PHÒNG GD&ĐT THANH OAI TRƯỜNG THCS XUÂN DƯƠNG ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI Môn: GDCD 9 Năm học: 2015 - 2016 Thời gian làm bài: 150 phút I. Đề bài: Câu 1: Nêu các qui định đối với người đi xe đạp? (3đ) Câu 2: Pháp lệnh phòng chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 31/5/1995 khẳng định: “Phòng chống nhiễm HIV/AIDS là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và toạn xã hội. Nhà nước có chính sách và biện pháp kịp thời để đảm bảo việc phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả”. Dựa vào kiến thức đã học em hãy làm rõ điều trên? Câu 3. Em hiểu như thế nào về chủ trương của Đảng và nhà nước ta qua câu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”? Câu 4. Vì sao công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản nhà nước và lợi ích công dân? Trách nhiệm của công dân và nhà nước đối với việc bảo vệ tài sản nhà nước và lợi ích công cộng như thế nào? Câu 5. Nêu những hiểu biết của em về “Hợp tác cùng phát triển” một xu thế chung trong quan hệ quốc tế hiện nay. Nêu một số thành quả của sự hợp tác giữa nước ta và các nước trên thế giới mà em biết? Câu 6. Em hãy nêu những tác hại của ma túy và các chất gây nghiện đối với bản thân, gia đình và xã hội? Nêu các nguyên nhân chủ yếu đưa đến nghiện ma túy và các chất gây nghiện? PHÒNG GD&ĐT THANH OAI TRƯỜNG THCS XUÂN DƯƠNG HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI Môn: GDCD 9 Năm học: 2015 - 2016 Thời gian làm bài: 150 phút Câu 1. (3đ) - Không đi dàn hàng ngang quá 2 xe. - Không đi xe lạng lách, đánh võng. - Không đi vào phần đường dành cho người đi bộ và các phương tiện khác. - Khi điều khiển xe không dùng ô hoặc điện thoại di động. - Không được kéo xe khác hoặc mang vác cồng kềnh khi tham gia giao thông. - Không buông cả 2 tay hoặc bám vào các loại xe khác. - Trẻ em dưới 7 tuổi không được đi xe của người lớn. - Không được chở quá 1 người đằng sau. Câu 2. (3đ) - HIV là một loài vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người. AIDS là giai đoạn cuối của HIV. Thể hiện triệu chứng của các bệnh khác nhau, đe dọa tính mạng con người. - Tính chất nguy hiểm của HIV/AIDS đây là đại dịch của thế giới và Việt Nam. Đó là căn bệnh vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng con người và tương lai nòi giống của dân tộc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội đất nước. - HIV/AIDS lây truyền qua 3 con đường đó là: Lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục và truyền từ mẹ sang con. - Để phòng chống HIV/AIDS pháp luật nước ta qui định: + Mọi người có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống việc lây truyền HIV/AIDS để bảo vệ cho mình, cho gia đình và xã hội. + Nghiêm cấm các hành vi mua bán dâm, tiêm chích ma túy và các hành vi lây truyền khác. + Người nhiễm HIV/AIDS có quyền được giữ bí mật về tình trạng bị nhiễm của mình, không bị phân biệt đối xử, nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng chống lây truyền bệnh. - Mỗi chúng ta cần phải tìm hiểu những qui định của pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS để chủ động phòng tránh cho mình, gia đình và xã hội. Câu 3. (4đ) - Dân biết tức là mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước phải phổ biến đến tận người dân. - Dân bàn tức là mọi người dân đều có quyền tham gia ý kiến xây dựng dự thảo sửa đổi hiến pháp, pháp luật, các chủ trương chính sách của nhà nước. - Dân làm tức là mọi người phải tham gia thực hiện đúng chủ trương pháp luật của nhà nước. - Dân kiểm tra có nghĩa là dân có quyền góp ý, chất vấn đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Câu 4. (4đ) - Tài sản nhà nước bao gồm đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời, là của nhà nước, đều thuộc quyền sở hữu toàn dân do nhà nước chịu trách nhiệm quản lí. - Lợi ích công cộng là những lợi ích chung dành cho mọi người và xã hội. - Vai trò của tài sản nhà nước và lợi ích công cộng: Nó là cơ sở vật chất của xã hội để phát triển kinh tế đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân xây dựng XHCN. - Nghĩa vụ của công dân về tôn trọng và bảo vệ tài sản nhà nước và lợi ích công cộng: + Cần tìm hiểu các qui định của pháp luật về tài sản nhà nước và lợi ích công cộng. + Không xâm phạm tài sản nhà nước và lợi ích công cộng. + Khi được nhà nước giao quản lí, sử dụng tài sản nhà nước phải bảo quản, giữ gìn, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, không tham ô, lãng phí. + Học sinh cần nghiêm chỉnh thực hiện tốt nội qui,những qui định của lớp, của trường, bảo quản cơ sở vật chất của trường. - Trách nhiệm của nhà nước: Nhà nước thực hiện quản lí tài sản bằng việc ban hành và tổ chức thực hiện các qui định pháp luật về quản lí và sử dụng tài sản nhà nước, tuyên truyền giáo dục mọi công dân thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản nhà nước và lợi ích công cộng. Câu 5. (3đ) * Khái niệm hợp tác: - Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ hỗ trợ nhau trong công việc, lĩnh vực nào đó vì mục đích chung. - Hợp tác phải dựa trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi và không làm phương hại đến lợi ích của người khác. * Ý nghĩa của sự hợp tác: Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những vấn đề bức xúc có tính toàn cầu: Bảo vệ môi trường, bùng nổ dân số, khắc phục tình trạng đói nghèo mà không một quốc gia, một dân tộc riêng lẻ nào có thể tự giải quyết thì sự hợp tác quốc tế là vấn đề quan trọng và tất yếu. * Chủ trương của Đảng và nhà nước ta về đối ngoại: Coi trọng tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới với các nguyên tắc: + Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. + Không can thiệp nội bộ, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. + Bình đẳng cùng có lợi. + Giải quyết bất đồng bằng thương lượng hòa bình. + Phản đối âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt, cường quyền, can thiệp nội bộ nước khác. * Một số thành quả của sự hợp tác: - Cầu Mĩ Thuận. - Nhà máy thủy điện Hòa Bình. - Cầu Thăng Long. - Khu chế xuất lọc dầu Dung Quất. Câu 6. (3đ) * Tác hại: - Ảnh hưởng đến sức khỏa, rối loạn sinh lí, nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B, C, các bệnh nhiễm khuẩn kèm theo. -Ảnh hưởng tới nhân cách, đạo đức. - Ảnh hưởng tới xã hội. * Nguyên nhân: - Sử dụng thuốc có chứa ma túy không theo chỉ định của bác sĩ. - Thiếu hiểu biết về các chất gây nghiện. - Tò mò, đua đòi. - Bế tắc trong cuộc sống. - Để giải trí, để có thành tích cao trong thể thao. - Tập quán địa phương. - Sự gia tăng của thị trường ma túy. - Bị rủ rê, bị lừa gạt, bị ép buộc. - Thiếu sự quan tâm của gia đình và xã hội. - Các nguyên nhân khác.
Tài liệu đính kèm: