Đề thi học sinh giỏi huyện năm học 2015- 2016 môn: Ngữ văn 9 - Trường THCS Cao Viên

docx 5 trang Người đăng haibmt Lượt xem 9848Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi huyện năm học 2015- 2016 môn: Ngữ văn 9 - Trường THCS Cao Viên", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi huyện năm học 2015- 2016 môn: Ngữ văn 9 - Trường THCS Cao Viên
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS CAO VIÊN
	 	ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI HUYỆN 
 	Năm học 2015- 2016
 	 Môn: Ngữ Văn 9
	Thời gian làm bài: 150 phút
 	 (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1.(4 đ)
	Nhận xét về cách kết thúc " Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, có ý kiến cho rằng: " Truyện kết thúc có hậu, thể hiện được ước mong của con người về sự công bằng trong cuộc đời", song có ý kiến khác lại khẳng định: " Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ở ngay cái kết lung linh kì ảo".
	Hãy trình bày suy nghĩ của em về hai ý kiến trên.
Câu 2. (6đ)
	Nhà văn người Mĩ Helen Keller có nói: " Tôi đã khóc vì không có giầy để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giầy".
	Suy nghĩ của em về lời tâm sự trên.
Câu 3. (10đ)
	Ra-xum Ga-đa-tốp được mệnh danh là " nhà thơ của mọi thời đại" có dành cho báo Nước Nga văn học một cuộc trò chuyện trong đó bày tỏ sâu sắc suy nghĩ của mình về văn học:
	" ...Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo." ( Đọc hiểu văn bản sách giáo khoa ngữ văn 9, 2005, trang 160)
	Em hiểu lời bàn trên như thế nào? Bằng sự hiểu biết của mình về hoàn cảnh lịch sử đất nước, con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, hãy làm sáng tỏ lời bàn ấy qua tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
	-Hết-
HƯỚNG DẪN ĐÁP ÁN ĐỀ THI HSG HUYỆN NGỮ VĂN 9
TRƯỜNG THCS CAO VIÊN
Câu 1. 
- Yêu cầu về kĩ năng:
+ Hs có thể viết dưới hình thức bài văn ngắn hoặc trình bày theo ý. Song cách lập luận phải sáng tỏ, rõ ràng, chặt chẽ.
+ Chú ý cách dùng từ, viết câu và diễn đạt chuẩn xác và trôi chảy.
- Yêu cầu về nội dung:
+ Giới thiệu khái quát truyện truyền kì của Nguyễn Dữ và kết thúc của tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.
+ Nhận xét trình bày về hai ý kiến:
	* Ý kiến 1. Nhìn thấy giá trị nhân văn của tác phẩm, giống như truyện cổ tích: người tốt dù phải trải qua bao khó khăn, gian khổ, bất hạnh nhưng cuối cùng sẽ được giải oan, được trả lại phẩm giá, được hạnh phúc. Điều đó đồng tình với quan điểm của Nguyễn Dữ: chi tiết kì ảo vừa là tạo ra một kết thúc li kì, hấp dẫn và có hậu, vừa thể hiện ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao công bằng, hạnh phúc cho người lương thiện, nhất là người phụ nữ bất hạnh như Vũ Nương.
	* Ý kiến 2. Xuất phát từ giá trị hiện thực của tác phẩm. Sự trở về của Vũ Nương chỉ trong thoáng chốc, một ảo ảnh loang loáng, mờ nhạt giữa dòng sông cùng lời nói: " Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa" rồi biến mất, đó là hiện thực bi kịch cuộc đời. Vũ Nương được sống sung sướng bình yên dưới thủy cung chỉ là một giấc mơ đẹp. Sự trở về gặp chồng trong chốc lát cũng chỉ là giấc mơ. Thực tế chàng-nàng vẫn âm dương đôi ngả. Khói sương đàn tràng của Trương Sinh không xóa được nỗi oan khuất của vợ. Sự ân hận muộn màng cũng không cứu vãn được hạnh phúc. Hiện thực phũ phàng bi kịch vẫn là bi kịch. Sự trở về ấy càng làm tăng thêm sức tố cáo của tác phẩm. Là lời cảnh tỉnh, sự trừng phạt đối với Trương Sinh và dư vị ngậm ngùi, bài học thấm thía cho bất cứ ai về việc giữ gìn hạnh phúc gia đình.
+ Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau để hoàn thiện một quan điểm, cách nhìn của nhà văn....
Câu 2.
