1 TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 1 Web: Ngày 14/03/2013 (Đề thi gồm 01 trang) ĐỀ THI HSG CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2012 – 2013 MÔN: NGỮ VĂN LỚP 10 Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề) Câu 1(8 điểm). Anh/ chị hãy đọc, trình bày hiểu biết và suy nghĩ của mình về câu chuyện sau: NGƯỜI ĐI SĂN VÀ CON VƯỢN Có một người rất tài săn bắn. Nếu con thú rừng nào không may gặp bác ta thì đó coi như ngày tận số. Một hôm, người đi săn xách nỏ vào rừng. Bác thấy một con vượn lông xám đang ngồi ôm con trên tảng đá. Bác nhẹ nhàng rút mũi tên bắn trúng tim con vượn mẹ. Vượn mẹ giật mình, hết nhìn mũi tên lại nhìn về phía người đi săn bằng đôi mắt căm giận, tay không rời con. Máu ở vết thương từ từ rỉ ra loang khắp mũi tên. Người đi săn đứng im chờ kết quả .... Bỗng vượn mẹ nhẹ nhàng đặt con nằm xuống, vơ vội nắm bùi nhùi gối lên đầu con, rồi nó hái cái lá to, vắt sữa vào và đặt lên miệng con. Sau đó, vượn mẹ nghiến răng giật phắt mũi tên ra, rú lên một tiếng ghê rợn rồi từ từ gục xuống. Người đi săn đứng lặng. Hai giọt nước mắt từ từ lăn trên má. Bác mắm môi bẻ gãy cung nỏ và lẳng lặng quay gót ra về. Từ đấy, bác không bao giờ đi săn nữa. (Theo Lép Tônxtôi) Câu 2(12 điểm). Trong dịp kỉ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, nói về Bình Ngô đại cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: "Bình Ngô đại cáo có giá trị như bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của nước Đại Việt (...) Bình Ngô đại cáo còn là bản tuyên ngôn nhân đạo và hoà bình của nhà nước Đại Việt". Hãy làm sáng tỏ nhận xét trên qua tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. --------------------------------- Hết -------------------------------- Họ tên thí sinh: .. SBD: .. ( Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm) 2 ĐÁP ÁN: Câu 1: I. Yêu cầu về kĩ năng: - Có kĩ năng làm văn nghị luận xã hội tốt, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh, có sức biểu cảm. - Hình thức trình bày sạch đẹp, ít mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. II. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt được những nội dung cơ bản sau: 1. Những hiểu biết về câu chuyện (3 điểm) - Truyện "Người đi săn và con vượn" mang màu sắc như một truyện ngụ ngôn có ý nghĩa răn dạy người đời một cách sâu sắc và cảm động. - Nhưng nó cũng giống như một truyện ngắn mi-ni hiện đại, rất ngắn gọn và đa nghĩa. Có thể chia truyện thành ba đoạn nhỏ, các đoạn gắn kết với nhau rất chặt chẽ với những tình huống gây xúc động. + Đoạn đầu giới thiệu bác thợ săn. Tài thiện xạ của bác thật đáng sợ, gợi lên sự độc ác đến lạnh lùng của một kẻ chỉ biết sống bằng nghề săn bắn, giết hại chim chóc, thú rừng. + Đoạn thứ hai, tác giả kể lại chuyện con vượn mẹ tà lúc bất ngờ bị người thợ săn bắn trúng tim. Trong lúc lam nguy, cử chỉ của vượn mẹ vẫn dịu dàng "tay không rời con". Tình mẹ thương con đã lớn hơn nỗi đau và cái chết! Trước tình thế nguy nan, cái chết đang đến gần trong giây lát, vượn mẹ dồn cả tình cảm âu yếm, thương yêu cho đứa con thơ. + Đoạn kết của truyện thật bất ngờ. Bác thợ săn qua sát và theo dõi mọi cử chỉ, hành động của vượn mẹ từ lúc mũi tên bắn ra. Bác đã xúc động, đã khóc vì thương xót và ân hận. Cuối cùng, bác đã sám hối, đã đoạn tuyệt với nghề đi săn của mình. 2. Nêu được ý nghĩa của câu chuyện (5 điểm) - Sức mạnh của toà án lương tâm đã hướng thiện mọi con người, mọi hành động nhẫn tâm, độc ác. - Đại văn hào Nga đã đi trước nhân loại hàng thế kỉ khi ông nói về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, với muôn loài. Đây là bài học khi con người huỷ hoại, tàn phá thiên nhiên. - Hành động săn bắn thú rừng hoang dã là tội ác mà đến nay chúng ta mới thấm thía và lên án. Môi sinh, môi trường, núi rừng, chim muông, thú rừng ... cần phải được bảo vệ. Săn bắn chim muông, thú rừng, nhất là các động 3 vật quý hiếm như voi, tê giác, hổ, vượn, khỉ, cò, sếu đầu đỏ ... là tội ác, là vi phạm pháp lụât. - Đọc truyện, ta càng thấm thía, xúc động về tình mẫu tử cao quý, thiêng liêng, ta càng thấy rõ hơn bao giờ hết bài học về cái ác và điều thiện trong cuộc sống mà văn hào gửi gắm. Câu 2: I. Yêu cầu chung: 1. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả. Bài viết có cảm xúc. 2. Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở hiểu rõ nội dung cần nghị luận, bài làm biết cách lập luận để làm nổi rõ giá trị nhiều mặt về nội dung tư tưởng của tác phẩm, qua đó thấy được tầm tư tưởng văn hoá lớn của Nguyễn Trãi. II. Yêu cầu cụ thể: Bài làm có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần đáp ứng những nội dung sau: MỞ BÀI (0.5 điểm) - Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi và tác phẩm Bình Ngô đại cáo - Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Bình Ngô đại cáo vừa có giá trị của một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, vừa là bản tuyên ngôn nhân đạo và hoà bình của nước ta. THÂN BÀI (11 điểm): 1. Bình Ngô đại cáo là Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của nước Đại Việt (3 điểm) - Trong lịch sử dân tộc, bài thơ Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) được đánh giá là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Tiếp theo Nam quốc sơn hà, tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi chính là Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai trong lịch sử nước ta. - Bình Ngô đại cáo thể hiện một nhận thức toàn diện, sâu sắc về quyền dân tộc, quốc gia, thể hiện ý thức tự cường, tự chủ của dân tộc Đại Việt. + Toàn diện vì ngoài hai yếu tố lãnh thổ, chủ quyền (đã nêu trong Nam quốc sơn hà), còn thêm những yếu tố cơ bản, quan trọng khác: văn hiến, phong tục, lịch sử : "Như nước Đại Việt ta từ trước ... Song hào kiệt đời nào cũng có" 4 + Sâu sắc vì coi văn hiến, lịch sử là hạt nhân cơ bản để xác định độc lập dân tộc của Đại Việt, đặt dân tộc ta sánh ngang với phương Bắc - đều làm "đế" một phương, tự hào vì có lịch sử và văn hiến lâu đời. 2. Bình Ngô đại cáo là bản Tuyên ngôn nhân đạo (3 điểm): - Tư tưởng nhân nghĩa sáng ngời việc gì yên dân nên làm, kẻ bạo ngược hại dân nên trừ đã được nêu cao như là mục đích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo - Tư tưởng nhân nghĩa đã trở thành phương châm chiến đấu của của cuộc khởi nghĩa: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn Lấy chí nhân để thay cường bạo - Tư tưởng nhân đạo tha thiết thể hiện trong nỗi đau xót trước thảm hoạ của nhân dân, là bản cáo trạng đanh thép về tội ác của quân xâm lược "Vừa rồi nhân họ Hồ chính sự phiền hà .... Lẽ nào thần dân chịu được"; mở đường "hiếu sinh" cho hàng chục vạn quân giặc khi đã thất bại đầu hàng "Thần vũ chẳng giết hại .... chân run". 3. Bình Ngô đại cáo còn là bản tuyên ngôn hoà bình của nhà nước Đại Việt. (3 điểm) - Nêu cao khát vọng hoà bình của dân tộc Đại Việt, chủ trương hoà hiếu giữa hai quốc gia, dân tộc: "Họ đã tham sống sợ chết ... nhân dân nghỉ sức" - Bài cáo kết thúc bằng việc mở ra một thời kì mới của đất nước trong hoà bình, độc lập, thể hiện ước vọng và niềm tin vào tương lai của đất nước: "Xã tắc từ đây ... vết nhục nhã sạch làu". 4. Nghệ thuật văn chính luận đạt đến trình độ mẫu mực, cổ điển (1 điểm) - Cấu trúc tác phẩm hoàn chỉnh: bố cục, hệ thống ý cân đối, chặt chẽ; có sự liền mạch, nhất quán trong hồi văn, giọng văn. - Khả năng sáng tạo hình tượng đa dạng, phong phú, biến hoá. - Sự kết hợp đa dạng nhiều bút pháp: bút pháp chính luận với miêu tả, tái hiện lịch sử, bút pháp trữ tình với bút pháp anh hùng ca. - Ngôn ngữ phong phú, đặc sắc. Câu văn biền ngẫy linh hoạt, tạo ra nhịp điệu phù hợp với cảm xúc từng đoạn. 5. Giá trị tư tưởng to lớn của tác phẩm là sự kết tinh tư tưởng của lịch sử, của thời đại, đồng thời là tầm cao tư tưởng của Nguyễn Trãi - nhân vật toàn tài, kiệt xuất nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam. (1 điểm) KẾT LUẬN (0.5 điểm) - Đánh giá tài năng của Nguyễn Trãi qua tác phẩm Bình Ngô đại cáo - Nêu cảm nghĩ của bản thân về tác phẩm, ý nghĩa lớn lao và tầm ảnh hưởng của tác phẩm.
Tài liệu đính kèm: