Chương trình địa phương Tìm hiểu về nhà thơ Chế Lan Viên Ngữ văn lớp 9

docx 12 trang Người đăng dothuong Lượt xem 815Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chương trình địa phương Tìm hiểu về nhà thơ Chế Lan Viên Ngữ văn lớp 9", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chương trình địa phương Tìm hiểu về nhà thơ Chế Lan Viên Ngữ văn lớp 9
 Chương Trình Địa Phương
 Tìm hiểu về nhà thơ Chế Lan Viên
I/Sơ lươc tiểu sử của nhà thơ Chế Lan Viên
1.Cuộc đời văn nghiệp
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnhQuảng Trị.
Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung(THCS hay cấp II hiện nay) thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem Quy Nhơn, Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.
Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn". Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định.
Năm 1939, ông ra học tại Hà Nội. Sau đó Chế Lan Viên vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942, ông cho ra đời tập văn Vàng sao, tập thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí.
Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh. Thời kỳ này, Chế Lan Viên viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần về trường phái hiện thực. Tháng 7 năm 1949, trong chiến dịch Tà Cơn-đường 9 (Quảng Trị), Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương[1].
Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học. Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở phòng văn nghệ, Ban tuyên huấn trung ương và đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo Văn học (sau là báo Văn nghệ). Từ năm 1963 ông là ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, ủy viên ban thư kí Hội nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V và VI, ủy viên Ban văn hóa - giáo dục của quốc hội.
Sau 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi.
Ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
Con gái ông, bà Phan Thị Vàng Anh, cũng là một nhà văn nổi tiếng.
2.Quan điểm và phong cách sáng tác
Con đường thơ của Chế Lan Viên "trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ"[2], thậm chí có một thời gian dài im lặng (1945-1958).
Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "trường thơ loạn": "kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn [3] với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm". Những tháp Chàm "điêu tàn" là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.
Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã "đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng"[4], và có những thay đổi rõ rệt. Trong thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Sau năm 1975, "thơ Chế Lan Viên dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái "tôi" trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống"[5].
Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng - triết lí. "chất suy tưởng triết lí mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa"[6] Khai thác triệt để các tương quan đối lập. Và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng.
3.Các bút danh
Ngoài bút danh Chế Lan Viên (được hiểu là tác giả tự nhận mình là bông hoa lan trong khu vườn nhà họ Chế- dòng họ vua chúa của dân tộc Chàm ở nước Chiêm Thành xưa) nổi tiếng, trong bài giới thiệu tập tiểu luận Những bước đường tư tưởng của tôi của Xuân Diệu, đăng trên báo Văn học tháng 9 năm 1958, ông ký bút danh Thạch Hãn (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông). Nhiều bài báo in trên báoThống Nhất, xuất bản ở Hà Nội trước tháng 5 năm 1975, ông cũng ký bằng bút danh này.
Từ năm 1959 đến năm 1963, trong thời gian làm biên tập báo Văn học, phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc, ông ký bút danh Chàng Văn. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn học đã cho xuất bản hai tập Vào nghề và Nói chuyện văn thơ của tác giả Chàng Văn.
Trong mục Nụ cười xuân trên báo Văn học, Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là Ngô bói Kiều và Lý luận Đờ Gôn ký tên Oah (tức Hoan).
4.Giải thưởng
- Ông được nhà nươc trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996)
II/Một số tác phẩm trong sự nghiệp của Chế Lan Viên
1.Thơ
Điêu tàn (1937)
Gửi các anh (1954)
Ánh sáng và phù sa (1960)
Hoa ngày thường (1967)
Chim báo bão (1967)
Những bài thơ đánh giặc (1972)
Đối thoại mới (1973)
Ngày vĩ đại (1976)
Hoa trước lăng Người (1976)
Dải đất vùng trời (1976)
Hái theo mùa (1977)
Hoa trên đá (1984)
Tuyển tập thơ Chế Lan Viên (tập I, 1985; tập II, 1990)
Ta gửi cho mình (1986)
Di cảo thơ I, II, III (1992, 1993, 1995)
Tuyển tập thơ chọn lọc
2.Văn
Vàng sao (1942)
Thăm Trung Quốc (bút ký, 1963)
Những ngày nổi giận (bút ký, 1966)
Bác về quê ta (tạp văn, 1972)
Giờ của đô thành (bút ký, 1977)
Nàng tiên trên mặt đất (1985)
3.Tiểu luận phê bình
Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (1952)
Nói chuyện thơ văn (1960)
Vào nghề (1962)
Phê bình văn học (1962)
Suy nghĩ và bình luận (1971)
Bay theo đường bay dân tộc đang bay (1976)
Nghĩ cạnh dòng thơ (1981)
Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981)
Ngoại vi thơ (1987)
Nàng và tôi (1992)
III/Tác phẩm “Người đi tìm hình của nước”
1.TÌM HIỂU VĂN BẢN
-Người đi tìm hình của Nước (1960) là một bài thơ hay của Chế Lan Viên viết về Bác Hồ. Nhiều nhà phê bình đã tiếp cận bài thơ như một sự chiêm nghiệm về vị lãnh tụ vĩ đại – Người cha già kính yêu của dân tộc, đã bôn ba tìm đường cứu nước khi đất nước còn chìm đắm trong đau thương. Xuân Diệu cho rằng, đây là một trong ba bài thơ thành công nhất của tập Ánh sáng và Phù sa (NXB Văn học, 1960). Có thể thấy, xuyên suốt bài thơ là hành trình của một người yêu nước, từ lúc con tàu La Touche Treville đưa Người vượt cả một chặng dài lênh đênh trên sóng bể cho đến lúc Người tìm thấy “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước” và trở về với Tổ quốc yêu thương.
Bài thơ lấy cảm hứng từ những sự kiện quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi gặp Chủ nghĩa Lê-nin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Có thể nói rằng, bài thơ được khởi nguồn từ hồi ký của Người viết vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Lê-nin (4-1960), bài Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin.
Soi chiếu lịch sử từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, khi các phong trào yêu nước, đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc đều đi vào khủng hoảng:
Bao nẻo người đi bước trước sau
Một câu hỏi lớn biết về đâu?
Năm châu thăm thẳm trời im tiếng
Sách thánh hiền lâu đã nhạt màu.   
Qua đó, mới thấy khát vọng cháy bỏng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.
Mở đầu bài thơ, Chế Lan Viên viết:
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Dòng thơ có 10 từ, như khép mở hai chặng đời. Hai vế câu tưởng như trái ngược nhau nhưng lại có mối quan hệ nhân quả, rất lô-gíc : vì yêu nước, không cam tâm nhìn nhân dân nô lệ nên phải ra đi tìm lại dáng hình đất nước - một đất nước độc lập-tự do.
Khởi đầu của cuộc hành trình, người thanh niên ấy canh cánh bao nỗi niềm. Con tàu như mang chở cả tình yêu Tổ quốc:
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.
Những bãi bờ, làng xóm, những hàng tre quen thuộc của đất nước càng lúc càng mờ khuất dần, lẫn vào chân trời, thì cũng là lúc dậy lên đau đáu trong tâm can về tình yêu xứ sở. Trong cái đêm đầu tiên xa nước ấy, tình yêu và nỗi nhớ nước càng sâu sắc, thấm thía :
Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Nói “ai nỡ ngủ” là nói đến sự can thiệp của ý thức đối với tiềm thức, Người không đành lòng ngủ, song thực ra, đây chính là nỗi thao thức tự nhiên, biểu hiện của tấm lòng lo nước thương dân ở Người. Cho đến mãi những năm tháng sau này, trong nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc hay trong những đêm khuya ở núi rừng Việt Bắc kháng chiến, Người cũng đã có biết bao đêm “không ngủ được” như thế.
Chế Lan Viên như hóa thân vào tận ngõ ngách tâm hồn nhân vật trữ tình để thể hiện rất xúc động quá trình diễn biến tâm lý của người ra đi:
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ xở
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương
Trong ngỡ ngàng trước những bến bờ xa lạ, Người càng thấy yêu hơn, hiểu nhiều hơn về nỗi đau thương của dân tộc, đất nước mình. Nếu như không có sự tồn tại của hình ảnh đất nước đau thương, có lẽ sẽ không có động lực để Người đi tìm dáng hình tương lai cho Tổ quốc Việt Nam mới – Hình của Đảng lồng trong hình của Nước, để đem lại “cơm áo”, “hạnh phúc” cho dân tộc muôn đời.
Hình ảnh người thanh niên yêu nước xuất hiện ở hai khổ thơ đầu không kỳ vĩ, hoành tráng như đấng trượng phu chí lớn “Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi” (Truyện Kiều - Nguyễn Du) hoặc cuồn cuộn hào khí như người sĩ phu yêu nước “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió. Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi” (Lưu biệt khi xuất dương – Phan Bội Châu). Trong hai khổ thơ này, hình ảnh người thanh niên hai mươi tuổi, vượt trùng dương mênh mông đi tìm đường cứu nước hiện ra thật khiêm nhường và giản dị nhưng lại trở thành hình mẫu cao cả, đối lập với những cuộc đời quẩn quanh, nhỏ bé trong ao tù nô lệ:
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
Hành trình của người thanh niên yêu nước mở ra với mục tiêu chính trị cụ thể, không mơ hồ, huyễn hoặc hay ảo tưởng. Cái mà Người đi tìm không phải là những chân trời nghệ thuật, hay “một đấng vô hình sương khói xa xôi” mà là một chân lý cụ thể cho dân, cho nước :
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người.
Những câu thơ giàu chất suy tưởng gợi lên một nhân cách với tầm tư tưởng lớn của thời đại. Nhà thơ như dẫn dắt chúng ta đi theo hành trình cứu nước gian khổ của người thanh niên yêu nước. Trong những câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động của Bác trong những năm tháng bôn ba ở xứ người, Chế Lan Viên chọn lựa các chi tiết tiêu biểu, cô đúc lại bằng lối so sánh giàu giá trị biểu cảm và đầy sức gợi :
Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng , Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn , ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya.
Đọc lại những câu thơ này, chúng ta thật sự xúc động và càng thấy kính yêu Bác biết bao ! Con đường cứu nước của Bác thấm đẫm những giọt mồ hôi từ bao công việc khó nhọc của một người giàu nhiệt huyết, hừng hực ý chí đấu tranh. Theo dòng sự kiện, Chế Lan Viên khái quát cuộc đời hoạt động của Người bằng ngôn ngữ thơ vừa mượt mà, trữ tình vừa sắc sảo, trí tuệ với một phong cách tài hoa.
Lịch sử thế giới đã trải qua những giờ phút rung chuyển của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1917. Hành trình cứu nước của Bác được soi rọi bởi “Mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông”. Và, cũng chính ánh sáng mặt trời ấy đã dẫn đường cho Người đến với Chủ nghĩa Lê-nin. Dường như dáng hình đất nước đã dần dần xuất hiện khi Người đọc được Luận cương của Lê-nin:
Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp 
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.
Cái độc đáo trong những câu thơ trên là ở chỗ từ những sự kiện chính trị trọng đại, Chế Lan Viên đã thổi vào đó cảm xúc, suy nghĩ, làm sống dậy cái phút giây lịch sử trong hành trình cứu nước một cách thật xúc động.
Giọt lệ của lòng yêu nước sao quá đỗi thiêng liêng! Dẫu ai đã đọc qua áng văn nghị luận ở dạng hồi ký của tác giả Hồ Chí Minh - Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin - cũng không thể hình dung về sự vận dụng tài hoa, sáng tạo mà có sức lay động lòng người đến thế của Chế Lan Viên! Suốt hành trình cứu nước, đây là giọt nước mắt hạnh phúc vô biên đầu tiên, xua tan bao nỗi lo dân nước, kể từ khi Người xa rời Tổ quốc yêu thương:
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi ! ”
Hình ảnh của Đảng lòng trong hình của nước
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.
