Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở GD & ĐT Hà Nội

doc 10 trang Người đăng dothuong Lượt xem 599Lượt tải 4 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở GD & ĐT Hà Nội", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2014-2015 - Sở GD & ĐT Hà Nội
ĐỀ THI VÀO LỚP 10 PTTH TẠI HÀ NỘI
MÔN : NGỮ VĂN
Năm học : 2014 - 2015
Thêi gian 120 phút
Phần 1: (7 điểm)
Dưới đây là trích đoạn trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng):
"Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén của nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi thất thần hất cái trắng ra cơm văng tung tóe cả mâm. Giận quá và không kịp suy nghĩ anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên:
- Sao mày cứng đầu quá vậy hả?"
(Trích Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục 2013)
1. Chiếc lược ngà được viết năm nào? Ghi lại từ mang màu sắc Nam Bộ trong đoạn trích trên.
2. Những biểu hiện của nhân vật bé Thu ở trên nói lên thái độ gì và qua đó bộc lộ tình cảm như thế nào đối với nhân vật ông Sáu? Lời kể in nghiêng trong đoạn trích trên giúp em nhận biết mục đích nói ở câu văn có hình thức nghi vấn sau đó là gì?
3. Viết một đoạn văn khoảng 15 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ tình cảm sâu nặng của bé Thu đối với cha trong truyện ngắn trên. Ở đó có sử dụng câu có thành phần biệt lập và phép lặp để lên kết (gạch dưới thành phần biệt lập và từ ngữ sử dụng làm phép lặp).
4. Kể tên một tác phẩm khác của chương trình ngữ văn 9, trong đó có nhân vật người cha vì chiến tranh xa cách, khi trở về, đứa con trai cũng hoài nghi, xa lánh. Viết đoạn văn khoảng 5 dòng trình bày suy nghĩ của em về chiến tranh.
Phần II. (3 điểm)
Cho đoạn thơ:
"Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con"
(Y Phương, Nói với con, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục)
1. Tìm thành phần gọi - đáp trong những dòng thơ trên
2. Theo em việc dùng từ phủ định trong dòng thơ "Không bao giờ nhỏ bé được" nhằm khẳng định điều gì?
3. Từ bài thơ trên và những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về cội nguồn của mỗi con người qua đó thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay.
Đáp án:
Phần I ( 7đ)
1. “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966.
2.     Những từ ngữ mang màu sắc Nam Bộ trong đoạn trích: “chén”, “xoi”.
Những biểu hiện của bé Thu ở trên nói lên thái độ bướng bỉnh không chịu nhận ông Sáu làm cha.
Lời kể được in nghiêng trong đoạn trích trên giúp em nhạn biết được câu nói ở câu văn có hình thức nghi vấn sau đó nhằm bộc lộ cảm xúc (cảm xúc của ông Sáu tức giận khi bé Thu nhất định không nghe lời).
