Đề thi học sinh giỏi cấp trường năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ văn lớp 8

doc 4 trang Người đăng tranhong Lượt xem 1645Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi cấp trường năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ văn lớp 8", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi cấp trường năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ văn lớp 8
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2015- 2016
Môn : Ngữ Văn Lớp 8
Thời gian: 90 phút (không kể thời gian phát đề)
Câu 1 (3.0 điểm) :
Xác định và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:
	Làn thu thủy, nét xuân sơn
	Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
	( Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Câu 2 (7 điểm)
 KHI CON TU HÚ
Khi con tu hú gọi bầy
	Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
	Vườn râm dậy tiếng ve ngân
	Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
	Trời xanh càng rộng, càng cao
	Đôi con diều sáo lộn nhào từng không ...
	Ta nghe hè dậy bên lòng
	Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi !
	Ngột làm sao, chết uất thôi
	Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu ! 
	 Huế, tháng 7 - 1939
 Trích Từ ấy - Tố Hữu 
Sách Ngữ văn 8, tập hai - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
 Hãy làm sáng tỏ lòng yêu cuộc sống và niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi trong cảnh tù ngục được thể hiện qua bài thơ trên.
 Tổ chuyên môn duyệt Người ra đề
 Nguyễn Thị Thuyết
HƯỚNG DẪN CHẤM
Môn : Ngữ Văn Lớp 8
I. HƯỚNG DẪN CHUNG:
- Giám khảo cần nắm bắt kĩ nội dung trình bày của thí sinh để đánh giá được một cách tổng quát và chính xác, tránh đếm ý cho điểm.
- Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng. Giám khảo cần chủ động, vận dụng linh hoạt đáp án. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc và ý tưởng sáng tạo.
- Những thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng vẫn đáp ứng được những yêu cầu cơ bản vẫn cho điểm.
- Bài viết cần có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục. Những bài mắc quá nhiều các loại lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả, đặc biệt là văn viết tối nghĩa thì không cho quá nửa số điểm của mỗi câu.
II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:
Câu 1 (3.0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Đảm bảo một đoạn văn hoàn chỉnh, chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Cần đáp ứng một số ý chính sau:
Xác định các biện pháp tu từ : Hai câu thơ sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ và nhân hóa:
+ Hình ảnh ẩn dụ: làn thu thủy, nét xuân sơn
+ Hình ảnh nhân hóa: hoa ghen, liễu hờn
Phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ:
+ Tác giả dùng hình ảnh ẩn dụ để miêu tả đôi mắt Thúy Kiều. Đôi mắt tuyệt đẹp, sâu thăm thẳm, long lanh như làn nước mùa thu, nét mày cong mềm mại, thanh thoát như nét núi mùa xuân
+ Phép nhân hóa nhằm tuyệt đối hóa vẻ đẹp toàn mĩ của Thúy Kiều: nghiêng nước nghiêng thành, giai nhân tuyệt thế, có một không hai khiến cho tạo hóa (đẹp như hoa) cũng phải ghen tị, đố kị với sự đằm thắm của Thúy Kiều, liễu nổi tiếng là xanh mướt, mềm mại, thướt tha mà cũng phải hờn dỗi vì thua mái tóc của nàng.
-> Các phép tu từ đều tập trung làm nổi bật gương mặt kiêu sa, diễm lệ, thanh tú, thông minh, tài hoa của Thúy Kiều.
Câu 3: (7.0 điểm)
Yêu cầu chung: 
- Thể loại: Văn nghị luận chứng minh. HS dùng dẫn chứng và lí lẽ làm sáng tỏ nhận định trên.
Ý thứ nhất: Bài thơ thể hiện sâu sắc lòng yêu cuộc sống.
Ý thứ hai: Bài thơ thể hiện niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng.
 HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau: chứng minh hết ý thứ nhất đến ý thứ hai; chứng minh theo trình tự các câu thơ nhưng phải nêu được các ý cơ bản như sau:
Mở bài: (1 điểm) 
 - Giới thiệu về Tố Hữu và hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ được sáng tác tháng 7 năm 1939 tại nhà lao Thừa Phủ (Huế), khi tác giả bị bắt giam vào đây chưa lâu. Người thanh niên say mê lý tưởng cách mạng, yêu đời bị giam cầm trong lao tù cảm thấy ngột ngạt vì mất tự do, náo nức hướng ra cuộc sống bên ngoài, muốn thoát ra để trở về với cuộc sống tự do, với hoạt động cách mạng.
 - Nêu nội dung lòng yêu cuộc sống và niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng được thể hiện qua bài thơ.
Thân bài: (5 điểm)
 Học sinh làm sáng tỏ lòng yêu cuộc sống, niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đang bị giam cầm trong tù ngục được thể hiện bằng những hình ảnh gợi cảm và thể thơ lục bát giản dị mà tha thiết...
+ Ý thứ nhất: Bài thơ thể hiện sâu sắc lòng yêu cuộc sống qua cảnh trời đất vào hè trong tâm tưởng người tù cách mạng (6 câu thơ đầu). (2 điểm)
 - Hình ảnh mùa hè với tiếng ve, lúa chiêm đang chín, bầu trời cao rộng, đặc biệt tiếng chim tu hú đã thức dậy mùa hè rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, ngọt ngào hương vị:
 “Khi con tu hú gọi bầy
 Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần...”
 - Hình ảnh mùa hè hiện lên trong tâm tưởng người chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm trong chốn lao tù là sự cảm nhận của một tâm hồn trẻ trung, tràn đầy lòng yêu cuộc sống... 
+ Ý thứ hai: Bài thơ thể hiện niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong chốn lao tù(4 câu thơ cuối). (3 điểm)
 - Bốn câu thơ cuối thể hiện tâm trạng người tù cách mạng: đó là tâm trạng đau khổ, uất ức, ngột ngạt được nói lên trực tiếp:
 “Ta nghe hè dậy bên lòng
 Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!”
 - Tâm trạng ấy như truyền tới người đọc cảm giác ngột ngạt cao độ, đồng thời thể hiện niềm khát khao tự do cháy bỏng: muốn thoát ra khỏi cảnh ngục tù, trở về với cuộc sống tự do bên ngoài:
 “Ngột làm sao, chết uất thôi
 Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu !”
HS có thể mở rộng bằng một số câu thơ khác trích trong các bài thơ “Ngắm trăng”, “Đi đường” (Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh) để làm phong phú cho bài làm...
Kết bài: (1 điểm)
 - Khẳng định lòng yêu cuộc sống và niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng được thể hiện qua bài thơ.
 - Học sinh có thể liên hệ bản thân qua lòng yêu cuộc sống, qua nghị lực vượt khó để góp phần bảo vệ độc lập, tự do của đất nước.
VẬN DỤNG CHO ĐIỂM CÂU 2
Điểm 6-7: Vận dụng tốt lí thuyết để làm bài văn nghị luận chứng minh, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu, có mở rộng, nâng cao để khẳng định nội dung chứng minh; trình bày đủ các ý cơ bản như trên, diễn đạt tốt, trình bày đẹp.
Điểm 4-5: Vận dụng tương đối tốt lí thuyết để làm bài văn nghị luận chứng minh, có thể lập luận chưa chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu, có mở rộng để khẳng định nội dung chứng minh; trình bày chưa đủ các ý cơ bản như trên, còn mắc một số lỗi về chính tả, diễn đạt
Điểm 3: Biết vận dụng lí thuyết để làm bài văn nghị luận chứng minh, trình bày chưa đủ các ý cơ bản trên; lập luận chưa chặt chẽ, dẫn chứng chưa tiêu biểu, chưa mở rộng, nâng cao để khẳng định nội dung chứng minh; còn diễn xuôi lại bài thơ, mắc nhiều lỗi về chính tả, diễn đạt
Điểm 1-2: Chưa biết vận dụng lí thuyết để làm bài văn nghị luận chứng minh, trình bày thiếu nhiều ý cơ bản trên; lập luận chưa chặt chẽ, dẫn chứng chưa tiêu biểu, chưa biết mở rộng, nâng cao để khẳng định nội dung chứng minh; nhiều chỗ còn diễn xuôi lại bài thơ, còn mắc nhiều lỗi về chính tả, diễn đạt

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_hoc_sinh_gioi_van_8.doc