Trang riêng: ĐỀ SỐ 30 THI THỬ QUỐC GIA THPT NĂM 2017 Môn: NGỮ VĂN KHỐI 12 Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề I. Đọc hiểu (3,0 điểm) Nền văn hoá truyền thống Việt Nam thấm đẫm tinh thần nhân văn trước hết vì nó luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, luôn coi con người là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của tạo hoá. Rất nhiều câu tục ngữ của ông cha ta đã thể hiện tư tưởng này, như “người ta là hoa của đất”, “người sống đống vàng”, “một mặt người bằng mười mặt của” Nhưng thật đáng lo vì nền tảng đạo đức xã hội hiện nay đang có những dấu hiệu suy thoái nghiêm trọng, sự lệch lạc về lối sống trong vòng quay của những giá trị ảo đã biến một bộ phận không nhỏ những người trẻ trở thành nô lệ của sự tung hô, chú ý trên mạng xã hội. Không ít trong số đó đã gục ngã trước uy lực thần thánh của nút “like”. Ngày 21.9, cộng đồng mạng xã hội vô cùng sửng sốt với clip một nam thanh niên tẩm xăng tự thiêu rồi nhảy xuống dòng kênh Tân Hóa - TP.HCM khi đã “gom” đủ 40.000 cú click vào nút “like” trên Facebook. Ít hôm sau dư luận lại nhận thêm cú sốc từ hành động châm lửa đốt trường của một nữ sinh lớp 8 tại Khánh Hòa cũng chỉ vì đã đủ “like” ủng hộ trên Facebook. Cũng chỉ vì trào lưu “Việt Nam nói là làm” đã biến tướng thành những hành động quái đản, thật đáng thương và cũng đáng trách những bạn trẻ cuồng quay với hai từ “nổi tiếng” đầy tai tiếng. Nếu trách chủ nhân của những status câu “like” kia một thì đáng lên án sự vô tâm của hàng trăm nghìn người dùng mạng xã hội với cái tâm lạnh hơn băng. Họ không biết hay cố tình không biết rằng một cú click của mình là đóng góp thêm những tràng pháo tay cho lối sống bệnh hoạn, vô tình đưa khổ chủ đến dần với bờ vực hiểm nguy. ( Trích nguồn (Trương Khắc Trà 14-10-2016) Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên. Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về câu nói của tác giả: “con người là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của tạo hoá”? Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả viết: Cũng chỉ vì trào lưu “Việt Nam nói là làm” đã biến tướng thành những hành động quái đản, thật đáng thương và cũng đáng trách những bạn trẻ cuồng quay với hai từ “nổi tiếng” đầy tai tiếng. Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? II: LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm) Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Ngày 21.9.2016, cộng đồng mạng xã hội vô cùng sửng sốt với clip một nam thanh niên tẩm xăng tự thiêu rồi nhảy xuống dòng kênh Tân Hóa - TP.HCM khi đã “gom” đủ 40.000 cú click vào nút “like” trên Facebook. Ít hôm sau dư luận lại nhận thêm cú sốc từ hành động châm lửa đốt trường của một nữ sinh lớp 8 tại Khánh Hòa cũng chỉ vì đã đủ “like” ủng hộ trên Facebook. Câu 2 (5,0 điểm): Phân tích sự kết hợp gỉữa chính luận với trữ tình trong đoạn thơ sau: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu Cặp vợ chồng yêu thương nhau góp nên hòn Trống Mái Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương Những con rồng năm im góp dòng sông xanh thẳm Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy Những cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Đất Nước – Trích trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm), Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 117 – 118)
Tài liệu đính kèm: