SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC ĐỀ CHÍNH THỨC KÌ THI CHỌN HSG LỚP 10, 11 THPT NĂM HỌC 2015-2016 ĐỀ THI MÔN: SINH HỌC 11 – THPT CHUYÊN Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề. (Đề thi gồm 2 trang) Câu 1 (1 điểm). Động lực vận chuyển các chất trong mạch gỗ (xilem) và mạch rây (phloem) ở cây thân gỗ khác nhau như thế nào? Tại sao mạch rây phải là các tế bào sống, còn mạch gỗ thì không? Câu 2 (1 điểm). a) Tại sao cây xanh khi thiếu một trong các nguyên tố nitơ (N), magiê (Mg), sắt (Fe) lá cây lại bị vàng? b) Cho một ví dụ minh họa ánh sáng liên quan trực tiếp đến quá trình trao đổi nitơ của cây xanh. c) Mưa axit là gì? Mưa axit ảnh hưởng đến cây xanh như thế nào? Câu 3 (1 điểm). Cho các chất sau: ADP, ATP, phốt phát vô cơ, NADP+, NADPH2, O2, H2O. a) Chất nào là chất tham gia, chất nào là sản phẩm lần lượt của quá trình phôtphorin hóa vòng và không vòng? b) Hai quá trình phôtphorin hóa vòng và không vòng, quá trình nào tiến hóa hơn? Vì sao? Câu 4 (1 điểm). a) Ở thực vật, phân giải kị khí có thể xảy ra trong những trường hợp nào? Nêu cơ chế để thực vật tồn tại trong điều kiện thiếu oxi tạm thời. b) Vì sao một số thực vật ở vùng đầm lầy có khả năng sống được trong môi trường thường xuyên thiếu oxi? Câu 5 (1 điểm). a) Người ta phải làm thế nào để giữ các bông hoa trong lọ hoa tươi được lâu? Tại sao? b) Nhằm tăng thêm sản lượng đường thu được trên cùng một diện tích trồng mía, người ta đã sử dụng giberelin có nồng độ thích hợp để phun lên cây mía. Giải thích cơ sở khoa học của việc áp dụng loại hoocmon này. Câu 6 (1 điểm). “Chất béo giả” olestra là một chất có hình dạng, mùi vị và hoạt động giống như chất béo thật nhưng cơ thể không thể tiêu hoá được nó. Nếu đưa chất này vào hệ tiêu hoá của người bình thường sẽ gây ra các hiện tượng gì? Vì sao? Câu 7 (1 điểm). Dựa vào hiểu biết về cơ chế điều hoà hô hấp, hãy trả lời các câu hỏi dưới đây: a) Vì sao một người có sức khỏe bình thường sau khi chủ động thở nhanh và sâu một lúc, người này lặn được lâu hơn? b) Việc thở nhanh và sâu trước khi lặn có thể gây ra nguy cơ xấu nào đối với cơ thể? Câu 8 (1 điểm). Một loài cá thuộc họ Channichthyidae sống ở vùng cực Trái Đất, nhiệt độ nước quanh năm là –1,9oC và nước giàu oxi. Loài cá này không có hemoglobin và mioglobin (vì vậy chúng còn được gọi là cá máu trắng) nên đã có một số điều chỉnh cốt lõi giúp chúng thích nghi với điều kiện sống trong nước lạnh. a) Hãy dự đoán có những điều chỉnh nào về lượng máu tuần hoàn, đường kính các mạch máu nhỏ và kích thước tim so với các loài cá có cùng kích cỡ khác không sống ở vùng cực Trái Đất. Những điều chỉnh đó có tác dụng gì? b) Tại sao loài cá này có tốc độ chuyển hóa thấp và máu hòa tan nhiều oxi? Câu 9 (1 điểm). a) Hai nơron cùng loại A và B có nồng độ Na+ ở dịch ngoại bào khác nhau, nơron B có nồng độ Na+ ở dịch ngoại bào cao hơn so với nơron A. Nếu kích thích hai nơron này với kích thích giống nhau thì độ lớn của điện hoạt động xuất hiện ở hai nơron có giống nhau không? Vì sao? b) Khí mêtylphôtphonofluoridic axit gây ức chế hoạt động của enzim axêtincôlin-esteraza ở màng sau xináp thần kinh cơ. Nếu hít phải khí này có nguy hiểm cho tính mạng không? Tại sao? Câu 10 (1 điểm). a) Một nhà khoa học muốn phát triển thuốc tránh thai cho nam giới bằng cách tác động lên tuyến yên. Thuốc tránh thai đó cần phải tác động lên loại hoocmôn nào của tuyến yên? Vì sao? b) Một phụ nữ bị rối loạn chức năng vỏ tuyến trên thận, dẫn đến tăng đáng kể hoocmôn sinh dục nam trong máu. Chu kì kinh nguyệt của bệnh nhân có điều gì bất thường không? Tại sao? -----------------Hết-------------- Thí sinh không được sử dụng bất cứ tài liệu nào. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm. Họ tên thí sinh: ............Số báo danh......... SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10, 11 CHUYÊN Năm học 2015 – 2016 HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: SINH HỌC 11 - CHUYÊN (hướng dẫn chấm gồm 03 trang) Câu Đáp án Điểm Câu 1 (1 điểm) - Động lực vận chuyển nước và muối khoáng trong mạch gỗ gồm ba lực: lực đẩy (áp suất rễ), lực hút do thoát hơi nước ở lá (lực chủ yếu), lực liên kết giữa các phân tử nước với nhau và với thành tế bào mạch gỗ. - Động lực vận chuyển của dòng mạch rây: sự chênh lệch áp suất thẩm thấu giữa cơ quan nguồn và cơ quan chứa, ngoài ra còn có vận chuyển tích cực. - Sự vận chuyển trong mạch rây là quá trình vận chuyển tích cực nên mạch rây phải là các tế bào sống. - Sự vận chuyển trong mạch gỗ không phải là vận chuyển tích cực. Do mạch gỗ là các tế bào chết, có tác dụng làm giảm sức cản của dòng nước được vận chuyển ngược chiều trọng lực trong cây. Đồng thời thành của những tế bào chết dày giúp cho ống dẫn không bị phá huỷ bởi áp lực âm hình thành trong ống dẫn bởi lực hút do thoát hơi nước ở lá. 0,25 0,25 0,25 0,25 Câu 2 (1 điểm) a) N, Mg là thành phần của Clorophin, Fe hoạt hoá enzim tổng hợp Clorophin do đó khi thiếu một trong các loại nguyên tố trên lá cây không tổng hợp đủ clorophin nên lá cây sẽ bị vàng. 0,25 b) Trong quá trình trao đổi N có quá trình khử NO3- với 2 bước: Bước (1) cần lực khử là NADH, bước (2) cần lực khử là FredH2, mà FredH2 thì hình thành trong pha sáng của quang hợp. 0,25 c) - Mưa axit là trong nước mưa có axit (axit nitric, axit sunfuric) do các nhà máy thải khí NO3- và SO42-, các oxit này kết hợp với nước mưa tạo thành axit trên. - Mưa axit ảnh hưởng gián tiếp (không mưa vào cây) làm cho đất chua à các ion khoáng bị rửa trôi và ảnh hưởng trực tiếp (mưa vào cây) làm lá cây bị hỏng. 0,25 0,25 Câu 3 (1 điểm) Tiêu chí Photphorin hóa vòng Photphorin hóa không vòng Chất tham gia ADP, P vô cơ ADP, P vô cơ, NADP, H2O Sản phẩm ATP ATP, NADPH2, O2 a) 0,25 0,25 b) - Photphorin hóa không vòng là tiến hóa hơn. - Vì nó xảy ra ở thực vật, tảo sử dụng cả hai hệ thống quang hóa nên cho sản phẩm phong phú hơn. 0,25 0,25 Câu 4 (1 điểm) a) - Khi rễ cây bị ngập úng, hạt ngâm trong nước hay cây trong điều kiện thiếu oxi. - Có, lúc đó thực vật thực hiện hô hấp kị khí. Gồm đường phân và lên men. b) Một số thực vật có đặc điểm thích nghi: - Hệ rễ ít mẫn cảm với điều kiện kị khí, không bị độc do các chất sản sinh ra trong điều kiện yếm khí. - Trong thân và rễ có hệ thống gian bào thông với nhau dẫn oxi từ thân xuống rễ. Rễ mọc ngược lên để hấp thụ oxi không khí như rễ thở ở sú, vẹt, mắm... 0,25 0,25 0,25 0,25 Câu 5 (1 điểm) a) Người ta có thể làm cho hoa tươi lâu bằng cách: - Phun dung dịch cytokinin lên cành hoa để ngăn cản sự lão hoá các bộ phân của cây, đặc biệt làm chậm sự phân giải diệp lục của lá nên lá trông vẫn xanh tươi hơn so với khi không xử lý hooc môn. Cytokinin làm chậm sự lão hoá bằng cách ức chế sự phân giải prôtein, kích thích tổng hợp ARN và prôtêin. - Trước khi cắm hoa vào lọ, chúng ta cần cắt ngầm trong nước một đoạn ở cuối cành hoa nơi có vết cắt rồi sau đó cắm ngay vào lọ nước. Điều này là cần thiết vì khi cắt hoa khỏi cây, do sự thoát hơi nước của lá vẫn tiếp diễn sẽ kéo theo các bọt khí vào trong mạch gỗ vì thế nếu ta để nguyên cành hoa mua từ chợ về mà cắm ngay vào lọ nước thì dòng nước trong mạch gỗ sẽ bị ngắt quãng bởi các bọt khí nên cành hoa nhanh héo. 0,25 0,25 b) Ứng dụng của giberelin trong trồng mía - Cây mía tích trữ hidratcacbon ở dạng đường (saccarôzơ) trong không bào trung tâm của các tế bào mô mềm ở thân cây. - Phun giberelin ở nồng độ và các thời điểm phù hợp sẽ thúc đẩy sự phân chia ở mô phân sinh làm tăng số lượng tế bào và kích thích sinh trưởng giãn theo chiều dọc của các tế bào ở thân, dẫn đến làm tăng thêm độ dài gióng thân cây mía àtăng sản lượng thân cây. 0,25 0,25 Câu 6 (1 điểm) - Vì chất này là “chất béo giả” nên khi di chuyển trong hệ tiêu hoá nó không bị hấp thu nhưng lại làm tăng nhu động ruột gây tốn khá nhiều năng lượng do tiêu hoá cơ học trong khi nó không tạo ra năng lượng. - Chất béo giả hấp thụ các vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K) làm cho cơ thể không hấp thụ được những vitamin này, do đó cơ thể sẽ bị thiếu vitamin. - Chất béo giả làm giảm các hợp chất tiền vitamin trong cơ thể nên cũng gây thiếu vitamin. - Chất béo giả gây tiết dịch tiêu hoá lớn hơn bình thường làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tiết dịch. 0,25 0,25 0,25 0,25 Câu 7 (1 điểm) a) Chủ động thở nhanh và sâu làm giảm hàm lượng CO2 trong máu do vậy chậm kích thích lên trung khu hô hấp. b) - Sau khi thở nhanh và sâu thì hàm lượng O2 trong máu không tăng lên. - Khi lặn thì hàm lượng O2 giảm thấp dần cho đến lúc không đáp ứng đủ O2 cho não, trong khi đó hàm lượng CO2 tăng lên chưa đủ mức kích thích lên trung khu hô hấp buộc người ta phải nổi lên mặt nước để hít thở. - Không đáp ứng đủ O2 cho não gây ngạt thở và có thể gây ngất khi đang lặn. 0,25 0,25 0,25 0,25 Câu 8 (1 điểm) a) - Lượng máu tuần hoàn lớn giúp hòa tan được nhiều ôxi. - Đường kính các mạch máu nhỏ là khá lớn có tác dụng giảm sức cản đối với dòng máu chảy, nhờ vậy giúp máu chảy nhanh đến các mô. - Kích thước tim lớn giúp tăng được lưu lượng máu, cung cấp được nhiều máu cho các mô. 0,25 0,25 0,25 b) - Do cá là động vật biến nhiệt, nước lạnh làm giảm tốc độ chuyển hóa và máu cá lạnh hòa tan được nhiều O2. 0,25 Câu 9 (1 điểm) a) - Độ lớn của điện hoạt động xuất hiện ở hai nơron khác nhau. - Chênh lệch nồng độ Na+ở nơron B cao hơn nơron A nên khi bị kích thích Na+ đi vào trong nơron B nhiều hơn làm bên trong trở nên dương hơn vì thế độ lớn của điện hoạt động xuất hiện ở nơron B lớn hơn. 0,25 0,25 b) - Do enzim axetincolin-esteraza bị ức chế nên axetincolin không bị phân huỷ ở màng sau xináp. - Axêtincôlin liên tục kích thích lên cơ thể, gây co cơ liên tục, cuối cùng gây liệt cơ, có thể gây ra tử vong. 0,25 0,25 Câu 10 (1 điểm) a) - Thuốc ức chế tiết FSH, vì FSH kích thích ống sinh tinh sản sinh tinh trùng. - Còn nếu ức chế LH sẽ giảm kích thích lên tế bào Lêyđich dẫn đến giảm sản sinh testosteron. Ức chế TSH làm giảm kích thích tuyến giáp, giảm tiroxin. 0,25 0,25 b) - Không có kinh nguyệt, nguyên nhân là do hoocmôn sinh dục nam ức chế vùng dưới đồi gây giảm tiết GnRH, ức chế tuyến yên gây giảm tiết FSH và LH. - Kết quả là không đủ hoocmôn kích thích lên buồng trứng và làm giảm hoocmôn buồng trứng, gây ra mất kinh nguyệt. 0,25 0,25 -----------------Hết--------------
Tài liệu đính kèm: