Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2015 - 2016

doc 7 trang Người đăng haibmt Lượt xem 2556Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2015 - 2016", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2015 - 2016
Phòng GD &ĐT Thanh Oai
Trường THCS Nguyễn Trực-KB
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
 Năm học 2015-2016
Môn Ngữ văn
Thời gian làm bài: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (4,0 điểm)
 Cảm nhận về chi tiết vết thẹo trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng ?
Câu2:(4,0điểm)
 Trong bức thư của một du học sinh Nhật bàn về “Văn hóa Việt” có đoạn: 
“Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”.
Là một người Việt trẻ tuổi, bạn suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
Câu 3 : ( 12 điểm ) 
Có ý kiến cho rằng: “Bài thơ “Đồng chí ”của Chính Hữu là một bức tranh tráng lệ, cao cả, thiêng liêng về người chiến sĩ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Em hiểu điều đó như thế nào? Hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ.
........Hết........
Hướng dẫn chấm
Câu 1 : (4 điểm)
*. Yêu cầu :
I . Về hình thức:
    Thí sinh có thể viết thành đoạn văn hoặc bài văn nghị luận văn học ngắn, diễn đạt lưu loát,  không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả.
II . Về nội dung:
 Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cơ bản nêu được các ý sau:
 1. Nêu được vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện:                                     
- Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất tạo nên tác phẩm; để làm nên một chi tiết nhỏ có giá trị đòi hỏi nhà văn phải có sự thăng hoa về cảm hứng và tài năng nghệ thuật.
- Nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù: Tầm vóc của người nghệ sỹ có thể được làm nên từ những yếu tố nhỏ nhất. Nhà văn lớn có khả năng sáng tạo được những chi tiết nhỏ nhưng giàu giá trị biểu đạt, góp phần đắc lực trong việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
 2. Đánh giá giá trị của chi tiết “vết thẹo” trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của NguyễnQuangSáng.                                                                                                        a. Giá trị nghệ thuật:                                                                                    
- Tạo sự hoàn chỉnh, chặt chẽ cho cốt truyện: Vết thẹo trên mặt ông Sáu là chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nối kết các tình tiết trong truyện,  tạo nên nghệ thuật thắt nút, mở nút bất ngờ, hợp lý:
     + Ông Sáu trở về gia đình gặp con vì vết thẹo mà bé Thu không  nhận cha.
     + Nhờ vết thẹo mà khi bà giải thích Thu hiểu cha và hối hận.
     + Thu nhận cha, yêu cha, yêu vết thẹo, không muốn chia tay cha.
- Tạo kịch tính, tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm.
   b. Giá trị nội dung: Chi tiết nhỏ nhưng góp phần thể hiện nội dung truyện.
 - Vết thẹo là chứng tích của chiến tranh, chiến tranh đã gây ra nỗi đau về thể xác và tinh thần cho con người, đã chia cắt nhiều gia đình.
-  Chứng tỏ chiến tranh có thể hủy diệt tất cả nhưng không thể hủy diệt được tình cảm con người: cụ thể tình cha con.
- Làm rõ nét vẻ đẹp của các nhân vật:
      + Ông Sáu yêu nước, dũng cảm,dám chấp nhận hi sinh.
      + Bé Thu có cá tính mạnh mẽ, có tình yêu thương cha sâu sắc, mãnh liệt.
*. Biểu điểm :
- Điểm 4 : Đáp ứng tất cả các yêu cầu trên, không mắc lỗi .
- Điểm 3 : Đáp ứng 2/3 yêu cầu, còn mắc một số lỗi .
- Điểm 2 : Đủ 1/2 yêu cầu , còn mắc một số lỗi diễn đạt .
- Điểm 1: Đạt dưới 1/2 yêu cầu, mắc nhiều lỗi .
Câu 2: (4,0 điểm)
*. Yêu cầu:
I. Về kĩ năng:
- Thí sinh thể hiện tốt kĩ năng làm văn nghị luận xã hội.
- Bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.
II. Về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
1. Giải thích ý kiến
- Tự hào: là sự hãnh diện, tự tin về điều gì đó.
- 4000 năm văn hiến: là quá trình lịch sử dài lâu, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo nên những truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp của dân tộc.
- Xấu hổ: cảm giác hổ thẹn vì lỗi lầm hoặc sự kém cỏi, không xứng đáng.
- 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”: chỉ sự tương phản đầy nghịch lý, nhấn mạnh những truyền thống văn hoá lâu đời tốt đẹp chỉ là lý thuyết đóng khung trong sử sách, còn thực tế đời sống không chứng minh cho truyền thống văn hoá lâu đời đó.
Ý cả câu là một lời cảnh tỉnh đối với mỗi người Việt Nam: không nên ngủ quên trong quá khứ và hãnh diện về truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc mà cần để truyền thống văn hoá tốt đẹp đó thể hiện trong thực tế cuộc sống hàng ngày.
2. Phân tích lý giải
2.1. Vì sao nói “thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến”?
- Vì trong thực tế không phải dân tộc nào cũng có lịch sử phát triển lâu đời như vậy.
- Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, hình thành bản sắc văn hoá của dân tộc với những nét tốt đẹp, biểu hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực của đời sống.
2.2. Vì sao nói “Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”?
- Vì 4000 năm văn hiến là nền tảng, hành trang quý báu, nhưng nó hoàn toàn là thành tựu của quá khứ. Không thể chỉ tự hào về những điều trong sử sách, vì văn hoá của một dân tộc cần biểu hiện thành những điều cụ thể trong cuộc sống hiện tại.
- Thực tế hiện nay đáng cảnh báo vì sự xuống cấp của những giá trị văn hoá trong lối sống, VD: truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái ngàn xưa đang đứng trước nguy cơ bị đẩy lùi bởi thói vô cảm và chủ nghĩa cá nhân; truyền thống trọng tình nghĩa mai một trước chủ nghĩa thực dụng và toan tính....
3. Đánh giá
- Ý kiến trên có tác dụng nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi người Việt Nam nhìn lại chính mình, để biết trân trọng quá khứ của cha ông đồng thời có ý thức gìn giữ và phát triển những truyền thống văn hoá tốt đẹp trong hiện tại.
- Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu không ghi nhận những tấm gương nỗ lực để bảo vệ và phát huy truyền thống đó trong đời sống. Từ đó, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
*. Cách cho điểm
- Điểm 4:Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, văn viết giàu hình ảnh, bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
- Điểm 3:Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, văn viết giàu hình ảnh, có thể mắc một vài lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm 2 : Đáp ứng 1/2 yêu cầu,mắc lỗi diễn đạt và chính tả .
- Điểm 1:Bài viết còn sơ sài, diễn đạt chưa tốt sai nhiều lỗi chính tả.
- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
Câu 3: (12 điểm)
I. Yêu cầu về kỹ năng:
- Làm đúng thể loại nghị luận văn học.
- Có kỹ năng làm bài văn giải thích kết hợp với chứng minh.
- Xây dựng hệ thống lập luận chặt chẽ, lôgic.
- Văn viết trong sáng, giàu cảm xúc.
II. Yêu cầu về kiến thức:
 	1. Giải thích ý nghĩa lời nhận định:
- Lời nhận định trên đã đánh giá chính xác sự thành công của bài thơ “Đồng chí ”.
+ Bởi lẽ, nói tới bức tượng đài tráng lệ là nói tới hình ảnh của một người nào đó được khắc hoạ để bền vững với núi sông, trường tồn với thời gian. Còn nói tới sự tráng lệ là nói tới vẻ đẹp rực rỡ, lộng lẫy. 
- Như vậy, lời nhận định trên đã khẳng định rằng, nhà thơ chính Hữu đã xây dựng được hình ảnh người chiến sĩ hiện lên trong bài thơ với vẻ đẹp rực rỡ, cao cả, thiêng liêng. Hình tượng nghệ thuật ấy được xây dựng bằng ngôn từ sống mãi với thời gian, sống mãi trong tâm trí bạn đọc.
2. Chứng minh:
a. Trước hết người đọc cảm nhận được vẻ đẹp rực rỡ, cao cả, thiêng liêng của người chiến sĩ là tình đồng chí xuất phát từ cở của sự hình thành tình đồng chí.