3. (1)Trước hết bé Thu là một cô bé giàu cá tính, bướng bỉnh và gan góc, đã gây ấn tượng cho người đọc về một cô bé dường như lì lợm đến ghê gớm, khi mà trong mọi tình huống em cũng nhất quyết không gọi tiếng “Ba”, hay khi hất cái trứng mà ông Sáu gắp cho xuống để cuối cùng khi ông Sáu tức giận đánh một cái thì bỏ về nhà bà ngoại. (2) Nguyễn Quang Sáng đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống thử thách cá tính của bé Thu và có người cho rằng tác giả đã xây dựng tính cách bé Thu hơi “thái quá”, song thiết nghĩ, chính thái độ ngang ngạnh đó lại là biểu hiện vô cùng đẹp đẽ mà đứa con dành cho người cha yêu quý. (3)Trong tâm trí bé Thu chỉ có duy nhất hình ảnh của một người cha “chụp chung trong bức ảnh với má”, người cha ấy không giống ông Sáu, không phải bởi thời gian đã làm ông Sáu già đi mà do cái thẹo trên má, cái dấu tích của chiến tranh đã hằn sâu làm biến dạng khuôn mặt ông Sáu. (4) Có lẽ trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé để có thể biết đến sự khốc liệt của bom lửa đạn, biết đến cái cay xè của mùi thuốc súng và sự khắc nghiệt của cuộc sống người chiến sỹ. (5) Cái cảm giác đó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh, nhiễu sách mà là sự kiên định, thẳng thắn, có lập trường bền chặt, bộc lộ phần nào đó tính cách cứng cỏi ngoan cường của cô gian liên giải phóng sau này. (6) Nhưng xét cho cùng, cô bé ấy có bướng bỉnh, gan góc, tình cảm có sâu sắc, mạnh mẽ thế nào thì Thu vẫn chỉ là một đứa trẻ mới 8 tuổi, với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. (7) Nhà văn tỏ ra rất am hiểu tâm lý của trẻ thơ và diễn tả rất sinh động với tấm lòng yêu mến và trân trọng một cách đẹp đẽ, thiêng liêng những tâm tư tình cảm vô giá ấy nên người đọc có cảm giác bé Thu sợ ông Sáu sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt trong chính tâm tư của mình hay bé Thu dường như lờ mờ nhận ra mình có lỗi để rồi lại một loạt hành động tiếp theo “Xuống bến nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói, cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”. (8) Bé Thu bỏ đi lúc bữa cơm nhưng lại có ý tạo tiếng động gây sự chú ý như muốn mọi người trong nhà biết bé sắp đi, mà chạy ra vỗ về, dỗ dành. (9) Có một sự đối lập trong những hành động của bé Thu, giữa một bên là sự cứng cỏi, già giặn hơn tuổi, nhưng ở khía cạnh khác cô bé vẫn mong được yêu quý vỗ về.  (10) Để rồi ở đoạn cuối, khi mà bé Thu nhận ra cha, tình cha con trong Thu giữ gìn bấy lâu nay giờ trỗi dậy vào cái giây phút mà cha con phải tạm biệt nhau: con bé cứng cỏi mạnh mẽ ngày hôm nào lại “như thể bị bỏ rơi”, lúc đứng ở góc nhà, lúc đứng tựa cửa và cứ nhìn mọi người vây quanh ba nó, dường như nó thèm khát cái sự ấm áp của tình cảm gia đình, nó cũng muốn chạy lại và ôm hôn cha nó lắm chứ, nhưng lại có cái gì chặn ngang cổ họng nó, làm nó cứ đứng nguyên ở ấy, ước mong cha nó sẽ nhận ra sự có mặt của nó. (11) Và rồi đến khi cha nó chào nó trước khi đi, có cảm giác mọi tình cảm trong lòng bé Thu bỗng trào dâng: nó không nén nổi tình cảm như trước đây nữa, nó bỗng kêu hét lên “Ba”,” vừa kêu vừa chạy xô đến nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”, hôn ba nó cùng khắp; nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa”. (12) Tiếng kêu “Ba” từ sâu thẳm trái tim bé Thu, tiếng gọi mà ba nó đã dùng mọi cách để ép nó gọi trong mấy ngày qua, tiếng gọi ba gần gũi lần đầu tiên trong đời nó, tiếng gọi mà ba nó tha thiết được nghe một lần. (13) Bao nhiêu mơ ước, khao khát như muốn vỡ òa ra trong một tiếng gọi cha! (14) Tiếng gọi ấy không chỉ khiến ba nó bật khóc mà còn mang một giá trị thiêng liêng với nó. (15) Tình cảm sâu nặng của bé Thu với cha thật đáng xúc động biết bao!
Thành phần biệt lập: “Song thiết nghĩ”.
Từ ngữ dùng làm phép lặp: bé Thu.
