Đề thi chọn hs năng khiếu lớp 8 THCS năm học 2013 - 2014 môn: Ngữ Văn

doc 6 trang Người đăng haibmt Lượt xem 7386Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn hs năng khiếu lớp 8 THCS năm học 2013 - 2014 môn: Ngữ Văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn hs năng khiếu lớp 8 THCS năm học 2013 - 2014 môn: Ngữ Văn
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH THUỶ
ĐỀ THI CHỌN HS NĂNG KHIẾU LỚP 8 THCS NĂM HỌC 2013 - 2014
MÔN: NGỮ VĂN
Đề chính thức
Thời gian 150 phút, không kể thời gian giao đề
Đề thi có 01 trang
I. Câu I(3 điểm):
 Viết đoạn văn phân tích tác dụng của phép tu từ trong đoạn văn sau :
 "Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ".
 (Tôi đi học- Thanh Tịnh)
II. Câu II ( 5 điểm): 
 Trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của O.Hen-ri, bệnh tật và nghèo túng khiến Giôn-xi tuyệt vọng không muốn sống nữa. Cô đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân bám vào bức tường gạch đối diện với cửa sổ, chờ khi nào chiếc lá cuối cùng rụng nốt thì cô cũng buông xuôi, lìa đời
 Nhưng, “chiếc lá cuối cùng vẫn còn” làm cho Giôn-xi tự thấy mình “thật là một con bé hưMuốn chết là một tội”. Cô lại hi vọng một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Na-plơ và như lời bác sĩ nói, cô đã “thoát khỏi nguy hiểm” của bệnh tật.
 Qua những thay đổi của Giôn-xi, em hãy viết một bài văn ngắn thể hiện suy nghĩ về nghị lực sống của con người.
 III- Câu III (12 điểm):
 Nhận xét về bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, có ý kiến cho rằng: 
 “ Đằng sau sự hồi tưởng về quá khứ huy hoàng của con hổ, ta còn thấy tâm trạng nuối tiếc đầy bất lực cùng một khát vọng tự do tha thiết”. 
 Bằng hiểu biết của em về đoạn 2 và 3 của bài thơ, hãy làm rõ ý kiến đó.
-----------------------
...Hết...
Họ và tên thí sinh: ......................................................... SBD: ............
Cán bộ coi thi không cần giải thích gì thêm./.
HƯỚNG DẪN CHẤM 
ĐỀ THI CHỌN HS NĂNG KHIẾU LỚP 8 THCS NĂM HỌC 2013 - 2014
MÔN: NGỮ VĂN
CÂU
YÊU CẦU CẦN ĐẠT
ĐIỂM
Câu I 
(3 điểm)
A- Yêu cầu về kĩ năng:
- HS trình bày thành một đoạn văn ngắn, có bố cục rõ ràng, mạch lạc
- HS nắm được kĩ năng làm dạng bài, chỉ ra được biện pháp tu từ và phân tích được hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ ấy trong việc diễn đạt nội dung, ý nghĩa.
- Dùng từ, đặt câu đúng. Diễn đạt rõ ràng, trong sáng, có cảm xúc.
B- Yêu cầu về nội dung kiến thức:
- Giới thiệu xuất xứ câu văn.
- Chỉ ra phép tu từ so sánh: mấy cậu học trò... như con chim non...
 - Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh:
+ Hình ảnh so sánh rất đẹp và sinh động: tả hình dáng và gợi đúng tâm trạng của các em nhỏ lần đầu tới trường: Các chú bé ngây thơ, xinh xắn rất đáng yêu; các chú bé khao khát được học hành và mơ ước được biết những điều mới lạ ; rất háo hức nhưng cũng rất bỡ ngỡ, rụt rè, e sợ. 
