Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc

doc 5 trang Người đăng dothuong Lượt xem 890Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2015-2016 - Sở GD & ĐT Vĩnh Phúc
SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC
——————
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN NĂM HỌC 2015 – 2016
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
Dành cho thí sinh thi vào lớp chuyên Ngữ văn
Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề.
Câu 1 (1,0 điểm).	
	Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.
(Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà, Quang Huy)
	Sông được lúc dềnh dàng
(Sang thu, Hữu Thỉnh)
Hãy phát hiện và phân tích giá trị của biện pháp tu từ mà Quang Huy và Hữu Thỉnh đã sử dụng để miêu tả dòng sông trong những câu thơ trên.
Câu 2 (3,0 điểm).
Viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) trình bày suy nghĩ của em về tinh thần tự học trong xã hội hiện đại.
Câu 3 (6,0 điểm).
Hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước qua một số tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 9. 
— Hết —
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!
Họ và tên thí sinhSố báo danh
SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC
———————
HƯỚNG DẪN CHẤM THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN
 NĂM HỌC 2015 – 2016; MÔN THI: NGỮ VĂN
Dành cho lớp chuyên Ngữ văn
 ( Hướng dẫn chấm gồm có 04 trang)
Câu 1 (1,0 điểm).
Ý
Nội dung
Điểm
Phát hiện biện pháp tu từ
- Câu thơ của Quang Huy dùng biện pháp ẩn dụ qua từ dòng trăng để miêu tả dòng sông.
0,25
- Câu thơ của Hữu Thỉnh dùng biện pháp nhân hóa qua từ dềnh dàng để miêu tả dòng sông.
0,25
Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ
- Sử dụng biện pháp ẩn dụ, ngầm so sánh dòng sông phản chiếu ánh trăng là dòng trăng lấp loáng, câu thơ của Quang Huy làm hiện lên hình ảnh dòng sông tuyệt đẹp, nên thơ và cảm xúc của nhà thơ trở nên lãng mạn, bay bổng. 
0,25
- Hữu Thỉnh sử dụng biện pháp nhân hóa vừa miêu tả sự chuyển động nhẹ nhàng của dòng sông, vừa thể hiện nỗi niềm của thiên nhiên, tạo vật: dòng sông lắng lại, lững lờ như ngẫm ngợi, suy tư trước thời khắc giao mùa từ hạ sang thu.
0,25
Câu 2 (3,0 điểm).
* Yêu cầu về kỹ năng
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song phải thể hiện rõ quan điểm của mình về tự học, tầm quan trọng của tự học trong xã hội hiện đại. Cụ thể cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Ý
Nội dung
Điểm
1
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
0,25
2
Giải thích
0,5
- Học là quá trình thu nhận kiến thức và hình thành kỹ năng để sống, hòa nhập với xã hội. 
- Tự học là mỗi cá nhân độc lập, tự mình tiếp nhận, trau dồi kiến thức và hình thành kỹ năng. Tự học chia làm hai loại: tự học hoàn toàn và tự học có hướng dẫn, có sự chỉ bảo của người khác.
0,25
0,25
3
Bàn luận, mở rộng vấn đề
2,0
- Tinh thần tự học trong xã hội hiện đại có tầm quan trọng như thế nào? 
+ Ở thời nào việc tự học cũng cần thiết vì tự học giúp con người trở nên năng động, biết tự hoàn thiện mình, không ỷ lại, không bị phụ thuộc, hiệu quả học tập cao.
+ Trong xã hội hiện đại, việc tự học càng trở nên cần thiết, quan trọng hơn bởi sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự bùng nổ thông tin đặt ra yêu cầu mới đối với người lao động: phải có tri thức, phải luôn cập nhật thông tin để đáp ứng yêu cầu công việc, bắt kịp với nhịp độ phát triển chung của xã hội. Do vậy, mọi người phải tự học ở mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời.
0,5
0,5
- Cần có phương pháp tự học như thế nào cho có hiệu quả?
