Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn

doc 6 trang Người đăng haibmt Lượt xem 4788Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2014 - 2015 môn thi: Ngữ Văn
 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
 Năm học 2014- 2015
 Môn thi: Ngữ văn
 Thời gian làm bài :150 phút
 (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1(4 đ):
Cảm nhận của em về khổ thơ sau:
 “Không có kính, rồi xe không có đèn,
 Không có mui xe, thùng xe có xước,
 Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
 Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
 ( Bài thơ về tiểu đội xe không kính- Phạm Tiến Duật) 
Câu 2 (6đ):
 “Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công”
 Viết mội bài văn ngắn không quá 2 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.
Câu 3 (10 đ):
 Cảm nhận về nét đẹp ân tình, thủy chung của con người Việt Nam qua hai bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt) và Ánh trăng (Nguyễn Duy).
 HƯỚNG DẪN CHẤM HỌC SINH GIỎI LỚP 9
 NĂM HỌC 2014-2015
 Môn thi: Ngữ văn
 Câu 1: (4đ)
* Hình thức: Yêu cầu viết dưới dạng một bài văn nhỏ hoặc đoạn văn: 0.5đ.
 * Nội dung và nghệ thuật phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Khổ thơ cuối của bài thơ cho chúng ta thấy ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (0,5đ)
- Trải qua mưa bom bão đạn, những chiếc xe ban đầu đã không có kính, nay càng trở nên hư hại hơn, vật chất ngày càng thiếu thốn. (0,5đ)
- Điệp ngữ “không có” được nhắc lại ba lần không chỉ nhấn mạnh sự thiếu thốn đến trần trụi của những chiếc xe mà còn cho ta thấy mức độ ác liệt của chiến trường. Nhưng không có gì có thể cản trở được sự chuyển động kì diệu của những chiếc xe không kính ấy. (0,5đ)
- Bom đạn quân thù có thể làm biến dạng chiếc xe nhưng không đè bẹp được tinh thần, ý chí chiến đấu của những chiến sĩ lái xe. Xe vẫn chạy không chỉ vì có động cơ máy móc mà còn có một động cơ tinh thần “Vì miền Nam phía trước”. (0,5đ)
- Đối lập với tất cả những cái “không có” ở trên là một cái “có”. Đó là trái tim - sức mạnh của người lính. Sức mạnh con người đã chiến thắng bom đạn kẻ thù. (0,5đ)
- Trái tim ấy thay thế cho tất cả những thiếu thốn “không kính”, “không đèn”, “không mui ” hợp nhất với người chiến sĩ lái xe thành một cơ thể sống để tiếp tục tiến lên phía trước hướng về miền Nam thân yêu. (0,5đ)
- Trái tim yêu thương, trái tim can trường của người chiến sĩ lái xe trở thành nhãn tự bài thơ, cô đúc ý toàn bài, hội tụ vẻ đẹp của người lính và để lại cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc. (0,5đ)
- Trái tim người lính toả sáng rực rỡ mãi đến mai sau khiến ta không quên một thế hệ thanh niên thời kỳ chống Mỹ oanh liệt của dân tộc. (0,5đ) 
Câu 2: (6đ)
Bài làm đáp ứng được những yêu cầu sau:
 - Về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần phải triển khai các ý cơ bản sau:
 * Ý nghĩa của câu nói: ( 1đ)
- Ngọn lửa và ánh sáng là cách nói bóng bẩy, hình ảnh để diễn tả ý thức tự vận động, ý thức phấn đấu vươn lên, tính kiên trì, lòng đam mê, khát vọng cháy bỏng của bản thân trong công việc, trong cuộc đời mới đạt được những thành công rực rỡ. (0,5đ) 
-Bản chất của thành công trước hết phải do sự cố gắng vươn lên của chính bản thân chứ không phải do người khác đem lại cho mình. (0,5đ) 
 *Bình luận: (2,5đ)
- Câu nói xác đáng cũng có thể xem như một chân lí cuộc sống. Thành công của mỗi người là kết quả của quá trình đổ mồ hôi, sôi giọt máu, công sức, thời gian, bản lĩnh, trí tuệ, gian nan, vất vả, thậm chí phải nếm trải nhiều thất bại mới có được. (0,5đ) 
-Song chỉ chăm chỉ, cần cù thôi chưa đủ, ta phải biến mình thành ngọn lửa – ngọn lửa của sức mạnh, niềm tin, tình yêu, sự đam mê cháy bỏng, nhiệt huyết của tuổi trẻ mới có thể làm bừng sáng lên ánh sáng của thành công. (0,5đ) 
-Người khác có công chỉ bảo, dẫn dắt ta trên con đường đến với thành công, song điều quan trọng, căn bản phải ở chính ta. Ta tự đốt cháy ta, nhóm lên lửa trong ta mới tỏa sáng được chính ta. (0,5đ) 
-Ai đó cho rằng thành công là do sự may mắn hay phần lớn do người khác giúp đỡ, đem lại là chưa hoàn toàn đúng. Cái chính phải dựa vào sức của mình. (0,5đ) 
-Những người lười biếng, ăn bám, ỷ lại thì trên con đường thành công chẳng có bước chân của họ. (0,5đ) 
* Chứng minh: (1,5 đ)
- Lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để chứng minh.