4. Tác phẩm: “ Chuyện người con gái Nam Xương”.
Chiến tranh chẳng đem lại lợi ích gì cho nhân dân ngoài đau khổ, chết chóc và tang hoang. Những nỗi đau do chiến tranh còn ám ảnh dai dẳng bao thế hệ! Chiến tranh là đau khổ, nhưng nếu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ quê hương, bảo vệ tự do độc lập thì chúng ta sẵn sàng trả giá để bảo vệ những thứ quý giá ấy! 
Phần II: ( 3đ)
1. Thành phần gọi đáp: “ơi”, “nghe”.
2. Việc dùng từ phủ định trong dòng thơ “Không bao giờ nhỏ bé được nghe con” nhằm khắc sâu thêm ý khẳng định trong lời nhắn nhủ của cha với con về lòng tự tôn, ý thức về tầm vóc của dân tộc mình.
3. Cội nguồn là phần nền móng đã bị che khuất nhưng lại là trụ cột, làm nên sức mạnh! Với dân tộc Việt Nam đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lòng yêu nước, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào Những giá trị đó đã được các thế hệ người Việt ra sức vun đắp, giữ gìn từ đời này sang đời khác, xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước và trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, làm nên cốt cách, tâm hồn người Việt Nam.  Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lòng yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam càng thể hiện rõ nét. Thanh niên Việt Nam luôn ý thức được rằng biển đảo luôn là một phần máu thịt rất thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu và họ đã hành động có trách nhiệm với Tổ quốc! Đó là hình ảnh của tuổi trẻ trong cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài với những bộ áo quần cờ đỏ sao vàng, với những lá quốc kỳ của Tổ quốc trên tay trên các đường phố ở nhiều nước để biểu tình phản đối Trung Quốc. Trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, MySpace những hình ảnh Việt Nam tràn ngập với những status, những bình luận thể hiện lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình, luôn hướng về đất nước. Đó là hình ảnh của một nữ sinh báo chí xinh đẹp Bảo Linh gây sốt trong giới trẻ với phong trào vì hòa bình với thông điệp “Tôi là người Việt Nam, tôi yêu Hòa bình. Nếu bạn cũng giống như thế, hãy ôm tôi”. Đó là những đợt quyên góp, ủng hộ vật chất cho các chiến sĩ ở Trường Sa và Hoàng Sa, cho cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư Việt NamLà một học sinh, tôi luôn mang trong tim tình yêu biển đảo, tình yêu và lòng khâm phục tới những người lính biển, những ngư dân chân chất nơi đảo xa, luôn mong rằng biển đảo sẽ bình yên, rạng rỡ nụ cười! Còn bạn?
Bài giải gợi ý 2 môn Văn thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội
PHẦN I (7 điểm)
Dưới đây là trích đoạn trong truyện ngắn “Chiếc lược  ngà” (Nguyễn Quang Sáng):  Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung tóe cả mâm. Giận quá không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên:
- Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?”
(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2013)
1. Chiếc lược ngà được viết năm nào? Ghi lại từ mang màu sắc Nam bộ trong đoạn trích.
GỢI Ý:
Tác phẩm “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966
Những từ mang màu sắc Nam bộ trong đoạn trích trên: chén, xoi
2. Những biểu hiện của nhân vật bé Thu ở trên nói lên thái độ gì và qua đó bộc lộ tình cảm như thế nào đối với nhân vật ông Sáu? Lời kể được in nghiêng trong đoạn trích trên giúp em nhận biết mục đích nói ở câu văn có hình thức nghi vấn sau đó là gì?
GỢI Ý:
- Thái độ phản ứng quyết liệt, không chấp nhận ông Sáu là cha đẻ của mình. Điều này chứng tỏ bé Thu có cá tính mạnh mẽ, tình cảm chân thật. Em chỉ yêu cha khi tin chắc đúng là cha mình ( em thấy ông Sáu không giống tấm hình chụp chung với má). Tình yêu của bé Thu sâu sắc, đầy bản lĩnh.
- Mục đích nói ở câu văn có hình thức nghi vấn là bộc lộ cảm xúc bực tức của ông Sáu khi thấy bé Thu có hành động phản ứng quyết liệt trước sự chăm sóc của ông đối với bé. Đằng sau câu nói đó, người đọc thấy được sự khát khao của người cha mong đứa con chấp nhận mình là cha của nó.
3. Viết một đoạn văn ( khoảng 15 câu) theo cách lập luận quy nạp làm rõ tình cảm sâu nặng của bé Thu đối với cha trong truyện  ngắn trên, ở đó sử dụng câu có thành phần biệt lập và phép lặp để liên kết ( gạch dưới phần biệt lập và từ ngữ dùng làm phép lặp).
* Học sinh đảm bảo thực hiện một số yêu cầu sau:
a. Hình thức:
  - Viết lùi vào một ô, các câu sau viết sát mép lề
  - Đoạn văn quy nạp, không có câu mở đoạn
  - Đủ số câu quy định: Khoảng 15 câu
b. Về nội dung: Học sinh có thể tham khảo mạch ý sau để làm rõ tình cảm sâu nặng của bé Thu đối với người cha trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”:
* Khi ông Sáu về đến nhà:
- Bé đang chơi ở nhà chòi, thấy người đàn ông có vết thẹo dài bên má phải đỏ ửng, giật giật trông rất sợ, bé đã “ giật mình, tròn mắt, ngơ ngác nhìn” một cách ngờ vực. Rồi bé mặt tái đi, vụt chạy, kêu thét lên. Điều này cho thấy, bé chưa chuẩn bị tâm lý từ trước rằng ba của bé sẽ về thăm nhà.
*Trong ba ngày ở nhà:
Ông Sáu luôn gần gũi, khao khát bé Thu gọi mình một tiếng “Ba”, song bé Thu đã có những hành động phản ứng ông một cách ương ngạnh, bướng bỉnh:
-  Nói trổng ( nói trống không) “ vô ăn cơm”, “ “ cơm chín rồi”, “ cơm sôi rồi”, chắt nước giùm cái!” để tránh dùng từ “ Ba” vì từ “Ba” đối với bé rất thiêng liêng.
- Hành động “ hất cái trứng cá to vàng” ông sáu gắp vào chén cho nó và khi ông Sáu không kiềm chế được, đã đánh bé thì bé đã “ gắp lại trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm”, bỏ về bà ngoại. Khi nhảy xuống xuồng, nó cố làm cho “ dây lòi tói kêu rổn rảng” để thể hiện phản ứng quyết liệt với ông Sáu.
*  Những chi tiết trên cho thấy, sự ương ngạnh, bướng bỉnh của bé Thu trong hoàn cảnh chiến tranh xa cách, trắc trở không đáng trách. Bạn đọc thông cảm với bé vì em còn quá nhỏ, chưa hiểu được thời gian năm tháng, sự khốc liệt của chiến tranh sẽ làm ngoại hình con người có thể biến dạng đi không giống tấm hình chụp thời trẻ của ông sáu. Hơn nữa, bé Thu chỉ biết mặt ba qua tấm hình chụp chung với má. Bé cũng chưa chuẩn bị tâm lý gặp lại ba khi ba của bé về nhà trước khi nhận nhiệm vụ mới.
* Thu nhận ra ông Sáu là người cha của mình ( trọng tâm)
- Buổi sáng cuối cùng trước phút ông Sáu lên đường, thái độ, hành động của Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn vì bé được bà ngoại giải thích vết thẹo trên má phải ông Sáu là do bị Tây bắn. Nó đã nằm im nghe bà kể, lăn lộn và thỉnh thoảng thở dài như người lớn. Điều này cho thấy, bé ân hận, hối tiếc.
- Lúc chia tay với ông Sáu: Đôi mắt mở to mênh mông của bé nhìn với vẻ    “ nghĩ ngợi sâu xa” và khi ông Sáu khẽ chào bé “ Thôi, ba đi nghe con!” thì bé đã kêu thét lên “ Ba..a...a...ba!”
