Đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn: Ngữ Văn

doc 4 trang Người đăng haibmt Lượt xem 6266Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn: Ngữ Văn
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Môn: Ngữ Văn
Thời gian: 150 phút
( Không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (4 điểm)
Cảm nhận của em về khổ thơ cuối trong “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận:
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
( Ngữ văn 9 – tập một)
Câu 2:( 4 điểm)
Chuyện về một cuộc thi
Tại thế vận hội đặc biệt Seatte (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về vật chất hoặc tinh thần cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua chạy cự li 100 m.
Khi súng hiệu nổ, tất cả cùng lao đi với quyết tâm chiến thắng. TRừ một cậu bé. Cậu cứ vấp ngã liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ, ngoái lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả, không thiếu một ai. Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé:
Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn.
Cô gái nói xong,cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích.
( Theo quà tặng cuộc sống)
Bài học về cuộc sống mà em cảm nhận được từ câu chuyện trên?
Câu 3:( 12 điểm)
Đánh giá bài thơ “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, Đặng Quốc Khánh đã nhận xét: “ Chất giọng trẻ, chất lính của bài thơ bắt nguồn từ tâm hồn phơi phới của thế hệ chiến sĩ Việt Nam thời chống Mĩ”. Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định trên.
HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM
Câu 1:
 Bài làm của học sinh cần đáp ứng những yêu cầu sau:
Về nội dung:
 -Bức tranh ở khổ thơ cuối bài thơ “đoàn thuyền đánh cá” là bức tranh hoành tráng với âm thanh, hình ảnh tràn đầy sức mạnh của con người, đoàn thuyền và ngập tràn ánh sáng.
 - Câu hát cùng gió khơi đưa thuyền đi nay vẫn câu hát ấy căng buồm đưa thuyền về. Nhưng giờ đây không chỉ còn là sức mạnh của gió mà sức mạnh niềm vui con người như được nhân lên vì thuyền đầy cá. Nếu ở khổ đầu, sau khi màn đêm bao trùm trên biển, khi đó con người mở cửa đêm ra khơi đánh cá thì giờ đây họ - những người dân chài đang “chạy đua cùng mặt trời”. Không còn là sự tiếp nối của nhịp sống tự nhiên, con người mà quan hệ của thiên nhiên, con người là quan hệ song song, đua tranh. Chạy đua vói mặt trời cũng là chạy đua với thời gian.Con người đang giữ lấy từng giây, từng phút, đang vượt lên trên cả thời gian để tạo của cải cho cuộc sống mới, để xây dựng cống hiến. Những con người lao động đã về đến bến khi bình minh vừa ló dạng.
 -Cảnh biển một ngày mới được mở rộng đến muôn dặm và tràn ngập ánh sáng. Hình ảnh nhân hóa “mặt trời đội biển” đi lên mở ra một ngày mới tốt đẹp hơn,ánh sáng của mặt trời không chỉ mang đến màu của cảnh vật mà còn mang “ màu mới” cho cuộc sống mà những người lao động đang từng ngày, từng giờ cống hiến. Sức tưởng tượng của bút pháp lãng mạn khiến bờ bãi thuyền về trong dòng thơ cuối rực rỡ huy hoàng ánh sáng.
 - Mắt của ngàn vạn con cá phơi trên bờ biển như cùng hướng về một phía phản chiếu tai sáng bình minh rực sáng muôn dặm dài xa như bờ biển đất nước.
 B- Hình thức:
 Học sinh có thể trình bày và lập luận khác nhau song bài viết phải có kết cấu chặt chẽ, có khả năng cảm thụ tốt, phân tích thỏa đáng làm sáng rõ nội dung yêu cầu của đề bài. Văn viết mạch lạc có cảm xúc.
 Biểu điểm:
3,5-4 điểm: Cảm nhận đúng, có ý sâu sắc, tinh tế, diễn đạt tốt.
2,5- 3 điểm: Cảm nhận đúng, khá đầy đủ, sâu sắc tinh tế, diễn đạt khá.
1,5- 2 điểm: Cảm nhận được nhưng nhìn chung chưa sâu sắc, mắc ít lỗi diễn đạt.
0,5- 1 điểm: Cảm nhận còn hời hợt, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
0 điểm: Lạc đề, bỏ giấy trắng.