* Bài học : (1đ)
- Ánh sáng của thành công không phải do người khác tỏa sáng, soi chiếu mà nó được chiếu sáng từ chính ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, ý thức trách nhiệm ở trong ta.(0,5đ)
- Lười biếng chẳng những không có thành công nào mà còn là nguyên nhân của đói nghèo, buồn chán và mọi thói xấu khác. (0,5đ)
Câu 3 (10 đ):
*Yêu cầu về kỹ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học về tác phẩm thơ.
- Kết cấu chặt chẽ bố cục ba phần rõ ràng, diễn đạt lưu loát, trình bày sạch sẽ, ít mắc lỗi về từ, câu, lỗi chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức:
1. Mở bài (1đ): Giới thiệu vấn đề bàn luận truyền thống ân tình, thủy chung của con người Việt Nam qua hai bài thơ Bếp lửa và Ánh trăng.
2.Thân bài (8đ):
 *Đôi nét về truyền thống ân tình, thủy chung của con người Việt Nam. (0,5đ)
 * Nét đẹp ân tình, thủy chung trong bài “ Bếp lửa” của Bằng Việt.
 - Trong bài thơ Bếp lửa, truyền thống ân tình, thủy chung được thể hiện trong tấm lòng của người cháu yêu thương và nhớ ơn bà khi đã khôn lớn trưởng thành. Nơi đất khách quê người nhưng anh vẫn đau đáu nhớ về bà, nhớ về năm tháng tuổi thơ xa cha mẹ, gắn bó với bà. Những năm tháng đói mòn đói mỏi được bà che chở nâng niu chăm sóc( dẫn chứng) . (0. 5đ) 
 - Cháu nhớ bà, xót xa, thương cảm, thấu hiểu cuộc đời nhiều gian khổ mà giàu đức hi sinh của bà.( dẫn chứng) (0, 5đ)
 - Cháu khẳng định công lao to lớn của bà. Bếp lửa bà nhóm hàng ngày không chỉ là bếp lửa bình thường , nó là tình yêu thương vô bờ của bà đối với con cháu. Nó là ngọn lửa của niềm tin, đức hi sinh, tinh thần kiên cường của bà .Nó là ngọn lửa thiêng liêng, kỳ diệu tiếp thêm sức mạnh, khơi nguồn khát vọng, tỏa sáng tâm hồn, sưởi ấm suốt cuộc đời cháu. ( dẫn chứng) (0, 5đ)
- Bếp lửa- lòng bà thật thiêng liêng, kì diệu, nó luôn nhắc nhở cháu nhớ và biết ơn cội nguồn sinh dưỡng của mình đó là gia đình, quê hương, Tổ quốc. ( dẫn chứng) (0, 5đ)
* Nét đẹp ân tình, thủy chung trong bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy .
 - Trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, truyền thống ân tình thủy chung thể hiện qua lời tâm tình người chiến sĩ . (0, 5đ)
-Anh kể hồi tuổi thơ sống với đồng, với sông, với bể, đến hồi chiến tranh anh là người lính ở rừng, suốt những năm tháng tuổi thơ và trưởng thành anh gắn bó với trăng, với thiên nhiên. Vầng trăng đã thành tri kỉ, ngỡ không bao giờ quên vầng trăng tình nghĩa.( dẫn chứng) (0, 5đ)
 - Nhưng từ khi về thành phố- chiến tranh đã qua đi, cuộc sống quen với ánh điện cửa gương anh đã vô tình, lãng quên quá khứ, những năm tháng gian lao, sâu nặng nghĩa tình. ( dẫn chứng) (0, 5đ)
-Anh giật mình thức tỉnh lương tâm khi trăng- người đối diện. . .( dẫn chứng) (0, 5đ)
- Những suy ngẫm sâu sắc và triết lí của nhà thơ, lời nhắn nhủ mọi người luôn độ lượng, vị tha. Hãy sống ân tình thủy chung với quá khứ với lịch sử, với nhân dân, với đất nước. .( dẫn chứng) (0, 5đ)
* Vài nét về nghệ thuật (1đ)
+ Bếp lửa:
- Thể thơ tám chữ, âm hưởng giọng điệu thiết tha, tràn trề cảm xúc.(0,25đ)
- Hình ảnh thơ bình dị và gợi cảm, có sức lay động tâm hồn người Việt. (0,25đ)
 + Ánh trăng:
- Thể thơ năm chữ, giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng sâu lắng chất chứa suy tư. .(0,25đ)
- Hình tượng vầng trăng, ánh trăng mang biểu tượng gợi suy tư sâu xa. .(0,25đ)
* Đánh giá: Ân tình thuỷ chung luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống ấy bao trùm cách sống, cách ứng xử của con người Việt Nam trong mọi quan hệ. Quan hệ với quá khứ, với lịch sử, với nhân dân và đất nước (1đ)
3. Kết bài (1đ).
- Mỗi bài thơ một nét đẹp ân tình, chung thủy. Đó là nét đẹp truyền thống đạo lí của dân tộc.
- Tuổi trẻ cần rèn luyện bản thân và giữ gìn truyền thống tốt đẹp ấy, nhất là trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe HSG van 2014 Tam Hung.doc