Đề thi chọn học sinh năng khiếu năm học 2013 – 2014 môn: Ngữ văn lớp 7 - Trường THCS 2 TT Thanh Ba

doc 12 trang Người đăng haibmt Lượt xem 8363Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh năng khiếu năm học 2013 – 2014 môn: Ngữ văn lớp 7 - Trường THCS 2 TT Thanh Ba", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh năng khiếu năm học 2013 – 2014 môn: Ngữ văn lớp 7 - Trường THCS 2 TT Thanh Ba
PHÒNG GD VÀ ĐT THANH BA
TRƯỜNG THCS2 TT THANH BA
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU
 NĂM HỌC 2013 – 2014
Môn: Ngữ văn lớp 7
ĐỀ CHÍNH THỨC
Thời gian làm bài: 120 phút 
(Không kể thời gian giao đề)
ĐỀ BÀI
Câu 1: (2 điểm)
 “Mưa xuân. Không phải mưa. Đó là sự bâng khuâng gieo hạt xuống mặt đất nồng ấm, mặt đất lúc nào cũng phập phồng, như muốn thở dài vì bổi hổi, xốn xang Hoa xoan rắc nhớ nhung xuống cỏ non ướt đẫm. Đồi đất đỏ lấm tấm một thảm hoa trẩu trắng”. 
 (Vũ Tú Nam)
 Xác định, phân tích giá trị các từ láy và biện pháp tu từ có trong đoạn văn trên để thấy được những cảm nhận của nhà văn Vũ Tú Nam về mưa xuân. 
Câu 2: (2 điểm) 
 Mẹ gom lại từng trái chín trong vườn
 Rồi rong ruổi trên nẻo đường lặng lẽ
 Ôi, những trái, na, hồng, ổi, thị.
 Có ngọt ngào năm tháng mẹ chắt chiu!
 (Lương Đình Khoa)
 Hãy nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên.
Câu 3: (6,0 điểm)
Hãy phát biểu những suy nghĩ của em về hình ảnh người bà trong bài thơ 
 “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.
 HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU NGỮ VĂN 7
Năm học 2013 - 1014
Tổng điểm bài thi: 10,0 điểm
A. Hướng dẫn chung:
 - Đáp án chỉ nêu một số ý chính có tính chất gợi ý, giám khảo cần chủ động linh hoạt vận dụng, cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể, cần nắm bắt được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm.
 - Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng, nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lí, có sức thuyết phục, giám khảo vẫn cho điểm. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, có khả năng tư duy sáng tạo. Tổng điểm toàn bài là 10 điểm, điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.
B. Đáp án và thang điểm:
Câu 1: (2,0 điểm )
- Xác định được các từ láy và biện pháp tu từ có trong đoạn văn: (0,5điểm)
 + Từ láy: bâng khuâng, phập phồng, bổi hổi, xốn xang, nhớ nhung, lấm tấm.
+ Biện pháp tu từ:
Nhân hóa: mưa xuân bâng khuâng gieo hạt; mặt đất phập phồng, bổi hổi, xốn xang; hoa xoan nhớ nhung.
So sánh: mặt đất như muốn thở dài.
- Phân tích: (1,5điểm )
+ Mưa được cảm nhận như là sự bâng khuâng gieo hạt, những hạt mưa xuân từ bầu trời xuống mặt đất một cách nhẹ nhàng, đem đến cho đất trời một sự nồng ấm. 
+ Mặt đất đón mưa được cảm nhận trong cái phập phồng, chờ đợi. Có lẽ sự chờ đón đó rất lâu rồi nên mặt đất thở dài, xốn xang, bổi hổi.
+ Hoa xoan rụng được cảm nhận như cây đang rắc nhớ nhung.
Þ Một loạt từ láy nói về tâm trạng, cảm xúc con người kết hợp biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa để diễn tả cảnh vật, thiên nhiên đất trời lúc mưa xuân: làn mưa xuân nhẹ, mỏng, đáng yêu, đem đến hơi thở, sự sống cho thiên nhiên đất trời của mùa xuân. Mưa xuân được cảm nhận hết sức tinh tế qua tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên của nhà văn Vũ Tú Nam.
Lưu ý:
- Học sinh có thể kết việc chỉ ra các từ láy và biện pháp tu từ trong quá trình phân tích những cảm nhận của tác giả Vũ Tú Nam về mưa xuân, không nhất thiết phải tách riêng phần xác định các từ láy và biện pháp tu từ.
 - Khuyến khích những bài làm có khả năng phân tích, cảm nhận tốt, giám khảo có thể cân đối cho điểm phù hợp.
Câu 2 (2,0 điểm):
1, Yêu cầu về kỹ năng: (0,5 đ)
Học sinh cảm nhận dưới dạng bài viết ngắn gọn .Có cảm xúc, có chất văn. Biết lựa chọn những chi tiết hình ảnh hay, đặc sắc để cảm nhận. Dùng từ đặt câu đúng, diễn đạt trong sáng và giàu sức biểu cảm.
2, Yêu cầu về kiến thức (1,5 đ)
a,Học sinh nêu ý nghĩa được những chi tiết nghệ thuật sau:(1,0 điểm)
- “rong ruổi”: từ láy gợi hình ảnh mẹ với gánh hàng trên vai trên chặng đường dài, gợi cuộc đời mẹ nhiều bươn trải, lo toan,
 - “Nẻo đường lặng lẽ”: liên tưởng đến hình ảnh con đường vắng lặng một mình mẹ cô đơn với gánh hàng để kiếm sống nuôi con.
“ôi”, từ cảm thán : bộc lộ một cảm xúc vừa ngỡ ngàng ,vừa thán phục
- Nghệ thuật liệt kê: na, hồng, ổi, thị=> những món quà quê hương được chắt chiu từ bàn tay mẹ qua bao tháng năm.Vị ngọt từ những loài quả được kết tinh từ những giọt mồ hôi rơi, từ bàn tay khéo léo, từ đức tảo tần hi sinh của mẹ.
b,Khái quát nội dung đoạn thơ:(0,5điểm)
 Đoạn thơ cho thấy:
- Vẻ đẹp thầm lặng của một bà mẹ chắt chiu, lam lũ.
- Sự cảm thông sẻ chia của đứa con với nỗi vất vả,nhọc nhằn của mẹ.
Câu 3: (6 điểm)
Yêu cầu chung:
Kiểu bài: Văn biểu cảm
Nội dung: Người bà
Phạm vi: Trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh
Yêu cầu cụ thể:
Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh và bài thơ “Tiếng gà trưa”
Nêu khái quát cảm xúc về bà: Yêu mến, kính trọng người bà với nhiều phẩm chất tốt đẹp. (1 điểm)
Trình bày những cảm xúc và suy nghĩ về hình ảnh người bà: 4,0 điểm
Cảm xúc: Yêu quý, trân trọng, khâm phục
Suy nghĩ: Bà có nhiều phẩm chất tốt đẹp:
* Trân trọng người bà tần tảo, chắt chiu, chịu thương chịu khó trong cuộc sống còn quá nhiều vất vả, khó khăn ( 1 điểm)
+ Bà nhặt nhạnh từng quả trứng hồng để xây dựng cho cuộc sống gia đình no đủ trong cần kiệm.
+ Tay bà khum khum soi trứng với tấm lòng chi chút, nâng đỡ từng sự sống nhỏ nhoi trong từng quả trứng.
* Hiểu, yêu mến người bà gần gũi, gắn bó và yêu thương cháu tha thiết.
 (2 điểm)
+ Bà bảo ban nhắc nhở cháu, ngay cả khi có mắng yêu cháu khi cháu nhìn trộm gà đẻ cũng là vì thương cháu.
+ Bà dành trọn vẹn tình thương yêu để chăm lo cho cháu :
- Bà dành dụm, chi chút chăm sóc, nâng đỡ từng quả trứng, từng chú gà con như chắt chiu, nâng đỡ những ước mơ hạnh phúc đơn sơ nhỏ bé của đứa cháu yêu :
- Bà hi vọng cháu có niềm vui khi mùa xuân đến qua một quá trình lâu dài : Từ lúc soi trứng cho gà ấp, nuôi gà lớn, chăm sóc khi mùa đông đến, bán lấy tiền mua quần áo mới:
* Khâm phục người bà giàu đức hi sinh vì con cháu, vì đất nước.(1 điểm)
- Bà là người giàu đức hi sinh vì con cháu. Bà không giành cho mình điều gì cả. Chính vì thế tình yêu thương và những kỉ niệm về bà đã trở thành hành trang của người lính trẻ trên đường hành quân, trở thành một mục đích sống và chiến đấu của anh:
3. Khẳng định lại cảm nghĩ: Bà hiện lên với nhiều phẩm chất tốt đẹp, tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. 
Liên hệ: Biết ơn những người bà... (1 điểm)
Lưu ý: Trên đây chỉ là những gợi ý, giám khảo nên linh hoạt khi chấm bài, ưu tiên những bài viết có sáng tạo.
PHÒNG GD VÀ ĐT THANH BA
TRƯỜNG THCS2 TT THANH BA
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU
 NĂM HỌC 2013 – 2014
Môn: Ngữ văn lớp 6
ĐỀ CHÍNH THỨC
Thời gian làm bài: 120 phút 
(Không kể thời gian giao đề)
ĐỀ BÀI:
Câu 1: (2 điểm )
 Trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, ta thấy có một sự kết hợp tuyệt đẹp giữa hình ảnh Bác và hình ảnh ngọn lửa hồng. Em hãy chỉ ra vẻ đẹp của sự kết hợp này.
Câu 2: (2 điểm)
          Tìm và nêu rõ hiệu quả của phép tu từ trong hai câu thơ: 
                                “ Tóc bà trắng tựa mây bông 
                                Chuyện bà như giếng cạn xong lại đầy.”                                
        (“ Bà em” – Nguyễn Thụy Kha )
Câu 3: (6 điểm)  
 Một buổi sáng, em đến trường sớm để tưới nước cho bồn hoa trước lớp. Một 
cây hoa đang ủ rũ vì bị ai đó vặt lá, bẻ cành, làm rụng hết cánh hoa.
 Em nghe như nó thủ thỉ kể với em về chuyện đó.    
 Hãy kể lại câu chuyện bất hạnh của cây hoa. 
 HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU NGỮ VĂN 6
Năm học 2013 - 1014
Tổng điểm bài thi: 10,0 điểm
A. Hướng dẫn chung:
 - Đáp án chỉ nêu một số ý chính có tính chất gợi ý, giám khảo cần chủ động linh hoạt vận dụng, cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể, cần nắm bắt được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm.
 - Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng, nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lí, có sức thuyết phục, giám khảo vẫn cho điểm. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, có khả năng tư duy sáng tạo. Tổng điểm toàn bài là 10 điểm, điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.
B. Đáp án và thang điểm:
Câu 1: (2,0 điểm )
- Học sinh trình bày dưới dạng đoạn văn, lời văn trong sáng, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp.
