Đề thi thử vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2017-2018 - Trường THCS Ngũ Đoan (Có đáp án)

docx 5 trang Người đăng duyenlinhkn2 Ngày đăng 26/07/2022 Lượt xem 302Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2017-2018 - Trường THCS Ngũ Đoan (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi thử vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2017-2018 - Trường THCS Ngũ Đoan (Có đáp án)
UBND HUYỆN KIẾN THUỴ
TRƯỜNG THCS NGŨ ĐOAN
 (Đề gồm 01 trang)
ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 THPT
Năm học: 2017 – 2018
Môn thi: Ngữ Văn
Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian giao đề
Phần I (4.0 điểm)
Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi ở dưới.
“ Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc . Đồng thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng .Tuổi của chúng phải được sống trong vui tươi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển. Tương lai của chúng phải được hình thành trong sự hòa hợp và tương trợ. Chúng phải được trưởng thành khi được mở rộng tầm nhìn, thu nhận thêm những kinh nghiệm mới.”
 (Trích “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em” Ngữ văn 9 - Tập một - NXBGD)
Câu 1.Nêu nội dung chính của đoạn trích trên?. Em hiểu gì về thái độ của tác giả được thể hiện qua đoạn trích ?
Câu 2. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Tuổi của chúng phải được sống trong vui tươi , thanh bình, được chơi, được học và phát triển.” Nêu ý hiểu của em về giá trị biểu đạt của biện pháp tu từ đó?
Câu 3. Viết một đoạn văn ngắn khoảng ½ trang giấy thi theo cách diễn dịch trình bày suy nghĩ của em về việc bảo vệ quyền lợi và sự chăm lo đến sự phát triển của trẻ em ở nước ta hiện nay?
Phần II (6 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
 “ Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, cháu gan lì nhất định không không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “ Đấy, bác cũng chẳng thèm người là gì?”
Câu 1: (0,5 điểm) Nêu hoàn cảnh ra đời và xuất xứ của văn bản có chứa đoạn trích trên?
Câu 2: (1,5 điểm) Chỉ ra nét hay của câu: Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?Ghi lại câu thơ được học trong chương trình Ngữ văn 9 cũng thể hiện sự đóng góp, cống hiến thầm lặng của nhà thơ.. 
Câu 3: (4 điểm)
Viết bài văn ngắn nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên được thể hiện trong đoạn trích trên. Từ đó nêu suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ với đất nước.
Hết
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
ĐÁP ÁN THI THỬ LẦN 2
( Đáp án này gồm 4 trang)
Câu
Đáp án
Biểu 
điểm
1
HS nêu được cơ bản các thông tin sau:
- Nội dung đoạn trích: Nêu đặc điểm tâm sinh lí và khẳng định những quyền lợi của trẻ em.
- Thái độ tác giả: quan tâm, trân trọng, yêu thương trẻ em và mong muốn tất cả các em có một cuộc sống tốt đẹp.
0.5
0.5
2
 - Trong câu văn trên tác giả đã sử dụng biện pháp liệt kê và điệp ngữ.
+ Biện pháp liệt kê: “ vui tươi , thanh bình, được chơi, được học và phát triển”.
+ Biện pháp điệp ngữ : Từ “ được” lặp lại hai lần.
- Giá trị của các biện phâp tu từ :
 +Biện pháp nghệ thuật liệt kê và điệp ngữ trong câu văn trên giúp người đọc nhận thức một cách đầy đủ về những quyền lợi mà trẻ em được hưởng.
+ Đồng thời thể hiện thái độ của tác giả : quan tâm, trân trọng , yêu thương trẻ em và mong muốn trẻ em có một cuộc sống tốt đẹp.
0.5
0.5
3
 - HS viết đúng hình thức đoạn văn, dung lượng vừa phải không quá ½ trang giấy thi, chữ viết sạch đẹp, không sai lỗi chính tả.
 - Trình bày đúng theo cách diễn dịch.
 - Từ nội dung của đoạn trích trên, HS trình bày những suy nghĩ của bản thân về vấn đề bảo vệ quyền lợi và chăm lo đến sự phát triển của trẻ em ở nước ta hiện nay một cách hợp lí. Dưới đây là những gợi ý:
 - Hiện nay vấn đề việc bảo vệ quyền lợi và chăm lo đến sự phát triển của trẻ em đang được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện qua rất nhiều hoạt động ý nghĩa như: 
+ Khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi
+ Chính sách hổ trợ đối với trẻ em nghèo
+ Tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em 
+ Xây dựng các lớp học tình thương..
- Nêu cảm xúc và trách nhiệm của bản thân:
+ Cảm xúc: vui, trân trọng, hoan nghênh trước những hoạt động ý nghĩa đó ->đó là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trẻ em..
 + Nêu trách nhiệm của bản thân: để xứng đáng với sự quan tâm đó hs phải có trách nhiệm không ngừng học tập tu dưỡng đạo đức để gánh vác trọng trách là chủ nhân đất nước trong tương lai.
