). 
	Viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về câu nói sau: “Con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu trong tim người khác.” (Xu khôm linski)
Câu 3 (12 điểm). 
 	Ra-xum Ga-đa-tốp được mệnh danh là nhà thơ của mọi thời đại có dành cho báo Nước Nga văn học một cuộc trò chuyện, trong đó bày tỏ sâu sắc suy nghĩ của mình về văn học:“Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo.” 
 (Đọc hiểu văn bản, SGK Ngữ văn 9 – 2005, trang 160)
 	Em hiểu lời bàn trên như thế nào? Bằng sự hiểu biết của mình về hoàn cảnh lịch sử đất nước, con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, hãy làm sáng tỏ lời bàn ấy qua tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
Họ tên học sinh: .....................................................................................; Số báo danh: ..........................
HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HSG CẤP TỈNH
 NĂM HỌC 2016- 2017
Môn: Ngữ văn – Lớp 9
I. HƯỚNG DẪN CHUNG:
	- Giám khảo chấm kĩ để đánh giá một cách đầy đủ, chính xác kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, lập luận trong bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm.
	- Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng. Giám khảo vận dụng linh hoạt, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có ý tưởng sáng tạo.
	- Bài viết cần có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những bài mắc quá nhiều các loại lỗi dùng từ, chính tả, đặc biệt là văn viết tối nghĩa thì không cho quá nửa số điểm của mỗi câu.
	- Chấm theo thang điểm 20 (câu 1: 2 điểm; câu 2: 6 điểm; câu 3: 12 điểm), cho điểm lẻ đến 0,25.
II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:
Câu
Nội dung cần đạt
Điểm
I
Phát hiện và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ 
2,0
- Phép ẩn dụ: Hình ảnh cái cò, sung chát, đào chua- những sự vật quen thuộc trong đời sống, trong ca dao xưa - tượng trưng cho người phụ nữ, người mẹ và bao nỗi gian truân vất vả của cuộc đời. 
- Phép nhân hoá: hồng, bưởi đánh đu - Sự vật trở nên sinh động, gần gũi; thể hiện niềm yêu thích tự hào của tuổi thơ.
- Phép điệp từ ngữ 
 + Từ “mẹ - ta” được lặp lại tô đậm nỗi nhớ thương. “Ta” vừa là cái tôi của chính nhà thơ muốn giãi bày tâm sự vừa là lời của số đông khi có sự đồng cảm. 
 + Điệp ngữ “Bao giờ cho đến...” Nhấn mạnh niềm khát khao thủa nhỏ và sự hoài niệm thiết tha về những kí ức tuổi thơ đẹp đẽ đi cùng với người mẹ thân yêu của nhà thơ. 
- Nói quá: Ta đi trọn kiếp con người/ cũng không đi hết mấy lời mẹ ru: nhấn mạnh tình mẹ thật bao la, sâu sắc. Trải qua trọn kiếp con người cũng không sao thấu hiểu hết tấm lòng của mẹ qua những lời ru.
- Đánh giá khái quát: Việc sử dụng những biện pháp tu từ trên giúp cảm xúc của nhân vật trữ tình được bộc bạch, dãi bày. Người đọc vừa cảm nhận được hình ảnh người mẹ tần tảo yêu thương vừa hiểu tình cảm thương nhớ, kính yêu, sự hàm ơn, tiếc nuối khôn nguôi của nhà thơ.
0,5
0,25
0,25
0,25
0,25
0,5
II
Viết bài nghị luận xã hội
6,0
1. Yêu cầu về kỹ năng:
Hiểu được yêu cầu của đề ra. Tạo lập được một văn bản nghị luận xã hội có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lời văn trong sáng, có cảm xúc và giọng điệu riêng. Trình bày đúng chính tả và ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức: HS có thể khai thác vấn đề theo nhiều hướng, nhưng cần làm rõ các ý cơ bản sau:
- Giải thích ý nghĩa câu nói: Bằng cách nói hình ảnh so sánh, ẩn dụ, câu nói khẳng định con người sinh ra không chỉ để sống một cuộc đời tầm thường, vô vị. Đã sinh ra trong cuộc đời, con người phải khẳng định vai trò tích cực của mình với xã hội, những người xung quanh, phải sống có ích, tốt đẹp.
- Vận dụng lí lẽ để khẳng định vấn đề:
+ Con người sinh ra nếu không có lí tưởng sống, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán, vô vị, sống buông xuôi, thậm chí buông thả, bất cần đời...
+ Sống phải có công danh, sự nghiệp, giúp ích cho đời. Vì khi sinh ra trong trời đất là ta đã mang món nợ với cuộc đời. Mỗi người cần trả sòng phẳng món nợ sâu nặng đó.
+ Khi có quan niệm sống có ích, sống tốt đẹp ta sẽ thấy cuộc đời đẹp, đáng sống.
+ Có cống hiến cho đời bằng những việc làm cụ thể, con người mới có thể in dấu của mình trong xã hội. Và biết sống cho người khác, vì người khác là yêu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để con người in dấu trong tim người khác.
- Nêu dẫn chứng minh họa:
+ Cha mẹ in dấu trong tim con cái bằng sự chăm sóc, nuôi dưỡng, tình yêu thương, dạy dỗ chu đáo.
+ Có những anh hùng dân tộc in dấu trên mặt đất và trong tim chúng ta bằng những hành động chiến đấu phi thường và sự hy sinh anh dũng
+ Các bậc vĩ nhân in dấu trên mặt đất và trong tim chúng ta bằng sự nghiệp lừng lẫy, sự đóng góp lớn lao cho cuộc đời bằng tấm gương đạo đức sáng ngời: Bác Hồ, Lê-nin,
+ Những kẻ sống chủ nghĩa cá nhân, sống với tham vọng điện cuồng....Những người sống mà như chết hay sống lay lắt trong cuộc đời, ăn bám gia đình và xã hội....không bao giờ in dấu lại trên mặt đất, in dấu trong tim người khác.
- Nhận thức hành động đúng cần có:	
Mỗi người sinh ra cần có quan niệm sống tốt đẹp, tích cực, để lại danh thơm, tiếng tốt; biết sống vì người khác, biết đóng góp công sức cho cuộc đời chung (Như học tập, lao động tốt, giúp đỡ người khác, lên tiếng với hành động xấu..... chắc chắn sẽ được in dấu lại trên mặt đất, in dấu trong tim người khác)
0,5
1,0
0,5
0,25
0,25
0,5
0,25
0,25
0,5
0,5
1,5
III
Viết bài nghị luận văn học
12,0
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Đảm bảo một văn bản nghị luận có bố cục rõ ràng, hợp lí; tổ chức sắp xếp hệ thống các ý một cách lôgic, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc; chữ viết rõ ràng, cẩn thận; không mắc lỗi dùng từ cơ bản
-  Phải huy động những hiểu biết về văn học, đời sống, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ, chủ kiến của mình để làm bài.
- Có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, phải có thái độ chân thành nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
1,0
2. Yêu cầu về kiến thức: HS có thể khai thác vấn đề theo nhiều hướng, nhưng cần làm rõ các ý cơ bản sau:
11.0
* Dẫn dắt và nêu vấn đề nghị luận: 
- Văn học nghệ thuật bao giờ cũng lấy chất liệu từ đời sống hiện thực khách quan. Người nghệ sĩ phải phản ánh hiện thực đó một cách vừa trung thực vừa sáng tạo.
- Dẫn lời nhận xét của Ra-xum Ga-đa-top 
- Khái quát hoàn cảnh đất nước Việt Nam nửa cuối thế kỉ XX – đương đầu với TD Pháp và Đế quốc Mĩ. Văn học cách mạng đã hướng ngòi bút vào hiện thực ấy, ca hát về thời đại mình khổ đau mà vô cùng vĩ đại, trong đó có Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. 
1,0
* Giải thích khái niệm trong nhận định về mối quan hệ giữa cuộc sống - tác giả - tác phẩm 
- Chân lí là sự phản ánh sự vật hiện tượng của hiện thực vào nhận thức của con người đúng như chúng tồn tại.
- Văn học là thư kí của cuộc sống hiện thực, là tấm gương phản chiếu hiện thực thông qua lăng kính chủ quan và sự sáng tạo của người cầm bút. Hiện thực được phản ánh phải trung thực, phù hợp với hoàn cảnh của thời đại: “ Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn”. 
- Với tài năng của người nghệ sĩ, hiện thực cuộc sống được ghi lại trong tác phẩm bằng những hình ảnh hấp dẫn và sáng tạo để tác phẩm đó sống mãi với thời gian. Vì vậy, văn học thường mang nội dung cụ thể của thời đại mình.
0,5
0,5
0,5
* Chứng minh nhận định của Ga-đa-tôp: nền tảng chân lý qua hai tác phẩm Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)
- Nền tảng chân lý của bài thơ Đồng chí là hiện thực của đất nước trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp từ 1946 - 1954. Dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến với bao khó khăn, gian khổ và thiếu thốn. Lực lượng chính là nông dân. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả sức người sức của để giành lấy độc lập, tự do. Và bài Đồng chí được sáng tác năm 1948, sau chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta đánh thắng cuộc tiến công quy mô lớn của quân Pháp cuối năm 1947 lên khu căn cứ địa Việt Bắc. Chính Hữu – một nhà thơ, một người chiến sĩ lúc đó là chính trị viên đại đội thuộc trung đoàn Thủ đô, cùng đơn vị của mình tham gia chiến đấu suốt chiến dịch. Bài thơ ra đời là kết quả của những trải nghiệm thực và những cảm xúc sâu xa, mạnh mẽ của tác giả với những người đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc.
- Nền tảng chân lý của Bài thơ về tiểu đội xe không kính là hiện thực của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1954 đến 1975. Miền Bắc vừa xây dựng đất nước, vừa làm hậu phương vững chắc cho miền Nam. Giặc Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh hủy diệt, tàn khốc với dân tộc Việt Nam. Song cả dân tộc với tinh thần độc lập, tự do đã đoàn kết đứng dậy đấu tranh, quyết đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Đặc biệt là tinh thần của lớp thanh niên quyết “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu). Phạm Tiến Duật cũng là một nhà thơ - chiến sĩ có mặt trong đội ngũ trùng trùng điệp điệp ấy. Ông đã sáng tác Bài thơ về tiểu đội xe không kính năm 1969, khi ông trực tiếp ngồi trên những chiếc xe không kính “hở hông hốc” (lời tác giả) cùng đoàn xe tiến thẳng vào miền Nam qua tuyến đường Trường Sơn.
=> Hai bài thơ đã phản ánh trung thành hiện thực chiến tranh của đất nước: khổ đau mà vĩ đại, bi tráng mà hào hùng. Khẳng định chân lý bất biến của dân tộc: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” (Hồ Chí Minh)
1,0
1,0
0,5
* Giai điệu về thời đại được phản ánh một cách chân thực, sinh động, hấp dẫn qua hai thi phẩm
- Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
+ Giai điệu về thời đại được nhà thơ Chính Hữu khai thác từ hiện thực của cuộc chiến đấu đầy khó khăn gian khổ, hi sinh của người lính trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hệ thống hình ảnh trong bài thơ từ hiện thực đó đi vào tác phẩm không hề tô vẽ. Cũng nhờ vậy mà vẻ đẹp đồng chí được tỏa sáng.
+ Đồng chí - họ là những người lính nông dân từ những vùng quê nghèo khó hội tụ về thành đồng chí đồng đội, đồng chí hướng, đồng nhiệm vụ cầm súng bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Buổi đầu xa lạ để rồi thành “tri kỉ”, thành “đồng chí”, “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” vượt lên tất cả.
+ Họ cùng chung cuộc sống gian nan, thiếu thốn: “sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”, “áo rách”,”quần vá”, “miệng cười buốt giá”, “chân không giầy”, “rừng hoang sương muối”.