+ Hình ảnh so sánh tinh tế, gợi cảm khiến cho người đọc có nhiều liên tưởng: Trẻ thơ còn bé bỏng, non nớt cũng như chim non; lần đầu các em nhỏ đi học cũng như chim non tập bay. Trẻ con đi học là đã lớn hơn, đã biết háo hức, khát khao, biết bồi hồi lo lắng khi nghĩ đến chân trời học vấn mênh mang và cuộc đời đang rộng mở. 
- Nhận xét: Đó là một trong những câu văn hay trong truyện ngắn giàu chất trữ tình này. 
 0,5
1,25
1,0
 0,25
Câu II 
(5 điểm)
A. Yêu cầu về kỹ năng: Hiểu được yêu cầu của đề ra. Tạo lập được một văn bản nghị luận xã hội có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lời văn trong sáng, có cảm xúc và giọng điệu riêng. Viết đúng chính tả và ngữ pháp, dùng từ chính xác.
B. Yêu cầu về nội dung kiến thức: Trên cơ sở nắm bắt được nội dung tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng”, hình tượng nhân vật Giôn-xi và hiểu biết về xã hội, học sinh cần đáp ứng các ý cơ bản sau:
a.Vài nét về nhân vật Giôn-xi:
- Hoàn cảnh sống: Nghèo khổ, bệnh tật.
- Trạng thái tinh thần: Từ yếu đuối, buông xuôi và đầu hàng số phận, mất hết nghị lực sống đến chỗ biết quý trọng sự sống của mình, khao khát sáng tạo và chiến thắng bệnh tật. Nghị lực sống, tình yêu cuộc sống đã trỗi dậy trong Giôn-xi.
b.Bàn luận về vấn đề:
- Nghị lực sống là năng lực tinh thần mạnh mẽ, không chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách; luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống
- Đây là một phẩm chất cao đẹp và cần thiết: tiếp sức cho ước mơ hoài bão của con người; mở ra những hành động tích cực vượt lên những trắc trở, những cám dỗ trong cuộc sống; giúp con người gặt hái thành công. Thiếu nghị lực, dễ chán nản, bi quankhiến con người thường gặp thất bại, bị mọi người xung quanh coi thường, thương hại.
- Nghị lực sống có được không chỉ dựa vào nội lực cá nhân mà còn được tiếp sức bởi sự sẻ chia, tình yêu thương của cộng đồng.
c.Liên hệ cuộc sống và rút ra bài học:
- Ý thức vai trò quan trọng của nghị lực sống, biết cách rèn luyện và duy trì ý chí, tinh thần mạnh mẽ.
- Biết yêu thương, cảm thông và tiếp thêm niềm tin yêu cuộc đời, nghị lực sống cho những người xung quanh.
- Biểu dương những tấm gương tiêu biểu cho nghị lực sống mạnh mẽ và phê phán những kẻ hèn nhát, bạc nhược
1,0
2,0
 2,0
Câu III 
(12 điểm)
A- Yêu cầu về kĩ năng:
- HS biết làm văn nghị luận, kết hợp giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận; biết so sánh, liên hệ hợp lí.
- Xác lập và trình bày hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Bố cục bài hoàn chỉnh. hợp lí.
 - Không sa đà vào diễn xuôi thơ.
 - Dùng từ đặt câu đúng, diễn đạt trong sáng, rõ ràng, có cảm xúc.
 B- Yêu cầu về kiến thức:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu được vấn đề nghị luận. Dẫn được ý kiến nêu trong đề bài và dẫn đoạn thơ.
2.Giải thích được ý kiến:
- Ý kiến trên đã khái quát, khẳng định giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ. 
- Giải thích khát vọng tự do là khao khát, ước muốn thoát khỏi tình cảnh tù túng, mất tự do; mong muốn được sống đúng với lý tưởng, hoài bão, giá trị bản thân, không bị trói buộc bởi ngoại cảnh. 
 Khát vọng tự do là tư tưởng chủ yếu được thể hiện trong đoạn thơ và cả bài thơ.