Câu 2:
Bài làm cần đáp ứng những yêu cầu sau:
Về nội dung:
Xác định ý nghĩa của câu chuyện:
- Câu chuyện diễn ra ở một thế vận hội của những người khuyết tật, nơi con người luôn khao khát chiến thắng để khẳng định mình, xóa đi những mặc cảm là người tàn phế, để có thêm niềm tin vào nghị lực sống.
- Tám con người, tám hoàn cảnh, tám nỗi đau tật nguyền nhưng có chung một tấm lòng cảm thông, yêu thương, sẵn sàng hi sinh chiến thắng của mình vì người khác.
- Cô bé bị bệnh Down tưởng như khiếm khuyết nhất về trí tuệ đã có những lời nói thật dịu dàng, yêu thương, động viên cậu bé bất hạnh, giúp cậu chiến thắng nỗi buồn, sự mặc cảm.
Bài học rút ra:
- Hãy biết cảm thông, chia sẻ, biết hi sinh vì mọi người. Đó là chiến thắng lớn nhất trong cuộc đời mỗi con người: chiến thắng sự ích kỉ.
- Chiến thắng không phải là tất cả. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta biết giúp đỡ người khác cùng chiến thắng dù ta có phải chậm lại một bước.
- Cách nhìn nhận đánh giá con người của chúng ta. Có thể họ khiếm khuyết về mặt thể chất nhưng tâm hồn họ đầy tròn thương yêu, chia sẻ, cảm thông
 B Về hình thức:
 Học sinh biết cách làm bài nghị luận. Bài viết có bố cục chặt chẽ. Biết vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luuaanj: giải thích, chứng minh, bình luận.
Biểu điểm:
 3,5- 4 điểm: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
 2,5- 3 điểm: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức. Có lập luận tương đối chặt chẽ, vận dụng thành công các thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt.
 1,5- 2 điểm: Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng cơ bản các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, lập luận chưa chặt chẽ, còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
 0,5- 1 điểm: Chưa nắm vững yêu cầu của đề, chưa đáp ứng được ½ yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, mắc lỗi chính tả và diễn đạt.
 0 điểm: để giấy trắng.
Câu 3:
 A Về nội dung:
 Bài làm cần có các ý cơ bản sau:
 + Giới thiệu lời nhận xét.
 +Giới thiệu bài thơ về nhan đề, kết cấu và thể thơ.Bài thơ viết theo thể thơ tự do, câu thơ dài ngắn khác nhau phù hợp với giọng điệu trẻ trung, ngang tàng của chất lính Trường Sơn, trả qua những khốc liệt của chiến tranh nhưng họ vẫn phơi phới niềm tin.
 + Bài thơ theo mạch cảm xúc với hai hình ảnh gắn liền nhau: xe không kính và người chiến sĩ lái xe.
 + Hiện thực khốc liệt của thời kì chiến tranh qua hình ảnh những chiếc xe không kính.
 + Hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu vì miền Nam.Tin tưởng chiến thắng,lòng người phơi phới say mê trước những chặng đường đã đi và đang đến. Họ luôn có niềm tin về một ngày mai chiến thắng.
 +Bài thơ ca ngợi người chiến sĩ lái xe Trường Sơn dũng cảm, hiên ngang, tràn đầy niềm tin chiến thăng. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
 B Về hình thức:
 Viết đúng kiểu bài nghị luận về tác phẩm thơ.Vận dụng nhuần nhuyễn các phép lập luận, kết hợp tốt các phương pháp biểu đạt. Bố cục rõ ràng, chặt chẽ, văn viết mạch lạc, từ ngữ trongg sáng, giàu cảm xúc, không mắc lỗi về câu, từ, chính tả thông thường.
 Biểu diểm:
 11-12 điiểm: Hoàn thành tốt những yêu cầu trên.
 9-10 điểm: Hoang thành tương đối tốt các yêu cầu của đề, có hiểu biết về thể loại, chủ động trong việc nêu vấn đề và lựa chọn lập luận.
 7-8 điểm: Định hướng đúng, nắm được nội dung tác phẩm. Có hiểu biết cơ bản về thể loại song chưa thuần thục về kĩ năng.
 5-6 điểm: Định hướng đúng, nắm được nội dung tác phẩm nhưng chưa thật chắc. Còn lúng túng trong việc triển khai vấn đề.
 3-4 điểm: Nắm chưa đúng tác phẩm, còn lúng túng trong lập luận, kĩ năng, chủ yếu diễn xuôi.
 1-2 điểm: Chủ yếu diễn xuôi, làm được ít bài.
 0 điiểm; Bỏ giấy trắng.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG_Van_9_2015.doc