- Viết lại được những câu thơ có sự kết hợp giữa hình ảnh Bác và hình ảnh ngọn lửa hồng ( 0,5 điểm )
- “Người cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm”
- “Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng”
- “Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng”
- Vẻ đẹp của sự kết hợp giữa hình ảnh Bác và hình ảnh ngọn lửa hồng: (1,5 điểm)
+ Ngọn lửa là hình ảnh thực rất đẹp, là ngọn lửa tự tay Bác đốt lên, tỏa sáng, tỏa ấm giữa rừng khuya giá lạnh, sưởi ấm các chiến sĩ trong đêm lạnh. Ngọn lửa soi sáng bức chân dung Bác - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với những nét thật gần gũi, giản dị  (1,75 điểm)
+ Nhà thơ còn dùng hình ảnh ngọn lửa để so sánh: Bác Hồ là một ngọn lửa, vừa gần gũi, vừa vĩ đại, một nguồn tình cảm ấp áp của toàn dân, toàn quân ta trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến gian nan, thiếu thốn. Qua đó tôn vinh sự vĩ đại của Bác và ngợi ca tình yêu thương Người dành cho các chiến sĩ ấm áp, mạnh mẽ hơn “ngọn lửa hồng”.	 	 (1,75 điểm)	
  Câu 2: ( 2,0 điểm) 
          * Yêu cầu về hình thức: ( 0,25 điểm) 
          - HS viết thành đoạn văn hoàn chỉnh, diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lối chính tả, dùng từ, câu.
          * Yêu cầu về nội dung: ( 1,75 điểm) 
          - Chỉ ra được phép tu từ so sánh và hình ảnh so sánh  : ( 0,5 điểm ). 
(Nếu chỉ gọi tên phép so sánh mà không chỉ  ra được hình ảnh so sánh : 0,25 điểm). 
          - Hiệu quả của phép tu từ so sánh: (1,0 điểm) 
          + Mái tóc trắng của bà được so sánh với hình ảnh đám “ mây bông” trên trời gợi hình ảnh người bà tuổi đã cao, mái tóc bạc trắng, mái tóc ấy tạo nên vẻ đẹp hiền từ, cao quý và đáng kính trọng( 0,5 điểm) 
          + Chuyện của bà kể (cho cháu nghe)  được so sánh với hình ảnh cái giếng thân thuộc ở làng quê Việt Nam cứ cạn xong lại đầy, ý nói: “ kho” chuyện của bà rất nhiều, không bao giờ hết, đó là những câu chuyện dành kể cho cháu nghe với tình yêu thương không bao giờ vơi cạn( 0,5 điểm) 
          - Tác dụng chung: ( 0,25 điểm)                                                             
 Nhà thơ vận dụng hai hình ảnh so sánh đặc sắc-> Hình ảnh người bà hiền từ, cao quý, đáng trân trọng -> tình yêu thương, sự kính trọng và lòng biết ơn bà sâu sắc của người cháu. 
Câu 3: 6,0 điểm
* Yêu cầu về kĩ năng :
 Học sinh biết xây dựng một câu chuyện có bố cục đầy đủ, trình bày các sự việc rõ ràng, trình tự hợp lí, biết xây dựng nhân vật, cốt truyện,. 
 Chọn ngôi kể phù hợp ( ngôi thứ nhất ). Lời kể tự nhiên, sinh động.
* Yêu cầu về kiến thức :
 Phải tưởng tượng ra câu chuyện giữa người kể và cây hoa dựa trên tình huống đã cho ở đề bài. 
 Tạo được tình huống và biết dẫn dắt câu chuyện theo trình tự có mở đầu, có phát triển và có kết thúc.
 Nội dung câu chuyện có thể được xây dựng theo nhiều hướng khác nhau nhưng các sự việc phải đảm bảo tính hợp lý. Câu chuyện phải có ý nghĩa sâu sắc.
 Đề bài tương đối tự do, tạo điều kiện cho trí tưởng tượng của học sinh được phát huy.
 Bài viết có thể có những sáng tạo riêng songcó thể theo hướng cơ bản sau :
1. Giới thiệu nhân vật, tình huống truyện. 0,5 điểm
 - Tình huống gặp gỡ, nghe hoa kể chuyện: buổi sáng, em đến trường sớm
 để tưới nước cho bồn hoa trước lớp, thấy cây hoa đang ủ rũ vì bị ai đó vặt lá, bẻ cành, làm rụng hết cánh hoa. 
