Đề thi chọn học sinh năng khiếu lớp 8 năm học 2010 - 2011 - Môn Ngữ văn

doc 6 trang Người đăng haibmt Lượt xem 2554Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh năng khiếu lớp 8 năm học 2010 - 2011 - Môn Ngữ văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh năng khiếu lớp 8 năm học 2010 - 2011 - Môn Ngữ văn
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH THUỶ
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU LỚP 8
NĂM HỌC 2010 - 2011
MÔN: NGỮ VĂN
( Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề)
1- Câu 1( 5 điểm): Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
 "Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối 
 Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan ?
 Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
 Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới ?
 Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
 Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng ?
 Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
 Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
 Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật ?
 - Than ôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu ? "
 ( Nhớ rừng - Thế Lữ)
2- Câu 2 ( 3 điểm) : Mở đầu bài thơ "Ông đồ", Vũ Đình Liên có viết:
 " Mỗi năm hoa đào nở
 Lại thấy ông đồ già "
	Và kết lại bài thơ là:
 " Năm nay đào lại nở,
 Không thấy ông đồ xưa "
	Hình ảnh "hoa đào" được trở lại trong khổ thơ kết bài có ý nghĩa gì ?
.
3- Câu 3 ( 12 điểm): 
	Nhận xét về truyện ngắn "Lão Hạc" của Nam Cao, có ý kiến cho rằng: 
	" Với truyện ngắn Lão Hạc, một lần nữa ta bắt gặp hình ảnh con người, tuy khốn khổ nhưng vẫn rất đẹp".
	Em hiểu ý kiến trên như thế nào ? Hãy phân tích nhân vật lão Hạc để làm sáng tỏ ý kiến này, và từ đó làm rõ cách nhìn con người của Nam Cao ?
Họ và tên thí sinh: ............................................................. SBD: ...................................
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH NĂNG KHIẾU LỚP 8
NĂM HỌC 2010 - 2011
MÔN: NGỮ VĂN
CÂU
YÊU CẦU CẦN ĐẠT
ĐIỂM
Câu 1
5 điểm
A- Yêu cầu về nội dung kiến thức:
- Chỉ ra phép tu từ điệp ngữ: từ "đâu" là đại từ để hỏi được lặp lại 5 lần; cấu trúc câu được lặp lại trong suốt đoạn thơ.
- Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ là tạo tính nhạc cho đoạn thơ, làm nổi bật âm hưởng vừa mạnh mẽ, hào hùng, vừa xót xa đến thống thiết... 
- Chỉ ra biện pháp câu hỏi tu từ: các câu hỏi tu từ với cấu trúc "nào đâu...", "đâu ..." , "...nay còn đâu", đoạn thơ sử dụng liên tiếp 5 câu hỏi tu từ.
- Tác dụng của các câu hỏi tu từ: làm nổi bật nỗi nhớ nhung, nuối tiếc quá khứ đến cồn cào, day dứt trong lòng con hổ, đồng thời bộc lộ rõ niềm xót xa, đau đớn và sự bất lực của con hổ khi hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp trong quá khứ và ý thức được quá khứ vàng son ấy không bao giờ trở lại.
- Chỉ ra biện pháp ẩn dụ: 
+ Hình ảnh "Đêm vàng" 
+ Hình ảnh "Chiều lênh láng máu"
- Tác dụng: 
+ Hình ảnh ẩn dụ "Đêm vàng" làm nổi bật vẻ đẹp huyền ảo, lãng mạn của núi rừng đêm trăng. 
+ Hình ảnh "Chiều lênh láng máu": ánh mặt trời lúc hoàng hôn đỏ xuộm lại và rực lên trước khi tắt, hắt xuống một vạt rừng, lênh láng, giống như màu máu. Hình ảnh này góp phần diễn tả vẻ đẹp bí ẩn, linh thiêng, dữ dội của chốn núi rừng lúc hoàng hôn.
+ Hai hình ảnh góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của chốn đại ngàn hùng vĩ, núi rừng càng đẹp bao nhiêu thì con hổ càng xót xa, tiếc nuối bấy nhiêu.