 	- Xuất thân nghèo khổ: Nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá
 	- Chung lí tưởng chiến đấu: Súng bên súng, đầu sát bên đầu
 	- Chia sẻ mọi khó khăn, gian lao cũng như buồn vui của cuộc đời người lính: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
 	- Kết thúc đoạn là dòng thơ chỉ có một từ : Đồng chí (một nốt nhấn, một sự kết tinh cảm xúc).
 	 b. Vẻ đẹp rực rỡ, cao cả, thiêng liêng của người chiến sĩ còn được thể hiện ở tình đồng chí gắn bó với nhau trong cuộc sống gian lao:
 	- Họ cảm thông chia sẻ tâm tư, nỗi nhớ quê: nhớ ruộng nương, lo cảnh nhà gieo neo (ruộng nương gửi bạn, gian nhà không  lung lay), từ “mặc kệ” chỉ là cách nói có vẻ phớt đời, về tình cảm phải hiểu ngược lại), giọng điệu, hình ảnh của ca dao (bến nước, gốc đa) làm cho lời thơ càng thêm thắm thiết.
 	- Cùng chia sẻ những gian lao thiếu thốn, những cơn sốt rét rừng nguy hiểm: những chi tiết đời thường trở thành thơ, mà thơ hay (tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh,) ; từng cặp chi tiết thơ sóng đôi như hai đồng chí bên nhau : áo anh rách vai / quần tôi có vài mảnh vá ; miệng cười buốt giá / chân không giày ; tay nắm / bàn tay.
 	 - Kết đoạn cũng quy tụ cảm xúc vào một câu: Thương nhau tay nắm lấy bàn tay (tình đồng chí truyền hơi ấm cho đồng đội, vượt qua bao gian lao, bệnh tật).
 	c. Đặc biệt vẻ đẹp cao cả, thiêng liêng của tình đồng chí còn được thể hiện thật lãng mạn, thơ mộng khi họ sát cánh bên nhau trong chiến hào chờ giặc
 	- Cảnh chờ giặc căng thẳng, rét buốt : đêm, rừng hoang, sương muối.
 	- Họ càng sát bên nhau vì chung chiến hào, chung nhiệm vụ chiến đấu, chủ động trong tư thế: chờ giặc.
 	- Cuối đoạn mà cũng là cuối bài cảm xúc lại được kết tinh trong câu thơ rất đẹp: Đầu súng trăng treo (như bức tượng đài người lính, hình ảnh đẹp nhất, cao quý nhất của tình đồng chí, cách biểu hiện thật độc đáo, vừa lãng mạn vừa hiện thực, vừa là tinh thần chiến sĩ vừa là tâm hồn thi sĩ,)
 	3- Khẳng định ý nghĩa lời nhận định....
- Đề tài dễ khô khan nhưng được Chính Hữu biểu hiện một cách cảm động, sâu lắng nhờ biết khai thác chất thơ từ những cái bình dị của đời thường. Đây là một sự cách tân so với thơ thời kì kháng chiến cống Pháp viết về người lính.
 	- Viết về bộ đội mà không tiếng súng nhưng tình cảm của người lính, sự hi sinh của người lính vẫn cao cả, hào hùng...
III. Biểu điểm:
 - Điểm 11 - 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên; văn viết giàu hình ảnh; phân tích, chứng minh sâu sắc, diễn đạt tốt, chữ viết rõ ràng.
 - Điểm 9 - 10: Bài viết đã đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên nhưng có chỗ chưa sâu sắc. 
 - Điểm 7 - 8: Bài viết đáp ứng 2/3 yêu cầu , có lỗi diễn đạt 
- Điểm 5 - 6: Bài viết đáp ứng 1/2 yêu cầu của đề bài nhưng mắc nhiều lỗi diễn đạt. 
- Điểm 3 - 4: Bài viết lộn xộn, bố cục chưa rõ ràng, mắc nhiều lỗi dùng từ và diễn đạt. 
- Điểm 1 - 2: Nội dung bài viết quá sơ sài, lan man chưa có trọng tâm. 
- Điểm 0 hoàn toàn lạc đề .
Hết

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_dap_an_HSG_van_9_nam_2015_NT.doc