2. Câu chuyện của cây hoa: 5,0 điểm 
- Cây hoa tự giới thiệu, miêu tả về bản thân: hoàn hảo, đẹp, đang khoe sắc tỏa hương làm đẹp cho ngôi trường, được nhiều bạn học sinh chú ý, khen ngợi, nó cảm thấy hãnh diện, tự hào.
- Cây hoa kể chuyện bị bẻ cành, vặt lá.
- Cây hoa kể chuyện bị làm rụng hết cánh hoa.
 - Cây hoa đau đớn, xót xa khi mình bị thương, trở nên xấu xí và oán trách những hành vi phá hoại môi trường, hủy hoại cây xanh. 
- Lời nhắc nhở và mong muốn của cây với những học sinh (nói riêng) và con người (nói chung). 
3. Suy nghĩ của người kể: 0,5 điểm
Qua nghe cây hoa tâm sự em rút ra bài học cho bản thân và mọi người phải biết trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, bảo vệ và giữ gìn môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.
* Lưu ý: 
Học sinh có thể kể theo nhiều tình huống khác nhau, giám khảo xem xét từng trường hợp cụ thể về mức độ đáp ứng để quyết định cho điểm, chú ý xem xét những bài làm thực sự có năng khiếu văn.
 Trên đây chỉ là những gợi ý, giám khảo nên linh hoạt khi chấm bài, ưu tiên những bài viết có sáng tạo.
PHÒNG GD VÀ ĐT THANH BA
TRƯỜNG THCS2 TT THANH BA
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU
 NĂM HỌC 2013 – 2014
Môn: Ngữ văn lớp 8
ĐỀ CHÍNH THỨC
Thời gian làm bài: 120 phút 
(Không kể thời gian giao đề)
ĐỀ BÀI
 Câu 1: (2 điểm) 
 Chỉ ra và phân tích cái hay của phép tu từ từ được sử dụng ở đoạn thơ dưới đây: 
 “Gió bấc cựa mình làm rơi quả khế
Mèo con ru cái bếp thầm thì
 Đêm nũng nịu dụi đầu vào vai mẹ
 Mùa đông còn bé tí ti”
 (Ấm, Bùi Thị Tuyết Mai)
Câu 2: (2 điểm) 
 Ngạn ngữ Mỹ có câu: “ Trong tất cả kì quan trên thế giới thì trái tim người mẹ là kì quan vĩ đại nhất”
 Em hiểu thế nào về câu ngạn ngữ trên?
Câu 3: ( 6 điểm)
	Có ý kiến cho rằng: Hình ảnh người cha trong tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao ( Ngữ văn 8 – Tập I ) đó được diễn tả một cách chân thực, sâu sắc. 
 Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
 HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU NGỮ VĂN 8
Năm học 2013 - 1014
Tổng điểm bài thi: 10,0 điểm
A. Hướng dẫn chung:
 - Đáp án chỉ nêu một số ý chính có tính chất gợi ý, giám khảo cần chủ động linh hoạt vận dụng, cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể, cần nắm bắt được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm.
 - Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng, nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lí, có sức thuyết phục, giám khảo vẫn cho điểm. Đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, có khả năng tư duy sáng tạo. Tổng điểm toàn bài là 10 điểm, điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25 điểm.
B. Đáp án và thang điểm:
Câu 1: (2,0 điểm )
* Yêu cầu về nội dung: 1,75 điểm
 Chỉ ra và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ:
 - Xác định phép tu từ: 0,5 điểm:
+ Nhân hóa: Gió bấc cựa mình; mèo ruthì thầm; đêm nũng nịu, dụi; mùa đông bé.
+ Gió bấc, mùa đông: ẩn dụ về cuộc đời với những khó khăn gian truân, vất vả.
- Phân tích tác dụng : 1,25 điểm
+ Hình ảnh gió bấc, mèo con, đêm, mùa đông được nhân hóa có những trạng thái cử chỉ, biểu hiện giống như con người. Cách viết này làm cho bài thơ trở nên sống động, gợi hình tượng, gợi cảm xúc khiến người đọc có cảm nhận như không chỉ nói về thiên nhiên mà còn nói về con người. 
+Từ đó liên tưởng tới một hình tượng khác: cuộc đời mẹ và bé.(ẩn dụ)
 Mùa đông, gió bắc thật khủng khiếp với vạn vật: khế không mẹ chở che phải rụng, mèo con không mẹ ôm ấp phải nhờ bếp tro. Bé có mẹ, bé nũng nịu dụi đầu vào vai mẹ, mẹ ôm ấp, vỗ về chở che, ủ ấm cho bé, mùa đông khủng khiếp chỉ còn bé tí ti không có gì đáng sợ.
Gió bắc, mùa đông: ẩn dụ về cuộc đời- những khó khăn gian truân, vất vả. Mẹ luôn là người chịu đựng tất cả, mẹ luôn là tấm lá chắn cho con.
+ Đoạn thơ ngợi ca tình yêu thương ấm áp, lớn lao của mẹ đối với mỗi cuộc đời.
* Yêu cầu về hình thức: 0,25 điểm 
 Viết thành đoạn văn ngắn, diễn đạt mạch lạc, không mắc lối về dùng từ và đặt câu. 
Câu 2: ( 2 điểm)
Yêu cầu:
* HS biết cách làm bài văn nghị luận giải thích; có cấu trúc, bố cục rõ ràng, lí lẽ thuyết phục;  không mắc lỗi về cách diễn đạt, dùng từ
* Giải thích được nội dung, ý nghĩa câu ngạn ngữ: 0,5 điểm
 - Kì quan thế giới là một kiệt tác của nhân loại, của tạo hóa, là thành quả vô giá của bàn tay và khối óc con người nhưng không có kì quan nào đẹp, vĩ đại bằng trái tinm người mẹ. Nói cách khác, trái tim người mẹ là kì quan đẹp nhất, vĩ đại nhất.
 * Giải thích vì sao trái tim người mẹ là kì quan đẹp nhất, vĩ đại nhất. 1,5 điểm
 Phần này chú trọng cách giải thích của HS, khuyến khích lối viết tư duy sáng tạo, cảm xúc chân thành, có sự hiểu biét từ văn chương và thực tiễn cuộc sống, miễn sao đảm bảo hợp lí, phù hợp với nội dung câu ngạn ngữ. 
GV chấm có thể hướng vào các ý sau:
 + Con người được sinh ra và lớn lên từ nhịp đập của trái tim người mẹ. Tình yêu của người mẹ đã làm nên thế giới.
 + Trái tim mẹ nhân hậu, bao dung, mẹ đã cho con lớn lên từ tình yêu bao la, sự dịu dàng nhân ái.
 + Mẹ dạy cho con biết yêu thương, sẻ chia, mẹ cho con hiểu về ý nghĩa cuộc đời, mẹ dạy cho con biết hi sinh và những lẽ sống cao cả.
 + Mẹ là biểu tượng đẹp đẽ nhất của thế giới, mẹ là người tạo nên thế giới, mẹ cho thế giới hiểu thế nào là cuộc sống, là tình yêu thương.
 => Mẹ là biểu tượng của sự hi sinh, của tấm lòng vị tha cao cả. Đó là chất đẹp đẽ nhất trong tâm hồn con người – là kì quan vĩ đại nhất của thế giới.
Câu 3: ( 6 điểm)
Yêu cầu chung: 
- Viết đúng kiểu bài nghị luận chứng minh. 
- Nêu vấn đề cần nghị luận: Hình ảnh người cha trong tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao được diễn tả một cỏch chõn thực, sõu sắc. 
 - Bố cục cân đối, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu.
