Đề thi thử THPT quốc gia Địa lí lớp 12 lần 1 - Mã đề 132 - Năm học 2016-2017 - Trường THPT Quang Trung

doc 5 trang Người đăng dothuong Lượt xem 439Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử THPT quốc gia Địa lí lớp 12 lần 1 - Mã đề 132 - Năm học 2016-2017 - Trường THPT Quang Trung", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi thử THPT quốc gia Địa lí lớp 12 lần 1 - Mã đề 132 - Năm học 2016-2017 - Trường THPT Quang Trung
SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG
TRƯỜNG THPT QUANG TRUNG
--------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ THI THỬ THPTQG LẦN I 
NĂM HỌC 2016-2017
Bài thi: KHXH – MÔN: ĐỊA LÍ
Thời gian làm bài:50 phút; 
(Đề thi gồm 05 trang, 40 câu trắc nghiệm)
Mã đề thi 132
Câu 1: Yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam nhanh chóng hoà nhập vào khối ASEAN là do
A. Đường lối Đổi mới của Việt Nam.
B. Xu hướng chuyển đổi từ đối đầu sang đối thoại của khu vực.
C. Vị trí địa lí.
D. Điều kiện tự nhiên thuận lợi
Câu 2: Hạn chế nào không phải do hình dạng dài và hẹp ngang của lãnh thổ Việt Nam mang lại
A. Khoáng sản nước ta đa dạng, nhưng trữ lượng không lớn.
B. Giao thông Bắc-Nam trắc trở.
C. Việc bảo vệ an ninh và chủ quyền lãnh thổ khó khăn.
D. Khí hậu phân hoá đa dạng.
Câu 3: Yếu tố nào không phải là chủ trương của xu thế dân chủ hoá đời sống kinh tế - xã hội của nước ta?
A. Để người dân được toàn quyền trong mọi sinh hoạt và sản xuất.
B. Xoá bỏ cơ chế quản lí tập trung bao cấp.
C. Nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi và nghĩa vụ.
D. Trao dần cho dân quyền tự chủ trong sản xuất và đời sống.
Câu 4: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 4-5, hãy cho biết trong số các tỉnh biên giới trên đất liền giáp với Trung Quốc không có tỉnh nào dưới đây?
A. Cao Bằng.	B. Lạng Sơn.	C. Điện Biên.	D. Yên Bái.
Câu 5: Nguyên nhân gây mưa phùn cho vùng ven biển và đồng bằng ở Bắc Bộ nước ta là gió:
A. Gió mùa Đông Bắc.	B. Gió Tây Nam từ vịnh Bengan.
C. Gió Mậu Dịch nửa cầu Bắc.	D. Gió Mậu Dịch nửa cầu Nam.
Câu 6: Cho bảng số liệu:
TỔNG MỨC BÁN LẺ HÀNG HOÁ VÀ DOANH THU DỊCH VỤ TIÊU DÙNG PHÂN THEO THÀNH PHẦN KINH TẾ CỦA NƯỚC TA NĂM 2010 VÀ NĂM 2012
(đơn vị: tỉ đồng)
 Năm
Khu vực kinh tế
2010
2012
Nhà nước
237.557,1
268.282,1
Ngoài Nhà nước
1.395.622,3
2.031.962,4
Có vốn đầu tư nước ngoài
44.165,3
68.886,1
Tổng số
1.677.344,7
2.369.130,6
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2014, NXB Thống kê, 2015)
Theo bảng số liệu trên, nhận xét nào sau đây đúng về sự thay đổi giá trị và tỉ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước năm 2010 và năm 2012?
A. Giá trị và tỉ trọng đều tăng.	B. Giá trị tăng, tỉ trọng giảm.
C. Giá trị và tỉ trọng giảm.	D. Giá trị giảm, tỉ trọng tăng.
Câu 7: Ở nước ta, về cơ bản càng về phía Nam thì
A. Nhiệt độ trung bình năm tăng.	B. Biên độ nhiệt năm càng tăng.
C. Nhiệt độ trung bình tháng lạnh càng giảm.	D. Nhiệt độ trung bình tháng nóng càng giảm.
Câu 8: Gió mùa mùa đông ở miền Bắc nước ta có đặc điểm 
A. Hoạt động liên tục từ tháng 11đến tháng 4 năm sau với thời tiết lạnh khô.
B. Kéo dài liên tục suốt 3 tháng với nhiệt độ trung bình dưới 20ºC.
C. Xuất hiện thành từng đợt từ tháng tháng 11đến tháng 4 năm sau với thời tiết lạnh khô hoặc lạnh ẩm.
D. Hoạt động liên tục từ tháng 11đến tháng 4 năm sau với thời tiết lạnh khô và lạnh ẩm.
Câu 9: Theo Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982 thì vùng đặc quyền kinh tế của nước ta rộng 200 hải lí được tính từ
A. Giới hạn ngoài của vùng lãnh thổ trở ra.	B. Vùng có độ sâu 200m trở vào.
C. Đường cơ sở trở ra.	D. Ngấn nước thấp nhất của thuỷ triều trở ra.
Câu 10: Sự phân hóa thành 3 dải địa hình: vùng biển - thềm lục địa, vùng đồng bằng ven biển và vùng đồi núi của nước ta là biểu hiện của sự phân hóa theo
A. Đông – Tây.	B. Bắc – Nam.	C. Đai cao.	D. Tất cả đều đúng.
Câu 11: Cho biểu đồ
Biểu đồ thể hiện sự thay đổi cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá thực tế phân theo ngành của nước ta giai đoạn 2000-2015(%)
Căn cứ biểu đồ trên, hãy cho biết nhận xét nào không đúng về cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của nước ta trong giai đoạn 2000-2015
A. Tỉ trọng ngành trồng trọt có xu hướng giảm.
B. Ngành trồng trọt chiếm tỉ trọng cao nhất.
C. Tỉ trọng ngành trồng trọt ngày càng tăng.
D. Ngành trồng trọt chiếm tỉ trọng lớn nhất và có xu hướng giảm.
Câu 12: Đặc điểm nào của biển Đông có ảnh hưởng nhiều nhất đến thiên nhiên nước ta?
A.  Nóng, ẩm và chịu ảnh hưởng của gió mùa.
B.  Có diện tích lớn gần 3,5 triệu km2.
C.  Biển kín với các dòng hải lưu chạy ven bờ.
D.  Có thềm lục địa mở rộng ở hai đầu và thu hẹp ở giữa.
Câu 13: Đặc điểm nào sau đây không đúng với khí hậu của phần lãnh thổ phía Nam nước ta(từ 16°B trở vào)
A. Không có tháng nào nhiệt độ dưới 20°C.	B. Quanh năm nóng.
C. Về mùa khô có mưa phùn.	D. Có hai mùa mưa và khô rõ rệt.
Câu 14: Ở đồng bằng châu thổ sông Hồng có nhiều chân ruộng cao bạc màu và các ô trũng là do 
A. Có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt.
B. Có hệ thống đê ngăn lũ hai bên các sông.
C. Thường xuyên bị lũ lụt.
D. Có địa hình tương đối cao và bị chia cắt.
Câu 15: Hệ sinh thái rừng nguyên sinh đặc trưng cho khí hậu nước ta là 
A.  Rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh.
B.  Rừng gió mùa thường xanh.
C.  Rừng ngập mặn thường xanh ven biển.
D.  Rừng gió mùa nửa rụng lá.
Câu 16: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 20, cho biết tỉnh nào có sản lượng khai thác thuỷ sản năm 2007 lớn nhất cả nước?
A. Bà Rịa - Vũng Tàu. B. Cà Mau.	 C. Kiên Giang.	 D. An Giang.
Câu 17: Chế độ nước theo mùa của sông ngòi nước ta là do
A. Đồi núi bị cắt xẻ, độ dốc lớn, mưa nhiều.
B. Mưa nhiều trên địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn.
C. Chế độ mưa theo mùa.
D. Độ dốc địa hình lớn, mưa nhiều.
Câu 18: Ở nước ta, nơi có chế độ khí hậu với mùa hạ nóng ẩm, mùa đông lạnh khô, hai mùa chuyển tiếp xuân, thu là 
A.  Khu vực phía đông dãy Trường Sơn.	B.  Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
C.  Khu vực phía bắc vĩ tuyến 16ºB.	D.  Khu vực phía nam vĩ tuyến 16ºB.
Câu 19: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 15, cho biết các đô thị nào sau đây là đô thị đặc biệt của nước ta
A. Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.	B. Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.
C. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.	D. Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh
Câu 20: Vùng cực Nam Trung Bộ của nước ta là nơi có điều kiện phát triển nghề làm muối rất lí tưởng vì
A.  Không có bão lại ít chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc.
B.   Có nhiệt độ cao, nhiều nắng, chỉ có vài sông nhỏ đổ ra biển.
C.  Có những hệ núi cao ăn lan ra tận biển nên bờ biển khúc khuỷu.
D.  Có thềm lục địa thoai thoải kéo dài.
Câu 21: Để thực hiện tốt sự nghiệp CNH-HĐH, nước ta cần dựa trên cơ sở 
 A. Phát triển khoa học – kĩ thuật – công nghệ; Giáo dục và Đào tạo.
B. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp nặng, coi đó là khâu then chốt.
C. Phát triển công nghiệp nhẹ, nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến.
D. Đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng.
Câu 22: Khu vực có thềm lục địa bị thu hẹp trên biển Đông thuộc vùng nào của nước ta? 
 A.  Vịnh Bắc Bộ.	 B. Vịnh Thái Lan. 
C.  Bắc Trung Bộ.	D.  Nam Trung Bộ.
Câu 23: Đặc trưng khí hậu phần lãnh thổ phía Bắc Việt Nam là
A. Cận nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh.	B. Nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh.
C. Cận xích đạo gió mùa.	D. Nhiệt đới ẩm có mùa đông lạnh.
Câu 24: Địa hình thấp và hẹp ngang, nâng cao ở hai đầu là đặc điểm của vùng núi nào ở nước ta?
A. Đông Bắc.	B. Trường Sơn Bắc.	C. Tây Bắc.	D. Trường Sơn Nam.
Câu 25: Đặc điểm nổi bật của địa hình vùng núi Tây Bắc nước ta là
A. Có bốn cánh cung lớn, cao và đồ sộ.
B. Gồm các khối núi và cao nguyên đá vôi.
C. Địa hình thấp, hẹp ngang và chia làm 3 dải.
D. Gồm nhiều dãy núi cao và đồ sộ nhất nước ta.
Câu 26: Vùng biển, tại đó nước ta có chủ quyền hoàn toàn về kinh tế, nhưng vẫn để cho các nước khác được đặt ống dẫn dầu, dây cáp ngầm và tàu thuyền, máy bay nước ngoài được tự do về hàng hải và hàng không như công ước quốc tế quy định, được gọi là
A. Lãnh hải.	B. Vùng tiếp giáp lãnh hải.
C. Nội thủy.	D. Vùng đặc quyền kinh tế.
Câu 27: Cho bảng số liệu:
SỐ DÂN VÀ TỐC ĐỘ GIA TĂNG DÂN SỐ TỰ NHIÊN CỦA NƯỚC TA
GIAI ĐOẠN 2000-2012
Năm
Tổng số dân
(nghìn người)
Trong đó dân thành thị
(nghìn người)
Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên(%)
2000
77.635
18.772
1,36
2005
83.106
22.337
1,31
2010
86.927
26.224
1,03
2012
88.772
28.356
0,99
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2014, NXB Thống kê, 2015)
Để thể hiện tình hình phát triển dân số nước ta theo bảng số liệu trên, biểu đồ nào sau đây là thích hợp nhất?
A. Biểu đồ kết hợp cột và đường biểu diễn.
B. Biểu đồ hình tròn.
C. Biểu đồ cột ghép.
D. Biểu đồ kết hợp cột chồng và đường biểu diễn.
Câu 28: Trở ngại lớn nhất của địa hình miền núi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta là
A. Động đất dễ phát sinh ở những vùng đứt gãy sâu.
B. Địa hình dốc, đất dễ bị xói mòn, lũ quét, lũ nguồn dễ xảy ra.
C. Thiếu đất canh tác, thiếu nước nhất là ở những vùng núi đá vôi.
D. Địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều sông suối, hẻm vực gây trở ngại cho giao thông.
Câu 29: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 17, cho biết khu kinh tế ven biển nào không thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ?
A. Chu Lai.	B. Hòn La.	C. Vân Phong.	D. Nhơn Hội.
Câu 30: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 21, cho biết trung tâm công nghiệp nào sau đây có giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế năm 2007 là trên 120 nghìn tỉ đồng?
A. Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.	B. Hải Phòng, Đà Nẵng.
C. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.	D. Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
Câu 31: Đặc điểm nổi bật của địa hình vùng núi Đông Bắc nước ta là
A. Địa hình núi thấp chiếm phần lớn diện tích.
B. Có địa hình cao nhất nước ta.
C. Có 3 mạch núi lớn hướng Tây Bắc – Đông Nam.
D. Gồm các dãy núi song song và so le hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Câu 32: Cho bảng số liệu:
DÂN SỐ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1995-2013 (đơn vị: nghìn người)
Năm
Tống số dân
Dân số thành thị
Dân số nông thôn
1995
71.996
14.938
57.058
2000
77.635
18.772
58.863
2005
82.392
22.332
60.060
2010
86.932
26.515
60.416
2013
89.708
28.874
60.834
 (Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2014, NXB Thống kê, 2015)
Nhận xét nào sau đây không đúng với bảng số liệu trên?
A. Dân số nông thôn chiếm tỉ trọng lớn.
B. Dân số thành thị ngày càng tăng.
C. Dân số nông thôn chiếm tỉ trọng lớn và đang có xu hướng giảm.
D. Dân số thành thị ngày càng giảm tỉ trọng.
Câu 33: Vào đầu mùa hạ, gió mùa Tây Nam gây mưa cho vùng nào của nước ta
A.  Phía Nam đèo Hải Vân.	B.  Tây Nguyên và Nam Bộ.
C.  Trên cả nước.	D.  Nam Bộ.
Câu 34: Cho biểu đồ
Biểu đồ trên thể hiện nôi dung nào sau đây
A. Quy mô và cơ cấu phân theo ngành kinh tế của nước ta năm 2010 và năm 2012.
B. Tình hình sản xuất của các thành phần kinh tế của nước ta năm 2010 và năm 2012.
C. Tốc độ tăng trưởng của các thành phần kinh tế của nước ta năm 2010 và năm 2012.
D. Quy mô và cơ cấu phân theo khu vực kinh tế của nước ta năm 2010 và năm 2012.
Câu 35: Ở nước ta thời tiết mùa đông bớt lạnh khô, mùa hè bớt nóng bức là nhờ 
A.  Địa hình 85% là đồi núi thấp.	B.  Nằm gần Xích đạo, mưa nhiều.
C. Tiếp giáp với Biển Đông.	D.  Chịu tác động thường xuyên của gió mùa.
Câu 36: Đặc điểm nào sau đây không phải là đặc điểm của dải đồng bằng ven biển miền Trung nước ta?
A. Được hình thành do các sông bồi đắp.
B. Chỉ có một số đồng bằng được mở rộng ở các cửa sông lớn.
C. Hẹp ngang, đất đai nghèo dinh dưỡng.
D. Bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ.
Câu 37: Nguyên nhân chủ yếu làm cho đất đai nước ta dễ bị suy thoái
A. Khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa theo mùa, địa hình nhiều đồi núi.
B. Khí hậu nhiệt ẩm cao, mưa theo mùa, địa hình đồi núi thấp.
C. Mưa theo mùa, xói mòn nhiều, địa hình nhiều đồi núi.
D. Địa hình nhiều đồi núi, mưa lớn và tập trung vào một mùa.
Câu 38: Đất đai ở đồng bằng ven biển miền Trung có đặc tính nghèo dinh dưỡng, nhiều cát, ít phù sa, do
A. Trong sự hình thành đồng bằng, biển đóng vai trò chủ yếu.
B. Đồng bằng nằm ở chân núi, nhận nhiều sỏi, cát trôi xuống.
C. Các sông miền Trung ngắn, hẹp và rất nghèo phù sa.
D. Bị xói mòn, rửa trôi mạnh trong điều kiện mưa nhiều.
Câu 39: Gió có hướng đông bắc thổi ở vùng phía nam đèo Hải Vân nước ta vào mùa đông thực chất là
A.  Gió mùa mùa đông xuất phát từ cao áp ở lục địa châu Á.
B.  Gió tín phong ở nửa cầu Bắc hoạt động thường xuyên suốt năm.
C.  Một loại gió địa phương hoạt động thường xuyên suốt năm giữa biển và đất liền.
D.  Gió mùa mùa đông nhưng đã biến tính khi vượt qua dãy Bạch Mã.
Câu 40: Đây là một đặc điểm của đồng bằng ven biển miền Trung nước ta
A. Là một tam giác châu thổ có diện tích 15000 km2.
B. Nằm ở vùng biển nông, thềm lục địa mở rộng.
C. Hình thành trên vùng sụt lún ở hạ lưu các sông lớn.
D. Biển đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành nên có nhiều cồn cát.
----------- HẾT ----------
(Thí sinh được sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành từ năm 2009 – 2016)
Người ra đề
Trần Thị Tươi

Tài liệu đính kèm:

  • docTHI THUTHPTQG1_THI THU THPTQG_132.doc