+ Tự đề ra cho mình kế hoạch học tập hợp lí phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và việc học tập trên lớp.
+ Chủ động tìm sách vở, tài liệu tham khảo cho từng bộ môn được học trong nhà trường, nhằm củng cố, nâng cao hiểu biết về bộ môn đó.
+ Tạo ra thói quen ghi chép một cách khoa học những tri thức tiếp thu được qua sách vở, tài liệu, hay các phương tiện truyền thông.
0,5
- Làm gì để tạo thói quen tự học?
+ Không ngại khó, ngại khổ, luôn tìm tòi, ham học.
+ Khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần chăm chỉ, nỗ lực tự học để có kiến thức nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa vai trò của tự học, mà cần kết hợp nhiều phương pháp học tập khác nhau như học thầy cô, bạn bè. Có như vậy, mới chiếm lĩnh được đỉnh cao tri thức và hoàn thiện nhân cách.
0,5
4
Bài học nhận thức và hành động
0,25
- Cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của tự học. 
- Có ý thức rèn luyện tinh thần tự học và tự học không ngừng.
0,25
Câu 3 (6,0 điểm).
Yêu cầu về kỹ năng
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; vận dụng tốt các kĩ năng làm văn để viết bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng phong phú, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo, giàu chất văn.
Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở hiểu rõ yêu cầu của đề bài. Thí sinh phải chọn một số tác phẩm tiêu biểu (ít nhất là hai bài) trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ (có thể chọn trong số các bài tiêu biểu: Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long), phân tích để làm nổi bật được hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước (nên chọn và làm nổi bật hình ảnh thế hệ trẻ trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước ở cả hai mặt trận: trong chiến đấu và trong lao động). Dưới đây là những gợi ý cơ bản:
Ý
Nội dung
Điểm
1
Giới thiệu vấn đề
0,5
2
Khái quát chung về hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước qua văn học
1,0
- Các tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Mặc dù vậy, các tác giả không đi sâu miêu tả những đau thương mất mát, những vất vả khó khăn của dân tộc mà tập trung khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam trong chiến đấu cũng như trong lao động. 
- Các tác phẩm làm hiện lên hình ảnh những con người rất đỗi bình dị, tâm hồn trong sáng, có lòng yêu nước thiết tha, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm chiến đấu với kẻ thù, hăng say lao động để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Họ đã tạo nên một tập thể anh hùng trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, trong đó mỗi nhân vật đều có vẻ đẹp riêng hòa vào vẻ đẹp chung của dân tộc.
0,5
0,5
3
Hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước
a. Hình ảnh thế hệ trẻ thời chống Mĩ trong chiến đấu
2,0
- Họ luôn hiên ngang, dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, gian khổ:
+ Trên những chiếc xe không kính, những người lính lái xe có tư thế ung dung, bình tĩnh đến lạ thường (Ung dung buồng lái ta ngồi..). Họ chấp nhận thử thách như một tất yếu (ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo), với một thái độ bất chấp mọi hiểm nguy và hết sức ngang tàng (chưa cần rửa, chưa cần thay).
+ Những thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn hàng ngày phải phơi mình trên trọng điểm sau những trận bom, đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và phá bom. Công việc vừa đồ sộ vừa nguy hiểm, cái chết luôn rình rập họ từng phút, từng giờ nhưng họ vẫn luôn chủ động, bình tĩnh trong mọi tình huống, gan dạ, dũng cảm, không quản ngại khó khăn nguy hiểm.
- Họ là những con người trẻ trung, lãng mạn, nhiều khát vọng:
+ Những cô gái thanh niên xung phong là những người yêu đời, dễ rung cảm, giàu ước mơ. (Phương Định, Nho, chị Thao là những cô gái hồn nhiên, nhạy cảm, lãng mạn và mơ mộng,...).
+ Những người lính lái xe rất trẻ trung, sôi nổi, lạc quan yêu đời (Thấy sao trời và đột ngột cánh chim, Như sa như ùa vào buồng lái; phì phèo châm điếu thuốc; nhìn nhau mặt lấm cười ha ha; Lại đi, lại đi trời xanh thêm) 
- Họ có tình đồng chí, đồng đội gắn bó thân thiết: 
+ Hoàn cảnh chiến tranh đã gắn kết những người lính lái xe trong tình thân đồng đội như anh em ruột thịt, cùng sẻ chia với nhau trong cuộc sống thiếu thốn, hiểm nguy. (Bếp Hoàng Cầm; Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy). 
+ Trong khói lửa đạn bom, những cô thanh niên xung phong cũng gắn bó, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau bằng tình cảm chân thành, thắm thiết của những người đồng đội. (Phương Định và chị Thao chăm sóc Nho khi Nho bị thương)
- Họ có lý tưởng sống cao đẹp, có tình yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. (Người chiến sĩ lái xe, những nữ thanh niên xung phong làm nên những kỳ tích phi thường là nhờ có tình yêu Tổ quốc: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước / Chỉ cần trong xe có một trái tim”,...).
0,5
0,5
0,5
0,5
b. Hình ảnh thế hệ trẻ thời chống Mĩ trong lao động
2,0
* Hình ảnh thế hệ trẻ thời chống Mĩ trong lao động được tập trung thể hiện trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. Tác phẩm như một bài ca về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của những con người lao động tưởng chừng như bình thường mà cao cả, luôn quan tâm và có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Họ lặng lẽ, âm thầm, ngày đêm cống hiến hết mình cho đất nước. 
- Họ là những người nhiệt tình và hăng say lao động. Trong điều kiện khắc nghiệt, những người lao động ấy vẫn mang hết sức lực của mình để cống hiến cho Tổ quốc. (Anh thanh niên với những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về công việc, có tinh thần trách nhiệm, biết vượt lên khó khăn và gian khổ của hoàn cảnh sống để làm việc. Anh cán bộ nghiên cứu khoa học luôn sẵn sàng trong tư thế suốt ngày chờ sét,...).
- Họ là những người sống có lí tưởng và tràn đầy lạc quan. Anh thanh niên, anh cán bộ nghiên cứu khoa học, đã thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong công việc lao động đầy gian khổ. Họ làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Lí tưởng sống của họ là vì nhân dân, vì đất nước.
- Họ có lối sống giản dị, khiêm tốn, giàu tình cảm: anh thanh niên là người có tâm hồn cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm, khát khao được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người; biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống một cách chủ động, ngăn nắp; khiêm tốn, trân trọng sự hi sinh thầm lặng của những người xung quanh... Cuộc gặp gỡ đầy thú vị giữa anh thanh niên, người họa sĩ, cô kỹ sư và bác lái xe bộc lộ tình cảm đáng trân trọng của họ. 
0,5
0,5
0,5
0,5
4
Đánh giá, khái quát
0,5
- Với cảm hứng ngợi ca, hình ảnh những người lính, những nữ thanh niên xung phong, những người lao động thời kỳ chống Mĩ hiện lên chân thực, sinh động, cao đẹp; gieo vào lòng người đọc niềm trân trọng, cảm phục xen lẫn tự hào.
- Qua đó, chúng ta hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, về thế hệ cha anh với lí tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng hi sinh xương máu, hi sinh tuổi thanh xuân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ hôm nay cần kế thừa và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
0,25
0,25
Lưu ý:
- Cho điểm tối đa khi bài thi đảm bảo tốt cả 2 yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, khuyến khích những bài viết có chất văn.
- Điểm của bài thi là tổng điểm các câu cộng lại; cho điểm từ 0 đến 10. 
- Điểm lẻ làm tròn tính đến 0,25 điểm. 
—Hết—

Tài liệu đính kèm:

  • doc5- NGỮ VĂN - HS2.doc