B- Yêu cầu về kĩ năng:
- HS biết trình bày thành một đoạn, hoặc một bài văn ngắn, nhưng hoàn chỉnh, có bố cục rõ ràng, mạch lạc
- HS nắm được kĩ năng làm dạng bài, chỉ ra được các biện pháp tu từ và phân tích được hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ ấy trong việc diễn đạt nội dung, ý nghĩa đoạn thơ.
- Diễn đạt rõ ràng, trong sáng. Văn viết có cảm xúc.
- Dùng từ, đặt câu chuẩn xác.
( Nếu không đảm bảo yêu cầu này, GV tuỳ mức độ lỗi mà trừ điểm. Cần chú ý đến kĩ năng viết của HS, tránh đếm ý cho điểm).
0,5
1,0
0,5
1,0
0,25
0,25
0,75
0,75
Câu 2
3 điểm
A- Yêu cầu về nội dung kiến thức
- Việc lặp lại hình ảnh hoa đào ở khổ cuối tạo ra kết cấu đầu cuối tương ứng, một lần nữa làm nổi bật ý tưởng sâu sắc của bài thơ.
- Hình ảnh hoa đào ở khổ thơ đầu là tín hiệu báo mùa xuân về, và mở ra khung cảnh ông đồ ngồi viết câu đối bên hè phố. Hình ảnh hoa đào gắn với sự xuất hiện của ông đồ và một nét đẹp văn hoá là thú chơi câu đối chữ Nho trong ngày tết của người Việt. 
- Đến khổ thơ cuối, hình ảnh hoa đào lại xuất hiện, mùa xuân vẫn trở lại nhưng ông đồ thì vắng bóng. Cảnh vẫn là cảnh cũ, nhưng người xưa không còn, ông đồ và cả một thế hệ, cả những nét đẹp văn hoá truyền thống ấy đã trở thành dĩ vãng ... Điều này tăng sự hụt hẫng, tiếc nuối, làm ý thơ thêm da diết, xót xa và đầy day dứt ...
B- Yêu cầu về kĩ năng:
- HS biết trình bày thành bài văn ngắn nhưng bố cục hoàn chỉnh, mạch lạc
- Lập ý và trình bày ý rõ ràng, rành mạch.
- Diễn đạt trong sáng, văn có cảm xúc, có hình ảnh.
- Dùng từ đặt câu chuẩn xác.
( Nếu không đảm bảo yêu cầu này, GV tuỳ mức độ lỗi mà trừ điểm. Cần chú ý đến kĩ năng viết của HS, tránh đếm ý cho điểm)
0,5
1,25
1,25
Câu 3
12 điểm 
A- Yêu cầu về kiến thức:
1- HS giải thích được ý kiến:
- Ý kiến trên đã khái quát toàn diện về nhân vật lão Hạc, về cả cuộc đời số phận và nhân phẩm.
- Cuộc đời lão Hạc khốn khổ ( thiếu thốn, đói khổ, túng quẫn về vật chất và đau khổ về cả tinh thần), tuy vậy, trong cái khổ ấy, lão vẫn sáng lên vẻ đẹp, đó là vẻ đẹp về nhân phẩm.
2- Phân tích nhân vật để làm sáng tỏ nhận định, và thấy được cách nhìn nhận về con người của Nam Cao:
a- Cuộc đời, số phận của lão Hạc thật khốn khổ, thê thảm:
 ( HS phân tích được)
- Nỗi khổ vợ mất sớm, lão phải "gà trống nuôi con"
- Nỗi khổ vì nghèo: vì nghèo mà lão không lo được hạnh phúc ( cưới vợ) cho con trai, để con trai lão phải phẫn chí bỏ quê ra đi, lão thành ra mất con ...
- Lão lâm vào cảnh cô đơn, thui thủi một mình cùng nỗi dằn vặt, thương con 
( HS phân tích và bình những chi tiết lão Hạc kể về việc con bỏ đi đồn điền và lão khóc với ông giáo.)
- Cuộc sống ngày càng quẫn bách, lão bị đói, phải bán con chó Vàng, sau đó quyết định tự tử bằng bả chó 
+ HS làm nổi bật ý này, phải bám vào bình được các chi tiết quan trọng khi lão Hạc tâm sự với ông giáo về đời mình "Kiếp con chó là kiếp khổ ... ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp khác sung sướng hơn chăng ... kiếp người như tôi chẳng hạn ..."
+ Phân tích cái chết thê thảm, đau đớn của lão Hạc.