Yêu cầu cụ thể:
A. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: (0,5 điểm)
 Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, nhân vật. 
Hình ảnh người cha trong tác phẩm “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao được diễn tả một cách chân thực, sâu sắc. 
B. Phân tích, chứng minh: (5,0 điểm)
Học sinh có nhiều cách trình bày bài viết của mình, song cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:
I. Khái quát chung về nhân vật lão Hạc: ( 0,5 điểm)
- Là nhân vật chính trong truyện.
- Là người nông dân nghèo khổ trong thời kì trước cách mạng tháng Tám.
- Có hoàn cảnh bất hạnh- bị dồn đến đường cùng phải tìm đến cái chết.
- Có vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng, đặc biệt là người cha có tình yêu thương con tha thiết, cảm động.
II. Chứng minh hình ảnh người cha ( Lão Hạc): ( 4 điểm) 
a. Cảnh ngộ: ( 0,5 điểm)
- Phải sống xa con: vợ mất sớm, con phẫn chí bỏ đi phu đồn điền cao su, lão sống thui thủi một mình
-> Có nỗi khổ tâm: làm cha nhưng không được đoàn tụ cùng con, không được sống trong một gia đình bình thường, yên ổn, hạnh phúc.
b. Lão Hạc là người cha có tình yêu thương con sâu sắc, cao đẹp. ( 3,5 điểm)
- Vì xa con, lão Hạc luôn thương nhớ con da diết: ( 1 điểm)
	+ Mọi câu chuyện đều xoay quanh, liên quan đến con.
	+ Chăm sóc cậu Vàng ( Kỉ vật của con trai để lại) và xót xa, day dứt khi buộc phải bán nó.
	+ Đếm từng ngày con đi, mong từng lá thư con.
- Lão Hạc luôn day dứt, khổ tõm, ân hận với con: ( 1 điểm )
+ Vì lão không đủ tiền cưới vợ cho con, con phải bỏ đi phu đồn điền cao su
-> Lão dằn vặt, đớn đau, giằng xé tâm can, chết cũng không yên vì nghĩ mình mắc nợ với con. 
- Lão sống vì con, chết cũng vì con: ( 1,5 điểm )
	+ Lão tính toán, trăn trở trước sự sống- cái chết. Nếu lão sống, lão sẽ phải bán dần mọi thứ để ăn vì lão không còn đủ sức làm thuê kiếm sống.
	+ Lão âm thầm chuẩn bị cho mình cái chết ( bán chó, thu nhặt tiền để dành, gửi ông giáo tiền nhờ làm ma, gửi vườn cho ông giáo sau này trao cho con).
-> Lão thà chết để giữ lại tài sản ( mảnh vườn cho con). Lão chọn cái chết đớn đau như sự tự trừng phạt.Tình yêu thương con của lão Hạc được thể hiện bằng việc làm cụ thể. Đó là đức hy sinh cao cả của lão. Lão sẵn sàng hy sinh cả sự sống của mình cho tương lai, hạnh phúc của con.
III. Đánh giá: ( 0,5 điểm)
- Tình cảm cha con là tình cảm bền vững, mang giá trị nhân bản sâu sắc. Đó là tình cảm cao đẹp của lão Hạc - của tất cả những người cha trong bất kì hoàn cảnh, thời đại nào cũng đều yêu thương con, hy sinh vì con.
- Nam Cao rất thành công khi xây dựng nhân vật lão Hạc: miêu tả diễn biến tâm lí tinh tế, phức tạp -> để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
C. Khẳng định vấn đề nghị luận ( 0,5 điểm )
- Khẳng định tình cảm cha con là đề tài truyền thống nhưng vẫn mới, vẫn hấp dẫn.
- Suy ngẫm về tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện nay.
Lưu ý: Trên đây chỉ là những gợi ý, giám khảo nên linh hoạt khi chấm bài, ưu tiên những bài viết có sáng tạo.

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_THI_HSG_VAN_6_TB.doc