0. 25
0.5 
0.75
0.25
0.25
ĐÁP ÁN PHẦN II
Câu1.
(0,5đ)
- Văn bản sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế Lào Cai của tác giả.
- Rút từ tập “Giữa trong xanh” (1972).
0,25 đ
0,25 đ
Câu 2:
(1,5 đ)
- Câu văn là lời tự bạch, tự hỏi, tự chất vấn mình nhưng là để khẳng định, đã diễn tả thật hay suy nghĩ, nhận thức của nhân vật anh thanh niên về công việc. 
- Anh quan niệm công việc với anh là đôi nghĩa là anh và công việc như là đôi bạn, có một sự gắn bó không thể tách rời nếu phải tách ra thì anh rất buồn, cuộc sống trở thành vô nghĩa. 
- Anh có suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc. Anh thanh niên là người rất gắn bó, rất yêu nghề, có niềm vui, niềm hạnh phúc trong lao động.
- Những suy nghĩ, những quan niệm của anh thanh niên về công việc thật đẹp nó khơi gợi, toả sáng trong chúng ta biết bao điều suy nghĩ đẹp, cuốc sống chỉ có ý nghĩa khi ta biết làm việc và cống hiến sức lực, trí tuệ cho quê hương, đất nước.
- Hai câu thơ trong bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải: Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời”.
0,25 đ
0,25 đ
0,25 đ
0,25 đ
0,5 đ
Câu 3
(4đ)
* Yêu cầu chung: 
- Đảm bảo đúng kiểu bài nghị luận về một tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích), cảm nhận trên nền tảng của phân tích, tổng hợp.
- Bố cục 3 phần; hành văn mạch lạc, chặt chẽ, cảm xúc tự nhiên, trong sáng; không mắc các lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính
* Yêu cầu cụ thể
1. Mở bài.(0,5đ)
- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Thành Long là nhà văn chuyên về truyện ngắn và kí. Các tác phẩm của ông thường có cốt truyện đơn giản, lời văn nhẹ nhàng, ngôn ngữ giàu chất thơ. 
Giới thiệu tác phẩm: “Lặng lẽ SaPa” là một truyện ngắn đặc sắc được nhà văn viết vào năm 1970, in trong tập “Giữa trong xanh”.
- Giới thiệu về nhân vật anh thanh niên và nét phẩm chất đáng quý qua đoạn trích trên.
0.25đ
0,25đ
2. Thân bài: (3đ)
I. Khái quát phần đầu thân bài ( vị trí của đoạn trích)
 - Anh thanh niên là nhân vật chính của tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Thành Long đã để nhân vật này xuất hiện trong một tình huống hết sức đặc biệt là cuộc gặp gỡ bất ngờ nhưng vô cùng thú vị giữa anh với ông họa sĩ và cô kĩ sư trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m. Sau khi đón khách ở chân núi, đưa khách lên thăm nơi ở và làm việc, anh thanh niên cùng khách quay vào uống trà, anh giới thiệu về công việc và bày tỏ suy nghĩ của mình về nỗi “ thèm người”. Qua suy nghĩ của anh, ta thấy ở chàng trai này ngời sáng biết bao phẩm chất tốt đẹp của một con người lao động mới. 
Luận điểm 1: Trước hết, trong đoạn trích, anh thanh niên hiện lên với vẻ đẹp của lí tưởng sống cao đẹp và lòng yêu nghề đến say mê .
-Hoàn cảnh sống của anh thanh niên
Anh thanh niên là một chàng trai hai mươi bảy tuổi. Tuổi trẻ thường thích sự đông vui, nhộn nhịp nhưng anh đã tình nguyện đến với Sa Pa làm việc. Đã mấy năm nay, anh sống giữa bạt ngàn núi rừng Sa Pa quanh năm suốt tháng không một bóng người, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo. Sống giữa hoàn cảnh như vậy, ta hiểu rằng anh đã nếm trải đến tận cùng sự cô độc, đã thử thách lòng kiên nhẫn để chiến thắng bản thân mình
-Công việc của anh thanh niên
Công việc của anh là làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Cụ thể là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc tưởng chừng như đơn điệu, nhàm chán nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và tinh thần trách nhiệm cao. Công việc ấy cũng có nhiều gian khổ: “Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét bác ạ, ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn tắt đi Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng yên ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình là ào ào xô tới” . 
-Lòng yêu nghề của anh thanh niên.
+ Công việc gian khổ là thế nhưng anh đã có suy nghĩ rất sâu sắc. Chúng ta hãy cùng lắng nghe lời tâm sự của anh với ông họa sĩ: “ Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?” Qua lời bộc bạch chân thành ấy, ta thấy được sự chuyển biến, trưởng thành trong nhận thức của anh về sự “lẻ loi” trước và sau khi vào nghề. Gắn bó với công việc, anh không còn là ngôi sao “lẻ loi một mình” nữa bởi với anh công việc là người bạn. Khi con người làm việc bằng tất cả sự say mê, thì công việc trở thành bè bạn.
+ Anh thanh niên còn có nhận thức sâu sắc ý nghĩa công việc mình làm. Anh đã tâm sự: “Huống chi việc của cháu gắn liền với bao anh em, đồng chí dưới kia”. Hơn ai hết, anh hiểu được công việc của mình có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó góp phần phục vụ sản xuất, chiến đấu và là mắt xích quan trọng trong chuỗi công việc chung. Nếu thiếu một lượng thông tin từ cái đài quan sát của anh, biết đâu rằng việc dự báo thời tiết cho cả một huyện, một tỉnh, một vùng sẽ bị ảnh hưởng ? Vì vậy anh đã làm việc hết mình với một thái độ nghiêm túc, cần mẫn, tận tụy và một tinh thần trách nhiệm cao. Với anh, công việc đã trở thành niềm vui, là lẽ sống, là cái đích để anh vươn tới. Anh đã tâm sự rất thật “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.” 
Luận điểm 2: Qua cuộc trò chuyện của anh thanh niên với ông họa sĩ, ta còn thấy ở anh thái độ cởi mở, chân thành với mọi người, một trái tim chan chứa tình yêu con người và cuộc sống.
- Sống trong cảnh cô độc, anh luôn khao khát được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với mọi người. Mỗi khi có khách đến chơi anh đón tiếp nồng nhiệt, cởi mở, chân tình. 
-Mặc dù là lần gặp đầu tiên nhưng anh đã không ngần ngại bày tỏ những suy nghĩ rất thực, rất chân thành của mình với ông họa sĩ. Chính sự cởi mở, gần gũi đó của anh đã khiến mọi người thực sự cảm mến. 
+ Những lời tâm sự của anh còn thể hiện tình yêu con người, yêu cuộc sống của một chàng trai giàu nghị lực và có lí tưởng sống cao đẹp. Lắng nghe lời tâm sự của anh về nỗi “ thèm người” , ta lại càng trân trọng và khâm phục anh “Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc (...) Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì xoàng.” Với anh nỗi “thèm người”, nhớ người là xuất phát từ nhận thức sâu sắc , từ mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống, là nhu cầu giao tiếp, là sự giao lưu, gắn bó với mọi người. Nỗi “thèm người” ở anh không phải là sự thèm khát cuộc sống xa hoa, hào nhoáng nơi đô hội , chốn phồn hoa mà thực chất là khao khát được giao lưu, giao tiếp, hòa nhập với mọi người, được sống và làm việc vì mọi người.
-Liên hệ: Suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước.
+Từ những suy nghĩ và nhận thức đúng đắn của anh thanh niên về công việc trong đoạn trích trên đã gợi cho thế hệ trẻ những suy nghĩ về trách nhiệm với đất nước. Tuổi trẻ cần xác định được mục đích sống cao đẹp, sống có lý tưởng, yêu quê hương đất nước. Tuổi trẻ phải ra sức học tập, tích lũy tri thức, rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng đạo đức, trở thành người công dân tốt để cống hiến. Tuổi trẻ phải có trách nhiệm đem sức trẻ và tài năng trí tuệ của mình xây dựng phát triên đất nước, hội nhập với các nước trên thế giới. 
+ Trong thời đại ngày nay, tình hình căng thẳng ở biển Đông, tuổi trẻ càng phải có tinh thần đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, với tinh thần “ Đâu cần thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên”.
-Khái quát phần cuối thân bài :
+Chỉ qua một đoạn trích ngắn gọn, ngôn ngữ kể chuyện giản dị, tác giả đã khéo léo để nhân vật tự bộc lộ những suy nghĩ khiến cho câu chuyện chân thực, cảm động. Hình ảnh nhân vật anh thanh niên hiện lên với những nét đẹp của lòng yêu nghề, của tinh thần trách nhiệm trong công việc và sự chân thành, cởi mở, bộc trực rất đáng yêu. Anh chính là hình ảnh tiêu biểu cho những con người lao động thầm lặng ở Sa Pa, là chân dung con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
0,25đ
1 đ
1 đ
0,5 đ
0,25 đ
3.Kết bài.(0,5đ)
- “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách của Nguyễn Thành Long. Truyện có những thành công nổi bật về nghệ thuật trong việc khắc họa vẻ đẹp của anh thanh niên như nhân vật chính; cách kể chuyện tự nhiên, nhẹ nhàng, lời văn trong sáng giàu chất thơ. Chất thơ đẹp nhất được khơi gợi lên từ thế giới tâm hồn của những con người như anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Anh là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước, noi theo. 
0.5đ

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_thi_thu_vao_lop_10_thpt_mon_ngu_van_nam_hoc_2017_2018_tru.docx