Đề thi khảo sát học sinh giỏi văn 9 năm học 2015 - 2016. trường THCS Chấn Hưng

doc 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 1892Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi khảo sát học sinh giỏi văn 9 năm học 2015 - 2016. trường THCS Chấn Hưng", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi khảo sát học sinh giỏi văn 9 năm học 2015 - 2016. trường THCS Chấn Hưng
PHÒNG GD&ĐT VĨNH TƯỜNG
TRƯỜNG THCS CHẤN HƯNG
ĐỀ THI KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI VĂN 9
Năm học 2015-2016.
Thời gian: 150 phút.
ĐỀ BÀI
Câu 1 : ( 2 điểm )
	Cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về được nhà thơ Nguyễn Du viết:
	Nao nao dòng nước uốn quanh
	Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
	Và cũng không gian cảnh ấy nhưng khi chia tay với Kim Trọng, tác giả Truyện Kiều lại viết :
	Dưới cầu nước chảy trong veo,
	Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
	Em hãy so sánh hai câu thơ trên và phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ độc đáo trong những câu thơ đó. 
Câu 2: (3 điểm)
Trong câu chuyện “Lỗi lầm và sự biết ơn” ( Ngữ văn 9 – Tập 1 – Trang 160) có câu:
“ Những điều viết lên cát sẽ mau chóng xóa nhòa theo thời gian, nhưng không ai có thể xóa được những điều tốt đẹp đã được ghi tạc trên đá, trong lòng người”
Trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên ? (Viết thành văn bản khoảng một trang giấy thi).
Câu 3: (5 điểm)
 Cảm nhận của em về “ Sự giao thoa giữa cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ và cảm hứng về lao động” trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận (SGK Ngữ văn 9 , tập một). 
 ------------------------------------Hết----------------------------------------
PHÒNG GD&ĐT VĨNH TƯỜNG
TRƯỜNG THCS CHẤN HƯNG
HƯỚNG DẪN CHẤM THI KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học 2015-2016.
Môn thi: Ngữ văn
Câu 1 : ( 2 điểm )
*Yêu cầu hình thức:
- Học sinh biết cách tạo dựng đoạn văn. Lời văn trong sáng,mạch lạc, giàu cảm xúc
*Yều cầu nội dung: Về cơ bản thể hiện được những ý sau:
a. So sánh hai cặp câu thơ:
- Giống nhau: 
 + Hai cặp câu thơ đều miêu tả cảnh thiên nhiên trong cùng một thời điểm: buổi chiều xuân trong tiết thanh minh.
 + Đều sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình với những từ láy giàu giá trị biểu cảm.
- Khác nhau:
 + Cặp câu thơ thứ nhất: là cảnh được miêu tả tại nơi Thúy Kiều cùng hai em gặp nấm mộ của Đạm Tiên – một nấm mồ vô chủ bên đường lạnh lẽo không có người hương khói. Cảnh vật được cảm nhận qua cái nhìn của một tâm hồn đa sầu đa cảm như Thúy Kiều nên mang nỗi buồn xao xuyến, buâng khuâng, mang mác.
 + Cặp câu thơ thứ hai: là cảnh được miêu tả gắn liền với cuộc kì ngộ và chia tay giữa người quốc sắc (Thúy Kiều) và kẻ thiên tài (Kim Trọng) trong buổi du xuân trở về ấy. Qua tâm hồn của một người con gái với tình yêu trong sáng chớm nở cảnh vật cũng trở nên thơ mộng, hữu tình và đầy thi vị.
b. Nghệ thật sử dụng từ ngữ độc đáo:
- Cặp câu thơ thứ nhất: 
+ Tác giả sử dụng các từ láy: nao nao, nho nhỏ một cách tinh tế, chính xác gợi nhiều cảm xúc cho người đọc, vừa gợi được sắc thái cảnh vật, vừa thể hiện được tâm trạng con người.
	+ Cách sử dụng từ ngữ tinh tế ấy gợi tả cảnh chiều xuân đẹp êm dịu, thơ mộng, trong trẻo và cảm xúc buâng khuâng xao xuyến về một ngày vui xuân đang còn mà sự linh cảm về một điều gì đó sắp xảy ra đã xuất hiện.
- Cặp câu thơ thứ hai:
	+ Tác giả sử dụng từ láy: thướt tha, tính từ: trong veo một cách tinh tế, chính xác, gợi nhiều cảm xúc cho người đọc, vừa gợi tả được sắc thái của cảnh vật vừa thể hiện tâm trạng con người.
	+ Đó là cảnh sắc chiều xuân thanh dịu, thơ mộng, hữu tình và cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, thiết tha trong tâm hồn nhân vật.
* Biểu điểm:
Điểm 2: Đạt tất cả các yêu cầu trên – không mắc lỗi
Điểm 1: Đạt đươc 1 /2 yêu cầu.
Câu 2: ( 6điểm)
*Yêu cầu về hình thức:
- HS biết cách làm kiểu bài nghị luận bố cục chặt chẽ, sử dụng các thao tác giải thích – chứng minh- bình luận.
*Yêu cầu về nội dung: Về cơ bản thể hiện được những ý sau:
a. Giải thích ý nghĩa câu nói:
- Những điều viết lên cát nhanh chóng bị xóa nhòa: lỗi lầm.
- Những điều được ghi tạc trên đá, trong lòng người: sự biết ơn.
b. Suy nghĩ: 
- Mỗi chúng ta suy nghĩ và biết cách xóa đi những lỗi lầm mắc phải trong cuộc sống. Những lỗi lầm đó cần được mau chóng xóa nhòa theo thời gian, không còn chỗ đứng trong cuộc sống của mỗi con người để cuộc sống tươi đẹp hơn không có đau buồn, thù hận.
- Chúng ta cần học cách khắc ghi những ân nghĩa lên đá, trong lòng người. Đó là những điều tốt đẹp, chồi non của cuộc sống, mỗi con người từ đó đơm hoa kết trái làm đẹp cho đời cho cuộc sống chúng ta.
c. Bài học rút ra được:
- Hãy bao dung độ lượng với tất cả mọi người.
- Lòng nhân ái là nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam.
- Biết tha thứ và ghi nhớ ân nghĩa, ân tình: Đây là một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất chỉ có ở con người, có nó cuộc sống đẹp hơn ý nghĩa hơn
*Biểu điểm:
- Điểm 3: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bài viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát.
- Điểm 2: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận tương đối chặt chẽ, có sự vận dụng thành công các thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt.
- Điểm 1: Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, lập luận chưa chăt chẽ, có thể còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
Câu 3: (5 điểm)
 - Vấn đề nghị luận: “Sự giao thoa giữa cảm hứng về thiên nhiên , vũ trụ và cảm hứng về lao động” trong bài thơ Đoàn thuyền đành cá của Huy Cận.
 -Phương pháp lập luận: Trình bày suy nghĩ, nhận xét, đánh giá và cảm xúc của người viết.
 -Tư liệu: Dựa vào bài thơ.
 -Nội dung: Học sinh có thể trình bày theo cách khác, song phải đảm bảo cơ bản nội dung kiến thức sau:
*Cảm hứng trước cảnh hoàng hôn trên biển và khúc hát ra khơi của đoàn thuyền đánh cá ( hai khổ đầu ).
- Nhà thơ mở ra trước mắt người đọc cảnh biển đẹp , kì vĩ , tráng lệ . mênh mang không gian bao la, mặt trời đang từ từ xuống biển đỏ như quả cầu lửa khổng lồ. Sóng đan trên mặt nước lung linh ánh vàng như cài then, sập cửa khép lại nửa chu kì nhật nguyệt. Cảnh biển trước hoàng hôn không nặng nề, tăm tối mà mang vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên tạo vận trong quy luật vận động của nó. Tác giả miêu tả với cảm hứng vũ trụ, nếu trước Cách Mạng, Vũ trụ ca còn mênh mang trời nước một nỗi buồn ảo não bơ vơ thì giờ đây niềm vui tràn ngập ấm áp giao thoa trong cảnh và người.
- Nổi bật lên bức tranh thiên nhiên kì vĩ ấy là hình ảnh đoàn thuyền đánh cá căng buồm lướt sóng ra khơi. Tâm trạng náo nức của người lao động hòa trong khúc hát lên đường đầy khí thế, nhiệt tình và khẩn trương. Họ hát cho buồm căng gió, cho cá bạc đầy khoang, cho cá thu như đoàn thoi đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!
*Cảm hứng trước cảnh biển đêm trăng và cảnh đánh bắt cá của đoàn thuyền (4 khổ tiếp),.