+ Gian nan, thiếu thốn, hi sinh nhưng lí tưởng của người lính vô cùng cao đẹp. Đó là lí tưởng chiến đấu bảo vệ đất nước. Vẻ đẹp chân thực nhưng cũng rất hào hoa của người lính được nhà thơ thể hiện bằng hình ảnh nghệ thuật đầy sáng tạo: “Đầu súng trăng treo”. Bút pháp lãng mạn bay bổng ở hình ảnh kết thúc của bài thơ để lại ấn tượng, dư ba trong tâm hồn người đọc.
=> Hình ảnh người lính thể hiện lên chân thực, giản dị, gắn bó keo sơn trong mọi hoàn cảnh. Vất vả, gian nan nhưng họ vẫn lạc quan, vẫn tin ở thắng lợi cuối cùng. Bài thơ Đồng chí trở thành biểu tượng cho thơ ca kháng chiến chống Pháp.
- Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật
+ Giai điệu về thời đại được nhà thơ khai thác từ hiện thực những chiếc xe không kính và người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Giặc Mĩ bắn phá miền Bắc ác liệt với âm mưu hủy diệt, chặn đứng con đường huyết mạch nối liền hai miền Nam - Bắc. Dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, những chiếc xe vận tải tiếp sức cho tiền tuyến đã bị biến dạng: không kính, không đèn, không mui Song chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi, những chiếc xe vẫn ngày đêm băng qua bom đạn tiến thẳng ra mặt trận, đã trở thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng, phản ánh đúng tính chất khốc liệt của cuộc chiến. Hình ảnh thơ trần trụi nhưng lại là hình ảnh độc đáo, đầy sáng tạo của nhà thơ. Nhờ đó mà bài thơ đã được lưu truyền rộng rãi trong công chúng, được nhiều người ưa thích.
+ Song cái giai điệu về thời đại mà nhà thơ Phạm Tiến Duật muốn ca hát, đó là vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ lái xe. Với tư thế ung dung, tinh thần lạc quan, yêu đời, thái độ coi thường hiểm nguy, thử thách, trẻ trung hồn nhiên, ấm áp tinh thần đồng đội, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam của người lính trẻ, nhà thơ đã tạc nên chân dung người lính - tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mĩ: bất khuất, kiên cường, kiêu hùng và lãng mạn.
=> Bài thơ vừa mang thanh khí của thời đại, vừa mang tầm vóc lịch sử. Đó là tiếng nói của cuộc sống hiện thực hào hùng, oanh liệt thời chống Mĩ. Nó là biểu tượng anh hùng tuyệt vời về người lính Trường Sơn. Bài thơ góp phần làm sống mãi hình ảnh thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh gian khổ mà oanh liệt, “Vang tự hào giữa thế kỉ hai mươi” (Tố Hữu)
0,5
0,5
0,5
0,5
0,5
1,0
1,0
0,5
* Đánh giá khái quát:
- Hai bài thơ là hai giai điệu minh chứng cho thực tế lịch sử; là bài ca ca ngợi về người lính giúp thế hệ sau thấy được thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ gian khổ, hi sinh nhưng rất anh hùng.
- Bằng tài năng, tâm huyết và sự sáng tạo, Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đã góp mặt vào thơ ca kháng chiến hai thi phẩm - hai bài ca sống mãi với thời gian làm rung động lòng người. Vẻ đẹp của nó đã chứng minh cho nhận định của Ra-xum Ga-đa-tôp là hoàn toàn đúng đắn: “hát đúng giai điệu về thời đại của mình” và “miêu tả một cách trung thực bằng hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo” 
0,5
0,5
* Lưu ý: Trên đây là những gợi ý và định hướng chung, giám khảo cần vận dụng linh hoạt dựa trên thực tế bài làm của học sinh. Khuyến khích những bài có cảm nhận sâu sắc, có cảm xúc và sáng tạo trong cách viết.

Tài liệu đính kèm:

  • docDEDA_CHON_DOI_TUYEN_HSG_VAN_CAP_TINH_HUYEN_TINH_GIA_NAM_HOC_20162017V2.doc