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Hs viết dưới hình thức bài văn ngắn, phương pháp giải thích, phân tích, bình luận, lập luận phải sáng tỏ, rõ ràng, chặt chẽ.
- Chú ý cách dùng từ, viết câu và diễn đạt chuẩn xác và trôi chảy.
* Yêu cầu về nội dung:
- Vấn đề nghị luận: Sự thiếu thốn, khó khăn của riêng mình chắng thấm gì nếu so với những khổ đau, bất hạnh của nhiều người khác trong cuộc sống.
- Tư liệu trong đời sống thực tế.
* Xác lập được các ý sau:
- Giải thích hình ảnh đối lập: " không có giầy để đi/không có chân để đi giầy"
+ " không có giầy để đi": gợi ra sự thiếu thốn, khó khăn về vật chất ( hoàn cảnh nghèo khó)
+ "không có chân để đi giầy": gợi ra nỗi bất hạnh nghiệt ngã của số phận (nỗi đau về thể xác, tinh thần còn hơn cả sự nghèo khổ đơn thuần)
=> Ý nghĩa của lời tâm sự: Cuộc sống muôn vàn nỗi khổ đau và bất hạnh, sự thiếu thốn, cùng túng của bạn chẳng thấm vào đâu khi so với nỗi bất hạnh của nhiều người khác. Hãy thấy mình còn là người may mắn để biết sẻ chia và cố gắng vươn lên.
- Phân tích, bình luận:
+ Người ta khóc là khi trạng thái tâm hồn xúc động, đau thương, buồn tủi hay kể cả lúc quá vui. Nữ sĩ đã khóc vì hoàn cảnh cùng túng của mình " không có giầy để đi". Nữ sĩ khóc về buồn khổ, yếu đuối, tuyệt vọng trước hoàn cảnh của mình. Khóc mãi, khóc mãi cho đến một ngày bà nhìn thấy một người không có cả đôi chân để đi giầy, bà mới nhận ra là mình còn may mắn hơn họ. Dù là đôi chân trần, mình còn có chân để bước trên con đường đời, đứng vững trên đôi chân của mình để có thể làm ra bất cứ thứ gì mình muốn. Còn họ, không có chân để đi thì dù có giầy cũng không thề đi được, không thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Như vậy, bà đã ngộ ra: mình còn may mắn, hạnh phúc hơn, những thiếu thốn của mình chẳng thấm gì so với người khác.
+ Lời tâm sự của nhà văn Mĩ không dừng lại ở đôi giầy, đôi chân. Đôi giầy là ước mơ, khát vọng của mình thì đôi chân lại là ước mơ, khát vọng của người khác. Hãy biết hài lòng với những gì mình đang có và biết sẻ chia nỗi bất hạnh cùng người khác, thiếu bản lĩnh, nghị lực, cuộc đời sẽ dễ rơi vào tuyệt vọng. 
+ Lời tâm sự không chỉ thể hiện sự thức ngộ trước cuộc sống mà còn hàm chứa lời động viên, khích lệ: Dù ở bất kì hoàn cảnh nào cũng không ngục ngã, phải gắng sức vươn lên, khó khăn, bất hạnh chính là thử thách tôi luyện ta trưởng thành, hoàn thiện.
- Bài học: 
	Lời tâm sự của nữ Helle Keller đem lại bài học cho những ai đang than vãn, bi quan trước hoàn cảnh của mình, hiểu ra giá trị đích thực của cuộc sống. Cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực vươn lên không ngừng. Hơn thế, ta còn phải nhìn ra cuộc đời để nhận biết, đồng cảm, chia sẻ. Từ đó thêm sức mạnh, lòng tin yêu cuộc sống để làm việc và cống hiến nhiều hơn.
Câu 3. 
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Hs viết dưới hình thức bài văn, phương pháp giải thích, chứng minh, phân tích tổng hợp, bình luận, lập luận phải sáng tỏ, rõ ràng, chặt chẽ.
- Chú ý cách dùng từ, viết câu và diễn đạt chuẩn xác và trôi chảy.
* Yêu cầu về nội dung:
A. MB: Dẫn dắt và nêu vấn đề nghị luận
- Văn học nghệ thuật bám rễ chặt chẽ vào đời sống hiện thực khách quan. Đời sống hiện thực phản ánh vào tác phẩm thông qua lăng kính của nhà văn.
- Dẫn dắt vào vấn đề...