Có người cho rằng, phát hiện của Bác giống như phát hiện của nhà khoa học khi tìm ra chân lý. Cũng cần nói thêm rằng, Bác Hồ của chúng ta đã tìm thấy một chân lý lịch sử: Chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Người tin rằng, chỉ có chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới có thể giúp các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam, thực hiện thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Người thanh niên yêu nước đã vượt qua bao chông gai hiểm trở để đi tìm và đã tìm thấy con đường đúng đắn, đem lại tự do độc lập cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Bằng những khổ thơ đầy cảm hứng lãng mạn cách mạng, nhà thơ Chế Lan Viên đã vẽ ra viễn cảnh tương lai tươi đẹp của đất nước. Sự gắn kết điểm nhìn của tác giả với điểm nhìn của nhân vật trữ tình yêu nước là ở niềm tin yêu, lạc quan về những thay đổi tốt đẹp của ngày mai:
Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng.
Hình ảnh con người Việt Nam, đất nước Việt Nam bước lên đài vinh quang với vẻ đẹp rực rỡ lạ kỳ:
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che
Bài thơ là lòng biết ơn sâu sắc về công lao vĩ đại của Người khai sáng ra nước Việt Nam mới.
Từ những sự kiện lịch sử, nhà thơ đã sáng tạo nên một hình tượng nghệ thuật độc đáo: NGƯỜI ĐI TÌM HÌNH CỦA NƯỚC. Có thể khẳng định, đây là một trong những bài thơ xuất sắc của Chế Lan Viên viết về Bác Hồ. Trên con đường đến với cách mạng và nhân dân, “từ chân trời của một người đến với chân trời của tất cả” (P. Eluard), từ “ngọn gió siêu hình thổi nghìn nến tắt“ đến “bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh”, thơ Chế Lan Viên mang tầm cao mới, thể hiện tiếng nói của dân tộc và thời đại
 Người đi tìm hình của nước
 Chế Lan Viên
Người đi tìm hình của nước
Chế Lan Viên
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác 
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.
Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ 
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng 
               quê hương 
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương 
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con 
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp 
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
        Cho cuộc đời giật dây!
Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.
Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của Nước”
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
Một góc quê hương  nửa đời quen thuộc,
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi.
Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm 
            triệu con người.
Có nhớ chăng  hỡi gió rét thành Ba Lê 
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một                 mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?
Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, 
                 châu Phi,
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi.
Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng 
                  vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.
Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?...
        Ơi, độc lập!
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu.
Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông.
Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin.
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười,
Bác thấy:
      Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt
Ruộng theo trâu về lại với người cày
Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, bể bạc
Không còn người bỏ xác bên đường ray.
Giặc đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng.
Nước Việt Nam nghìn năm Đinh-Lý-Trần-Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che.
Ôi! Đường đến với Lê-nin là đường về Tổ quốc
Tuyết Mat-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần
Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
Lê-nin mất rồi! Nhưng Bác chẳng dừng chân.
Luận cương của Lê-nin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy 
                 đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.
(Chế Lan Viên toàn tập, Tập 1. NXB Văn học, HN 2002)
2.Tổng kết nôi dung-nghệ thuật
“Người đi tìm hình của nước” – một bài thơ có cốt cách sử thi.Toàn bộ bài thơ là sự xúc động trước vẻ đẹp lớn lao , kỳ vĩ của vĩ nhân Hồ Chí Minh, là việc khắc họa hình ảnh một con người siêu phàm, ngươi đã tìm kiếm và khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Tài liệu đính kèm:

  • docxchuong_trinh_dia_phuong_9_Che_Lan_Vien.docx