Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Nghệ An

doc 4 trang Người đăng dothuong Lượt xem 717Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Nghệ An", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Nghệ An
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NGHỆ AN
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút, không kể thời gian giao đề
Câu 1. (3,0 điểm)
Đọc kỹ đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
a. Đoạn thơ trên được trich từ tác phẩm nào? Tác giả là ai? (0,5đ)
b. Hãy nên nội dung chính của đoạn thơ? (1,0đ)
c. Ghi lại câu thơ có cách biểu cảm trực tiếp. (0,5đ)
d. Trong bốn câu thơ đầu, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy? (1,0đ)
Câu 2. (3,0 điểm)
Từ nội dung hai câu thơ:
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Em hãy viết một bài văn (khoảng 400 từ), trình bày suy nghĩ của mình về Nghĩa tình quê hương đối với mỗi con người.
Câu 3. (4,0 điểm)
Một truyện ngắn hay là truyện mà ở đó nhà văn sáng tạo được những chi tiết độc đáo. Em hãy chọn và phân tích một chi tiết trong tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (phần trích trong Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục 2015) mà theo em là độc đáo và có nhiều ý nghĩa trong việc làm nổi bật chủ đề tác phẩm.
Đáp án đề thi
Câu 1:
a. Đoạn thơ trên được trích trong tác phẩm "Nói với con" của nhà thơ Y Phương.
b. Nội dung chính của đoạn thơ: Lời người cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người - đó là gia đình và quê hương.
c. Câu thơ có cách biểu cảm trực tiếp: "Người đồng mình yêu lắm con ơi"
d.
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong bốn câu thơ đầu:
+ Điệp từ "bước tới", điệp cấu trúc.
+ Liệt kê "chân phải", "chân trái", "một bước", "hai bước", "tiếng nói", "tiếng cười"
- Tác dụng: gợi không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc, đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng nói cười. Ở đó, trong từng bước đi chập chững của con đều có sự dìu dắt, nâng đỡ của cha mẹ. Ẩn chứa trong đó là niềm hạnh phúc vô biên của cha mẹ.
Câu 2:
* Đây là kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí (Cụ thể là nghị luận về một vấn đề đặt ra trong một tác phẩm văn học)
* Trong phần thân bài, các em cần phải đảm bảo được đầy đủ những ý sau:
1. Giải thích khái niệm "quê hương": có thể hiểu khái quát là nơi ta sinh ra, lớn lên, có gia đình, kỉ niệm thời thơ ấu...
2. Phân tích ngắn gọn nội dung của hai câu thơ: "Rừng cho hoa - Con đường cho những tấm lòng":
- Câu thơ nằm trong phần nhà thơ viết về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người - đó là gia đình và quê hương.
- Quê hương với gia đình ấm áp yêu thương; với những con người tài hoa, có tâm hồn lãng mạn; cũng là quê hương với thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình: "Rừng cho hoa - Con đường cho những tấm lòng".
- Điệp từ "cho" mang nặng nghĩa tình. Quê hương đem đến cho con người những thứ cần để lớn, dành tặng cho con người những gì đẹp đẽ nhất. Quê hương đã che chở, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống.
=> Bằng cách nhân hóa "rừng" và "con đường" qua điệp từ "cho", Y Phương đã cho người đọc cảm nhận sâu sắc về nghĩa tình quê hương đối với mỗi con người. Quê hương là điều quí giá vô ngần mà mỗi con người không thể thiếu trên bước đường lớn khôn, trưởng thành.
3. Suy nghĩ của bản thân về vai trò, ý nghĩa của quê hương đối với mỗi con người:
- Mỗi con người đều gắn bó với quê hương, mang bản sắc, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương. Chính vì thế, tình cảm dành cho quê hương ở mỗi con người là tình cảm có tính chất tự nhiên, sâu nặng.
- Quê hương luôn bồi đắp cho con người những giá trị tinh thần cao quí: tình làng nghĩa xóm. tình yêu quê hương, gia đình sâu nặng...
- Quê hương luôn là điểm tựa vững vàng cho con người trong mọi hoàn cảnh, là nguồn cổ vũ, động viên, là đích hướng về của con người.
(Lưu ý: HS lấy dẫn chứng trong đời sống, trong văn học để chứng minh)
4. Trách nhiệm của mỗi con người:
- Tình yêu quê hương, gia đình luôn gắn liền với tình yêu đất nước. Cần hướng về quê hương, song không có nghĩa là chỉ hướng về mảnh đất nơi mình sinh ra, mà phải biết tôn trọng và yêu quí tất cả những gì thuộc về Tổ quốc.
- Xây đắp, bảo vệ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi con người.
- Là HS, ngay từ bây giờ phải tu dưỡng đạo đức, tích lũy kiến thức để sau này góp một phần nhỏ của việc vào công cuộc dựng xây, và bảo vệ quê hương đất nước.
- Cần có thái độ phê phán những người có hành động, suy nghĩ chưa tích cực đối với quê hương: chê quê hương nghèo khó, lạc hậu; không có ý thức xây dựng quê hương, thậm chí quay lưng, phản bội quê hương, xứ sở....
Câu 3:
* Đây là một đề bài mở. Các em được quyền lựa chọn một chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" để nghị luận. Có thể là chi tiết chiếc lược ngà, chi tiết "vết thẹo" trên khuôn mặt của ông Sáu;...
I. Mở bài:
- Giới thiệu được tác giả Nguyễn Quang Sáng
- Giới thiệu được tác phẩm "Chiếc lược ngà".
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Chi tiết "vết thẹo" trên khuôn mặt của ông Sáu.
II. Thân bài:
1. Vai trò của chi tiết trong truyện ngắn:
- Truyện ngắn là thể tài văn học gần gũi với đời sống hằng ngày, có tác dụng và ảnh hưởng to lớn đến đời sống và nhu cầu thẩm mỹ của độc giả. Ngoài việc đảm bảo những yêu cầu khắt khe của thể loại như: hình thức tự sự cỡ nhỏ, đảm bảo tính tình huống, nhân vật điển hình, thì truyện ngắn luôn đòi hỏi sự có mặt của các chi tiết nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu.
- Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất tạo nên tác phẩm. Để làm nên một chi tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm hứng và tài năng nghệ thuật.
- Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù: Tầm vóc của người nghệ sỹ có thể được làm nên từ những yếu tố nhỏ nhất. Nhà văn lớn có khả năng sáng tạo được những chi tiết nhỏ nhưng giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm, quan niệm nghệ thuật của mình.
=> Đánh giá giá trị của chi tiết “vết thẹo” trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
2. Phân tích:
* Chi tiết “vết thẹo” xuất hiện 3 lần trong tác phẩm. Lần thứ nhất, phút đầu bé Thu gặp ba; lần thứ hai, qua cuộc trò chuyện với bà ngoại; lần thứ ba, Thu nhận ra ba, hôn cùng khắp, hôn cả vết thẹo.
* Chi tiết này góp phần tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện. Vết thẹo trên mặt ông Sáu là chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nối kết các tình tiết trong truyện, tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút bất ngờ, hợp lý:
- Chỉ vì "vết thẹo" mà bé Thu không nhận ra ba, đối xử với ba một cách lạnh lùng, cự tuyệt.
- Khi được bà ngoại giải thích về "vết thẹo" trên gương mặt ba, mối nghi ngờ của bé Thu về ông Sáu đã được giải tỏa, khiến bé Thu nhận ra ba.
- Khi nhận ra ba, tình cảm, thái độ của em đã thay đổi hoàn toàn. Thu nhận cha, yêu cha, yêu vết thẹo, không muốn chia tay cha
=> Như vậy, chi tiết "vết thẹo" đã tạo nên kịch tính, tình huống truyện làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm.
* Chi tiết nghệ thuật "vết thẹo" góp phần quan trọng làm rõ vẻ đẹp của các nhân vật:
- Ông Sáu yêu nước, dũng cảm,dám chấp nhận hi sinh.
- Bé Thu có cá tính mạnh mẽ, có tình yêu thương cha sâu sắc, mãnh liệt.
* Chi tiết "vết thẹo" còn thể hiện chủ đề, nội dung tư tưởng của tác phẩm:
- Vết thẹo là chứng tích của chiến tranh, chiến tranh đã gây ra nỗi đau về thể xác và tinh thần cho con người, đã chia cắt nhiều gia đình.
- Chứng tỏ chiến tranh có thể hủy diệt tất cả nhưng không thể hủy diệt được tình cảm con người: cụ thể là tình cha con, tình phụ tử thiêng liêng, sâu nặng.
3. Nhận xét, đánh giá:
- Chi tiết "vết thẹo" trong tác phẩm không chỉ đặc sắc về nội dung, mà còn độc đáo về nghệ thuật.
- Chi tiết cũng góp phần làm cho tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng sống mãi cùng thời gian.
III. Kết bài: khẳng định lại vấn đề.

Tài liệu đính kèm:

  • docde_cuong_on_tap_lich_su_9_hkI.doc