* Khái quát: HS phải nêu bật được nhân vật lão Hạc là điển hình cho những kiếp người sống lay lắt, không còn ra cuộc sống con người. Họ đã bị đẩy đến bước đường cùng quẫn, bế tắc. Đó là tình trạng "Sống mòn", tình trạng rất phổ biến đối với người nông dân thời trước cách mạng.
b- Vẻ đẹp nhân phẩm của lão Hạc ( Phần này là quan trọng hơn, cần làm nổi bật). Cần phân tích và bình để làm nổi bật những phẩm chất sau của lão Hạc:
- Lão rất yêu thương con, giàu đức hi sinh.
+ Ân hận, day dứt khi không làm tròn trách nhiệm với con.
+ Chắt chiu, gom góp từng li từng tí để dành tiền cho con, lo cho tương lai của con.
+ Luôn thương nhớ con thắt gan thắt ruột.
+ Chọn cái chết để giữ vườn cho con.
- Lão là người nhân hậu, vị tha, cao thượng:
+ Yêu thương con chó Vàng.
+ Không oán trách khi vợ ông giáo và Binh Tư nói những lời không tốt về mình.
- Lão là người luôn sống lương thiện, trong sạch, giàu lòng tự trọng. Dù cuộc sống quẫn bách và đến bước đường cùng, nhưng lão vẫn giữ mình trong sạch, không bao giờ làm điều sai trái.
* Khái quát: 
- Vẻ đẹp nhân cách của lão Hạc là điển hình cho những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của người nông dân. 
- Những vẻ đẹp ấy thực sự xúc động lòng người và đáng khâm phục khi chúng ngời sáng trong hoàn cảnh sống tăm tối, thê thảm nhất. Hoàn cảnh sống nghiệt ngã có thể khiến con người tha hoá. Nhưng ở đây Nam Cao đã xây dựng lão Hạc với vẻ đẹp thánh thiện trong phẩm cách, tâm hồn để khẳng định bản chất tốt đẹp bền vững của người nông dân. 
c- Nghệ thuật xây dựng nhân vật ( Nội dung này HS có thể lồng vào quá trình phân tích):
- Kết hợp miêu tả ngoại hình với miêu tả nội tâm nhân vật chân thực, tinh tế.
- Khắc hoạ được nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
- Ngôn ngữ được sử dụng linh hoạt, sắc sảo, ấn tượng. 
d-Cách nhìn con người của Nam Cao:
- Cảm thông, xót thương những kiếp người bất hạnh trong xã hội đương thời.
- Tin ở những phẩm chất tốt đẹp cao quý tiềm ẩn trong con người.
- Thái độ của nhà văn là trân trọng và tôn vinh con người ( Cụ thể là tôn vinh giá trị cao quý ở con người: nhân cách cao đẹp).
- Đề ra cách nhìn nhận đánh giá con người sao cho thoả đáng và nhân ái 
( Hai nhân vật vợ ông giáo và Binh Tư đã có cái nhìn không đúng về lão Hạc, chỉ dựa vào những biểu hiện bên ngoài và nhìn nhận một cách lạnh lùng ...) 
- Đó chính là cái nhìn rất nhân văn về con người, làm nên giá trị nhân văn sâu sắc cho truyện ngắn.
B- Yêu cầu về kĩ năng:
- HS biết làm bài nghị luận tổng hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giải thích, chứng minh, bình luận, biết so sánh, liên hệ hợp lí.
- Xác lập và trình bày hệ thống luận điểm có trình tự, lập luận chặt chẽ, lôgíc. Biết cách đưa dẫn chứng, chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu.
- Không diễn nôm ý văn, không sa đà vào kể lại truyện.
- Bố cục bài hoàn chỉnh. hợp lí.
- Diễn đạt trong sáng, rõ ràng, văn có cảm xúc.
- Dùng từ đặt câu chuẩn xác.
( Nếu không đảm bảo yêu cầu về kĩ năng thì không thể được điểm tuyệt đối ở các ý, GV tuỳ mức độ lỗi mà trừ điểm. Cần chú ý đến kĩ năng viết của HS, tránh đếm ý cho điểm) 
1,0
3,0
1,0
3,0
1,0
1,0
2,0

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_HSG_van_8_TT.doc