Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Liên Châu

doc 3 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1521Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Liên Châu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi Olympic lớp 8 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn - Trường THCS Liên Châu
PHÒNG GD & ĐT THANH OAI 
Trường THCS Liên Châu 
ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 8
 Năm học 2014-2015
Môn: Ngữ văn
 ( Thời gian 120 phút )
Câu 1 ( 4 điểm )
 Học sinh đọc hai câu thơ sau :
 “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
 Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”
 ( Quê hương - Tế Hanh )
 Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật sử dụng trong đoạn thơ. Phân tích giá trị nghệ thuật của chúng.
Câu 2 (6 điểm):
Nêu suy nghĩ của em về câu chuyện sau:
HỘP KEM
Chị ơi, xin lỗi, chị có thể đổi lại cho em hộp kem loại năm ngàn được không ạ?
Cô chủ quán lộ rõ vẻ khó chịu khi đang định đặt hộp kem loại mười ngàn xuống cho vị khách nhỏ.
Như không hề để ý đến ánh mắt xem thường của cô gái, chỉ sau một loáng, cậu bé đã ăn hết hộp kem. Tiến đến quầy trả tiền với tờ mười ngàn duy nhất trên tay, cậu bé nói nhỏ với cô gái:
- Chị vui lòng gửi phần tiền còn lại cho bác có đứa con nhỏ đang đứng trước quán giúp em nhé!
Cậu bé quay lưng, cô gái chợt lặng người nhìn ra cửa, nơi người đàn ông mù cầm cây đàn đang đứng cạnh đứa con gái bé nhỏ mà ít phút trước đó đã bị cô mời ra khỏi quán.
 (Hạt giống tâm hồn)
Câu 4 (10 điểm ) 
 Nhận xét về đoạn tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng, có ý kiến cho rằng :
“ Đây là đoạn tuyệt bút. Cả bốn bức tứ bình đều là những chân dung tự họa khác nhau của con hổ nhưng đã khái quát trọn vẹn về cái “thời oanh liệt” của chúa sơn lâm.”
 	Phân tích đoạn thơ tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng để làm rõ điều đó.
 ------------------ Hết --------------------------
PHÒNG GD & ĐT THANH OAI
Trường THCS Liên Châu 
HƯỚNG DẪN CHẤM – BIỂU ĐIỂM KÌ THI OLYMPIC LỚP 8
NĂM HỌC : 2014 - 2015
MÔN : NGỮ VĂN
Thời gian : 120 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1 ( 4 điểm)
 * Biện pháp nghệ thuật : (1,5điểm)
 - Nhân hoá : con thuyền
 - Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: nghe
* Phân tích (2,5điểm): 
 Hai câu thơ miêu tả chiếc thuyền nằm im trên bến sau khi vật lộn với sóng gió biển khơi trở về. Tác giả không chỉ “thấy” con thuyền đang nằm im trên bến mà còn thấy sự mệt mỏi, say sưa, còn “ cảm thấy” con thuyền ấy như đang lắng nghe chất muối thấm dần trong từng thớ vỏ của nó. Con thuyền vô tri đã trở nên có hồn, một tâm hồn rất tinh tế. Cũng như người dân chài, con thuyền lao động ấy cũng thấm đậm vị muối mặn mòi của biển khơi. Không có một tâm hồn tinh tế, tài hoa và nhầt là nếu không có tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người cùng cuộc sống lao động làng chài quê hương thì không thể có những câu thơ xuất thần như vậy. 
Câu 2 (6 điểm)
* Về kĩ năng: Trình bày dưới dạng một bài văn có bố cục 3 phần rõ ràng.,kết cấu hợp lí, không mắc lỗi chính tả , Trình bày khoa học ,văn phong sáng sủa. (1 điểm)
* Về nội dung: (5 điểm)
Học sinh có những cách cảm nhận riêng, trình bày theo nhiều cách khác nhau .Nhưng làm nổi bật được các nội dung cơ bản sau :
- Câu chuyện khuyên mọi người cần có thái độ ứng xử nhã nhặn với mọi người xung quanh ( nhân vật em bé trong truyện). (1điểm)
- Giáo dục lòng yêu thương con người, biết giúp đỡ mọi người khi họ gặp khó khăn( hình ảnh cha con người đàn ông mù) (1 điểm)
- Câu chuyên còn nhắc nhở những người chưa biết quan tâm tới người khác có hoàn cảnh khó khó khăn hơn mình, biết đồng cảm,chia sẻ với những giười kém may mắn, cần suy xét lại hành vi của mình( cái lặng người của cô chủ quán). (1.5điểm)
- Câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp ,hướng con người có những cử chỉ đẹp( cử chỉ nhỏ mà ý nghĩa lớn) (1.5 điểm)
Câu 3 (10,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh viết được bài văn nghị luận chứng minh, bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ trong sáng, diễn đạt lưu loát, không sai chính tả, ngữ pháp. (0.5 điểm)
* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các yêu cầu sau:
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn thơ (0.5 điểm)
- Khái quát nhận định: (1.0 điểm)
+ Đây là đoạn thơ hay, cấu trúc tứ bình: bốn cảnh, cảnh nào cũng có núi rừng hùng vĩ làm nền để hình ảnh hổ được nổi bật. Bức chân dung tự họa khác nhau: chân dung hổ trong bốn cảnh ở bốn thời điểm được vẽ lại bằng kỉ niệm, bằng hồi ức của chính nó. Thời oanh liệt : thời tự do, tung hoành, thống trị đại ngàn của chúa tể rừng xanh. 
+ Đoạn thơ này nằm trong chuỗi hồi ức về quá khứ oai hùng, mỗi cảnh gồm hai câu thơ, câu trước tả cảnh rừng, câu sau là chân dung của hổ trên nền thiên nhiên kì vĩ.
- Phân tích, chứng minh:
+ Cảnh đêm trăng đẹp, thơ mộng, huyền ảo. Hổ như một thi sĩ lãng mạn thưởng thức cái đẹp bên dòng suối.( dẫn chứng thơ và phân tích) (1,5 điểm)
+ Cảnh ngày mưa ào ạt, dữ dội. Hổ vừa như bậc quân vương uy nghi, bình tĩnh, ung dung trước mọi sự biến động, vừa giống một nhag hiền triết thâm trầm lặng ngắm đất trời thay đổi sau mưa bão ( dẫn chứng thơ) (1.5 điểm)
+ Cảnh bình minh tươi đẹp, rực rỡ. Hổ như một đế vương hưởng lạc thú, say giấc nồng giữa khúc ca của muôn loài.( dẫn chứng thơ) (1,5 điểm)
+ Cảnh hoàng hôn đỏ rực màu máu. Hổ như một bạo chúa rừng già, tàn bạo đang giành lấy quyền lực làm chủ bóng tối, làm chủ vũ trụ. (dẫn chứng thơ ) (1,5 điểm)
 -> Bộ tranh tứ bình đẹp, tái hiện quá khứ huy hoàng, tự do với cảnh núi rừng hoang sơ, thơ mộng, kì vĩ, hổ hiện lên với tư thế lẫm liệt kiêu hùng, đầy uy lực (0.5 điểm). 
-Tổng hợp, đánh giá :
+ Khẳng định ý kiến ở đề bài là chính xác. Đoạn tứ bình là đoạn tuyệt bút hay nhất của bài thơ, là bức chân dung tự họa của nhân vật trữ tình trong bốn thời điểm đã khái quát được một thời quá khứ oanh liệt, tự do, huy hoàng của chúa tể rừng xanh. (0.5 điểm)
+ Đoạn thơ mượn lời tâm sự của con hổ để diễn tả kín đáo tâm trạng và khát vọng của con người : Tâm trạng của nhà thơ lãng mạn, thân tù hãm nhưng tâm hồn vẫn nhớ thời hoàng kim của tự do, do đó bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường . Đó cũng là tâm trạng của người dân Việt Nam mất nước, nhớ tiếc khôn nguôi một “thời oanh liệt” của lịch sử dân tộc. Đoạn thơ góp phần khơi sâu cảm hứng chủ đạo của toàn bài thơ. (0.5 điểm) 
+ Nghệ thuật : Đây là đoạn thơ tiêu biểu với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo: thể thơ tám chữ với vần điệu uyển chuyển, hình ảnh thơ mang tính hội họa cao, diễm lệ, kì ảo, dữ dội và bi hùng; nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác tinh tế... (0.5 điểm)
Lưu ý: - Trên là những gợi ý chấm, giám khảo có thể thực hiện linh hoạt hướng dẫn chấm, khuyến khích đối với những ý tưởng sáng tạo, những phát hiện độc đáo mà hợp lí. 
 -Với những bài chỉ phân tích chung chung không có luận điểm, không lập luận chặt chẽ, không đánh giá được vấn đề thì không cho quá 50% số điểm 

Tài liệu đính kèm:

  • docOlympic van 8 20142015LC.doc