* Tiếng “Ba” mà bé khao khát được gọi đè nén trong bao nhiêu năm nay như vỡ tung ra từ đáy lòng nó. Tiếng kêu “ ba” xé tan cả không gian im lặng, xé ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đây là tiếng gọi “ ba” đầu tiên và cũng là cuối cùng của cuộc đời bé Thu vì sau đó ông Sáu đã hy sinh.
Hành động:
- Nó vừa kêu, vừa chạy xô tới, nhanh như con sóc, nó chạy thót lên và dang tay ôm chặt lấy cổ ba, vừa nói trong tiếng khóc, không cho ba đi.
- Nó “hôn tóc, hôn cổ, hôn vai” vì muốn cảm nhận hết tình cảm của người cha mà nó khao khát bao năm nay. Đặc biệt, “nó hôn cả vết thẹo dài bên má của ba” mà nó rất sợ vì nó muốn chuộc lại lỗi lầm trong ba ngày đã có hành động, thái độ không phải với  ông Sáu. Hiểu được nguyên nhân của vết thẹo dài, bé Thu càng yêu thương và tự hào vì ba của bé là một chiến sĩ cách mạng.
*  Chiến tranh qua hình ảnh “ vết thẹo dài” đã không  những không chia cắt được tình cảm cha con của người chiến sĩ cách mạng mà còn làm cho tình cảm đó trở nên sâu sắc, mãnh liệt hơn.
- Được bà và mẹ giải thích rằng ba đi, thống nhất đất nước, ba sẽ về Thu đã để cho ba đi và dặn ba về sẽ mua cho bé một cây lược. Điều này cho thấy bé hiểu được công việc mà cách mạng đang cần ba.
- Sau này biết tin ba mình hy sinh, bé Thu đã tiếp nối công việc của ba đang làm dở: trở thành cô giao liên thông minh, dũng cảm, nhiều lần cứu đoàn cán bộ cách mạng thoát khỏi phục kích của giặc.
*Kết đoạn:
- Với tấm lòng yêu mến, trân trọng tình cảm trẻ thơ, với sự am hiểu tâm lý trẻ em, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa tình cảm  yêu cha sâu sắc, mãnh liệt, đầy bản lĩnh của đứa con người chiến sĩ cách mạng mà không làm mất đi vẻ hồn nhiên, ngây thơ của trẻ em, đồng thời khẳng định chiến tranh khốc liệt với hoàn cảnh đầy éo le, không chia rẽ được tình cảm cha con của những người chiến sĩ cách mạng.
c. Về ngữ pháp:
- Gạch chân đoạn văn và chú thích rõ ràng  thành phần biệt lập ( có thể là tình thái từ, hoặc từ cảm thán, hoặc thành phần phụ chú, hoặc gọi đáp) và từ ngữ dùng làm phép lập, được sử dụng thích hợp trong đoạn  văn.
4. Kể tên một Từ cảnh ngộ của người cha trong hai tác phẩm, em có suy ngẫm gì ( không quá 5 dòng) về chiến tranh.
GỢI Ý:
* Tác  phẩm khác trong chương trình Ngữ văn lớp 9, trong đó có nhân vật người cha, vì chiến tranh xa cách, khi trở về, đứa con trai cũng hoài nghi, xa lánh là “ Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ
* Suy nghĩ về chiến tranh:
Học sinh có thể trình bày cách cảm nhận khác nhau, dưới đây là một số gợi ý để học sinh tham khảo:
- Từ cảnh ngộ của người cha trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” và “Người con gái Nam Xương”, em thấy chiến tranh thật là dã man, tàn bạo. Nó khiến cho những người cha phải chia lìa gia đình, vợ con, những đứa trẻ ra đời mà không biết mặt cha, không được hưởng tình yêu thương, chăm sóc của người cha. Chiến tranh cũng đã gây nên sự hiểu nhầm đáng tiếc trong những gia đình có người cha đi lính.
- Bé Đản  ( trong Người con gái Nam Xương) đã mất đi một người mẹ Vũ Nương rất yêu thương con và khao khát một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Bé Thu chỉ được hưởng tình cha con trong giây phút ngắn ngủi trước khi chia tay để cha bé lên đường làm cách mạng.
- Qua hai tác phẩm được học, em thấy rõ tình cảm cha con, tình cảm gia đình quan trọng thiêng liêng biết nhường nào với trẻ thơ.
PHẦN II (3 điểm)
Cho đoạn thơ:
   “Con ơi tuy thô sơ da thịt
   Lên đường
   Không bao giờ nhỏ bé được
   Nghe con.”
   (Y Phương, Nói với con, Ngữ văn 9, NXB Giáo dục năm 2013)
1.Tìm thành ;phần gọi- đáp trong những dòng thơ trên
GỢI Ý:
Thành phần gọi- đáp là “Con ơi”
2. Theo em, việc dùng từ phủ định trong dòng thơ “ không bao giờ nhỏ bé được”, nhằm khẳng định điều gì?
GỢI Ý:
Việc dùng từ phủ định trong dòng thơ “ không bao giờ nhỏ bé được” nhằm khẳng định:
- Khi lớn lên, bước vào cuộc sống, người con không bao giờ được nhụt chí, nản lòng trước những khó khăn, thách thức, vất vả và phải có bản lĩnh, nghị lực vượt qua mọi khó khăn đó
- Người con phải tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, về truyền thống cao đẹp của quê hương để tiếp nối, phát huy và luôn tự tin bước vào cuộc đời.
3. Từ bài thơ trên và những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ         ( khoảng nửa trang giấy thi) về cội nguồn của mỗi người, qua đó thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay.
GỢI Ý:
*Học sinh trình bày những suy nghĩ theo cảm nhận riêng của mình, song vẫn phải đảm bảo rõ  mạch ý viết, có sự liên kết, lập luận chặt chẽ, đúng thể loại văn nghị luận xã hội.
Dưới đây là một số gợi ý có thể viết:
*Cội nguồn của mỗi con người là gia đình và quê hương, đất nước.
*Trong gia đình
Người cha, người mẹ có vai trò quan trọng, thiêng liêng với đứa trẻ: nuôi nấng, dạy dỗ, theo dõi từng bước đi trưởng thành của người con.
- Tình yêu thương, niềm vui, hạnh phúc của gia đình cũng ảnh hưởng tới tâm hồn và nhân cách con người.
*Với quê hương, đất nước
- Cuộc sống ở quê hương còn gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng niềm lạc quan,  yêu đời, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của những người cùng chung sống trong cộng đồng có thể giúp chúng ta nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống.
- Thiên nhiên tươi đẹp cùng với những tấm gương về lối sống cao đẹp, cũng góp phần tạo cho mỗi người nhân cách sống tốt đẹp.
*Trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện nay:
- Đất nước đang trên đà phát triển kinh tế, hội nhập với thế giới, mỗi cá nhân ở mọi lĩnh vực khác nhau phải tích lũy tri thức, kĩ năng sống, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe dẻo dai, bền bỉ để chung tay góp sức xây dựng đất nước “ ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu” ( Lời Bác Hồ dạy)
- Ngày 3-5-2014 vừa qua, Trung Quốc đã đặt giàn khoan  Hải Dương 981 trái phép trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam cần thể hiện lòng yêu nước của mình bằng một trái tim nồng nàn nhưng cần phải tỉnh táo với “ cái đầu lạnh”, biết kiềm chế trước âm mưu của kẻ xấu để góp phần gìn giữ chủ quyền lãnh thổ VN ( có thể đưa ra một số dẫn chứng cụ thể, sinh động để minh họa).
- Liên hệ với bản thân: Phải phấn đấu học tốt, để trở thành “con ngoan, trò giỏi”, ủng hộ và thực hiện tốt những chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước đề ra bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh sống của bản thân.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_va_dap_an_10_Ha_Noi.doc