3. HS phân tích đoạn thơ để chứng minh cho nhận định:
a. Con hổ hồi tưởng về quá khứ huy hoàng:
* Con hổ nhớ cảnh núi rừng: 
 (HS đưa dẫn chứng và phân tích, bình các chi tiết)
- Cảnh núi rừng hiện lên trong nỗi nhớ của vị chúa sơn lâm với những hình ảnh đặc trưng của chốn đại ngàn: Bóng cả, cây già, tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi, khúc trường ca dữ dội...
 Thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ trong bốn cảnh như bức tứ bình:
+ Cảnh đêm vàng: lung linh, huyền diệu, thơ mộng.
+ Cảnh ngày mưa: dữ dội.
+ Cảnh bình minh: tươi sáng, rộn rã, đầy sức sống. 
+ Cảnh chiều tà: ghê rợn, bí hiểm.
=> Bút pháp nghệ thuật đặc sắc: Dùng nhiều động từ mạnh để diễn tả cái lớn lao, phi thường, hình ảnh thơ chọn lọc; đường nét sống động, những gam màu đậm. Điệp ngữ kết hợp với liệt kê rất ấn tượng. 
=> Đó là chốn đại ngàn thênh thang. Ở đó cái gì cũng lớn lao, phi thường, hùng tráng, thiêng liêng. Cảnh khi dữ dội, khi lại êm đềm, thanh tĩnh; lúc lại tưng bừng, náo nức; vừa khoáng đạt, hùng vĩ, thơ mộng lại vừa thâm u, bí hiểm, linh thiêng. 
* Con hổ nhớ hình ảnh của chính mình trong quá khứ:
- Tương xứng với cảnh thiên nhiên kỳ vĩ là con hổ oai hùng. (HS đưa dẫn chứng và phân tích, bình các chi tiết)
+ Bước chân... 
+ Tấm thân...
+ Đôi mắt quắc lên trong hang tối...
+ Cảnh đêm vàng “Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”
+ Cảnh ngày mưa “Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới” 
+ Cảnh bình minh “Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng” 
+ Cảnh chiều “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”. 
=> Từ ngữ giàu chất tạo hình: gợi hình dáng con hổ. Con hổ hiện ra với vẻ đẹp oai phong lẫm liệt, vừa uy nghi dũng mãnh, vừa mềm mại, uyển chuyển. 
+ Đại từ “ta” được điệp lại ở các câu thơ thể hiện khí phách ngang tàng; âm hưởng câu thơ rắn rỏi, hào hùng làm nổi bật hình ảnh vị chúa sơn lâm đầy uy lực, kiêu hùng với tâm trạng thoả mãn, tự hào về oai vũ , về sức mạnh tuyệt đỉnh của mình.  
+ Ngôn ngữ thơ tráng lệ, giàu giá trị gợi tả; bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tài hoa. Đoạn thơ như bức tranh tứ bình được coi là tuyệt bút. 
=>Con hổ đã sống những ngày được là chính mình, tự do tung hoành giữa núi rừng, làm chúa tể muôn loài. Đó là một quá khứ vàng son, oanh liệt.
 b. Đằng sau sự hồi tưởng về quá khứ huy hoàng của con hổ, ta còn thấy tâm trạng nuối tiếc đầy bất lực cùng một khát vọng tự do tha thiết. 
 * Tâm trạng nuối tiếc đầy bất lực: Nhưng tiếc thay, tất cả chỉ là dĩ vãng. Con hổ đang say sưa, ngây ngất trong giấc mộng huy hoàng thì sực tỉnh trở về thực tại với thân phận nô lệ tủi nhục. Những cảnh trong nỗi nhớ chỉ để lại trong nó sự hụt hẫng, cay đắng, bất lực. 
+ Các từ nghi vấn, một loạt điệp ngữ: nào đâu, đâu những, ...cùng những câu hỏi tu từ thể hiện sự xúc động mạnh mẽ, dồn dập và nỗi nhớ tiếc khôn nguôi những cảnh không bao giờ thấy nữa. Càng nhớ tiếc quá khứ huy hoàng, càng xót đau, bức bối, căm uất thân phận “sa cơ” mất tự do, bị hạ thấp, bị biến thành “trò lạ mắt, thứ đồ chơi” tủi nhục.
+ Nỗi nhớ miên man về quá khứ tươi đẹp và giấc mơ huy hoàng đã khép lại trong một tiếng than thảm thiết:: Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu!” nghe như tiếng thở dài ngao ngán, tuyệt vọng; lại như một câu hỏi nhức nhối, xoáy mãi nhói tận tâm can. Thực tại và hồi ức tương phản gay gắt. Quá khứ càng đẹp, càng oanh liệt bao nhiêu thì nỗi nhớ tiếc càng đau đớn bấy nhiêu. 
* Khát vọng tự do tha thiết: Dù đang phải chịu kiếp đời nô lệ, nhưng con hổ không khuất phục hoàn cảnh; lúc nào nó cũng tiếc nuối quá khứ vàng son, lúc nào cũng khao khát trở về với núi rừng, không lãng quên, không phản bội. Khao khát được trở về với núi rừng là khao khát một cuộc sống tự do, được sống đúng là mình, sống có ý nghĩa. 
- Hồn thơ Thế Lữ rộng mở với cảm hứng lãng mạn dào dạt, nồng nàn, phóng khoáng nhưng vẫn mang nặng tâm sự thời thế, đất nước. Qua tâm sự nhớ rừng của con hổ, nhà thơ bày tỏ niềm khát khao tự do mãnh liệt, nỗi chán ghét sâu sắc thực tại tầm thường, giả dối. Đó là tâm sự của cả một lớp trí thức Việt Nam đương thời bế tắc trước thời cuộc. Họ ý thức được nỗi nhục nhã và uất ức của thân phận người dân mất nước; họ không chấp nhận cuộc đời nô lệ nhưng chưa dám hành động cho độc lập tự do. Họ đành thúc thủ, bất lực và dừng lại ở thái độ phủ nhận thực tại xã hội, đồng thời thể hiện khát vọng tự do, mong ước được giải thoát khỏi cuộc sống tầm thường giả dối trong xã hội đương thời. Đó cũng là tâm sự chung của mọi người dân mất nước khi ấy: khao khát tự do, khao khát được trở về với truyền thống hào hùng của dân tộc trong quá khứ. 
.c- Và tất cả những điều đó đã được thể hiện bằng một ngòi bút thật tài hoa: ( HS khái quát những đặc sắc nghệ thuật nổi bật của đoạn thơ, có thể lồng vào quá trình phân tích ở trên)
+ Thể thơ tám chữ rất phù hợp với việc thể hiện những diễn biến phức tạp trong tâm trạng nhân vật trữ tình.
+ Đoạn thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn, mạch cảm xúc dạt dào, sôi nổi, cuồn cuộn tuôn trào.
+ Giọng thơ khi say sưa, ngây ngất; khi sôi nổi, sảng khoái, hùng tráng; khi đầy tiếc nuối, xót xa, u uất.
+ Thành công của Thế  Lữ là đã thể hiện một trí tưởng tượng phong phú khi mượn hình ảnh con hổ trong vườn bách thú để nói hộ cho những tâm sự kín đáo sâu sắc của mình. Với ý nghĩa ẩn dụ, hình ảnh con hổ đã thể hiện thành công chủ đề của bài thơ, làm nên giá trị nhân văn sâu sắc cho bài thơ.
4. Khẳng định lại giá trị đoạn thơ, của tác phẩm và bộc lộc suy nghĩ riêng của bản thân.
 1,0
1,0
 2,0
 2,0
 2,0
 2,0
1,0
1,0
Lưu ý:
- Trên đây là những hướng dẫn cơ bản, giám khảo cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo khi chấm bài, tránh đếm ý cho điểm.
- Khuyến khích, trân trọng những bài làm có chất văn, sáng tạo.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HSG_Ngu_van_8_tt.doc