- Khẳng định vấn đề: đúng là đất nước và con người Việt Nam trong nửa cuối thế kỉ XX phải đương đầu với 2 đế quốc lớn, đó là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Văn học cách mạng đã hướng ngòi bút vào hiện thực ấy....đó là Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
B. TB:
* Giải thích mối quan hệ giữa cuộc sống-tác giả-tác phẩm:
- Chân lí là sự phản ánh sự vật, hiện tượng của hiện thực vào nhận thức con người đúng như chúng tồn tại trong thế giới khách quan.
- Văn học phản ánh cuộc sống hiện thực, là tấm gương phản chiếu hiện thực thông qua lăng kính chủ quan và sự sáng tạo của người cầm bút.
- Bằng tài nghệ của nhà văn, hiện thực cuộc sống được ghi lại trong tác phẩm bằng những hình ảnh..... Mỗi tác phẩm tồn tại như một thông điệp báo cho người đọc hôm nay biết tác phẩm ấy đang ở đâu trong chiều dài của lịch sử. Ý kiến của Ra xum Ga-đa-tốp thật sâu sắc và lí chí.
* Chứng minh nhân định của Ga-đa-tốp qua hai bài thơ:
- Nền tảng chân lí của hai tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
- Nền tảng chân lí của bài thơ Đồng chí là hiện thực của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Dân tộc ta tiến hành kháng chiến với bao khó khăn, gian khổ. Lực lượng chính là nông dân. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả sức người sức của để giành lấy độc lập, tự do. Chính Hữu là một nhà thơ -chiến sĩ. Bài Đồng chí được sáng tác năm 1948...
- Nền tảng chân lí "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật là hiện thực trong cuộc kháng chiến chống Mĩ....
=> Hai bài thơ phản ánh chung hiện thực chiến tranh của đất nước khổ đau mà vĩ đại, bi tráng...
* Giai điệu về thời đại được phản ánh chân thực, sinh động, hấp dẫn qua hai tác phẩm:
- Bài Đồng chí của Chính Hữu:
+ Giai điệu về thời đại được Chính Hữu khai thác từ hiện thực của cuộc chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, hi sinh của người lính trong buổi đầu cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. Hệ thống hình ảnh chân thực không tô vẽ...nhờ vậy mà tình đồng chí được tỏa sáng.
+ Đồng chí họ là những người lính nông dân....
+ Họ cùng chung gian nan, thiếu thốn....
+ Họ có lí tưởng cao đẹp...
=> Hình ảnh người lính hiện lên chân thực, giản dị, gắn bó keo sơn trong mọi hoàn cảnh...
- Bài"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật
+ Giai điệu về thời đại được Phạm Tiến Duật khai thác từ hiện thực những chiếc xe không kính và người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mĩ....
+ Song cái giai điệu về thời đại mà nhà thơ Phạm Tiến Duật muốn ca hát, đó là vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ lái xe. Với tư thế ung dung, tinh thần lạc quan, yêu đời, thái độ coi thường hiểm nguy, thử thách, trẻ trung, hồn nhiên, ấm áp trong tình đồng đội, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam của người lính lái xe, nhà thơ tạc chân dung người lính - tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mĩ: hào hùng- hào hoa-bi tráng.
=> Bài thơ vừa mang thanh khí của thời đại, vừa mang tầm vóc lịch sử.Đó là tiếng nói của cuộc sống hiện thực hào hùng, oanh liệt thời chống Mĩ. Nó là biểu tượng anh hùng tuyệt vời về người lính Trường Sơn. Bài thơ góp phần làm sống mãi hình ảnh thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh gian khổ mà oanh liệt, "Vang tự hào giữa thế kỉ 20" (Tố Hữu)
C. KB: 
- Hai bài thơ là hai giai điệu ca hát cho hai thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược của dân tộc. Là bài ca về người lính giúp thế hệ sau thấy được họ đã sống, chiến đấu và chiến thắng oanh liệt như thế nào.
- Chính Hữu và Phạm Tiến Duật là những nhà thơ tài hoa, có sự sáng tạo độc đáo, tạo nên hai thi phẩm-hai bài ca hát mãi với thời gian làm rung động lòng người. Vẻ đẹp của nó đã minh chứng cho nhận định của Ra- xum Ga-đa-tốp "hát đúng giai điệu về thời đại của mình" và " miêu tả một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo"
	Người ra đề
	Nguyễn Thị Hồng Nhiên

Tài liệu đính kèm:

  • docxDe_dap_an_HSG_van_9_nam_2015_CV.docx