Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Mỹ Hưng

doc 6 trang Người đăng haibmt Lượt xem 7317Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Mỹ Hưng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Mỹ Hưng
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI 	ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 8
 Trường THCS Mỹ Hưng 	 Môn: Ngữ văn
 Năm học 2014-2015 	 	Thời gian 120 phút
Câu 1: 4 điểm: Cho hai câu thơ sau:
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ
(Quê hương – Tế Hanh)
a. Từ “nghe” trong câu thơ được hiểu như thế nào? Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ cho ta cảm nhận gì về hình ảnh con thuyền?
b. Đặt cạnh câu thơ: “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”, hai câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về hình ảnh con thuyền ra khơi và hình ảnh con thuyền về bến?
Câu 2: 6 điểm
Nói về lòng ghen tị, có người cho rằng: “Giữa lòng ghen tị và sự thi đua có một khoảng xa cách như giữa tật xấu xa và đức hạnh”, còn Ét-mô-đô-đơ A-mi-xi khuyên: “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại con tim”.
Suy nghĩ của em về vấn đề đó?
Câu 3: 10 điểm
Có ý kiến cho rằng: “Đặc sắc trong phong cách thơ trữ tình Hồ Chí Minh là vừa có màu sắc cổ điển vừa mang tinh thần thời đại”. Bằng hiểu biết của mình về bài thơ Tức cảnh Pác Bó và bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh, em hãy làm sáng tỏ lời nhận xét trên”.
--- Hết ---
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI HƯỚNG DẪN CHẤM THI OLYMPIC LỚP 8
 Trường THCS Mỹ Hưng 	 Môn: Ngữ văn
 Năm học 2014-2015 	 	 Thời gian 120 phút
Câu 1:
a. Từ “nghe” trong câu thơ là biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. (0,5 điểm)
- Chỉ ra và phân tích cách sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ về “con thuyền”:
+ Ngoài nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, tác giả còn sử dụng thành công nghệ thuật nhân hóa “con thuyền” – “im”, “mỏi”, “nằm”, “nghe”. (0,5 điểm)
+ Cách cảm nhận tinh tế của tác giả, nhà thơ nhìn, nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm: “Con thuyền có cả một thế giới tâm hồn phong phú và tinh tế”. (0,5 điểm)
+ Con thuyền đang lắng sâu cảm xúc của mình về biển hay chính con người làng chài đang trải nghiệm tình yêu biển. (0,5 điểm)
b. Nêu được suy nghĩ của con thuyền khi ra khơi và khi về bến
- Khi ra khơi hình ảnh con thuyền toát lên vẻ đẹp hùng tráng, mạnh mẽ. Nghệ thuật so sánh kết hợp với nhân hóa “rướn”, “thâu” góp gió, ẩn dụ “mảnh hồn làng” cho thấy con thuyền còn là biểu tượng của linh hồn làng chài. (0,75 điểm)
- Khi về bến con thuyền được nhân hóa như con người, đang say sưa, mệt mỏi, lắng nghe, cảm nhận hương vị của biển, tình yêu biển. (0,75 điểm)
- Nếu đặt 2 câu thơ cạnh nhau ta còn thấy nghệ thuật đối lập được sử dụng. (0,5 điểm)
Câu 2: 
a. Yêu cầu về kĩ năng: 1 điểm
- Biết vận dụng kiểu bài nghị luận để nêu suy nghĩ về lòng ghen tị.
- Biết sử dụng các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm phù hợp giúp làm rõ luận điểm trong bài nghị luận.
- Bài viết có kết cấu chặt chẽ luận điểm rõ ràng, luận chứng tiêu biểu, lập luận thuyết phục, diễn đạt trôi chảy, văn viết trong sáng.
b. Yêu cầu về kiến thức: 5 điểm
- Trên cơ sở những kiến thức đã được học về kiểu văn nghị luận kết hợp với các yếu tố tự sự, miêu rả, biểu cảm học sinh nêu suy nghĩ của mình về lòng ghen tị.
- Học sinh có thể tổ chức bài làm theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
+ Đặt vấn đề: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Lòng ghen tị. (1 điểm)
+ Giải quyết vấn đề: (3 điểm)
• Nêu khái niệm và các biểu hiện của lòng ghen tị. (1 điểm)
• Phân biệt giữa lòng ghen tị và sự thi đua “Giữa lòng ghen tị và sự thi đua có một khoảng xa cách như giữa tật xấu xa và đức hạnh”. (1 điểm)
• Tác hại của lòng ghen tị “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại con tim”. (1 điểm)
+ Kết thúc vấn đề: 1 điểm
• Khẳng định giữa “lòng ghen tị và sự thi đua có một khoảng xa cách” và giá trị lời khuyên của A-mi-xi.
• Nêu ý thức trách nhiệm của mình trong việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức.
(Chú ý: Học sinh có thể xây dựng hệ thống luận điểm và diễn đạt theo nhiều cách khác nhau miễn sao đáp ứng được yêu cầu của đề theo những định hướng trên.)
Câu 3:
a. Yêu cầu về kỹ năng: 1 điểm
- Hình thức một bài văn: Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, có sự phân tích, bình giá, cảm thụ về nội dung cảm xúc, các yếu tố nghệ thuật (ngôn từ, hình ảnh, thể thơ, các thủ pháp tu từ) trong hai bài thơ. (0,5 điểm)
- Diễn đạt rõ ràng, linh hoạt, uyển chuyển, không mắc các lỗi viết câu, dùng từ, chính tả. (0,5 điểm)
b. Yêu cầu về kiến thức: 9 điểm
- Giới thiệu vấn đề nghị luận
+ Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh và hai bài thơ Tức cảnh Pác Bó và Ngắm trăng. (1 điểm)
+ Dẫn dắt nêu vấn đề nghị luận
- Chứng minh màu sắc cổ điển và tinh thần thời đại ở hai bài thơ:
Bài Tức cảnh Pác Bó
+ Màu sắc cổ điển: “Thú lâm tuyền” 
• Câu thơ đầu ngắt nhịp 4/3 tạo thành hai vế sóng đôi toát lên cảm giác về sự nhịp nhàng, nề nếp, giọng điệu thật thoải mái, phơi phới cho ta thấy Bác sống thật ung dung hòa điệu với nhịp sống núi rừng. (0,5 điểm)
• Câu thơ 2 tiếp tục đẩy mạch cảm xúc đó, có chút đùa vui: lương thực, thực phẩm ở đây đầy đủ đến mức dư thừa. (0,5 điểm)
• Câu thơ thứ nhất nói về việc ở, câu thơ thứ hai nói về việc ăn, câu thơ thứ ba nói về việc làm của Bác. Tất cả đều hòa hợp cùng thiên nhiên toát lên cảm giác thích thú, bằng lòng. (0,5 điểm)
• Giọng điệu thoải mái pha chút đùa vui hóm hỉnh có phần khoa trương tạo cho nhân vật trữ tình mang dáng dấp của một ẩn sĩ, một cách lâm tuyền thực thụ. (0,5 điểm)
+ Tinh thần thời đại
• Bác tìm đến thú lâm tuyền không giống với người xưa là để “lánh đục tìm trong” hay tự an ủi mình bằng lối sống “an bần lạc đạo” mà đến với thú lâm tuyền để “dịch sử Đảng” tức là làm cách mạng. Nhân vật trữ tình mang dáng vẻ một ẩn sĩ song thực chất vẫn là người chiến sĩ. (1 điểm)
• Trung tâm của bức tranh Pác Bó là hình thượng người chiến sĩ được đặc tả bằng những nét đậm, khỏe đầy ấn tượng qua từ láy “chông chênh” và ba chữ “dịch sử Đảng” toàn vần trắc toát lên vẻ khỏe khoắn, mạnh mẽ. (1 điểm)
• Niềm vui sống giữa thiên nhiên hòa quện trong niềm vui làm cách mạng. (0,5 điểm)
Bài Ngắm trăng
+ Màu sắc cổ điển:
• Phân tích đề tài “Vọng nguyệt” và thi liệu cổ “rượu, hoa trăng”. (0,5 điểm)
• Phân tích dáng dấp thi nhân xưa của Bác qua: Cấu trúc đăng đối, nghệ thuật nhân hóa ở hai câu thơ cuối, nhất là chủ thể trữ tình yêu trăng, coi trăng như người bạn gắn bó, tri kỷ. (1 điểm)
+ Tinh thần thời đại:
• Phân tích hồn thơ lạc quan, tinh thần vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn, gian khổ biểu hiện ở sự tự do nội tại, phong thái ung dung, vượt hẳn lên sự nặng nề, tàn bạo của ngục tù. (1 điểm)
• Phân tích tâm hồn thi sĩ hòa quện trong tâm hồn chiến sĩ. (0,5 điểm)
- Kết thúc vấn đề: 0,5 điểm
+ Khẳng định qua hai bài thơ Tức cảnh Pác Bó và Ngắm trăng chúng ta thấy sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và tinh thần thời đại là một nét đặc sắc trong phong cách trữ tình Hồ Chí Minh.
-- Hết ---
Top of Form
Bottom of Form

Tài liệu đính kèm:

  • docOlympic van 8 20142015MH.doc