- Khi sóng đã cài then, đêm sập cửa thì hình ảnh vũ trụ lại chuyển sang một cảnh khác – cảnh biển đêm trăng . Không gian bao la lại tạo ra bức tranh trời nước với những ngôi sao lấp lánh, trăng chan hòa sắc vàng không gian, mây cao , gió lộng buồm căng thấm đẫm ánh trăng. Biển đẹp và sống động: “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”, “gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”.
- Sự giao thoa hai nguồn cảm hứng ở 4 khổ thơ này rất rõ, Cảm hứng lãng mạn cách mạng và cảm hứng vũ trụ đã tạo ra cảnh bắt cá của đoàn thuyền dưới đêm trăng tuyệt đẹp, hùng tráng , mơ mộng: “Thuyền ta lướt gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng”.Thật bay bổng , lãng mạn, con thuyền nhỏ nhoi trước vũ trụ bao la trở nên kì vĩ, mang tầm vóc vũ trụ , lướt giữa gió, mây , trăng sao và cánh buồm thấm đãm ánh trăng.
- Hình ảnh con người càng khỏe khoắn, lồng lộng giữa biển khơi , ra thăm dò bụng biển , tìm luồng cá, dàn đan thế trận, bủa lưới vây giăng..vừa làm vừa hát khiến công việc đánh bắt cá trên biển vốn đầy nặng nhọc , gian khổ, nguy hiểm thành bài ca lao động hào hứng, vui tươi.
- Hình ảnh con người lao động là trung tâm của bức tranh được nhà thơ khắc họa bằng nét bút giàu chất tạo hình. Thân hình chắc khỏe , gân guốc, cơ bắp cuồn cuộn, kéo lên những mẻ lưới trĩu nặng cá bạc, vàng. Trăng soi, chiếu xuống mặt biển , sóng xô bóng trăng gõ vào mạn thuyền , tạo nên nhịp sóng lấp lánh ánh trăng như xua cá vào lưới. Thiên nhiên – con người giao hòa, tạo nên bức tranh đánh bắt cá trên biển đêm trăng vừa hùng tráng vừa thơ mộng.
* Cảnh biển bình minh và đoàn thuyền đánh cá trở về trong chiến thắng (khổ cuối)
- Cảnh bình minh lên, mặt trời đội biển xòe những ngón tay hồng xua đi màn đêm còn xót lại. Biển trời bao la, sự vận động của thiên nhiên trên biển thật kì vĩ, mát mẻ , trong trẻo, tinh khôi, khoáng đãng . Gió khơi lồng lộng đưa đoàn thuyền trở về trong niềm vui chiến thắng cá đầy khoang , khép lại 1 chu trình lao động vất vả trên biển đêm . Con người lúc ra đi đẹp hào hùng đầy hứng khởi thì lúc trở về vẫn trong niềm vui chiến thắng ấy . Ánh dương đã tô điểm cho thành quả của họ thêm rực rỡ: ‘‘Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi’’.
- Sự giao thoa giữa hai nguồn cảm hứng : vũ trụ và cảm hứng cách mạng – ca ngợi người lao động đã tạo cho bài thơ những hình ảnh thiên nhiên rộng lớn , tráng lệ , độc đáo, thực mà mộng , biểu hiện niềm say sưa , hào hứng và những ước mơ bay bổng của con người muốn hòa hợp với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên.
- Đây cũng là niềm vui của nhà thơ trước cuộc sống mới , con người lao động mới. Tâm hồn Huy Cận không còn ảo não , bơ vơ trong cái tôi lẻ loi trước vũ trụ mà đã thực sự hòa vào cái ta chung của đất nước , con người. Có thể nói đây là bài thơ hay nhất của Huy Cận trong thời kì đó .
Biểu điểm:
- Điểm 5: Đáp ứng được các yêu cầu trên, diễn đạt lưu loát , lập luận chặt chẽ.
- Điểm 3-4 : Cơ bản đáp ứng những yêu cầu trên , Dẫn chứng chưa thật đầy đủ nhưng rõ các ý trọng tâm , diễn đạt tương đối tốt , có thể mắc 1 vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2: Đáp ứng khoảng ½ yêu cầu trên , dẫn chứng chưa thật đầy đủ nhưng rõ các ý , diễn đạt thoát ý tuy chưa hay, có thể mắc 1 vài sai sót.
- Điểm 1 : Chưa thật nắm vững yêu cầu của đề bài , hầu nhủ chỉ bàn luận chung chung , ít dẫn chứng, bình luận còn hạn chế , mắc

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_THI_KHAO_SAT_HSG_VAN_9_LAN_1.doc